Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 6 . Em Pleiku má đỏ môi hồng .
Thành phố lớn thứ 3 ở Tây Nguyên , chỉ sau Buôn Ma Thuột và Đà Lạt , nằm ở độ cao 700m – 800m với hơn 500.000 dân cư , 12% trong số đó là người dân tộc Gia Rai và Ba Na . Những năm gần đây Pleiku tăng trưởng rất mạnh , có doanh thu tốt từ những đồn điền trồng cây công nghiệp như cao su , cà phê , hồ tiêu .
Pleiku cách Sài Gòn 545km về hướng bắc đông bắc , có những trục giao thông rất lớn đi khắp nơi . Thành phố nằm trên trục Nam Bắc của quốc lộ 14 – Đường Hồ Chí Minh , có quốc lộ 19 đi về hướng đông xuống cảng Qui Nhơn ven biển miền Trung chỉ 166km , có quốc lộ 19 đi về hướng tây nam 75km đến cửa khẩu Lệ Thanh – Oyadav qua Kampuchia .
Phụ nữ ở vùng cao khắp Tây Nguyên hoặc ở những vùng thượng du ngoài miền Bắc nước ta như Tây Bắc – Đông Bắc ai cũng có má đỏ môi hồng nhưng tại sao mỗi khi nhắc đến Pleiku người ta thường nói ngay là : Em Pleiku má đỏ môi hồng ?
Năm 1970 , một nhà thơ lang thang đến Pleiku thăm người bạn gái , làm bài thơ “Còn chút gì để nhớ” , đăng cùng năm trên báo Khởi Hành của Viên Linh và . . . chìm vào quên lãng ! Một hôm nhạc sĩ Phạm Duy đến thăm nhà văn Võ Phiến , “nhặt” được trên bàn làm việc của bạn mình bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định , 1942 – 1981 , nhà thơ xứ Quảng gốc Huế . Nhịp điệu và ngôn ngữ của bài thơ đã cho ông ý định muốn phổ thơ thành nhạc . Lúc này ông chưa quen biết nhà thơ Vũ Hữu Định .
Trong một dịp đi Pleiku năm 1972 để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên , nhạc sĩ Phạm Duy làm việc và giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku thời đó . Một buổi tối đã gần đến giờ giới nghiêm , tại câu lạc bộ Đại Hàn trên đường Hoàng Diệu – bây giờ là đường Hùng Vương , ban nhạc chuẩn bị đi về thì có một nhóm người vào chơi . Đó là nhóm của nhạc sĩ Phạm Duy đi cùng mấy người bạn , trong đó có nhà thơ Kim Tuấn và có cả Vũ Hữu Định .
Phạm Duy lấy trong túi ra một tờ giấy đã có kẻ những giòng và nốt nhạc đưa cho ban nhạc và nói : Đô trưởng , Boston nhé – tức là ban nhạc vui lòng đệm cung đô trưởng , theo nhịp 3/4 , điệu Boston – Valse chậm . Và ông hát trước , ban nhạc đệm theo . Giọng ông khá cuốn hút , ông dứt lời mọi người vỗ tay chúc mừng. Có thể coi đây là lần đầu tiên nhạc phẩm “Còn chút gì để nhớ” được trình làng .
Bài thơ chỉ 4 khổ , mỗi khổ 4 câu được Phạm Duy giữ nguyên , hầu như không thêm bớt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ . Đặc biệt có giòng nhạc ngũ cung trong phần Introduction – dẫn nhập , nghe rất là Tây Nguyên !
Phố núi cao , phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh , trời thấp thật buồn
Anh khách lạ , đi lên đi xuống
May mà có em , đời còn dễ thương
Phố núi cao , phố núi trời gần
Phố xá không xa , nên phố tình thân
Đi dăm phút , đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao , lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku , má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều , quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn , thành phố có em
Xin cảm ơn , một mái tóc mềm
Mai xa lắc , bên đồi biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên .
Bằng ngôn ngữ của thi ca , Vũ Hữu Định đã vẽ được chân dung diễm kiều của Pleiku và Phạm Duy đã đội vương miện cho cô gái miền núi . Liền sau đó , bài thơ phổ nhạc này được tái bản rất nhiều lần , được phổ biến rộng rãi và Pleiku bớt đi hình ảnh bụi bặm – chiến tranh – trại lính , được mọi người nhắc đến với “Em Pleiku má đỏ môi hồng , và phố xá không xa nên phố tình thân đi dăm phút đã về chốn cũ” . Từ đó Vũ Hữu Định và thơ của anh được nhiều người biết đến và yêu thích .
Mình cũng bị lây cơn sốt “Còn chút gì để nhớ” nên chắt chiu để dành được 1.500 đồng thời đó , và vì nhác gan nên rủ anh bạn Trần Đạo học cùng lớp , cùng sinh hoạt đội Beo trong Hướng Đạo , cùng nhau lên đường Gia Long – Qui Nhơn để mua cây đàn Guitar . Hai đứa mới 16 – 17 tuổi học lớp 11 , lần đầu dám sắm một món đồ chơi đắt tiền như vậy , tương đương với 30 tô phở . Mua xong cây đờn còn ghé tiệm sách Khánh Hưng gần đó , lấy cuốn “Tự học 30 ngày biết đệm 7 điệu Tây Ban Cầm” của “Giáo sư Nam Phong” và cầm thêm mấy bản nhạc rời khổ to A3 gấp làm 2 , rất thịnh hành ở miền Nam trước 1975 .
Và bản nhạc đầu tiên mình tự mày mò tự học đệm và tập hát nghêu ngao được là nhạc phẩm “Còn chút gì để nhớ” , mặc dù lúc đó có nhớ nhung hình bóng nào đâu , chỉ lo tập trung học hành , cuối tuần vác ba lô đi cắm trại Hướng Đạo chứ chưa có quen em nào má đỏ môi hồng và cũng chưa ấp ủ cụ thể một mái tóc mềm nào ! Hôm nay viết lên mấy hàng này coi như đốt nén hương lòng để tưởng niệm anh bạn Trần Đạo hiền từ – dễ thương – học giỏi , đã từ giã cõi trần tục được 2 năm nay , để bay bổng phiêu du ở chốn thiên đường hay tiêu diêu nơi miền cực lạc !
Xin được trở lại với Pleiku của ngày hôm nay ! Pleiku bây giờ rộng lớn lắm , không còn là “Đi dăm phút đã về chốn cũ” nữa ! Điểm tham quan nhiều lắm , phải sử dụng cơ giới , tốt nhất là xe máy , có thể thuê dễ dàng .
Theo thứ tự từ trong thành phố ra ngoại ô :
– Chùa Minh Thành , đường Nguyễn Viết Xuân . Chùa Việt nhưng phảng phất nhiều yếu tố theo kiến trúc lai Tàu và Nhật với bảo tháp xá lợi khổng lồ cao 9 tầng , được Hòa thượng Thích Giác Đạo thành lập , xây dựng lên năm 1964 .
– Nhà Lao Pleiku , đường Thống Nhất , cách bưu điện trung tâm chừng vài trăm thước .
– Quảng trường Đại Đoàn Kết . Rộng 12ha và tọa lạc ngay trung tâm thành phố với cột cờ tổ quốc cao 25m . Nơi đây có tượng Bác Hồ đúc bằng đồng , cao 11m nặng 16 tấn , đặt trên bệ bê tông cao 4,5m . Điêu khắc gia Nguyễn Bá Đua đã đem nhiều tâm huyết để làm nên tượng đồng này .
– Công viên Đồng Xanh . Nằm cạnh quốc lộ 19 , cách Pleiku 10km về hướng đông hướng đi xuống biển đi thành phố Qui Nhơn . Trên khuôn viên rộng 14ha có khu văn hóa Tây Nguyên , có cây hóa thạch cao cả chục thước , đường kính thân cây hơn 1m và tuổi đời hàng triệu năm , tìm được ở miệng núi lửa Chư A Thai – huyện Phú Thiện . Trong công viên còn có nhiều “công trình nghệ thuật” , nhiều vườn hoa nhiều cảnh đẹp để du khách tha hồ chụp hình .
– Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai , gần Núi Hàm Rồng – Pleiku . Trẻ em có năng khiếu bóng đá được tuyển vào trường , được tài trợ học văn hóa song song với học đá bóng , được sống nội trú trong khuôn viên của trường rộng mênh mông , đầy đủ tiện nghi vật chất để yên tâm học và tập !
– Cụm du lịch núi lửa Chư Đang Ya gồm nhiều địa điểm tham quan rất đẹp , không nên bỏ qua :
* Biển Hồ . Điểm du lịch nổi tiếng đã có từ lâu , còn có tên hồ T’ Nưng , cách Pleiku 13km về hướng bắc trên đường đi Kon Tum . Đây là hồ nước ngọt của 3 miệng núi lửa thông nhau , rộng 228ha với độ sâu trung bình từ 12m đến 20m có nơi sâu đến 40m . Vì hồ rộng lớn bao la bát ngát như biển nên có tên là Biển Hồ .
* Biển Hồ Trà . Từ Biển Hồ đi ngược ra quốc lộ 14 , đi chừng 3km về hướng bắc hướng đi Kon Tum , quẹo phải vào đường Lê Văn Sỹ , đi gần 2km tới đập tràn Nghĩa Hưng , qua khỏi đập này là đến đường Hàng Thông cổ thụ , bà con nhớ ngừng xe để . . . chụp hình ! Hai bên đường là những trang trại trồng trà , cuối đường Hàng Thông là chùa Bửu Minh .
* Đầu thế kỷ 20 có nhiều di dân từ ven biển miền Trung lên đây lập nghiệp chung quanh Sở Trà Biển Hồ thời thuộc Pháp . Bà con cùng nhau lập Sơn Hải miếu làm nơi thờ cúng . Năm 1936 , chùa được xây dựng lớn hơn và mang tên chùa Phật Học , được trùng tu nhiều đợt và chính thức gọi là chùa Bửu Minh từ năm 1961 .
* Núi lửa Chư Đang Ya . Tỉnh Gia Lai có hơn 30 miệng núi lửa hàng triệu năm tuổi , đã không còn hoạt động phun trào nữa và là những di sản địa chất vô cùng quí hiếm . Chúng ta đã ghé núi lửa Hàm Rồng cách phía nam Pleiku 12km , đã ghé Biển Hồ với 3 miệng núi lửa thông nhau trên đường đến Chư Đang Ya . Không cần phải qua Nhật hoặc đi Indonesia xa xôi tốn kém để được ngắm núi lửa , ngay Pleiku đây tha hồ đi tham quan núi lửa . Từ chùa Bửu Minh đi lòng vòng quanh co ngang qua những cánh đồng lúa của xã Chư Jô , sau 5km là đến núi lửa Chư Đang Ya .
Dưới chân núi lửa Chư Đang Ya là làng Ya Gri của tộc người Gia Rai và trong ngôn ngữ tại địa phương Chư Đang Ya có nghĩa là “củ Gừng dại” . Nhờ dung nham được phun trào từ dưới sâu nên đất nơi đây rất tốt , tạo nên thảm thực vật vô cùng phong phú . Nhiều cây cổ thụ tồn tại mấy trăm năm nay , những đồng cỏ lau , những đồi cỏ đuôi chồn màu hồng tím ngây ngất . . . Ngay trong lòng chảo núi lửa là những nương rẫy trồng các loại cây lương thực như : Bắp , khoai , bí , dong riềng . . .
Đặc biệt gần khu vực núi lửa Chư Đang Ya , vào tháng 11 – 12 dương lịch những thảm hoa Dã Quỳ vàng rực khắp nơi , miên man – bao la – bát ngát , rất dày và rất đẹp . Mùa hoa Dã Quỳ đẹp đến nỗi mỗi năm địa phương đều tổ chức hội hoa Dã Quỳ để đón du khách .
* Nằm sâu trong làng , dưới chân núi lửa Chư Đang Ya , có phế tích nhà thờ H’ Bâu . Nhà thờ được xây năm 1909 , do chiến tranh tàn phá nên bị hư hỏng hoàn toàn , chỉ còn tháp chuông và mặt tiền “trơ gan cùng tuế nguyệt” mấy chục năm nay . Mặc dù trong làng đã có nhà thờ mới nhưng hàng ngày người dân Gia Rai gần đó vẫn đến nhà thờ để dâng hoa và cầu nguyện . Đây là một trong những nhà thờ hiện diện sớm nhất ở miền truyền giáo Pleiku .
Tham quan cụm du lịch Biển Hồ – đồn điền Trà – chùa Bửu Minh – núi lửa Chư Đang Ya – nhà thờ phế tích H’ Bâu xong , các bạn có thể tiếp tục đi vòng bằng Đường tỉnh 671 để về lại Biển Hồ – Pleiku , tuy xa hơn vài cây số nhưng được khám phá con đường mới , chắc sẽ thú vị hơn là đi ngược theo đường cũ của lượt đi .
Trước khi cùng nhau đi tiếp trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 , xin có vài giòng về Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại .
Đường mòn Hồ Chí Minh là tên do mấy nhà báo ngoại quốc đặt nên , Hồ Chí Minh Sentier hoặc Hồ Chí Minh Trail . Đây là khái niệm về một hệ thống đường mòn chằng chịt nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ gồm 5 đường trục dọc theo hướng Bắc – Nam và 21 đường trục ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn . Hơn 20.000km đường ô tô , trong đó có 3.140km đường kín được ngụy trang che dấu tốt để có thể lưu thông ban ngày . Đặc biệt có cả 1.400km đường ống xăng dầu , dẫn nhiên liệu từ phía bắc vĩ tuyến 17 vào tận Bù Gia Mập – Lộc Ninh ở chiến trường Đông Nam Bộ . Hàng ngàn cầu – cống – ngầm đã được xây đi xây lại nhiều lần sau khi bị bom đạn của không quân Mỹ thường xuyên bắn phá tan tành .
Đầu thế kỷ 21 , ta có dự án xây dựng một xa lộ đi dọc theo hướng tây của đất nước , trên dãy Trường Sơn và lấy tên là Xa lộ Bắc Nam nhưng sau đó đã quyết định đặt tên là Đường Hồ Chí Minh , dài 3.183km chạy từ Pác Bó – Cao Bằng sát biên giới Việt Nam – Trung Cộng xuyên Việt Nam để đến Đất Mũi – Cà Mau , điểm cực nam của đất nước ta nhìn ra Biển Đông . Nhiều đoạn của Đường Hồ Chí Minh ngày nay là Đường mòn Hồ Chí Minh ngày xưa .
Thời chiến tranh bom đạn ác liệt chết chóc hy sinh rất nhiều nhưng đường xá vẫn hoàn thành tốt . Bây giờ không chiến tranh không bom đạn không chết chóc nhưng đường làm không xong không đạt yêu cầu ! Năm 2013 , dù mới làm xong nhưng hàng trăm Km đường bê tông Đường Hồ Chí Minh đã bị hư hỏng nặng nề . Giám đốc điều hành dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku – Kon Tum đã bị “tạm đình chỉ chức vụ” để điều tra ! Đường này dài như thế thì không biết đã có bao nhiêu chàng giám đốc bị cách chức , bao nhiêu tên tham nhũng đã bị còng tay ngồi tù ?
Hơn 20.000 ngàn bộ đội và thanh niên Xung Phong đã hy sinh và hơn 30.000 người bị thương để Đường mòn Hồ Chí Minh được thông suốt từ 1959 đến 1975 . Có thể gọi đây là con đường của khí phách và bản lĩnh của người Việt Nam chúng ta . Trong chiến tranh khổ cực thiếu thốn mọi thứ , phải chịu bom đạn tàn phá khủng khiếp nhưng ta đã làm được những việc phải gọi là “Đội đá vá trời” . Còn bây giờ thì sao ?
Còn bây giờ , đã 46 năm thống nhất đất nước , đã 46 năm hòa bình không bị bom đạn , đã 46 năm không bị xâm lược – xiềng xích – bóc lột , đất nước chúng ta đã như thế nào ? Vài chục đại án tham nhũng , mỗi vụ làm thất thoát vài chục ngàn tỉ – tương đương vài tỉ Đô la Mỹ đến vài trăm ngàn tỉ – tương đương hàng chục tỉ Đô la Mỹ công quỹ tức là tiền của toàn dân nghèo góp lại nộp cho nhà nước và nhà nước đã dễ dãi để cho tụi tham nhũng tha hồ đục khoét ! Ta phải can đảm tính sổ lại , tự đóng vai thanh tra , tự đóng vai kiểm toán , tự đóng vai quan tòa để sáng suốt nhận ra biết bao nhiêu chuyện xấu xa – chuyện tiêu cực – chuyện thối nát xảy ra trong xã hội chung quanh ta , bên cạnh quá ít chuyện đàng hoàng – tử tế – nhân văn .
Xin lỗi đã lôi các bạn đi xa quá !
Ghé Pleiku nhiều lần nhưng mình không có được cái may mắn như nhà thơ Vũ Hữu Định năm xưa là “May mà có em đời còn dễ thương” . Đêm cuối cùng ở Pleiku đành tà tà đi một mình ra chợ Đêm chơi , ngắm nam thanh nữ tú dạo phố , bà con đi mua sắm . Tìm một góc sạch sẽ , thưởng thức một món ăn khuya rồi về khách sạn , lên chương trình cho hành trình ngày mai , sẽ đi Kon Tum .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: