Du ký lang thang một mình một ngựa sắt qua cung đường Thượng Du Bắc Việt : Sa Pa – Y Tý – Ngả 3 sông Lũng Lô và sông Hồng – Lào Cai.
Bài số 3 . Những ngày ở Lào Cai , thành phố biên giới .
Lần đầu được đến Lào Cai là dịp gần đến Noel năm 1998 , thời tiết nắng ráo đẹp tuyệt vời và đến trong chuyến đi Sài Gòn – Huế – Hà Nội – Điện Biên Phủ – Lai Châu – Sa Pa – Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội bằng chiếc xe máy cũ nát bét của Liên Xô , xe Tula 200cc .
Khi đó đã có quy chế sổ thông hành để qua Hà Khẩu bên Tàu nhưng phải chờ đến mấy ngày mới nhận được sổ nên bà chủ nhà nghỉ hỏi là có thích đi qua Hà Khẩu bên Tàu chơi không ? Không có sổ thông hành thì đi bằng “Chuyến đò Vĩ tuyến” qua sông Nậm Thi , con sông ngăn cách 2 nước Ta và Tàu .
Và cũng có nhiều người không chờ được vài ngày nên phải đi ẩu đi trái phép bằng đường vượt biên qua sông . Nên nhớ là tại thời điểm tháng 12 năm 1998 , Ta và Tàu đã giao lưu hữu hảo , buôn bán vui vẻ nên chuyện vượt biên giới trái phép như vậy chỉ là chuyện nhỏ , nhà chức trách 2 nước đều làm ngơ !
Vậy là mình được qua Tàu lần đầu tiên bằng “Chuyến đò Vĩ tuyến” , không lén lút vào đêm khuya mà đi giữa thanh thiên bạch nhật , nhưng phải hẹn trước giờ cho chính xác để đò đến chờ , đưa về Lào Cai . Sẵn có một nhóm mấy bạn trẻ từ Sài Gòn ra Lào Cai chơi , ở cùng nhà nghỉ nên hai mẹ con bà chủ dẫn tụi mình qua Hà Khẩu chơi .
Ai có sổ thông hành như mẹ con bà chủ nhà nghỉ thì dùng đường chính thức , đi bộ qua cầu Hữu Nghị rồi cửa khẩu bên Hà Khẩu – Tàu . Những người không có sổ thông hành thì được đò nhỏ đưa sang sông .
Qua bên Tàu thấy cái gì cũng mới cũng lạ , gặp cảnh buôn bán tấp nập . Nhiều người Việt Nam có cửa hàng có công ty bên Hà Khẩu làm ăn khấm khá rất đáng mừng . Đang dùng bữa trưa , chắc thấy nhóm tụi mình ăn nói rổn rảng quá và lại nói bằng giọng trong Nam nên có người đàn ông tới bắt chuyện vui vẻ và nói bằng . . . tiếng Việt !
Thế là quen nhau , anh là Hoa Kiều ở Chợ Lớn – Sài Gòn , bị vụ nạn kiều trong những năm sau 1975 nên phải rời Sài Gòn lưu lạc qua Tàu rồi trụ lại ở Côn Minh và Hà Khẩu . Anh tên là Lý Quang Trường , cùng tuổi và chỉ lớn hơn mình vài tháng thôi , anh nhận làm anh em làm mình thấy như đang lọt vào chuyện của tiểu thuyết Tàu , thường “chịu nhau” là kết anh em với nhau .
Anh Trường hỏi là qua đây có sổ thông hành hay không có sổ thông hành ? Nếu có thì hôm nay phải quay về Lào Cai cho đúng luật vì thời gian đó chưa cho ở lại đêm bên Hà Khẩu . Còn nếu không có sổ thông hành thì cứ ở lại Hà Khẩu chơi , ngày mai hay khi nào về cũng được , nếu muốn thì đi với anh lên Côn Minh chơi !
Nghe thì máu phiêu lưu nổi lên rần rần nhưng đi gần 500km lên đến Côn Minh thì xa quá nên mình chọn phiêu lưu vừa vừa thôi . Thế là ở lại Hà Khẩu , hai anh em đi ăn bữa tối , chuyện trò tâm sự râm rang đủ thứ chuyện trên đời , rồi còn rượu chè ca hát nữa rất vui , kỷ niệm không bao giờ quên . Cảm ơn anh Lý Quang Trường rất nhiều !
Hôm sau , từ biệt nhau , hai anh em có trao đổi địa chỉ với nhau nhưng địa chỉ của anh Lý Quang Trường toàn ghi bằng tiếng Tàu nên rất tiếc là anh em không liên lạc với nhau được . Mình viết những giòng này với những lời cảm ơn từ đáy lòng , đăng mấy tấm hình cũ của tháng 12 năm 1998 , mong có duyên để được gặp lại cố nhân .
Nhà nghỉ khi xưa cũng không còn nữa , có còn chăng chỉ là những kỷ niệm đẹp của 24 năm về trước .
Xin về với Lào Cai của ngày hôm nay .
Hôm trước đã kể chuyện không vui , than phiền về trạm xăng đểu ở thị trấn Trịnh Tường , bơm 10 lít rưỡi mà tính gian lận thành 12 lít xăng . Bây giờ xin được kể một chuyện vui chuyện tốt , coi như bù cho chuyện xấu đã chứng kiến trên hành trình , chứ không thì các bạn nói sao mình toàn kể chuyện tiêu cực chuyện xấu , không chịu giống như nhiều người khác lúc nào cũng : “Việt Nam , ôi quê hương ngạo nghễ” hoặc “Tổ quốc Ta đẹp tuyệt vời” hay là “Tự hào quá , Việt Nam” v. . . v. . . để rồi cùng nhau tự huyễn hoặc , cùng nhau trèo lên ngự trị trên “Đỉnh cao của trí tuệ loài người” .
Chuyện vui mình muốn kể đây là chuyện khách sạn nơi mình lưu lại vào những dịp đến thành phố Lào Cai trong nhiều năm vừa qua . Không nói đến những khách sạn nhiều sao , đây mình chỉ nói về những khách sạn nhà nghỉ hạng thường , giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng cho phòng đơn một giường , sạch sẽ đầy đủ tiện nghi , máy lạnh , nước nóng .
Hơn 20 năm trước , mình thích ở bên sông Hồng ngay ngả 3 nơi sông Nậm Thi chảy vào sông Hồng . Buổi sáng được ra ngoài công viên bờ sông , ngay trước khách sạn , nhìn ngắm ngả 3 sông Nậm Thi và sông Hồng . Đứng trên đất Việt Nam , trước mặt là sông Nậm Thi , biên giới thiên nhiên của Ta và Tàu theo chiều ngang , chiều Đông – Tây . Phía tay trái , phía bắc – hữu ngạn sông Nậm Thi là nước Tàu và bên tay phải – tả ngạn sông Nậm Thi là nước Việt Nam . Cảm nhận rất là thú vị .
Có một lần , khách sạn nơi ngả 3 sông không còn phòng nên mình lang thang và tình cờ may mắn tìm được một khách sạn ở đường Sơn Tùng , gần chợ Cốc Lếu , coi như trung tâm phố xá và cũng bên sông Hồng . Từ đây ta có thể đi dạo bộ loanh quanh ở khu vực chợ Cốc Lếu – nhà thờ Thiên Chúa – sông Hồng – sông Nậm Thi – cầu Biên giới – đền Thượng rất thuận tiện .
Hài lòng nên những năm gần đây , mỗi khi ghé thành phố Lào Cai mình đều chọn khách sạn này . Nói ra thì khôi hài nhưng đại đa số chủ khách sạn với qui mô nhỏ ở Việt Nam thường là những người hình như rất ít đi du lịch nên khi xây khách sạn nhà nghỉ thì thiết kế rất tệ .
Tiện nghi du khách cần thì không có , cái mà du khách hoàn toàn không cần thì lại tốn nhiều tiền để sắm nó . Lúc ông chủ bà chủ khách sạn có rủng rỉnh tiền bạc , đi du lịch nơi này nơi kia thì chắc biết là khách sạn của mình đã bị mình xây và thiết kế cũng như trang trí nội thất sai bét , nhưng lúc đó đã muộn rồi !
Bi kịch này cũng giống như đi Dancing để khiêu vũ thì mình thường gặp mấy anh trưởng ban nhạc là những người không hề thích hoặc không biết khiêu vũ nên nhạc chơi không được khách trên sàn nhảy hài lòng .
Nơi mình ở chỉ là nhà nghỉ thuộc dạng “Gia đình trị” , qui mô chỉ mười mấy phòng , được thiết kế không lộng lẫy dư thừa nhưng có đầy đủ những thứ khách cần , sạch sẽ yên lặng và mọi vật dụng được giữ gìn bảo trì rất tốt . Sau nhiều năm mà những trang thiết bị vẫn đang ở trong tình trạng rất tốt . Có chỗ rộng rãi để xe máy , bây giờ còn có cả thang máy . Ông bà chủ và nhân viên rất thân thiện . Giá phòng dễ chịu và sau bao nhiêu năm vẫn không chịu tăng .
Xét qua nhiều yếu tố thì theo chủ quan , mình đánh giá khách sạn “của mình” ở Lào Cai được điểm 9/10 . Được hài lòng với nơi mình nghỉ trọ trên đường thiên lý cũng là một điểm cộng , làm cho hành trình thêm thoải mái và hấp dẫn . Rất tiếc là những khách sạn nhà nghỉ được điểm cao như thế này rất hiếm thấy trên những chuyến đi mà mình đã trải qua ở Việt Nam .
Lào Cai là thủ phủ của tỉnh cùng tên , cách Hà Nội 290km về hướng tây bắc , dân số khoảng 130.000 người . Phố xá trải dài theo sông Hồng , chảy theo hướng tây bắc – đông nam . Bên tả ngạn sông Hồng , nơi có nhà ga xe lửa , là khu phố đã tồn tại từ xưa , được gọi là Lão Nhai – Phố Cổ , theo ngôn ngữ ở vùng này , lâu ngày đọc dần thành Lào Cai . Bên hữu ngạn sông Hồng là một khu vực bằng phẳng , xưa kia có nhiều cây gạo to cao nở hoa đỏ rực bên sông vào mùa xuân , gọi là Gốc cây Gạo – Cốc Réo bằng tiếng địa phương , rồi dần dần biến thành Cốc Lếu như bây giờ .
Thế cho nên có câu ca dao :
Ai xui tôi đến nơi đây ,
Bên kia Cốc Lếu , bên này Lào Cai .
Hai con sông chảy qua thành phố Lào Cai : Sông Hồng và sông Nậm Thi . Sông Nậm Thi phát nguyên từ Mường Khương – Việt Nam , chảy theo hướng bắc – nam , đến địa phận thành phố Lào Cai thì sông chảy theo hướng đông bắc – tây nam và là biên giới thiên nhiên của Ta và Tàu . Ta nằm bên tả ngạn – phía nam , và Tàu ở bên hữu ngạn – phương bắc . Tại thành phố Lào Cai , sông Nậm Thi chảy vào sông Hồng tạo thành một Ngả 3 Biên Giới trên sông . 1/4 của Ngả 3 này , mảnh đông bắc nằm trên đất Tàu , 3/4 còn lại nằm trên đất của Ta .
Chắc không có ai ngờ được là đại tướng Võ Nguyên Giáp và thủ tướng Phạm Văn Đồng , lúc còn trẻ đã vượt biên trái phép qua con sông Nậm Thi này , ngay trong địa phận thị xã Lào Cai khi đó .
Tháng 5 năm 1940 , Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là thầy giáo dạy môn sử ở trường tư thục Thăng Long – Hà Nội . Một đêm mùa hè năm 1940 , bên hồ Tây trên đường Cổ Ngư – Hà Nội , ông bịn rịn giã từ người vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng chưa đầy năm , lên đường đi làm Cách Mạng . Ông đâu có ngờ được rằng , đó là lần gặp gỡ cuối cùng với vợ ông , bà Nguyễn Thị Quang Thái , người em ruột của bà Nguyễn Thị Minh Khai – nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn giữa thập niên 1930 .
Sau đó ông và Phạm Văn Đồng bí mật lên Lào Cai , trong đêm tối vượt biên giới nơi sông Nậm Thi – Lào Cai để qua Hà Khẩu – Tàu và tiếp tục tìm đường lên Côn Minh – Vân Nam , gặp Ông Hồ Chí Minh lần đầu trên con thuyền nhỏ ở Thúy Hồ – Côn Minh tháng 6 năm 1940 .
Xin được quay trở về với Lào Cai của cuối năm 2022 .
Từ Ngả 3 sông Nậm Thi và sông Hồng ngược lên thượng nguồn , sông Hồng là biên giới thiên nhiên của Tàu và Ta . Từ Ngả 3 sông Nậm Thi và sông Hồng về hạ nguồn , sông Hồng hoàn toàn lững lờ trên đất Việt Nam thêm 430km nữa rồi gặp Biển Đông ở vịnh Bắc Bộ .
Trước dịch Covid , người có căn cước Việt Nam có thể nhờ khách sạn hoặc những công ty du lịch tại địa phương , chỉ trong 1 ngày đã làm xong cho ta sổ thông hành biên giới . Sổ này giống như hộ chiếu nhưng đơn giản hơn , xộc xệch hơn nhưng lại . . . tốn nhiều lệ phí hơn hộ chiếu !
Với sổ thông hành này các bạn có thể đi bộ vượt cầu sông Nậm Thi , tên chính thức là cầu Hữu Nghị , để qua thành phố Hà Khẩu bên Tàu chơi . Thường thì du khách chỉ đi trong ngày , muốn ở qua đêm bên Tàu cũng được nhưng sổ thông hành chỉ cho phép loanh quanh trong khu vực gần biên giới thôi , không được phép vào sâu trong nội địa .
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu rất lớn , số lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước Ta và Tàu nhiều vô số , cảnh buôn bán nhộn nhịp sầm uất . Rất nhiều người Việt Nam qua Hà Khẩu thành lập công ty , làm ăn rất thành công . Đi đâu cũng thấy phe Ta và nghe tiếng Việt gọi nhau ơi ới trong những khu chợ thường được đặt tên như Biên cương mậu dịch .
Nhà nước Trung Cộng có chiến lược là tạo điều kiện dễ dàng cho người dân họ được buôn bán , nhất là xuất khẩu hàng ở vùng biên giới . Thậm chí còn ưu đãi trong chuyện cho vay để dân chúng đến những vùng biên giới xa xôi xây nhà , lập nghiệp , hòng làm phên dậu giữ gìn biên cương bờ cõi .
Mấy năm nay vì có dịch Covid và Trung Cộng đã rất lúng túng trong việc áp dụng chính sách Zero Covid , bế quan tỏa cảng khắp các vùng biên giới , không giao thông không giao thương không giao lưu gì cả với các nước hàng xóm nên đã ảnh hưởng nặng nề đến chuyện buôn bán chuyện đời sống kinh tế của cư dân cả hai nước sống ven biên giới .
Không qua Tàu thì đi dạo chơi trên đất nước chúng ta với muôn vàn địa điểm đáng để ghé thăm . Đã cỡi ngựa sắt trên đường dài nên mỗi khi đến những nơi ghé lại nghỉ ngơi mình thường chọn khách sạn nhà nghỉ ở gần trung tâm phố phường , gần chợ gần sông nước , gần chốn phồn hoa đô hội để không dùng đến xe máy và được đi bộ cho giãn gân cốt .
Bạn nào có thời giờ và đôi chân còn tốt có thể dạo bộ trên những công viên dọc hai bên sông Hồng hoặc lang thang trong phố , len lỏi qua những con đường nho nhỏ nối đại lộ Hoàng Liên Sơn với bờ hữu ngạn sông Hồng hoặc loanh quanh gần khu nhà ga xe lửa ở khu phố đường Nguyễn Huệ bên tả ngạn sông Hồng .
Nếu bạn đi hướng cửa khẩu – cầu xe lửa – sông Nậm Thi bạn sẽ đến Đền Thượng , địa điểm tham quan không nên bị bỏ quên khi đến Lào Cai .
Đền Thượng có tên Thánh Trần Từ , được xây dựng vào thời vua Lê cuối thế kỷ 17 , thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn . Đền tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu , nhìn xuống sông Nậm Thi và hiên ngang ngạo nghễ nhìn thẳng qua bên Tàu , cách cửa khẩu quốc tế của Ta và Tàu chỉ chừng 500m .
Cạnh đền , lưng chừng đồi có một cây đa đã trên 300 năm tuổi , cao 36m chu vi tới 44m và có rất nhiều rễ phụ , đường kính hơn cả gang tay . Phía sau đền , lên cao hơn một tí , có bia đá khắc ghi sự tích ngôi đền và công lao của Hưng Đạo Đại Vương .
Từ Đền Thượng , đi ven sông Nậm Thi 300m ta sẽ gặp cầu xe lửa của tuyến đường Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh ở Km 296 của đường sắt , bắc qua sông Nậm Thi .
Như nhạc sĩ Phạm Duy kể lại : “Tôi soạn ra bài Bên cầu biên giới khi cùng người đẹp đứng cạnh chiếc cầu phân chia biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa” . Nếu như vậy thì cầu biên giới trong nhạc phẩm phải là cầu xe lửa vì khi đó chỉ có cầu này nối từ Việt Nam qua Trung Hoa trên sông Nậm Thi . Còn cây cầu thứ hai là cầu Cốc Lếu nối hai bờ sông Hồng , nằm hoàn toàn trên đất Việt Nam .
Toàn quốc đang thi hành tiêu thổ kháng chiến nhưng lúc Phạm Duy đến Lào Cai năm 1947 thì thị xã vẫn còn nguyên vẹn . Nhà cửa xây theo kiểu Tàu trên những con phố nhỏ . Đường xá là những con dốc khuất khuỷu đắm chìm trong sương sớm . Phạm Duy đang là nhân viên của đoàn Văn Nghệ Giải Phóng , đi từ Yên Bái đến đây nhận công tác mới . Bất ngờ ông gặp nhạc sĩ Văn Cao và vài người bạn khác . Văn Cao vừa khai trương phòng trà Quán Biên Thùy , bề ngoài là khiêu vũ trường nhưng bên trong là một cơ sở tình báo của Việt Minh .
Phạm Duy xếp “Bên cầu biên giới” vào loại “Tình ca giang hồ” . Cũng vì nhạc phẩm này khiến cho ông bị hội văn nghệ kháng chiến phê bình chỉ trích nặng nề vì chất chứa “tính chủ quan không thể chấp nhận , tính ủy mị và tiểu tư sản” .
Nhạc sĩ đàn anh là Nguyễn Xuân Khoát đã nói với ông như sau : “Đoàn thể cử tao nói cho mày biết . Là mày đã được kết nạp . Mày sẽ được cử đi Moskva . Mày sẽ được ông cụ gắn cho một huân chương chiến sĩ . Nhưng có điều kiện . Mày phải bỏ cái tính “chơi” của mày đi . Mày phải khai tử bài hát Bên cầu biên giới . Và nếu xuất ngoại thì Thái Hằng phải ở lại . Một mình mày đi thôi . Về suy nghĩ . Mấy hôm nữa , trả lời tao” .
Và như chúng ta đã biết , nhạc sĩ Phạm Duy đã không nhận huân chương của ông cụ , không đi du học Moskva , không mơ màng đến chuyện xin gia nhập đảng Cộng Sản và không chịu khai tử nhạc phẩm Bên cầu biên giới .
Ông đã rời chiến khu , gởi mấy năm kháng chiến hào hùng về miền quá khứ , cùng ca sĩ Thái Hằng , người vợ mới cưới – người mơ của ông , trở về Hà Nội và ngay sau đó chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1951 , để lại cho đời một di sản âm nhạc vô cùng quí giá !
Trong hồi ký , Phạm Duy tâm sự : “Một bài hát , theo tôi , nếu nó có may mắn được hát lên trong một thời kỳ nào đó thì đời của nó cũng chẳng khác chi một đời hoa , sớm nở tối tàn , có gì đâu mà quan trọng hóa đến độ phải treo cổ nó lên” .
Bài hát còn nói lên tâm trạng của chàng nhạc sĩ trẻ về biên giới trong lòng người , giữa hòa bình và chiến tranh , giữa cái tốt và cái xấu , giữa ở lại với cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ hay trở về thành phố yên bình êm ấm vì :
Đời tôi sao vẫn còn biên giới !
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây .
Ôi giòng tóc êm đềm , ôi bể mắt đắm chìm .
Đời phong sương cũ , chỉ là thương nhớ .
Mộng bền năm xưa , chỉ là mơ qua .
Xin được rời Bên cầu biên giới năm 1947 để về với Lào Cai mùa Đông cuối năm 2022 .
Bên Ta dùng đường xe lửa rộng 1.000mm nhưng từ lâu bên Tàu đã thiết kế xây dựng toàn bộ mạng lưới đường sắt với kích thước giống như châu Âu là rộng 1.435mm . Đoạn đường xe lửa từ Lào Cai – Hà Khẩu bên sông Hồng vượt qua 465km , được người Pháp đầu tư xây dựng vào đầu thế kỷ 20 , với nhiều núi cao vực sâu , qua hàng trăm cây cầu trên cao , qua hàng trăm hầm xuyên núi để rồi đến thành phố Côn Minh xinh đẹp , thủ phủ của tỉnh Vân Nam ở độ cao gần 1.900m .
Đây thực sự là một trong vài tuyến đường sắt độc đáo nhất trên thế giới , hùng vĩ và đẹp như trong truyện cổ tích . Được đi trên tuyến đường sắt huyền thoại này là mơ ước của khách du lịch .
Chỉ cách cầu xe lửa khoảng 200m là Đền Mẫu . Đền có từ thế kỷ 18 , chính là thờ Công chúa Liễu Hạnh , sau này có thờ thêm các vị khác nữa như : Ngọc Hoàng Thượng Đế , Hoàng Bảy , Hoàng Mười , Quan Lớn Thủ Đền , Bà Đệ Nhị Sơn Trang .
Đến viếng Đền Mẫu các bạn được tham quan nhiều thứ :
– Ngay cạnh đền là công viên có Cột Mốc Biên Giới 102 .
– Đứng ngay Cột Mốc 102 , khách có được cái nhìn toàn cảnh : Trước mặt mình , phương bắc với nhiều tòa nhà dãy nhà to lớn là thành phố Hà Khẩu . Bên tay phải , phía thượng nguồn sông Nậm Thi là cầu xe lửa . Xa xa hơn một tí , cũng về hướng thượng nguồn là nơi 2 ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đã vượt biên trái phép để đi theo tiếng gọi của con tim , vào một buổi tối mùa hè tháng 5 năm 1940 .
– Bên tay trái , phía hạ nguồn sông Nậm Thi là cây cầu Hữu Nghị , và cũng là Km 198 , điểm cuối cùng của quốc lộ 70 kéo dài từ Đoan Hùng – Phú Thọ đến cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu .
– Không xa nơi cây cầu Hữu Nghị là Ngả 3 , nơi sông Nậm Thi hợp lưu với sông Hồng .
Nếu để ý ta sẽ thấy phía bên Tàu đã dùng “Tương kế tựu kế” . Trong thời gian mấy năm vừa qua , khu vực này bị bế quan tỏa cảng , tất cả đều bế tắt vì bị chính sách Zero Covid . Bên đó đã cho phá dỡ nhiều cao ốc cũ kỹ nhiều dãy nhà cũ kỹ ngay khu vực cửa khẩu , và đang xây dựng gần xong những trung tâm thương mại “Đàng hoàng hơn , to đẹp hơn” .
Buổi chiều nắng đẹp , mình lấy xe máy đi lòng vòng và phải giật mình vì thành phố Lào Cai được mở rộng theo nhiều hướng . Hướng bắc lên đến cửa khẩu to lớn với cây cầu Kim Thành bắc qua sông Hồng nối 2 nước Ta và Tàu .
Hướng tây nam đi lên Sa Pa cũng nhộn nhịp với những công trình xây dựng làm rộng đường xá . Xuôi theo sông Hồng về hướng đông nam đã có những đường ven sông với bờ kè kiên cố và những khu dân cư mới nhưng chắc giá đất đắt quá nên thấy còn trống vắng lắm .
Mê mải lang thang vòng vèo trong những khu dân cư mới thành lập nên lúc quay về chợ Cốc Lếu nơi mình ở thì mặt trời đã lặn sau dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ , hoàng hôn đã buông xuống từ lâu và phố đã lên đèn .
Bài viết đến đây đã quá dài , xin được ngừng bút . Kỳ tới sẽ kể chuyện lên Cao Nguyên trắng , và vì sao là gọi là trắng ? Có dính líu gì tới Heroin – Bạch phiến không ? Xin xem hồi sau sẽ rõ , trong truyện Tàu gọi là “Hạ hồi phân giải” .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: