Du ký lang thang một mình một ngựa sắt qua cung đường Thượng Du Bắc Việt : Sa Pa – Y Tý – Ngả 3 sông Lũng Lô và sông Hồng – Lào Cai : 175km .
Bài số 2. Chặng đường từ thị xã Sa Pa đi đến Y Tý : 70km .
Từ Sa Pa có đường tỉnh 155 qua Ngả 3 Bản Xèo , chợ Mường Hum để tới Y Tý . Trước tiên , rời Sa Pa chúng ta đi về hướng tây , theo quốc lộ 4D hướng Thác Bạc , Lai Châu .
Đường này đưa ta đến địa điểm du lịch Thác Bạc , cách Sa Pa chỉ 12km . Bên phải là núi cao đồ sộ , bên trái là vực sâu thăm thẳm , xa xa là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với đỉnh Fan Si Pan cao 3.143m , hiện nay đã được dễ dàng chinh phục bằng . . . cáp treo !
Bên đường , nhiều quán café , nhà hàng , nhà nghỉ có giàn dựng thêm một số tiểu cảnh hình trái tim , hình cánh tay vàng như ở trên đỉnh Bà Nà – Đà Nẵng , cầu thang vô cực , ghế xích đu có vòng hoa như trong phim trường để phục vụ du khách chụp hình quay phim với hậu trường là những đỉnh núi cao chót vót của dãy Hoàng Liên Sơn sau lưng diễn viên .
Km 8 – Ngả 3 đi Bản Xèo . Trên đường , tài xế nên chú ý phía bên phải vì ngả 3 này nằm tương đối hơi khuất và đường hẹp , bảng chỉ đường thì nhỏ xíu , khó mà thấy được . Đây là nơi ta bắt đầu rời quốc lộ 4D và quẹo phải , vào tỉnh lộ 155 .
Các bạn thích đi “săn mây” thì tha hồ được gặp mây ở những cung đường cao chất ngất như lộ trình Sa Pa – Y Tý – Ngả 3 Lũng Pô này . Mây xuất hiện khắp nơi , nhất là trong những ngày không có nắng , khí hậu ẩm ướt nhiều sương mù . Mây trắng xóa như bông vải , vắt ngang những dãy núi trước mắt trên đường ta đi , nhiều lúc chúng ta còn đứng cao hơn những tầng mây dày đặc đang lững lờ trong thung lũng ở ngay dưới chân mình .
Nhiều bạn nhìn mây khắp nơi chung quanh mình , chắc sẽ liên tưởng đến nhạc phẩm Tuyết trắng của ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh :
Vượt cao vút cao , mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần .
Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương . . .
Km 36 – Ngả 3 Bản Xèo . Đây là ngả 3 lớn và độ dốc rất gay gắt : Đi về phía tay phải , lối xuống dốc , ta sẽ dần dần xuống thị trấn Vược – Bát Xát cạnh sông Hồng . Đi về phía trái , lối lên dốc , ta sẽ tiếp tục leo núi và đi về hướng Mường Hum theo quốc lộ 158 . Chung quanh ta và xa xa đều là những ngọn núi cao ngất ngưỡng của Lào Cai và Lai Châu . Phong cảnh và khí hậu không khác gì đang đi trên đất nước Thụy Sĩ trên dãy Alpes bên châu Âu .
Km 43 – Mường Hum . Lần này đối với mình , Mường Hum có nhiều thay đổi . Đã có thêm vài khách sạn , nhà trọ . Vài con đường mới được xây dựng thêm . Cây cầu sắt cũ nhỏ bé – ọp ẹp – già nua vẫn còn đó nhưng nơi đây đã có thêm cây cầu mới , to rộng bằng bê tông vững chắc qua suối Mường Hum .
Tỉnh lộ 155 từ Sa Pa đến Ngả 3 Bản Xèo đã xấu mà tỉnh lộ 158 từ Bản Xèo đi Mường Hum và Y Tý còn xấu gấp nhiều lần . Năm 2015 và năm 2018 mình đã có dịp đi từ Y Tý về Sa Pa , vào thời điểm đó 2 tỉnh lộ này vẫn còn “đi được” nhưng giờ đây thì cả đoạn đường từ Sa Pa đi Y Tý đã bị hư hỏng nặng nề , xe cộ lưu thông rất vất vả và tốc độ chậm thấy rõ .
Km 70 – Y Tý . Lần đầu đến Y Tý , mình ở tại Homestay ngay dốc đầu con đường đi đến cây cầu Thiên Sinh . Homestay ở tầng 2 , và tầng trệt – ngoài bắc gọi là tầng 1 , là quán ăn nên tương đối thuận tiện trong việc ăn ngủ .
Lần này , Homestay và quán ăn đã biến mất vì nằm trong diện tích phải di dời để mở đường xuống thung lũng cho rộng thêm . Nhà nghỉ của cô chủ trẻ ngay trước cổng chợ , nơi mình đã có lần lưu lại một đêm cũng không còn nữa , hiện nay chỉ dùng để buôn bán hàng tạp hóa và để ở .
Những Homestay , nhà nghỉ ở Y Tý nằm rải rác xa nhau và xa chợ nên chuyện ăn uống cho khách rất bất tiện . Thấy gần chợ có mấy hàng quán bán đồ ăn nên mình quyết định lấy phòng ở một khách sạn mới xây , chỉ cách chợ chưa đến một trăm thước .
Bà chủ khách sạn là người dân tộc H’ Mông tại địa phương , cô con dâu lại là người dân tộc Thái ở Than Uyên – Lai Châu . Khách sạn không là nhà sàn của người H’ Mông hoặc người Thái mà được xây dựng theo kiến trúc phố phường của người Việt – Kinh , chắc rẻ hơn , dễ thiết kế có nhiều tiện nghi và dễ bảo trì hơn .
Y Tý nằm gần biên giới Việt Nam – Trung Cộng . Cầu biên giới Thiên Sinh chỉ cách chợ Y Tý 10km nên hàng tiêu dùng của Tàu tràn lan qua bên ta nhiều lắm . Phòng trọ có cửa kính to , vừa ngồi uống café sữa nóng vừa ngắm mây trắng giăng mắc khắp nơi ở thung lũng ngay dưới chân khách sạn .
Giá phòng ở đây bằng với giá ở phố Cũ Hà Nội nhưng phòng rộng gấp 2 lần và tiện nghi đầy đủ , thậm chí có phần hơn : Nệm có lót mền điện để trong những ngày giá rét , nệm được ủ ấm bằng điện . Trong phòng tắm có trang bị đèn vừa thắp sáng vừa phát ra độ nóng làm ấm phòng tắm .
Mới 15g30 và thời tiết đang khô ráo nên mình tà tà đi tham quan cầu Thiên Sinh . Đường xuống cầu này cũng đã bị hư hỏng nặng nề . Biên giới cả bên Việt Nam lẫn bên Trung Cộng đều vắng tanh vì từ mấy năm nay , lúc bắt đầu có dịch cúm thì Trung Cộng theo chính sách Zero Covid nên cấm tiệt hẵng chuyện giao thương – buôn bán – qua lại ở cây cầu biên giới này .
Cầu Thiên Sinh có thể là cây cầu ngắn nhất thế giới nối 2 quốc gia với nhau . Một khối núi khổng lồ nứt ra làm 2 , chắc đã phải xảy ra từ hàng triệu năm trước đây . Sâu thăm thẳm bên dưới là con suối Lũng Pô , biên giới thiên nhiên của Ta và Trung Cộng .
Những lần trước , đến cầu Thiên Sinh là thấy nhiều xe tải bên Việt Nam cũng như bên Tàu đang nhộn nhịp xuống hàng để xuất khẩu và sắp xếp hàng của Tàu lên xe ta , chở xuống đồng bằng , vô sâu trong nội địa nước ta . Lần này phía bên lãnh thổ Việt Nam đã có thêm mấy trạm gác lớn nhỏ .
Ở con dốc đi xuống , cách cây cầu biên giới chừng 300m có cây chắn ngang đường không cho các loại xe lưu thông . Mình phải dựng xe gần đó và đi bộ xuống cầu Thiên Sinh . Hoa dã quì nở rộ hai bên đường xuống cây cầu biên giới .
Trung Cộng đã dựng lên một hàng rào bằng sắt thép có cả dây kẽm gai tương đối chắc chắn , chạy dài theo biên giới của Ta và Tàu . Hàng rào biên giới này đi xuyên qua giữa cây cầu biên giới bằng bê tông , thẳng góc với chiều dài cây cầu Thiên Sinh , dài chắc khoảng chừng 6m , mỗi nước 3 thước .
Trên đường về lại Ý Tý , mình có ghé qua mấy Homestay . Tất cả những công trình này đều do mấy ông chủ không biết tí gì về kiến trúc , thiết kế và xây dựng nên chẳng có gì hay ho đẹp đẽ , và giá dịch vụ tương đối khá cao so với thu nhập của dân ta .
Chiều tối , đi một vòng chợ chiều , chỉ có vài quầy bán hàng ăn quà vặt : Xúc xích , khoai tây chiên , thịt nướng . . . Ghé qua tiệm ăn xéo xéo trước chợ phía bên trái , tính kêu một phần cơm nhỏ thì bà chủ tiệm đề nghị chờ một chút rồi dùng bữa chiều chung với mấy anh tài xế xe đò cho vui .
Thế là mình được tham gia một “Bữa cơm xã hội” , chuyện trò sôi nổi với mấy anh em tài xế chạy những tuyến đường từ dưới đồng bằng lên tít trên cao này , xa lắc xa lơ tận tới tận biên giới với Trung Cộng . Anh em mời mình cụng ly liên tục , toàn rượu ngon 40% được nấu từ cây bắp của vùng cao . Được một điều là anh em cụng ly nhiều , không ép uống cạn uống nhiều và uống trong lúc dùng cơm nhưng sau đó là chấm dứt chứ không lê la kéo dài cuộc rượu đến khuya như nhiều nơi khác !
Sau một ngày vật lộn với đường xá quá xấu , làm ê ẩm rêm từng đốt xương , cuối ngày được căn phòng tươm tất , được tắm nước nóng , được “nệm ấm chăn êm” nên giấc ngủ đến nhẹ nhàng và dễ dàng .
Buổi sáng , sau 2 cữ café , gặp thời tiết khô ráo nên mình lên đường sớm vì lộ trình hôm nay có thể sẽ gặp đường rất xấu và một đoạn sẽ đi trên đường Tuần Tra Biên Giới . Chưa biết tình trạng của con đường này như thế nào , có bị sạt lở gì không , có đi được không ?
Chặng đường từ Y Tý qua Ngả 3 Sa Pả , theo đường Tuần Tra Biên Giới , rồi đến Ngả 3 nơi sông Hồng rời Trung Cộng để chảy vào Việt Nam dài khoảng 49km
Km 25 – Ngả 3 Sa Pả . Nơi đây có một Ngả 3 lớn hình chữ Y , có tấm bảng to tuyên truyền về chính sách kế hoạch hóa gia đình , ngăn chặn hủ tục tảo hôn , khuyên trai gái nam nữ không nên lập gia đình khi còn quá trẻ , lúc chưa được 16 tuổi . Ngay đây , quẹo hơi chếch bên phải là sẽ đi tiếp trên tỉnh lộ 158 về Ngả 3 Lũng Pô , quẹo trái chúng ta sẽ đi vào con đường tồi tệ hơn nhưng quang cảnh hấp dẫn hơn ly kỳ hơn .
Vì muốn đi trên Đường Tuần Tra Biên Giới sát biên giới Ta và Tàu nên ở Ngả 3 Sa Pả , ta rời tỉnh lộ 158 , chấp nhận phiêu lưu một tí , quẹo trái đi về hướng tây , hướng biên giới .
Km 33 – Ngả 3 gần cột mốc 90 . Nơi đây chúng ta sẽ gặp đường Tuần Tra Biên Giới của , chạy sát biên giới Việt Nam và Trung Cộng . Quẹo trái , đường Tuần Tra Biên Giới này sẽ dẫn ta đi qua những khu vực rất hiểm trở , cao chót vót , rất hùng vĩ , rất đẹp .
Phía dưới là thung lũng sâu của sông Lũng Pô . Bên đất của Ta là lác đác vài bản làng của người H’ Mông sinh sống , bên kia là những thôn làng của Trung Cộng , được nhà nước hỗ trợ tối đa để lôi kéo dân chúng về đây lập nghiệp , dựng làng dựng xóm , gìn giữ bờ cõi , làm phên dậu cho nước Tàu .
Lần trước vào cuối năm 2015 , mình có đi đoạn đường này nhưng đi từ hướng sông Hồng và Ngả 3 Lũng Pô về Y Tý . Đi được hơn 20km thì đường bị mưa lũ trước đó làm núi sạt lở lớn , hoàn toàn không đi được và từ lâu cũng không được khai thông để làm nhiệm vụ tuần tra biên giới .
Lần này , tới đây mình quẹo phải để theo đường Tuần Tra Biên Giới đi về hướng ven sông Lũng Pô để về gặp sông Hồng . Đường bị hư hỏng nhiều , hầu như không có xe lưu thông , xe máy đi thoải mái . Suối Lũng Pô đến đây đã to rộng và trở thành sông Lũng Pô .
Bên Ta vẫn vắng vẻ , nhìn qua phía núi bên Tàu ta thấy đã có hàng rào thép gai cao và kiên cố , có đường to ven sườn núi , chắc cũng là đường Tuần Tra Biên Giới như bên Ta .
17km được đi trên con đường trên cao , quanh co uốn lượn qua những ngọn núi chót vót , sâu thăm thẳm bên dưới là con sông biên giới , xuyên qua những khu rừng vắng lặng , trong bầu không khí mát lạnh của mùa Đông xứ Bắc , lá vàng rơi rụng ngập hai bên đường , vương vãi khắp nơi trên mặt đường , thực sự là một trải nghiệm hiếm có .
Km 50 – Cột Cờ Lũng Pô .
Sau địa điểm tham quan Cột Cờ Lũng Cú ở Đồng Văn – Hà Giang , từ cuối năm 2017 chúng ta có thêm một điểm tham quan tương tự trên đường đến Y Tý – Sa Pa : Cột Cờ Lũng Pô .
Đây là nơi sông Nguyên Giang rời lãnh thổ nước Tàu để bắt đầu chảy 510km trên đất nước Việt Nam . Đây là nơi con sông Lũng Pô , biên giới thiên nhiên của Ta và Tàu , chảy vào Sông Hồng và vì thế được gọi là Ngả 3 Lũng Pô . Và từ Ngả 3 Lũng Pô này đến thành phố Lào Cai , khoảng 80km quanh co theo đường thủy , con sông Hồng là biên giới thiên nhiên của Ta và Tàu .
Trước đây đã có một cột mốc biên giới , cột mốc số 92 , ngay Ngả 3 chỗ sông Lũng Pô chảy hòa vào sông Hồng , đường đi đến bằng xe máy dễ dàng . Luật đời , “Có mới nới cũ” . Từ ngày có Cột Cờ Lũng Pô hoành tráng – to đẹp – ăn ảnh trên đồi cao , thiên hạ lại không ngó ngàng cột mốc biên giới năm xưa nữa , thiệt là phũ phàng !
Con đường xưa kia ven sông Hồng dẫn đến cột mốc 92 đã bị hư hỏng nặng nề , lau sậy cao ngút đầu , lại bị đứt ngang xe không lưu thông được . Tham quan Cột Cờ Lũng Pô nhưng mình vẫn quyến luyến vẫn muốn ghé đến cột mốc 92 mà năm nào đã có được tấm hình “Đại Đoàn Kết dân tộc” với 2 người bạn trẻ dân tộc thiểu số .
Tới đúng giữa trưa , nơi đây lại vắng người và lúc hỏi thì ai cũng ngơ ngác không biết có một cột mốc biên giới tại đây . Đã đến đây , đã “có được” Cột Cờ Lũng Pô thì không thể không tìm đến cột mốc với kỷ niệm năm xưa nên mình tìm cho được người dân sống tại đây để hỏi cho ra con đường để đi đến cột mốc 92 .
Rồi cũng gặp người biết chuyện để được chỉ cho con đường đi bộ nhỏ hẹp , có thể đi bằng xe máy , dẫn đến cột mốc 92 . Mình hớn hở cỡi con ngựa sắt , theo lối đi được hướng dẫn nhưng đường càng đi càng hẹp , được vài trăm thước thì đường chênh vênh chỉ rộng hơn 2 gang tay , một bên là vách đồi một bên là vực tuy không sâu nhưng mà trợt té lọt xuống vực thì tiêu đời !
Xe GPX 150cc đi thì ngon lành nhưng trong trường hợp này thì quá cồng kềnh và quá nặng nề đối với mình . Đi lùi thì muộn rồi , đi tới thì quá nguy hiểm , sức lực thì cạn kiệt vì đã đi đoạn đường hư hỏng 49km trên núi cao từ lúc sáng cho tới bây giờ . Thế là chỉ còn cách cố gắng thu hết tàn lực và tập trung cao độ để vượt qua “Đoạn đường chiến binh” này .
Và “Tận nhân lực tất tri thiên mệnh” , cố gắng hết sức của mình rồi Ông Trời sẽ hà hơi giúp thêm cho chúng ta . Cuối cùng thì cột mốc 92 đã hiện ra ngay Ngả 3 sông Lũng Pô – sông Hồng . Đoạn đường không dài lắm , nên đi bộ thì đẹp và an toàn hơn rất nhiều . Đối với mình cột mốc 92 bây giờ được cây cỏ – lau sậy – rêu xanh vây quanh , tạo nên một khung cảnh rất cổ kính , rất đẹp và rất thơ mộng .
Nghỉ cho thật lại sức , tập trung cao độ để cẩn thận đi xe trên triền đồi chật hẹp với “Đoạn đường chiến binh” lúc nãy và thật sự thở phào vui mừng khi vượt qua được đoạn đường vô cùng nguy hiểm này .
Viết đến những giòng này mà tay mình còn run và thật sự khuyên các bạn đừng dại dột như mình vì đã liều lĩnh đi xe máy mà lại là xe nặng nề và cồng kềnh khi đã thấm mệt , trên đoạn đường chưa đến 700m này . Nếu muốn đến cột mốc 92 , các bạn làm ơn đi bộ dùm , vừa được an toàn vừa được thong thả ngắm phong cảnh xinh đẹp chung quanh .
Khi xưa , đoạn đường 5km từ Cột Mốc 92 , giờ đây có thêm Cột Cờ Lũng Pô , đi theo sông Hồng để gặp Ngả 3 Lũng Pô rất gian nan vì đường xấu , có nhiều hầm hố nhiều dốc hiểm trở khó đi . Chắc nhờ có Cột Cờ Quốc Gia , nhiều người nhiều đoàn thể tới tham quan nên đoạn đường 5km này đang được hoàn thiện ở giai đoạn cuối , to rộng và dễ đi hơn xưa rất nhiều .
Km 55 – Ngả 3 Lũng Pô .
Gọi là Ngả 3 Lũng Pô vì đây là một Ngả 3 đường bộ lớn , rất gần nơi con sông Lũng Pô chảy vào sông Hồng . Ngả 3 này tỏa đi 3 hướng .
– Hướng tây bắc , theo tỉnh lộ 158 đi quanh co 50km trên những triền núi , lên vùng cao Y Tý của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường rất dày .
– Hướng nam theo tỉnh lộ 156 , ven sông Hồng để sau 50km sẽ về đến thành phố Lào Cai .
– Hướng bắc , bắt đầu vào đường Tuần Tra Biên Giới , đi 5km đến Cột Cờ Lũng Pô .
Từ Ngả 3 Lũng Pô đi về thành phố Lào Cai tương đối dễ đi vì con đường chúng ta đi ven theo sông Hồng , coi như đã rời vùng cao , về đồng bằng .
Tỉnh lộ 156 đang được mở rộng thêm , cộng với cơn mưa nhỏ hồi sáng sớm nên trên mặt đường còn rất nhiều bùn đất đỏ , bắn tung tóe phủ lên con ngựa sắt GPX 150cc một lớp bụi đỏ , bảng số xe hoàn toàn bị phủ kín bằng bùn đỏ , không còn đọc được tí nào .
Ghé thị trấn Trịnh Tường ngay bên sông Hồng để nghỉ ngơi và dùng bữa trưa . Lúc đổ xăng thì thật là ngỡ ngàng : Bình xăng xe GPX 150cc có dung tích thiết kế 11,5 lít xăng và mình cũng đã thử đo đúng như vậy nhiều lần . Tới trạm xăng ở thị trấn này thì mặc dù xe vẫn còn từ 0,5 – 1 lít nhưng ông chủ trạm xăng bơm một lèo được ngay . . . 12 lít , nếu ráng bơm thêm thế nào cũng thành 12,5 – 13 lít ! Ở Việt Nam thực sự là . . . “Làm giàu không khó” như một chương trình trên TV .
Có dịp được đi lang thang đó đây , khắp nơi ở Việt Nam cũng như trên những quốc gia láng giềng trong khối ASEAN bằng xe máy , trực tiếp chứng kiến những chuyện “Người thật việc thật” về đất nước và con người ở mỗi vùng đất , mình chỉ trung thực , có gì nói đó , xin ghi lại kể lại về những điều mình đã trải nghiệm trên hành trình . Và chuyện “Cây xăng đểu ở Trịnh Tường” là một trong rất nhiều chuyện đã xảy ra .
Trên đường còn đi ngang một mỏ khoáng sản khổng lồ . Gần đến Lào Cai là thị trấn có cái tên thật lạ : Vược với chữ C , chưa bao giờ thấy trong tiếng Việt Nam . Kế tiếp là thị trấn Bát Xát và cửa khẩu Kim Thành với cây cầu to rộng bắc qua sông Hồng .
Km 105 – Thành phố Lào Cai .
Như vài lần trước đây , mình không cần tìm tòi lục lọi mà đi thẳng tới khách sạn quen gần chợ Cốc Lếu . Dự tính sẽ lưu lại đây 2 đêm nên thời giờ được thong thả , sẽ được nghỉ ngơi an dưỡng tốt cho chặng đường gian nan sắp tới .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: