Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 8 . Thành phố Kon Tum .
Đây là tỉnh và thành phố cùng tên nằm ở cực bắc Cao Nguyên Trung Phần , ngày nay gọi là Tây Nguyên . Mình thích khái niệm Cao Nguyên Trung Phần , dễ hiểu hơn và chính xác hơn đối với tất cả mọi người Việt Nam vì đơn giản đó là một vùng bình nguyên – khu đất tương đối bằng phẳng ở trên cao , và thuộc khu vực miền Trung – Việt Nam . Còn với chữ Tây Nguyên ta có cảm tưởng như danh từ này dùng riêng cho cư dân sống ở vùng duyên hải trung phần , từ Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận , chỉ đi hơn 100km là đến Tây Nguyên nằm ngay bên cạnh nhà , “sát vách” ở phía tây .
Đối với người ngoài Bắc , nói đến hướng Tây là chỉ có Binh Đoàn Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng , miền Tây Bắc , Điện Biên Phủ , Lai Châu . Còn đối với bà con miền Nam , đồng bằng sông Cửu Long khi nói về hướng Tây người ta nghĩ đến Hồng Ngự nhiều tôm cá , Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc , và Hà Tiên cực tây nam tổ quốc . Có phải khái niệm Tây Nguyên là địa danh được dùng từ lúc còn chiến tranh và bây giờ vì do thói quen luôn cuối đầu cam chịu . . . “trên đưa xuống là cứ nghe lời , đừng thắc mắc !” mà vẫn phải dùng cho tới ngày hôm nay ?
Có nên dùng lại từ ngữ Cao Nguyên Trung Phần đã tồn tại từ thời xưa ? Đâu phải cái gì cũ và cái gì của “chế độ cũ” cũng xấu , không được xài , phải không ? Cái gì thấy đúng và hay thì tại sao phải ngập ngừng – rụt rè – nhút nhát không dám xài ? Xưa kia hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đúng là người hùng , thực sự là người “chịu chơi” , đâu có ngán đâu có sợ khi dùng những tướng giỏi của phe đối phương , muốn quy thuận mình như Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh – tướng tài của chúa Trịnh ngoài Bắc , hoặc bị phe của ông bắt sống như Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức – hổ tướng của chúa Nguyễn trong Nam !
Góp ý một tí , mong những từ ngữ thường dùng trong tiếng Việt được trong sáng hơn , bây giờ xin được kể chuyện đi chơi , tham quan đó đây tại Kon Tum và vùng lân cận !
Kon Tum có thể coi như ở “cuối đường” , không nhiều du khách lắm , không bị cảnh đông đúc chen lấn nên không gian chỗ nào cũng rộng rãi thoải mái chào đón du khách . Phố xá không quá lớn nên nếu có được phương tiện di chuyển riêng như xe máy thì thuận tiện vô cùng . Mấy địa điểm tham quan đều nằm trong thành phố , cách nhau chỉ vài trăm thước , xa lắm là chỉ vài cây số thôi !
– Chùa Bác Ái đường Mạc Đĩnh Chi , ngay trung tâm phố .
Năm Tân Mùi 1931 , miền duyên hải trung phần nước ta bị hạn hán kéo dài , mất mùa thiếu lương thực , nạn đói đe dọa trầm trọng nên hàng vạn bà con rủ nhau lên rừng lên cao nguyên kiếm sống . Muốn lên đến Kon Tum , từ Quảng Nam phải vượt đèo Lò Xo trên chót vót dãy Trường Sơn , từ Quảng Ngãi phải qua đèo Vi Ô Lắc đèo Măng Đen , từ Bình Định không thoát được đèo An Khê đèo Mang Yang . Hành trình gian nan – khổ cực – thiếu thốn mọi bề nên rất nhiều người đã bỏ mạng trên đường đi .
Những người may mắn sống sót , được lên đến Kon Tum cùng nhau lập một Âm Linh Miếu để cầu siêu cho những linh hồn chết ở dọc đường đi . Cùng với bà con di dân , ông Võ Chuẩn lúc đó là Quản Đạo Kon Tum , đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng một ngôi chùa trong khuôn viên Âm Linh Miếu , khánh thành tháng 9 năm 1933 lấy tên là Chùa Bác Ái . Cùng trong năm này , chùa được triều Nguyễn ban tặng nhiều hiện vật để thờ cúng như : Tượng Quan Âm bằng đồng , tượng Tam Tòa Thánh Mẫu , Đại Hồng Chung , Bửu Ấn , Hoành phi , Câu đối , hộp Sắc phong v . . . v . . . Tất cả đều có giá trị lịch sử và nghệ thuật rất cao , mang nhiều dấu vết của gần một trăm năm qua , được trưng bày trong tình trạng bảo quản giữ gìn rất tốt .
Chùa là một trong những ngôi chùa được xây dựng rất sớm trên vùng Cao Nguyên Trung Phần , kiến trúc theo kiểu Việt Nam xưa , ảnh hưởng rất đậm hình ảnh chùa chiềng vùng Huế . Ngay sau lễ khánh thành , chùa được vua Bảo Đại ban biển ngạch và sắc phong là “Sắc Tứ Bác Ái Tự” . Với lần sắc phong này thì mình hoàn toàn yên tâm không có tí gì hoang mang vì vào thời điểm 1933 , Bảo Đại vừa ở Pháp về , đầy đủ tư cách để ban sắc phong , đang ngự trên ngai vàng của Hoàng đế xứ Đại Nam – tên chính thức của nước ta trong những văn bản thời bấy giờ , và sẽ còn đóng vai nhà vua thêm 12 năm nữa ! Chùa được trùng tu năm 1990 dưới thời Thượng tọa Thích Chánh Quang – hiện nay là Hòa Thượng .
– Tòa Giám Mục , đường Trần Hưng Đạo .
Để cho công bằng , bây giờ chúng ta đi viếng một công trình tôn giáo khác ở gần đó , cách Chùa Bác Ái chỉ vài trăm thước , đi bộ qua vài ngả tư là tới . Tòa Giám Mục còn được gọi là Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum , được Đức Cha Tiên khởi Martial Jannin Phước dày công cho dựng lên từ năm 1935 đến 1938 , phỏng theo kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc của đồng bào thiểu số tại đây . Chỉ có những trụ cột là bằng vật liệu bê tông cốt sắt , còn tất cả đều được xây dựng bằng gỗ quí của rừng Kon Tum .
Trong khuôn viên to – rộng – sạch – đẹp có cả một nhà trưng bày , có thể gọi là Bảo tàng văn hóa các dân tộc anh em ở Bắc – Cao Nguyên Trung Phần và lịch sử truyền giáo tới Kon Tum từ thế kỷ 19 . Nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình , những dụng cụ để phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp , các nhạc cụ , tác phẩm điêu khắc , sản vật văn hóa , đời sống của các dân tộc sinh sống ở Kon Tum được trình bày lớp lang – khoa học – hấp dẫn . Không nên bỏ qua !
– Bảo tàng Kon Tum . Gần bùng binh ngay đầu cầu Đăk Bla , sau tòa nhà Vietcombank .
– Ngục Kon Tum . Ngay cầu Đăk Bla có con đường Trương Quang Trọng ôm sát bờ phía bắc , hữu ngạn sông Đăk Bla . Đi theo đường bờ sông này khoảng chừng 1.000m là đến Di tích lịch sử Ngục Kon Tum . Ngục này có từ năm 1930 , giam cầm những người Việt Nam yêu nước , chống lại thực dân Pháp . Những năm 1930 những người tù chính trị ở đây bị bắt buộc phải lao động khổ sai để thực dân Pháp khai phá vùng đất cao nguyên màu mỡ , làm đường xá v . . . v . . . Bị đối xử hà khắc cay nghiệt nên đã có nhiều cuộc biểu tình xảy ra từ phía tù nhân và bị đàn áp đẫm máu , dã man .
– Cầu treo Kon K’ Lor bắc qua sông Đăk Bla .
Cầu nằm trên đường Bắc Cạn , đường này coi như là đường Trần Hưng Đạo nối dài . Bên cạnh cầu này là nhà Rông cộng đồng . Từ cầu này đi chừng 5km nữa sẽ đến Khu Du lịch Văn hóa Cộng đồng Kon Kơ Tu , nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng . Cầu dài 292m rộng 4,5m được xây dựng bằng sắt thép kiên cố và là cây cầu treo lớn nhất đẹp nhất trên Cao Nguyên Trung Phần .
– Thị trấn Măng Đen , huyện Kong Plong .
Bạn nào có thời giờ thoải mái nên đi cho biết vùng đất Măng Đen , lâu nay được ví von là Đà Lạt thứ hai ở phía bắc Cao Nguyên Trung Phần , một sự so sánh vô cùng khập khễnh , có thể gọi là lộng ngôn ! Cách thành phố Kon Tum 50km về hướng đông bắc trên quốc lộ 24 đi Đức Phổ – Mộ Đức – Quảng Ngãi . Nằm ở độ cao khoảng 1.200m nên khí hậu mát mẻ dễ chịu , thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng , thay đổi không khí . Đồng bào Mơ Nâm gọi nơi này là T’ Mang Deen có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn , ta chuyển âm thành Măng Đen .
Năm 2007 , tỉnh Kon Tum muốn thu hút người lên lập nghiệp nên đã quy hoạch ở thị trấn Măng Đen nhiều khu dân cư , giá đất rẻ . Thiên hạ từ Sài Gòn , Hà Nội , Quảng Ngãi , Quảng Nam ùn ùn chạy lên mua đất nhưng không phải để sinh sống mà chỉ mua với mục đích “đầu cơ tích trữ” đất đai , chờ được cao giá thì bán lại kiếm lời . Nhiều người xây nhà trông như là biệt thự trên miếng đất rộng rãi mà không dùng để cư trú thường xuyên nên đã hình thành nhiều khu phố . . . ma ! Đây là thị trấn mới thành lập , chỉ có đất và trời , có đồi thông xanh mát và không khí trong lành nhưng chưa đủ những yếu tố cần thiết khác để trở thành nơi phát triển đô thị .
Nhiều người trẻ có ý tưởng thuê lại những “biệt thự ma” này để kinh doanh du lịch và cũng đã đem đến cho chốn này chút ít sự sống và hình ảnh của nơi nghỉ mát . Tuy nhiên thị trấn này cũng như muôn vàn nơi khác ở đất nước chúng ta là chưa đủ tầm vóc để giữ khách ở lại lâu hơn 1 ngày . Đó là sự thật cay nghiệt và phũ phàng ! Đại đa số du khách là khách du lịch vội vàng hấp tấp , chỉ nghe đồn hoặc được thông tin ai đó nói nơi này đẹp lắm , là Đà Lạt thứ hai , rồi rủ nhau ghé qua thưởng thức đặc sản núi rừng , cùng nhau chụp hình kỷ niệm rồi . . . đi tiếp !
Nhưng đã ghé ngang qua thì cũng nên đi tham quan vài địa điểm du lịch quanh thị trấn .
* Tượng Đức Mẹ Măng Đen , còn được gọi là Tượng Đức Mẹ Sầu Bi . Có từ năm 1971 , bị hư hỏng trong chiến tranh , mất đầu và hai bàn tay . Đầu thập niên 1980 dân lên đây lập vùng kinh tế mới gần lâm trường Măng Cành , phát hiện tượng này nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào . Năm 2004 , lúc thi công làm quốc lộ 24 , tượng được một tín đồ Công giáo phục chế lại phần đầu và đôi tay . Tuy nhiên gương mặt không còn là Đức Mẹ Fatima nữa mà có nét khắc khổ của người dân tộc tại địa phương và đôi tay lại bị gãy lìa !
Ngày 9/12/2007 , Giám Mục Hoàng Đức Oanh cùng với các Linh mục , Tu sĩ và hơn 2.000 giáo dân đã tổ chức dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây . Từ đó ngày 9 tháng 12 mỗi năm trở thành Ngày Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen của giáo dân . Ngày 10/9/2011 , Sứ thần tòa thánh Vatican là Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã đến viếng và chủ trì thánh lễ kính Đức Mẹ .
Nơi có tượng Đức Mẹ Măng Đen đã được qui hoạch xây dựng to rộng để phục vụ khách Hành Hương . Khuôn mặt của Đức Mẹ đã có sự chỉnh sửa lại , không còn nét khắc khổ như xưa nữa và tượng cũng đã được sơn lại sạch sẽ tươm tất hơn xưa !
* Khu du lịch sinh thái Măng Đen bên hồ Đăk Ke . Nơi ngắm cảnh , ăn uống và chụp hình .
* Thác Pa Sỹ , hình thành từ 3 giòng suối và nằm giữa thiên nhiên xanh tươi .
* Chùa Khánh Lâm . Đại đức Thích Nhuận Bảo phát khởi tâm nguyện thành lập và trụ trì chùa . Bắt đầu xây dựng từ năm 2012 , chùa được ghép tên từ Tổ đình Trung Khánh và chùa Phước Lâm , nơi thầy đã trụ trì từ nhiều năm qua .
Chùa còn là học viện , nằm trên một ngọn đồi ở độ cao 1.200m , rộng 10ha giữa đại ngàn nguyên sinh tĩnh lặng . Chùa có cấu trúc 3 tầng mái , kết hợp 2 tầng mái dưới cong vút tượng trưng đình chùa cổ truyền của Việt Nam ta , cộng với tầng mái trên cùng có dốc thẳng lên trời mang sắc thái nhà Rông của đồng bào Cao Nguyên Trung Phần .
Trước khi tạm biệt Kon Tum để tiếp tục chuyến đi , và vì đây là hành trình “Gợi giấc mơ xưa” trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 nên mình xin được ghi lại vài hàng về câu chuyện cách đây đã hơn 30 năm , tại Kon Tum .
Trong bài số 3 của loạt du ký này mình có nhắc đến chuyến đi vào mùa xuân năm 1989 , cũng ngược Đường Hồ Chí Minh – quốc lộ 14 từ Sài Gòn ra Bắc . Đồng hành từ Sài Gòn đi đến Kon Tum hơn 600km là anh Nguyễn Vinh Thái . Đường xá cực kỳ hiểm trở , hành trình vô cùng gian nan nhưng kỷ niệm đong đầy tiếng cười lời thơ và ý nhạc .
Anh em bạn bè thường gọi là Thái – Lệ Đá vì anh có tiệm cafe Lệ Đá trên đường Võ Tánh – Qui Nhơn gần sân vận động , bây giờ là đường Lê Hồng Phong . Cách trang trí nội thất của Cafe Lệ đá – Qui Nhơn thời 1970 rất đặc biệt vì bàn ghế đều là những thân cây gỗ rất to được cưa thành . Và tên Lệ đá có được vì lúc bấy giờ đi đến đâu cũng nghe bài Lệ đá – nhạc của Trần Trịnh và được Hà Huyền Chi đặt lời .
Xuất phát từ Sài Gòn tháng 3 năm 1989 , theo quốc lộ 14 hai anh em cỡi ngựa sắt Honda Twin 125cc , đi qua Đồng Xoài – Gia Nghĩa – Buôn Ma Thuột – Pleiku , và gần một tuần sau mới đến Kon Tum , cũng là nơi anh Thái sống lúc còn thiếu niên , vẫn còn bà con và bạn bè ở đây .
Thời bấy giờ – 1989 , kinh tế ở nước ta chưa thấy có gì khởi sắc , trên vùng cao lại còn khó khăn hơn dưới đồng bằng nhiều lần , toàn là làm ăn buôn bán nhỏ lẻ , tiểu thủ công nghiệp . Anh Thái có người bạn tên là Huỳnh Tấn Ly , thường đạp xe về các buôn làng chung quanh Kon Tum để “trao đổi hàng hóa” như cách đây hàng trăm năm , kiểu như thế này : Đổi bao nhiêu đường – sữa – thuốc tây để được một con heo , bao nhiêu lon muối để đổi lấy một con gà , bao nhiêu kim chỉ vải vóc để được mấy giò lan , mấy ký măng rừng , mấy lít mật ong v . . . v . . .
Một buổi sáng đẹp trời , chúng tôi gồm 4 người : Anh Thái , anh Ly với người em trai , và Hoài Nhơn . Mỗi người một chiếc xe đạp cà tàng , cùng nhau nhắm hướng núi rừng mà tiến . Cả bọn băng rừng vượt suối , đường trên núi mà đi xe đạp thì vất vả quá , dân thành thị sử dụng cơ giới quen rồi chỉ ngồi lên xe máy rồ ga là chạy bon bon . Bây giờ phải cong lưng , dùng cơ bắp ra sức nhấn bàn đạp để leo dốc thì bết bát lắm nên bị tụt hậu hoài , bắt mấy anh khác thỉnh thoảng cứ phải đứng ở đầu dốc chờ mình .
Mỗi lần ghé nơi nào để hai anh em anh Ly “trao đổi hàng hóa” với bà con trong làng là mình và anh Thái được dịp nghỉ ngơi cho lại sức , đi loanh quanh dạo chơi ngắm nương rẫy , cầu treo , suối thác , chuyện trò vui đùa với dân trong xóm .
Đến chiều , cả bọn đến một buôn làng người Ba Na , nằm cạnh con suối nho nhỏ xinh xắn quanh co ôm mấy ngọn đồi , đẹp như tranh vẽ và có thể gọi là Suối Mơ . Đây chắc là nơi hai anh em anh Ly đã thường đến buôn bán , trao đổi hàng hóa và có mối quen biết thân tình nên tụi mình được ở tại nhà sàn của Già Làng . Nói là Già Làng chứ ông ấy mới bốn mươi mấy tuổi thôi nhưng chắc có uy tín nên được bầu làm Già Làng .
Buổi tối , được ăn một bữa thật ngon , thịt cá rau củ quả đều là sản phẩm sạch của núi rừng . Một phần đói nhiều là do đạp xe cả ngày mấy chục cây số leo đèo vượt suối , có đoạn còn phải vác xe qua mấy vực sâu chỉ có tấm ván hẹp bắc ngang nên không dám ngồi trên xe đạp , thà đi bộ và vác xe qua cho an toàn ! Bây giờ chắc chắn là không kham nổi “đoạn đường chiến binh” gai góc như vậy nữa !
Trong đêm cao nguyên giữa núi rừng se se lạnh , trong ánh đuốc bập bùng dưới nhà sàn , cả bọn mình có thêm mấy thanh niên nam nữ trong buôn cùng ngồi chơi uống rượu cần , chuyện trò về đời sống ở các buôn làng , núi rừng . . . Thấy có cây đàn Guitar không biết của ai dựng gần đó , mình ngứa tay bấm vài hợp âm , dạo vài nốt nhạc quen thuộc thì nghe có giọng con gái từ phía sau : Anh hát cho tụi em nghe một bài đi !
Quay lại thì thấy có cô gái trẻ đẹp trong chiếc váy kèm hoa văn màu hơi sẫm của phụ nữ Ba Na , cười nhẹ nhàng duyên dáng . Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ là đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên Trung Phần thường trông khác người Kinh nhiều : Nét mặt và tóc phải là xoắn tít như người châu Phi và màu da phải thật là nâu đậm . Nhưng thật ra không phải hoàn toàn như vậy . Cao nguyên Trung Phần nước ta trải dài 600km và có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số anh em chung sống , ngoại hình cũng như phong tục tập quán khác nhau .
Như người Ba Na chúng ta vẫn thấy ở vùng này , nhất là phụ nữ . Các cô gái người Ba Na trông cũng giống như phụ nữ người Kinh , vóc dáng có phần khỏe mạnh hơn hoang dã hơn vì là người con của núi rừng . Cũng có mái tóc mềm , làn da trắng trẻo rám nắng , và vì ở vùng cao nên cũng “má đỏ môi hồng” .
Mình rơi vào thế bị động , không hề chuẩn bị cho tình huấn “bất ngờ và ngọt ngào” này , nên hơi lúng túng một tí vì đã lâu rồi đâu có đàn hát gì đâu , trình độ vẫn “dậm chân tại chỗ” vì toàn là mày mò tự học và học lóm của bạn bè nên đành phải xin hát nhạc phẩm “May mà có em , đời còn dễ thương” cho chắc , không sợ bị quên nhạc quên lời , và còn đổi lời một tí là thay vì Pleiku thì sửa thành “Em Kon Tum má đỏ môi hồng” . Ở Kon Tum mà lại khen “Em Pleiku má đỏ môi hồng” thì chắc không hợp , không lịch sự tí nào ! Bài này chắc là còn lạ đối với mấy em vì bài hát được viết cùng một lượt lúc các em vừa cất tiếng khóc chào đời , rồi sau 1975 bị chìm vào quên lãng . Mấy em chắc được nghe lần đầu nên thích thú và xôn xao lắm !
Liền sau đó , bọn mình được Y Xuyên – tên cô gái khi nãy yêu cầu hát , tặng lại bản tình ca “Khi đã yêu” theo điệu Slow chậm buồn tha thiết , của Phượng Linh – một bút danh khác của đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông . Giọng của em trong trẻo như con suối đàng sau buôn , vang lên dịu dàng trìu mến .
Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều
Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui
Mơ vành môi thơm ngát hương đời
Tình kia phong kín mây trời
Khi yêu riêng một người thôi . . .
Trong lúc nhiều người Ba Na nói tiếng việt chưa được hoặc chỉ chút ít thôi thì Y Xuyên nói tiếng Việt rất giỏi , hát tiếng Việt rất hay . Không biết em có thuộc tầng lớp được quy hoạch được để ý tới để tiếp tục đào tạo thêm nữa hay không ? Thì ra em đã học tới cấp hai trung học , đang là cô giáo tiểu học cho trẻ em trong mấy buôn làng gần đây . Mình có nói là em hát hay lắm và bài hát này lâu lắm anh mới được nghe lại , anh rất thích mà không thuộc lời .
Chiều hôm sau , Y Xuyên tặng cho mình bản nhạc “Khi đã yêu” được em chép tay trên trang giấy vở mộc mạc của học trò , phía dưới có ghi Y Xuyên , nhờ vậy mình mới biết em tên là Y Xuyên . Tờ giấy có chép bản nhạc “Khi đã yêu” mình giữ rất kỹ như là một báu vật , kỷ niệm đẹp của một chuyến đi của một đoạn đời . Rất tiếc qua mấy lần dọn nhà , bị thất lạc thùng đồ có chứa thư từ – giấy tờ – hình ảnh nên bây giờ tờ giấy có bản nhạc của Y Xuyên viết cho mình chỉ còn trong trí nhớ , không trình làng cho các bạn cùng xem được !
Ngày vui qua mau , mấy anh bạn đã trao hết hàng hóa và đổi được cũng rất nhiều sản vật quí giá của núi rừng , chất và cột chặc lên mấy chiếc xe đạp , bọn tôi cảm ơn và tạm biệt buôn làng để về Kon Tum .
Rồi thời gian lặng lẽ trôi . Tôi tin rằng với trình độ văn hóa tương đối cao đối với cư dân ở buôn làng , với vẻ đẹp nhu mì , tính cách dễ thương dịu dàng chắc Y Xuyên có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và chắc em cũng đã quên anh chàng đến từ Sài Gòn , màu da nâu đậm như những chàng trai Ba Na , râu ria “vô trật tự” không được tỉa tót chăm sóc , đã ôm đàn hát tặng em bài “May mà có em , đời còn dễ thương” vào một tối mùa xuân năm nào .
Riêng tôi , vẫn nhớ hoài buổi sáng hôm chia tay . Y Xuyên đứng bên khóm tre cạnh con suối , vẫy tay chào chúng tôi , thái độ – cử chỉ – ánh mắt của em gởi gắm biết bao nhiêu điều muốn nói . Hình ảnh tôi còn giữ được trong lòng là em mãi mãi đôi mươi , tươi thắm như bông hoa rừng , đẹp rạng ngời dưới những tia nắng ấm của một buổi sáng như trong một giấc chiêm bao , giữa núi rừng đại ngàn .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: