Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 5 . Từ Buôn Ma Thuột đi Pleiku .
Mình trình bày , vô tư – trong sáng – minh bạch và đưa câu chuyện “Không còn chế độ phong kiến , không còn vua mà vẫn được phong sắc tứ” để mọi người cùng xem cùng bàn luận và đã có nhiều phản hồi rất tích cực , cảm ơn các bạn rất nhiều !
Sau khi đọc chiếu thoái vị trước mấy chục ngàn thần dân tại cửa Ngọ Môn – Huế , được mời ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa thành lập . Một thời gian ngắn sau đó , Bảo Đại thấy không thể tiếp tục cộng tác với chính quyền cách mạng nên nhân một chuyến đi công cán ở bên Tàu giữa năm 1946 , ông ta không về Việt Nam nữa mà chọn Hồng Kông làm nơi tạm dung thân , chờ thời .
Mấy năm sống thiếu hụt tiền bạc , sống lây lất vất vưởng ở Hồng Kông với vũ nữ Lý Lệ Hà , sau đó Bảo Đại được thực dân Pháp ve vãn – săn đón – chu cấp tài chánh để được phục hồi cuộc sống no cơm ấm cật . Gặp gỡ bàn thảo với Pháp nhiều lần để rồi cuối cùng ký với tổng thống Pháp Vincent Auriol hiệp định Elysée tại Paris ngày 8 tháng 3 năm 1949 . Với hiệp định này , thực dân Pháp dựng lên một Quốc Gia Việt Nam với Quốc Trưởng Bảo Đại – tương đương như Chủ tịch nước hoặc Tổng Thống .
Một năm sau , tháng 4 năm 1950 qua sự mớm ý bày vẽ của thực dân Pháp với mục đích “Chia để trị” , quốc trưởng Bảo Đại thiết lập cái gọi là Hoàng Triều Cương Thổ trên Cao Nguyên Trung Phần tương đương lãnh thổ Tây Nguyên ngày nay . Hoàng Triều là triều đại đang trị vì và cương thổ là đất đai ở biên giới . Hoàng Triều Cương Thổ là đất đai ở vùng biên cương xa xôi , của nhà vua và có chế độ hành chánh đặc biệt , kiểu như đặc khu bây giờ .
Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc Trưởng bù nhìn , vẫn tiếc nuối thời phong kiến nên tự cho mình được đóng vai nhà vua một lần nữa mặc dù đã chính thức thoái vị – từ bỏ ngai vàng hồi cuối tháng 8 năm 1945 , dù bây giờ chỉ là vua của mấy tỉnh ở Thượng Du miền trung Việt Nam , có khác gì mấy vua xứ Thái vua xứ Mèo vua xứ Mường ở các khu tự trị ngoài miền bắc Việt Nam lúc còn thuộc Pháp . Thời Hoàng Triều Cương Thổ , từ tháng 4 năm 1950 đến tháng 3 năm 1955 , người dân muốn lên đây phải có một loại giấy tờ như giấy thông hành – Visa , của Nha công an cấp rồi mới được lên Hoàng Triều Cương Thổ ! Như vậy chúng ta có thể tạm hiểu thêm về câu chuyện sắc phong cho chùa Khải Đoan ở Buôn Ma Thuột như sau :
Chùa được xây năm 1951 , và vì chùa nằm trên Hoàng Triều Cương Thổ nên được Bảo Đại với tư cách là ông vua “tự phong” ban cho sắc tứ . Một mặt ông ta là quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên , tức là không còn dây mơ rễ má gì với chế độ phong kiến nữa . Mặt khác ông lại muốn làm vua , muốn “Gợi giấc mơ xưa” , muốn được đóng vai nhà vua để rồi phong sắc tứ chỗ này chỗ kia .
Xem ra thì Việt Nam ta , ở thời nào và dưới chế độ nào cũng có những chuyện trời ơi đất hỡi ! Thời thực dân Pháp chúng ta có Bảo Đại ngồi ghế quốc trưởng của “Quốc Gia Việt Nam theo định hướng vua chúa xã hội phong kiến” , thời cộng sản bây giờ thì người dân Việt Nam được sống với nền “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” !
Dù sao đi nữa , qua những chuyện như thế này chúng ta hiểu rõ đất nước và con người Việt Nam hơn ! Trong trường hợp nào chùa Khải Đoan cũng vẫn là Sắc tứ Khải Đoan tự , “đúng quy trình” như bây giờ vẫn thường nói , và chúng ta trân trọng đặt chùa ở lại Buôn Ma Thuột , để còn tiếp tục cuộc Vạn Lý Trường Chinh trên Đường mòn Hồ Chí Minh nữa , đường còn dài lắm còn xa lắm ! Lần sau lên Buôn Ma Thuột thế nào mình cũng ghé viếng chùa này , và với tâm thái không còn mơ hồ không còn băn khoăn không còn thắc mắc về chuyện “Ngôi chùa cuối cùng dưới thời phong kiến được phong sắc tứ” nữa , đây là chuyện thuộc về lịch sử .
Xin lỗi đã đưa các bạn đi lạc đường và lạc đề quá xa ! Tạm biệt Buôn Ma Thuột tại Bùng binh xe tăng , theo quốc lộ 14 thẳng tiến hướng bắc đi Pleiku .
Km 42 – Thị xã Buôn Hồ . Từ đây có quốc lộ 29 đi về hướng đông , xuyên qua giữa Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Ea So xanh tươi đẹp đẽ để về thành phố Tuy Hòa ven biển .
Km 80 – Thị trấn Ea Drang huyện Ea H’Leo . Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 nơi đây tên là Thuần Mẫn và đã xảy ra trận nghi binh mấu chốt do quân Giải phóng tấn công và chiếm lĩnh một đoạn quốc lộ 14 vào ngày 8 tháng 3 , ngăn chặn không cho binh lính của tướng Phạm Văn Phú – thiếu tướng tư lệnh quân khu 2 quân đội Sài Gòn , từ Pleiku phía bắc xuống tiếp viện , giải cứu cho thị xã Ban Mê Thuột .
Trên đường đi ta sẽ thấy bên trái – phía tây đường 14 một tượng đài kỷ niệm , chung quanh có nhiều cây thông xanh cao lớn rất đẹp , tưởng nhớ những cán bộ chiến sĩ ngành bưu điện – thông tin – liên lạc khu vực Tây Nguyên . Những đơn vị thông tin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghi binh cho Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 .
Km 145 – Thị trấn Chư Sê . Đã vào địa phận tỉnh Gia Lai . Nơi đây có một Ngả 3 rất gắt , quẹo 130 độ về bên phải , vào đường 17 tháng 3 . Cũng trên đường này , ra khỏi thị trấn Chư Sê , đi tiếp là quốc lộ 25 . Đường này được mang tên 17 tháng 3 – cũng có thể gọi là Đại lộ Kinh Hoàng vì tính cách lịch sử vô cùng đặc biệt của nó .
Trước 1975 đây là Liên tỉnh lộ 7B , là con đường nổi tiếng nhất thế giới vào những ngày giữa tháng 3 năm 1975 , và cũng mang rất nhiều đau thương mất mát cho người dân Việt Nam . Trưa 11 tháng 3 năm 1975 Buôn Ma Thuột lọt vào tay quân Giải Phóng . Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bấn loạn – hoảng hốt , vội vàng ra lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên Trung Phần , rút toàn bộ quân lính chủ lực về miền Duyên Hải để bảo toàn lực lượng . Cuộc hành quân triệt thoái khỏi Cao Nguyên trở thành cuộc tháo chạy tán loạn .
Từ Kon Tum – Pleiku ở phía bắc Tây Nguyên , ngày 17 tháng 3 năm 1975 gần cả trăm ngàn binh lính cùng với tất cả các loại vũ khí nặng nhẹ , đi trên hơn 2.000 quân xa lớn nhỏ các thứ , ùn ùn chen vào một con đường nhỏ hẹp bị hư hỏng nặng nề là Liên tỉnh lộ 7B , từ lâu đã không sử dụng được và còn có mấy cây cầu đã bị gãy , phải chờ công binh làm cầu tạm . Thêm vào đó là mấy ngàn xe ô tô đủ loại của tư nhân , chạy xen vào những xe lính , lưu thông hỗn loạn vô tổ chức vô kỷ luật làm tình hình xấu lên bội phần . Mấy ngàn xe ô tô và cả trăm ngàn con người khốn khổ bị ùn tắc ứ đọng mấy ngày trời tại thị xã Cheo Reo thuộc tỉnh Phú Bổn khi đó – bây giờ là thị xã Ayun Pa .
Rồi lại còn bị mấy đơn vị của sư đoàn 320 quân Giải Phóng bao vây tấn công tại thị xã Cheo Reo nên tình huống vô cùng bi đát hoảng loạn , có thể gọi là địa ngục trần gian . Sau 7 ngày , một số người về đến thành phố Tuy Hòa , rất nhiều binh lính và dân chạy loạn đã bỏ mạng trên Liên tỉnh lộ 7B dài 190km này . Xác người chết và vài ngàn xe cộ cùng vật dụng đồ đạt ngổn ngang khắp nơi trên Đại lộ Kinh Hoàng với cuộc hành trình vô cùng đau thương đầy máu và nước mắt trong những ngày tháng 3 năm 1975 .
Thảm họa “Cuộc triệt thoái Cao Nguyên” tạo nên hiệu ứng hoảng loạn dây chuyền , đẩy rất nhanh quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn . Cuối tháng 3 bộ đội tiến vào Huế và Đà Nẵng , đầu tháng 4 các thành phố Qui Nhơn – Tuy Hòa – Nha Trang thiết lập chế độ quân quản . Các binh đoàn quân Giải Phóng đi bằng hàng ngàn xe Molotova rầm rộ theo quốc lộ 1 ven biển và trên Đường mòn Hồ Chí Minh trên lưng dãy Trường Sơn mà không bị một sự ngăn cản chống trả nào , cùng tiến về Sài Gòn .
Sài Gòn 30 tháng 4 năm 1975 , đất nước Việt Nam không còn chiến tranh sau 30 năm dài đau khổ . Những tổn thất mất mát mà dân tộc ta phải đánh đổi để được Thống Nhất – Độc Lập là vô cùng to lớn , không có gì có thể bù đắp được . Rất tiếc sau đó thì đau thương – bất công – bất hạnh vẫn tiếp tục diễn ra một thời gian dài . Nhưng đó là đề tài khác , không bàn trong bài này . Chúng ta cùng nhau đi trên Đường mòn Hồ Chí Minh và thỉnh thoảng ở nơi này chỗ nọ , mạn phép được nhắc lại những chuyện trước kia đã xảy ra “Trên đường chúng ta đi” , để ôn cố tri tân – nhớ chuyện cũ để suy gẫm chuyện bây giờ .
Không nên bỏ qua Thác nước Phú Cường , nằm tại Chư Sê và không xa quốc lộ 14 bao nhiêu . Thác này đẹp và địa điểm tương đối rất thuận tiện trên đường đến Pleiku . Từ Ngả 3 Chư Sê , quẹo phải thật gắt vào đường 17 tháng 3 , đi khoảng chừng 6km trên quốc lộ 25 về hướng Ayun Pa – Tuy Hòa , có bảng chỉ đường quẹo trái đến thác Phú Cường . Thác cao 45m , trên sông Ya Pết và chảy trên nền nham thạch của núi lửa đã ngưng phun trào cách đây hàng triệu năm .
Từ thác nước này , sông Ya Pết chảy vào sông Ayun , thêm 25km nữa , được chận lại để tích nước thành hồ Ayun Hạ phục vụ cho 13.500ha lúa nước và cho thủy điện Ayun Hạ . Hồ thủy điện này nằm giữa rừng núi , công suất rất nhỏ chỉ gần 3MW , kéo dài 20km ven theo nhiều buôn làng của người Gia Rai – Ba Na , và cũng là địa điểm du lịch được ưa chuộng của nhiều người .
Km 169 – Bùng binh Ngả 3 Núi Hàm Rồng .
Dân tộc Việt Nam chúng ta là dòng dõi con rồng cháu tiên nên không có gì đáng ngạc nhiên khi trên đất nước ta có nhiều địa danh mang tên Rồng . Có ít nhất 3 địa phương được gọi là Hàm Rồng . Theo thứ tự từ bắc xuống nam :
– Đỉnh Hàm Rồng ở Sa Pa . Từ trung tâm thị xã Sa Pa leo núi gần cả ngàn thước để đến một công viên cây xanh – núi đá – vườn hoa rất đẹp , có cả nhà sàn trình diễn ca múa nhạc của các dân tộc sống nơi đây . Muốn lên núi này đòi hỏi thể lực phải rất tốt cộng với đôi chân “Trường túc bất tri lao” , khỏe mạnh – dẻo dai – bền bỉ .
– Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã ngay phía bắc thành phố Thanh Hóa . Địa điểm giao tranh vô cùng ác liệt giữa máy bay thả bom của Mỹ và lực lượng phòng không Việt Nam cố giữ cho cầu đừng bị phá sập . Cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa nằm trên đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam .
– Núi lửa Hàm Rồng – Pleiku . Ở độ cao 1028m , cách Pleiku chỉ 12km về phía nam . Đây là miệng núi lửa đã từng phun trào dung nham trước đây hàng triệu năm , di sản địa chất rất quí . Nhìn từ hướng tây nam , ta có thể . . . tưởng tượng ra con rồng và vì núi này tên là Chư H’ Drong trong tiếng Gia Rai nên dễ dàng phiên âm qua tiếng Việt là Hàm Rồng . Lính Mỹ đã từng xây dựng nơi đây một căn cứ quân sự , sau 1975 ta đặt trên núi này trạm thu phát sóng viễn thông của tỉnh .
Km 180 – Thành phố Pleiku .
Phố xá nơi đây bây giờ đông đúc – tấp nập – nhộn nhịp ghê ! Nhiều bùng binh lớn , nhiều đường xá to rộng , nhiều nhà cao tầng mới xây dựng thêm trong vòng mấy năm vừa qua , nhìn lạ quá ! Pleiku giờ đây to lớn lắm , tuy là thành phố lớn thứ 3 của Tây Nguyên nhưng không thua kém gì Buôn Ma Thuột và Đà Lạt về mọi phương diện .
Trời mới ngã về chiều , vẫn còn sớm và còn sáng . Chạy xe máy dạo phố một lát , chọn được phòng trọ gần khu chợ Đêm , trung tâm phố cũ . Có thể cho ngựa sắt Honda nghỉ ngơi và mình có cớ để vận động tay chân , bù lại cho thân thể đã cứng đờ vì ngồi lái xe 200km ngày hôm nay .
Nhiều người nhắc nhở là lên Pleiku nhớ tìm để thưởng thức món phở khô , còn gọi là phở 2 tô ! Mới nghe qua là đã tò mò rồi vì phở gì mà lạ quá , mà sao lại là 2 tô ? Nhờ đang ở ngay trung tâm phố xá nên không khó để có được đặc sản phở khô này .
Món này xuất hiện ở Pleiku đã hơn 50 năm , được gọi là phở khô Gia Lai . Khách được dọn cho hai tô riêng biệt : Một tô đựng bánh phở và một tô đựng nước dùng . Vì vậy nên có tên là phở 2 tô . Tô bánh phở có thêm rau và các loại gia vị . Sợi phở làm từ bột gạo nhưng sợi nhỏ và mảnh hơn sợi hủ tiếu . Khi chế biến , được nấu trụng nóng sợi sao cho khi ăn có độ dai và khô vừa phải .
Dân ta không được giáo dục , không được hoan nghênh khuyến khích về tính cách “hoài nghi – xét lại – phản biện” vì như vậy sẽ bị chụp mũ , cho là người khó tính người rắc rối người nhiều chuyện hoặc nặng hơn là . . . đứa phản nghịch . Cho nên mặc dù thấy sợi này giống sợi hủ tiếu mà vì thấy đã có người đi trước gọi là phở thì mình cũng dễ dãi nói theo là phở , không hề nghĩ là nên chỉnh sửa lại , nói cho đúng hơn thí dụ hủ tiếu khô Gia Lai hoặc sáng tạo hơn thì gọi là hủ tiếu 2 tô Gia Lai chẳng hạn !
Ăn kèm với phở khô Gia Lai – hủ tiếu 2 tô Gia Lai , thường là gà hay bò . Thịt gà dính một xíu da , xé phay đặt lên trên bánh phở , thêm thịt heo ba chỉ băm , tóp mỡ , hành phi kèm với tô nước dùng trong veo , ninh từ xương gà . Còn phở khô bò thì gồm thịt bò tái , bò viên nhưng để thịt riêng trong tô nước dùng thơm mùi thảo quả của phở truyền thống .
Gia vị không được thiếu là tương làm từ đậu nành và đường vàng hoặc xì dầu chứ không dùng nước mắm . Món phở khô này được bán ở nhiều nơi nhưng mọi người đều cho rằng không nơi nào chế biến món phở khô ngon bằng ở tại Gia Lai .
Nói về món ăn này , người Pleiku phát biểu theo hướng khôi hài lẫn chút tự hào là : Vì món này ngon lắm nên thiên hạ thường thưởng thức luôn một lần 2 tô , thế nên mới có thêm cái tên dân gian là Phở 2 tô . Nhưng có nên nói cho đúng là Hủ tiếu 2 tô Gia Lai chăng ?
Vậy là đủ cho ngày đầu tiên tại Pleiku . Mình đi dạo một vòng chợ đêm rồi về khách sạn nghỉ ngơi , lên chương trình cho ngày mai .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: