Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 7 . Từ Pleiku đi Kon Tum .
Tạm biệt “Phố núi cao , phố núi đầy sương” . Pleiku của ngày nay tràn trề sức sống chứ không còn là Pleiku chiến tranh – bụi bặm – chết chóc của những thập niên 60 – 70 . Đoạn đường hôm nay chắc là ngắn nhất trong cả cuộc trường chinh lần này : 50km .
Quốc lộ 14 – Đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku – Kon Tum đi theo trục dọc nam – bắc nên nếu có nắng cũng không bị chói vì mặt trời ở sau lưng ta .
Km 7 – Ngả Tư Tôn Đức Thắng . Đây cũng là Đường tỉnh 671 đi Biển Hồ và núi lửa Chư Đang Ya .
Ghé một quán bên đường Tôn Đức Thắng ngay ngả tư quốc lộ 14 để ăn sáng , được thưởng thức tô bún bò Huế đúng là Huế thiệt , rất ngon . Chắc chủ quán là người từ vùng Huế – Quảng Trị lên đây lập nghiệp nên tô bún bò dọn ra đã thấy màu mè đúng cách và lúc ăn thì đúng là Huế , đậm đà – cay vừa – thơm ngon ! Bắt đầu ngày mới được như vậy là quá phấn khởi .
Km 15 – Ngả 3 Yaly .
Gọi thế vì ở ngả 3 này quẹo trái là Đường tỉnh 673 , đi thêm 22km sẽ đến thủy điện Yaly . Nhờ dẫn vô công trình quan trọng , lại là công ty kinh doanh có lợi nhuận cao nên đường được tráng nhựa tốt . Hai bên đường toàn là những đồi thông nối tiếp nhau , một màu xanh tươi mát mắt .
Đập thủy điện nằm ở ranh giới huyện Sa Thầy – Kon Tum và Chư Pả – Gia Lai , tích nước từ sông Đăk Sir , sông Đăk Pô Kô và sông Đăk Bla , cao 69m rộng 6.450ha , chỗ rộng nhất 4km chỗ sâu nhất 60m.
Thủy điện Yaly nằm trên sông Ya Krong B’Lah , chảy vào sông Se San , xây dựng từ 1993 hoàn thành năm 2003 . Thiết kế và trang thiết bị là do những người anh em Nga – Ukraina , các công ty Việt Nam tham gia phần xây dựng . Khu vực vận hành máy móc nằm sâu dưới đất , ở con đường ngầm dài 600m xuyên qua lòng núi , nơi đặt 4 tổ máy phát điện . Với công suất 720 MW , thủy điện Yaly trước đây lớn thứ nhì nước ta chỉ thua thủy điện Hòa Bình công suất 1.920 MW và từ năm 2012 được thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW lớn nhất nước qua mặt !
Đứng trên núi cao và đập nước 69m , ta có được cái nhìn toàn cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ . Nhìn về phía tây , chỉ cách 50km là tỉnh Ratanakiri – Kampuchia , chếch về hướng tây bắc là Vườn Quốc gia Chư Mom Ray bên cạnh Ngả 3 Đông Dương , Ba biên giới Việt Nam – Kampuchia – Lào , khoảng 60km đường chim bay .
Đầu năm 1981 tại huyện Sa Thầy này , gần bên cạnh địa điểm đập thủy điện Yaly , có một cặp anh em sinh đôi chào đời nhưng bị dính với nhau trong một trường hợp vô cùng khó khăn phức tạp . Thời chiến tranh vùng này thuộc khu vực Đường mòn Hồ Chí Minh nên đã bị máy bay Mỹ phun rất nhiều thuốc diệt cây cỏ – có chứa chất độc Dioxin , còn được biết với tên Agent Orange – chất độc da cam , để Quân Giải phóng không có chỗ ẩn núp và Mỹ dễ dàng thả bom hòng tiêu diệt .
Hai anh em được bệnh viện Việt Đức – Hà Nội chăm sóc nên có tên là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức . Sau đó hai em được chuyển vào bệnh viện Từ Dũ – Sài Gòn . Người anh Nguyễn Việt bị ảnh hưởng nặng chất độc da cam – Dioxin , nhiều cơ quan nội tạng hư hỏng nên rất yếu , bệnh nặng thường xuyên , 1986 bị sốt cao hôn mê rồi bại não có thể chết và người em Nguyễn Đức có nguy cơ cũng chết theo .
Với sự giúp đỡ của nhiều nơi , đặc biệt từ Giáo sư Fujimoto người Nhật đã quyên góp rất tích cực cho hai em Việt – Đức . Tháng 10 năm 1988 , Giáo sư Bác sĩ Trần Đông A , trưởng một kíp mổ 62 người gồm những chuyên gia trong ngành giải phẫu – bây giờ gọi là ngoại khoa , có cả mấy bác sĩ đến từ Nhật . Ca đại phẫu thuật kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ , được y khoa thế giới ngưỡng mộ , đã tách thành công hai em Việt và Đức .
Sau ca mổ , người anh Việt phải sống đời thực vật 19 năm và qua đời năm 2007 . Người em Đức phát triển tốt dù chỉ còn một chân , lớn lên có nghề nghiệp và được làm việc tại bệnh viện Từ Dũ – Sài Gòn . Năm 2006 Đức lập gia đình và có được cặp con sinh đôi , một trai một gái hoàn toàn khỏe mạnh !
Người đã chủ trì , đem thành công đến cho cuộc đại phẫu huyền thoại này là Giáo sư Bác sĩ Trần Đông A . Ông sinh năm 1941 gốc Hải Hậu – Nam Định , “Bắc kỳ di cư” năm 1954 và là thiếu tá trong binh chủng lính nhảy dù chế độ VNCH . Không chạy qua Mỹ năm 1975 và đã qua 2 năm trong “trại cải tạo” mặc dù chưa từng bắn một phát súng nào , chỉ lo cứu người không phân biệt chiến tuyến ! Từng có mặt ở tiền tuyến , trận Làng Vây và cả chiến dịch Lam Sơn 719 – Đường 9 Nam Lào , được nhiều huy chương Anh dũng bội tinh và cả huy chương của Mỹ tặng !
Năm 1982 gia đình ông thuộc 30 gia đình đầu tiên được cấp giấy bảo lãnh để chính thức qua Mỹ và chuyện được Mỹ cấp thẻ xanh để cư trú rồi nhận quốc tịch Mỹ là đương nhiên . Nhưng ông . . . không đi , chọn ở lại Việt Nam vì “trẻ em Việt Nam cần tôi” . Nhiều lần ông được đi công tác nước ngoài – ở Pháp ở Mỹ , và ai cũng tưởng ông ở lại nước ngoài nhưng không , nơi ông muốn làm việc muốn cống hiến cho xã hội , trước đây và bây giờ vẫn là Việt Nam . Ông thực sự là tấm gương lớn về y đức và tài năng . Với chế độ hiện nay ông cũng được tặng nhiều huân huy chương , trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba , vinh danh Thầy thuốc nhân dân và phong Anh hùng lao động . Xin chúc Ông được khỏe mạnh dài lâu , sống vui sống khỏe sống hạnh phúc mãn nguyện vì được sống chan hòa với lý tưởng của đời mình !
Xin phép được lạc đề thêm một chút nữa thôi . Trường hợp của Giáo sư Bác sĩ Anh hùng Trần Đông A làm chúng ta liên tưởng đến một trường hợp tương tự nhưng rất thú vị vì nó . . . ngược lại ! Đó là Giáo sư thiếu tướng Anh hùng Trần Đại Nghĩa , 1913 – 1997 , quê Vĩnh Long . Ông này nhà nghèo mồ côi cha rất sớm nhưng học rất giỏi , cựu học sinh trường Pétrus Ký – Sài Gòn , bây giờ là trường Lê Hồng Phong , được học bổng qua bên Pháp học tiếp , tốt nghiệp đến mấy cái bằng kỹ sư nhưng chỉ chuyên tâm – nung nấu – chú trọng đến chuyện nghiên cứu học tập chăm chỉ chuyên cần về đề tài chế tạo vũ khí để Việt Nam ta có thể đánh giặc hiệu quả hơn , chiến sĩ của ta bớt hy sinh xương máu hơn !
Đang làm việc với tư cách kỹ sư trưởng tại kinh đô ánh sáng Paris , lương cao ngất ngưởng , điều kiện vật chất vô cùng thoải mái lại được người Pháp kính nể và mến mộ , thậm chí nhà nước Pháp chỉ mong được cấp cho ông quốc tịch Pháp ! Nhưng ông bỏ lại tất cả bên giòng sông Seine thơ mộng , hành lý mang về là 1 tấn sách khoa học kỹ thuật quốc phòng , lên tàu chiến của hải quân Pháp ở quân cảng Toulon – Côte d’ Azur miền nam nước Pháp để đi cùng với Bác Hồ và mấy vị trí thức khác , lênh đênh cả tháng trời trên đại dương , về đến Việt Nam cuối tháng 10 năm 1946 .
Ông tên thật là Phạm Quang Lễ , được Bác Hồ đặt tên Trần Đại Nghĩa để noi gương nhà Trần đã 3 lần chiến thắng đánh đuổi được quân xâm lược ra khỏi đất nước ta , và Đại Nghĩa để nhắc nhở là ông sống và làm việc vì nghĩa lớn vì đại nghĩa ! Có phải đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng thú vị của lịch sử khi vũ khí của ông cũng 3 lần góp phần cho Việt Nam đánh đuổi được tụi giặc xâm lược : Thực dân Pháp , đế quốc Mỹ và bá quyền Trung Cộng .
Ngay mùa xuân năm 1947 ông đã chế tạo được Bazooka – made in Vietnam , bắn nát bét xe tăng Pháp ở chùa Trầm – Hà Tây làm giặc Pháp khiếp đảm kinh hồn và treo giá cái đầu của ông rất cao . Thập niên 60 ông lại có nhiều phát minh – sáng kiến – cống hiến để phát huy thêm sức mạnh và độ thông minh của tên lửa SAM 2 , giúp phòng không Việt Nam bắn hạ rất nhiều máy bay Mỹ .
Có thời gian ngắn ông đã làm việc trong một công xưởng chế tạo máy bay của Đức Quốc Xã tại thành phố Halle gần Leipzig – Đức , mong được học những kỹ thuật để làm chủ bầu trời nhưng Đức Quốc Xã “thủ” kín quá không học lóm được nên ông phải quay về Paris . Trong thời gian ở Halle ông đã thấm thía với nhiều lần hứng chịu những trận “mưa bom” của máy bay quân Đồng Minh dội bom xuống các thành phố lớn ở Đức nên đã cảnh báo và hiến kế kịp thời để chính quyền miền Bắc khẩn trương lên chương trình sơ tán dân chúng từ Hà Nội về vùng thôn quê , tránh được những trận rải “mưa bom” của máy bay Mỹ , hạn chế được tối đa thiệt hại về người !
Trên khắp đất nước ta nhiều con đường và trường học được hân hạnh mang tên Trần Đại Nghĩa .
Xin lỗi đã dẫn dắt các bạn lạc vào chuyện chất độc da cam – Dioxin , chuyện y khoa rồi chuyện vũ khí nhưng thực ra sâu hơn nữa , từ đáy tâm hồn của chúng ta đó là chuyện “Thái độ sống của người trí thức đối với xã hội đối với quê hương đất nước” , có phải không các bạn ?
Còn bây giờ chúng ta ngược theo Đường tỉnh 673 ra quốc lộ 14 để tiếp tục hành trình trên Đường Hồ Chí Minh .
Km 50 – Thành phố Kon Tum .
Nếu cộng thêm đoạn đường từ quốc lộ 14 vô thủy điện Yaly và ngược ra thì hôm nay chúng ta đi được khoảng chừng 100km nên đúng giữa trưa là đã tới Kon Tum . Phòng trọ ở không xa cây cầu Đăk Bla và chỉ cách con sông chừng vài chục thước , rất tiện để được đi bộ loanh quanh trong khu trung tâm gần chợ , gần chốn phồn hoa .
Kon Tum cách Sài Gòn 600km về phía bắc , cao độ 525m với dân số khoảng 170.000 người , nằm ngay bên giòng sông Đăk Bla , một vùng đất bằng phẳng trên cao nguyên . Đồng bào thiểu số thường gặp ở đây là người Ba Na . Trong ngôn ngữ Ba Na , Kon là làng và Tum đồng nghĩa với ao – hồ – bàu nước , vì thế Kon Tum có nghĩa là làng bên cạnh những hồ nước . Sông Đăk Bla chảy theo hướng đông – tây tới thành phố Kon Tum lại uốn lượn gấp thành nhiều khúc quanh co nên vào mùa mưa thường bị ngập lụt ở những vùng trũng thấp hai bên bờ sông .
Buổi chiều , lững thững dạo bộ đến đường Nguyễn Huệ , nơi có nhà thờ chánh tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ vì được làm bằng gỗ . Đây là công trình được thiết kế theo kiến trúc Roman pha trộn với kiểu nhà sàn của người Ba Na do các linh mục người Pháp cho mời những nghệ nhân nghề mộc từ Quảng Nam và Bình Định lên đây , xây dựng từ năm 1913 , đến năm 1918 mới xong . Với kiến trúc đặc biệt hấp dẫn như thế , nhà thờ Gỗ Kon Tum thuộc nhóm 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam .
Ngoài ra , nhà thờ Gỗ còn quản lý một cô nhi viện , điều hành trại mộc , có cơ sở dệt thổ cẩm , xưởng chế biến sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo .
Bạn nào có dịp lên Kon Tum đừng quên ghé cafe Indochine ngay bờ sông , bên cầu Đăk Bla . Đây là một trong nhiều công trình của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa . Năm 2012 mình đi ngang qua đây , phát hiện quán này nhưng lúc đó đang trong quá trình được xây dựng , với rất nhiều cây tre cao – thoáng – đẹp , cách thiết kế nhìn đã thấy có dấu ấn của anh kiến trúc sư tài ba này .
Quán cafe nhà hàng rộng 550m2 , hồ nước cạn nhân tạo bao quanh , là một bộ phận của khách sạn lớn nhất , nhiều sao nhất của Kon Tum , nằm trên đường Bạch Đằng nhìn ra sông Đăk Bla , được lấy cảm hứng từ những cái nơm bắt cá úp ngược . Rất nhiều tre được xử lý kỹ thuật công phu và sử dụng rất tinh tế , dùng nhiều vật liệu xây dựng có trong thiên nhiên như gỗ , đất , đá . . . hạn chế tối đa bê tông sắt thép .
Thiết kế của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa luôn sáng tạo , hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan chung quanh , sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường , có sẵn tại địa phương , gắn liền với văn hóa bản địa . Anh kết hợp tài tình giữa chất liệu trong thiên nhiên với nước – gió – ánh sáng , ứng dụng tối đa nguyên tắc khí động học , dùng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành những máy điều hòa không khí tự nhiên .
Võ Trọng Nghĩa thuộc thế hệ 1976 cùng gốc huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình , cùng họ cùng quê hương với đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp , được nhận học bổng đi Nhật lúc vừa 20 tuổi , đang học kiến trúc ở Hà Nội . Anh đậu thủ khoa hết kỳ thi này đến kỳ thi khác , xong đại học rồi đến thạc sĩ , luôn luôn tốt nghiệp với hạng ưu ! Đang làm luận án tiến sĩ thì anh được thầy là giáo sư Hiroshi Naito nhắn nhủ : “Ta đào tạo con để con làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để làm nghiên cứu” và thầy còn nói tiếp : “Đi về học thất bại đi , còn hơn là cứ thành công mãi” !
Ở tuổi 30 , anh ngộ ra được những lời khuyên bảo chân tình và chân lý từ người thầy kính mến , bỏ dở dang luận án tiến sĩ , về Việt Nam thành lập công ty , nhận rất nhiều giải thưởng danh giá từ khắp nơi trên thế giới cho những công trình do anh thiết kế nhưng về phương diện tài chính thì trong 10 năm đầu bị thất bại triền miên , luôn đứng bên vực thẳm của . . . phá sản !
Bằng khen và giải thưởng cho các công trình quốc tế do anh thiết kế nhiều vô số , được cả thế giới biết đến , ngưỡng mộ và thích thú , công việc bây giờ nhiều làm không hết ! Những lời anh tâm sự cũng là tiếng lòng của các đồng nghiệp kiến trúc sư ở Việt Nam :
“Làm kiến trúc sư ở Việt Nam mà không có bản lãnh thì luôn luôn nghèo , muốn tạo ra những tác phẩm xuất sắc thì sẽ rất nghèo , thậm chí có đam mê để tạo ra tuyệt tác thì sẽ nghèo kiết xác luôn” !
Ngồi ở cafe Indochine – Kon Tum , ngắm hoàng hôn chậm buông xuống trên giòng Đăk Bla , mình mừng thầm cho mấy ông bạn kiến trúc sư tài giỏi của mình , vì sao ? Nếu mấy bạn này giàu có thì vui quá , đương nhiên rồi phải không ? Nhưng nếu mấy bạn này “chưa giàu” thì cũng mừng cho bạn đang sung sướng hạnh phúc vì được sống trọn vẹn với niềm đam mê , phải không ?
Ngoài kia , những tia nắng nhạt nhòa cuối cùng của một ngày đẹp trời chìm dần xuống giòng Đăk Bla , lững lờ trên cao nguyên Ba Na .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: