Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 9 . Từ Kon Tum đi Ngả 3 Đông Dương , Ba biên giới Việt Nam – Kampuchia – Lào .
Tạm biệt Kon Tum vào buổi sáng bình minh rực rỡ , hứa hẹn một ngày đi đường . . . nắng nóng . Đi du lịch bằng xe máy rất mong được thời tiết như vậy , lái xe đỡ mệt hơn và an toàn hơn lúc trời mưa rất nhiều . Nên có áo khoác ngoài để che thân trên không bị gió – bụi – nắng – mưa . Không có áo để che hai cánh tay khỏi nắng thì chỉ sau một tuần lễ sẽ thấy bị lột da !
Rời khỏi thành phố Kon Tum ở phía bắc , lộ trình đi theo hướng tây bắc qua các huyện Đăk Hà , Đăk Tô đến Plei Cần – Ngọc Hồi thuộc khu vực Ngả 3 Đông Dương – Ba Biên giới Việt Nam – Kampuchia – Lào . Hai bên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 đoạn này không còn hoang vắng như lần mình đi năm 1999 . Bà con từ các tỉnh bắc Trung Phần vào đây lập nghiệp khá đông , người lớn vẫn còn giữ giọng nói của vùng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị , thế hệ con em đã phát âm theo giọng lai pha trộn của vùng đất mới !
Đây đó vẫn còn những rừng cao su , đồn điền cà phê , trang trại hồ tiêu nhưng đã thưa thớt nhiều , không bao la bát ngát như ở mấy tỉnh phía nam Cao Nguyên Trung Phần .
Km 22 – Thị trấn Đăk Hà .
Chắc không có ai trong chúng ta có thể ngờ được là trước đây hơn 130 năm đã tồn tại một vương quốc tại khu vực này với một ông vua mắt xanh mũi lỏ đến từ Pháp !
Cuối thế kỷ 19 , nước ta đã bị thực dân Pháp chiếm và thiết lập bộ máy cai trị ở những vùng đồng bằng trù phú để dễ bóc lột dân ta . Miền rừng núi cao nguyên hoang dã nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn là vùng sơn lam chướng khí , chưa khai thác được nên vẫn không có ai đụng đến .
Một tay giang hồ – phiêu lưu – bịp bợm nhưng hiếu động – thông minh – mưu mẹo , người Pháp gốc Do Thái tên là Charles Marie David de Mayréna lang thang qua Đông Dương , đi đâu cũng khoác lác , nói toàn chuyện dao to búa lớn , kiểu như bây giờ đi rao bán “dự án bất động sản” trị giá hàng tỉ đô la Mỹ . Thế mà cũng có nhiều người tin , thậm chí còn được toàn quyền Đông Dương khi đó là Ernest Constans cấp giấy phép cho đi “thám hiểm – nghiên cứu” vùng Cao Nguyên Trung Phần , khi đó hoàn toàn vắng vẻ – hoang vu – lạc hậu .
Bằng nhiều tiểu xảo – mưu kế – thủ thuật hắn ta lấy được cảm tình của một số tù trưởng và già làng , mua chuộc thu phục được một số bộ tộc trong vùng Bắc – Kon Tum và tự . . . dựng lên Vương quốc Sedang do hắn làm vua lấy hiệu là Vua Marie Đệ Nhất – Quốc vương xứ Sedang vào tháng 6 năm 1888 , đặt thủ đô tại làng Long Răng lấy tên là Pelei Magna – thành phố vĩ đại , hiện nay là làng Kon Gung xã Đăk Mar – Ngọc Vang huyện Đăk Hà , bên tả ngạn của sông Pô Kô và phía tây thị trấn Đăk Hà .
Sau đó De Mayréna xuống Qui Nhơn , thuyết phục nhà cầm quyền Pháp “tiếp quản” vương quốc Sedang , nếu không hắn sẽ “nhượng” vương quốc này cho nước Phổ – tức là nước Đức bây giờ , khi đó đang là đối thủ của nước Pháp và cũng rất muốn chinh phục vùng đất cao nguyên này , nơi chứa đựng nhiều khoáng sản . Đương nhiên chính quyền Pháp từ chối chuyện mua bán dỡn chơi như vậy nên hắn lên thuyền đi Hồng Kông với ý định “rao bán – sang nhượng” vương quốc Sedang cho người Anh !
Nhân dịp “Quốc vương xứ Sedang” xuất ngoại , chính quyền Pháp thuộc địa đã tìm cách ngăn chặn không cho hắn quay lại Đông Dương nữa và xóa tên trên bản đồ vương quốc Sedan , đồng thời đặt vùng Cao Nguyên Trung Phần dưới quyền kiểm soát của công sứ Qui Nhơn khi đó là Edmond Guiomar , chấm dứt vào tháng 4 năm 1889 vương triều của Vua Marie Đệ Nhất – Quốc vương xứ Sedang .
Vương quốc Sedang có quốc huy , quốc ca và quốc kỳ đâu ra đấy , tồn tại được gần . . . một năm . Vẫn kịp in được 2 bộ tem , nhưng vì quịt tiền nhà in nên không được bán tem này ở Đông Dương mà chỉ bán cho những nhà sưu tầm tem ở châu Âu . Cũng kịp phong tước quí tộc cho nhiều người , để linh mục Jules Vialleton , 1848 – 1909 , làm Quốc sư , cho tù trưởng Sedang Krui làm Tể tướng , phong anh bạn đồng hành thân cận là Mercurol làm Thượng thư Bộ Ngoại giao kiêm Quốc phòng .
Chuyện vương quốc Sedang bị đổ bể tai tiếng , “vua” De Mayréna coi như bị . . . mất nước , quay về Paris rồi sang Bruxelles – Bỉ . Tiếp tục sống bằng trò bán huy chương huân chương và tước vị cho những thần dân trưởng giả học làm sang , ham mê danh tước hão ! Đầu năm 1890 De Mayréna lưu lạc qua Singapore rồi lang thang đến Malaysia , sống ẩn dật ở đảo Pulau Tioman và mất trên đảo này cuối năm 1890 vì bị rắn độc cắn .
Ngày xưa Pháp chiếm và đặt ách đô hộ lên cả 3 nước Việt Nam – Kampuchia – Lào nên gộp cả 3 quốc gia này lại thành một khái niệm chung là Indochine – Đông Dương thuộc Pháp . Ngoài ra thực dân còn muốn “chia để trị” nên xé nước ta ra làm 3 phần như là 3 nước nhỏ : Bắc Kỳ – Trung Kỳ – Nam Kỳ để dân ta chia rẽ nhau nghi kị nhau cho chúng dễ cai trị dễ nắm đầu . Người Pháp thế hệ con – cháu – chắt của thực dân khi xưa , không nói là ông nội ông ngoại ông cố tôi trước đây làm việc ở Việt Nam , Kampuchia hay Lào mà thường dùng danh từ chung là Indochine – Đông Dương .
Xem ra thì tụi bịp bợm ở nước nào và thời nào cũng có . Ở Việt Nam ta , lúc này tụi lừa đảo đang có “môi trường sống” rất tốt vì pháp luật bị coi thường , ngành tư pháp vừa yếu vừa kém vừa hèn , còn rất xa với chức năng trụ cột trong Tam quyền phân lập của một đất nước “đàng hoàng hơn , to đẹp hơn” . Mấy năm gần đây đã có một số tín hiệu lạc quan khi một số quan chức tham nhũng bị bắt , bị đưa ra tòa , cho lãnh án tù nhưng chỉ xử theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” , còn quá nhẹ so với tội ác của chúng nó và còn bỏ sót nhiều , rất nhiều tụi giòi bọ khốn nạn này . Nhưng thôi , có còn hơn không và mong rằng ngành tư pháp ngày càng được cải cách tốt lên chứ không quá mờ nhạt và “rụt rè nhút nhát” như hiện nay !
Xin được quay về với hành trình Đường Hồ Chí Minh trên quốc lộ 14 .
Km 46 – Đăk Tô .
Ngay trung tâm thị trấn có một Ngả 3 , cũng là một công viên cây xanh rất rộng hình tam giác vuông . Nơi đây có 2 ngả rẽ : Quẹo tay phải một góc rất nhỏ , gần như là chạy thẳng về hướng bắc , ta vào Đường tỉnh 672 , đi về hướng Tu Mơ Rông , tiếp đến là Khu bảo tồn thiên nhiên trên đỉnh núi Ngọc Linh , rồi Trà My , và sẽ đến thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam ven biển miền Trung sau 205km . Quẹo tay trái 90 độ về hướng tây là coi như tiếp tục đi trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 , về hướng Ngả 3 Đông Dương của Ba nước Việt Nam – Kampuchia – Lào .
Trong công viên có tượng đài để cùng nhau nhớ lại trận chiến Đăk Tô – Tân Cảnh tháng 4 năm 1972 . Đây là lần đầu tiên xe tăng của Quân Giải Phóng xuất hiện trên chiến trường cùng với đạn chống tăng AT – 3 Sagger . Bên cạnh tượng đài là 2 xe tăng 377 và 472 trong trận này , đã được phục chế .
Gặp một nhóm mấy cháu học sinh lớp 5 lớp 6 gì đó , đang vui đùa ở công viên . Chuyện trò mới biết nhà các cháu gần đây , chắc được nghỉ học nên rủ nhau ra đây chơi . Có 6 cháu thì 3 đứa là người dân tộc Ba Na và Xơ Đăng , 3 đứa người Kinh có gia đình từ Quảng Ngãi , Huế và từ ngoài miền Bắc di dân lên đây lập nghiệp . Nhìn mấy cháu líu lo – liến thoắng – vui cười , đứa nào cũng khỏe mạnh – nhí nhảnh – dễ thương ta phải mừng vì đất nước mình không còn chiến tranh , lại sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để có thể trong một ngày không xa sẽ “Anh dũng oai hùng chen chân thế giới” !
Km 50 – Tân Cảnh . Di tích lịch sử chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh tháng 4 năm 1972 .
Nơi đây , phía tây Quốc lộ 14 kéo dài nhiều cây số là nơi đóng quân của rất nhiều đơn vị nhiều binh chủng quân đội Sài Gòn , có sân bay L19 và cả sân bay Phượng Hoàng dài 1.400m . Cách Đăk Tô chừng 10km về phía tây nam là căn cứ hỏa lực 1015 , được cả thế giới biết đến với tên là “Đồi Charlie” .
Mình có anh bạn là phóng viên chiến trường năm đó còn rất trẻ , đang tác chiến ở trên đồi này trong thời gian chiến trận vô cùng khốc liệt . Buổi sáng ngày 12 tháng 4 năm 1972 – đúng ngày sinh nhật 22 tuổi , anh may mắn được trực thăng bốc về hậu cứ , thoát chết trong gang tất .
Cùng buổi sáng ngày 12 tháng 4 , Đồi Charlie – cao độ 1015m , hứng những trận mưa đạn pháo binh , kéo dài 4 ngày cho đến khi những người lính còn sót lại thuộc Tiểu đoàn dù 11 của trung tá Nguyễn Đình Bảo phải mở đường máu rút lui khỏi Đồi Charlie . Bạn mình chắc “Ở hiền gặp lành” nên nhờ ơn trên , được sống và sống vui sống khỏe đến ngày hôm nay , tràn trề lạc quan yêu đời .
Cũng nên kể là trên Đồi Charlie – 1015 có hai nơi thờ : Một nhà bia di tích lịch sử được Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng – tiền thân của sư đoàn 320A đóng góp xây dựng lên và một Miếu nho nhỏ khiêm nhường cây cỏ hoang dại vây quanh , do thân nhân – bạn bè – người quen của những người lính tiểu đoàn 11 dù đã vĩnh viễn vùi thân xác tại đồi này , dựng lên .
Lúc bắn nhau các anh là người lính , lúc ngã xuống trên đất Mẹ các anh bất kể thuộc bên nào đều là những chàng trai Việt Nam và chuyện xảy ra đã nửa thế kỷ rồi , đã có biết bao nhiêu là bụi thời gian được phủ lên chuyện xưa đau buồn . Những cựu binh của trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320A , đơn vị của trung tá Khuất Duy Tiến lúc đó – sau này là trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang , trực tiếp tấn công đánh chiếm Đỉnh cao Charlie phía tây sông Pô Cô , viếng đồng đội của mình xong đều đến Miếu nhỏ ven đường thắp hương cho những người cũng nằm xuống ở đồi này , mặc dù trước kia là đối phương của mình .
Đó là những chuyện ngày xưa , lúc đất nước còn chiến tranh – mất mát – đau thương nhưng ôn chuyện cũ để hôm nay sống sao cho đàng hoàng tử tế , không hổ thẹn với người xưa .
Km 66 – Plei Cần .
Trước 1975 , tới đây là hết đường , chung quanh bốn phương tám hướng đều là rừng núi trùng trùng điệp điệp , phía tây nam giáp với Kampuchia và phía tây là Lào . Đây đó là những căn cứ hỏa lực của quân đội Sài Gòn đóng trên những đồi cao với nhiệm vụ phát hiện – theo dõi – triệt phá những hoạt động trên Đường mòn Hồ Chí Minh trong khu vực này .
Lần đầu mình đến đây cuối tháng 11 năm 1999 , khi đó chỉ biết là đã tới vùng Ngả 3 Biên Giới nhưng chưa nghe đến khái niệm cột mốc Ba Biên Giới hoặc cửa khẩu Bờ Y . Chỉ lo chuẩn bị thật kỹ vì có nguy cơ gặp trời mưa , để tiếp tục đoạn đường rất xấu đi Đăk Glei , vượt đèo Lò Xo , qua địa phận Khâm Đức – Quảng Nam .
Lần này được mưa thuận gió hòa , trời xanh trong vắt không một gợn mây , nắng và nóng – tuyệt vời ! Chỉ đi ngang qua thị trấn Plei Cần , thẳng tiến hướng Ba Biên Giới . Đoạn đường từ Plei Cần tới biên giới , ngày xưa là một trong những nhánh nằm ngang theo hướng đông – tây , nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn , chỉ là đường đất giữa rừng núi – hoang vu , giờ đây là quốc lộ 40 dài 20km to rộng , được trải nhựa rất tốt .
Cửa khẩu Bờ Y một dạo thấy được nhắc nhở nhiều trên báo chí truyền thông truyền hình nhưng cuối cùng bị chìm nghỉm , không mang lại hiệu quả kinh tế như chính quyền địa phương mong muốn . Và cũng vì thế nên đoạn đường từ Plei Cần đi lên cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào rất vắng , ít nhà cửa hàng quán dân cư .
Đi được 20km là đến trạm biên phòng bên Việt Nam . Ngừng xe , xuất trình đầy đủ giấy tờ người và xe , báo cho anh em ở trạm gác biết là mình không qua Lào , chỉ đi lên tham quan cột mốc Ba Biên Giới thôi . Tiếp tục cỡi xe máy chừng vài trăm thước sẽ thấy có bảng chỉ đường quẹo trái đến cột mốc Ba Biên Giới 09km , xa xa đi thẳng trước mắt là trạm biên phòng và hải quan của nước Lào .
Năm 2010 mình đã có dịp đến cột mốc Ba Biên Giới này nhưng đi bằng con đường khác , quẹo trái sớm hơn 10km và lòng vòng vất vả hơn nhiều vì lúc đó đường chưa làm xong và cột mốc Ba Biên Giới cũng chưa được hoàn hảo như bây giờ .
Ngày nay đường lên cột mốc Ngả 3 Đông Dương , Ba Biên Giới Việt Nam – Kampuchia – Lào là đường bê tông chắc chắn , rộng 3m ô tô con lưu thông dễ dàng . Đường quanh co khúc khuỷu và lên dốc như leo đèo , dài 9km xuyên qua rừng thông và rừng cây keo lai nhiều bóng mát . Trên đỉnh , gần tới cột mốc có đền thờ Liệt sĩ , luôn mở cửa để mọi người vào thắp hương .
Trời giữa trưa nắng chang chang , vắng hoe . Đang đứng ngắm trời trăng mây núi thì có một du khách “mồ côi” như mình xuất hiện , hai chú cháu chào nhau và chụp hình cho nhau ! Cô bé là bác sĩ thú y ở Thị Nghè – Sài Gòn , quen bạn gái ở trên mạng xã hội mà bạn ở Kon Tum , không muốn tham gia lên cột mốc Ba Biên Giới nên cô đành đi một mình . Ngẫm nghĩ thấy thế hệ trẻ bây giờ hiện đại hơn , “chịu chơi” hơn tụi mình trước kia nhiều . Đi làm , ngày nghỉ tự lên chương trình đi chơi , sẵn đi thăm bạn quen nhau trên Facebook , bạn “nhỏng nhẽo” không đi thì mình tự thuê xe rồi phóng lên tham quan cột mốc Ba Biên Giới chơi rồi quay về Kon Tum , hay thật !
Hai chú cháu chuyện trò trao đổi với nhau rất vui vẻ vài kinh nghiệm về chuyện đi chơi ở Kon Tum , về chuyện du lịch bằng xe máy rồi tạm biệt vì cô bác sĩ trẻ quay về Kon Tum , còn ông chú thì tiếp tục hành trình “Dọc đường gió bụi” .
Cuối tháng 10 năm 2012 mình và anh bạn Khổng Xuân Hiền đã đi xe máy qua nước bạn Lào tại cửa khẩu này nhưng bây giờ phía bạn không cho đem xe máy qua . Trong tình hình dịch cúm Trung Cộng hoành hành như hiện nay thì khỏi bàn đến chuyện qua lại ở biên giới !
Thế là tạm biệt Ba Biên Giới , đi ngược 20km đoạn đường quốc lộ 40 ra lại thị trấn Plei Cần – Ngọc Hồi . Vì ghé tham quan nhiều nơi nên đã quá giờ trưa , đã đến lúc giải khát , nghỉ ngơi và dùng bữa trưa .
Đoạn đường từ Plei Cần đến Đăk Glei chỉ 52km nhưng trước đây cực kì xấu , toàn là hầm hố và phải leo lên đá to lổn ngổn khắp nơi , lại gặp mưa lất phất nên khi xưa , cuối tháng 11 năm 1999 mình phải đi gần một ngày mới tới nơi ! Kỷ niệm vui là chỉ có một nhà trọ bình dân , dựng bằng gỗ ọp ẹp và . . . không có khóa cửa , như ở xứ thiên đường , vì không có trộm cắp nên không cần khóa !
Km 118 – Thị trấn Đăk Glei .
Rời Plei Cần là bắt đầu lên cao dần , quốc lộ 14 chạy uốn lượn theo bờ phía tây – hữu ngạn sông Pô Kô . Hai bên đường không còn rừng rậm như xưa mà đã có xóm làng dọc theo quốc lộ . Lần này xe chạy bon bon , lại gặp thời tiết khô ráo nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ là đã đến thị trấn Đăk Glei , khác với hồi 1999 là phải đi gần cả ngày trời mới đến .
Từ Đăk Glei , vào những ngày đẹp trời ta có thể thấy ở phía đông 25km là đỉnh núi Ngọc Linh – 2598m , cao nhất Cao Nguyên Trung Phần . Trên núi này có loài sâm Ngọc Linh được các chuyên gia trong giới Y – Dược đánh giá rất cao nhưng rất hiếm thấy trong thiên nhiên .
Rời khỏi thị trấn Đăk Glei về hướng bắc khoảng chừng 15km , ta bắt đầu lên đèo Lò Xo . Đèo gần như là ranh giới của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam , chạy lòng vòng 20km theo hình xoắn như lò xo , quanh co uốn lượn giữa những núi cao vực sâu , có nhiều khúc cua ngoặt rất gắt , lòng đường hẹp độ dốc lớn nên rất khó điều khiển xe và là nỗi ám ảnh lớn đối với các tài xế . Nhiều tai nạn thương tâm với rất nhiều thương vong đã xảy ra trên đèo này trong những năm vừa qua .
Nơi đây trước kia thực sự là rừng già nguyên sinh của dãy Trường Sơn hùng vĩ với đầy rẫy thú rừng sống trong hoang dã , voi đi cả đàn ầm ầm , hổ báo thường xuyên xuất hiện . Thời chiến tranh , đèo đóng vai trò là căn cứ chiến lược quan trọng của Quân Giải Phóng , đồng thời là điểm trung chuyển lương thực vũ khí để phục vụ cho mặt trận Nam – Tây Nguyên .
Km 178 – Thị trấn Khâm Đức . Đích đến của ngày hôm nay .
Qua khỏi đèo Lò Xo , đi thêm 25km nữa ta đến thị trấn Khâm Đức thuộc huyện Phước Sơn – Quảng Nam . Không cần phải lái xe đi lòng vòng dạo loanh quanh qua mấy con đường trong thị trấn để tìm khách sạn vì đã có dự định trước rồi : Đến khách sạn quen ngay Ngả 3 Quốc lộ 14 và một con đường lớn dẫn vào thị trấn vì muốn gặp . . . người xưa , đã hơn 20 năm trôi qua !
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: