Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .
Bài số 4 . Thành phố Buôn Ma Thuột .
Buôn Ma Thuột , cách Sài Gòn 350km về hướng đông bắc , nằm cạnh quốc lộ 14 – Đường mòn Hồ Chí Minh , ở độ cao 536m với 180.000 ha cà phê và sản lượng 400.000 tấn mỗi năm – bằng 40% của cả nước ta . Thành phố lớn nhất Tây Nguyên với hơn 500.000 dân , sau người Kinh thì người Ê Đê là bộ tộc đông thứ hai nơi đây . Địa danh này được thiên hạ biết đến sau những chuyến thám hiểm gắn liền với bác sĩ Dr. Alexandre Yersin , 1863 – 1943 , cuối thế kỷ 19 và những báo cáo , sách chuyên ngành của nhà dân tộc học Henri Maitre , 1883 – 1914 , đầu thế kỷ 20 .
Trong khi bác sĩ Dr. Yersin được cả thế giới ngưỡng mộ và dân Việt Nam yêu mến tôn sùng như thánh sống , được an nghỉ với mồ yên mả đẹp tại Suối Dầu gần thành phố Nha Trang thì tên Henri Maitre bị tù trưởng Nơ Trang Long giết chết năm 1914 do những mâu thuẫn trầm trọng giữa người bản xứ và thực dân cai trị . Mộ phần của tên ác ôn này , rộng khoảng 200m2 – dù sao cũng là di tích lịch sử , nằm ở xã Đắk R’Tih huyện Tuy Đức – Đắk Nông , bị bỏ hoang phế không được ai ngó ngàng tới và đang xuống cấp trầm trọng .
Vì thường đi đường dài bằng xe máy nên mỗi khi tới nơi nghỉ lại , mình ưu tiên chọn chỗ trọ gần trung tâm , gần chợ gần những khu phố xưa cũ để được dạo bộ giãn gân cốt , bù cho nhiều tiếng đồng hồ phải ngồi lái xe , bị mỏi vai mỏi tay mỏi cổ mỏi lưng !
Lần này có phòng ở đường Lý Thường Kiệt , gần Ngả 6 Tượng đài Chiến thắng – còn được gọi là Bùng binh Xe tăng vì nơi đây trưng bày nguyên chiếc xe tăng , lấy mô hình của một trong những chiếc xe tăng quân Giải Phóng đã tiến vào Buôn Ma Thuột vào sáng sớm ngày 10 tháng 3 năm 1975 . Địa điểm này tương đối thuận tiện để đi bộ lang thang trong khu phố cũ của thành phố .
Năm 1937 , nghe theo lời đề nghị dẫn dắt của người anh ruột nên đôi vợ chồng trẻ Trịnh Xuân Thoa rời kinh đô Huế , lên lập nghiệp tại Ban Mê Thuột , mở một cơ sở tên là Kam Tik chuyên may âu phục và quân phục . Kam Tik có thợ may giỏi , theo mẫu mới hợp với thời trang nên được khách hàng , đa số là người Pháp và công chức Nam triều ưa chuộng tín nhiệm . Nhờ kinh doanh giỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn , ông chủ Kam Tik trở nên khá giả . Mùa xuân năm 1939 , vợ chồng ông Trịnh Xuân Thoa vui mừng đón cậu con trai thứ nhì , đặt tên là Trịnh Công Sơn . Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chào đời ở Ban Mê Thuột trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy !
20 năm sau , ngày 22 tháng 2 năm 1957 , cũng tại Ban Mê Thuột có tổ chức Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên , với vinh hạnh được tổng thống Ngô Đình Diệm chủ trì và khai mạc . Chàng trai trẻ 22 tuổi Phan Văn Điền dùng căn cước tên Hà Minh Trí với tư cách doanh nhân từ Tây Ninh lên , trang bị một khẩu súng trường bán tự động được cưa ngắn nòng và báng súng để dấu dễ dàng trong áo khoác . Anh chủ trương không dùng lựu đạn để tránh sát thương những người chung quanh .
Đã đến được hàng rào bảo vệ , cách tổng thống Ngô Đình Diệm chưa đầy 20m , mục tiêu đứng ngay trước mặt , anh nổ súng . Tuy nhiên súng chỉ nổ 2 phát thì bị kẹt đạn ! Do bị cưa nòng và báng súng nên độ chính xác của súng bị giảm rất nhiều , đạn không trúng Ngô Đình Diệm mà trúng bộ trưởng cải cách điền địa Đỗ Văn Công . Ngay lập tức anh bị lực lượng an ninh bắt giữ .
Với vỏ bọc tương đối kín , anh không bị lộ là Việt Cộng , chỉ khai là người của Cao Đài , muốn ám sát Ngô Đình Diệm vì chính phủ đàn áp đạo Cao Đài làm Hộ pháp Phạm Công Tắc phải chạy qua Nam Vang – Kampuchia lánh nạn , muốn trả thù cho tướng Trình Minh Thế bị cho là chính anh em Diệm – Nhu ra lệnh ám sát để trừ hậu họa . Sau đảo chính 1/11/1963 , Hội đồng Quân nhân Cách mạng của mấy ông tướng Sài Gòn làm binh biến lật đổ chế độ gia đình trị Diệm – Nhu , tuyên bố anh được trả tự do với tư cách tù nhân chính trị , đối lập chống chế độ Ngô Đình Diệm .
Đầu năm 1965 được trả tự do , giao liên đưa anh ra Địa Đạo Củ Chi , tiếp tục hoạt động trong lực lượng công an . Về hưu năm 1999 với quân hàm Đại tá , ông được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 và qua đời năm 2020 , thọ 85 tuổi .
2g sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 , quân Mặt Trận Giải Phóng tấn công dữ dội và hoàn toàn làm chủ thị xã Ban Mê Thuột vào trưa ngày hôm sau . Tiếp sau đó là cuộc tháo chạy tán loạn từ Kon Tum – Pleiku xuống Tuy Hòa , ven biển miền trung . Rồi lần lượt các tỉnh và thành phố lớn ở miền trung như Huế , Đà Nẵng , Qui Nhơn , Nha Trang thất thủ .
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 xe tăng và các đoàn quân của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam , từ nhiều hướng tiến vào sân dinh Độc Lập – nay là Hội trường Thống Nhất trên đường Công Lý và Thống Nhất – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Duẩn . Từ đó đất nước ta được thống nhất hai miền , không còn chiến tranh huynh đệ tương tàn , không còn bị chia cắt nữa . Nhưng còn trong lòng người thì có được như vậy hay không ?
Xin được trở lại với Buôn Ma Thuột của ngày hôm nay ! Đối với những sự kiện xảy ra trước tháng 4 năm 1975 mình dùng tên Ban Mê Thuột và sau 1975 là Buôn Ma Thuột .
Khí hậu Buôn Ma Thuột cũng như cả vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long , có hai mùa : Mùa mưa và mùa khô . Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch , trời nóng oi bức xen lẫn những cơn mưa lớn nên giao thông – đi lại – di chuyển rất khó khăn . Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 dương lịch đến tháng 5 năm sau , thời tiết khô ráo dễ chịu , ban ngày nắng nhẹ trong trẻo nhưng không nóng lắm , ban đêm mát mẻ . Trời không có mưa và hoa dã quỳ vàng đậm nở rộ hai bên đường khắp Tây Nguyên như nhắc nhở cho mọi người được biết là mùa du lịch đã bắt đầu !
Đầu thế kỷ 20 thực dân Pháp thành lập trung tâm hành chính Ban Mê Thuột và tỉnh DarLac trên Cao Nguyên Trung Phần – bây giờ gọi là Tây Nguyên , dùng lực lượng lao động chính là người Ê Đê tại chỗ , với mục đích khai thác tài nguyên thuộc địa . Nhiều đồn điền được hình thành , nhiều công nhân viên chức được điều chuyển lên vùng đất mới này , nhiều thợ chuyên môn di dân lên lập nghiệp trên vùng đất đỏ ba dan , đặc biệt rất thích hợp với nghề trồng trọt .
Các thầy giáo người Huế – Bình Định , các công nhân người Phú Yên – Khánh Hòa được Pháp đưa lên vùng cao này để hướng dẫn người Ê Đê bản địa các phương pháp sản xuất căn bản như trồng lúa , trồng cây công – nông nghiệp , khai thác gỗ rừng v . . . v . . .
Và cũng từ xa xưa đã hình thành những cụm dân cư tại đây : Người Kinh , đa số từ các tỉnh ven duyên hải trung phần lên đây , xây dựng nhà cửa và sinh sống ở khu trung tâm phố xá – chợ búa – nhà thờ – chùa chiền – đình đền ngay mặt phía tây Bùng binh Xe tăng và đường Phan Chu Trinh , gói gọn trong một hình chữ nhật chỉ rộng 600m x 800m , chia đều thành rất nhiều ô vuông vức như bàn cờ .
Bạn nào không ngại lội bộ bằng đôi chân ngà ngọc sẽ rất thích thú khi chầm chậm dạo bước qua những dãy nhà vẫn còn đường nét cũ kỹ từ các thập niên 1950 – 1960 – 1970 , dưới tán những cây cao bóng mát , những con đường với vỉa hè rộng rãi , nhất là cảm nhận được nhịp sống chậm rãi , không hối hả – vội vã – hấp tấp như ở Sài Gòn – Hà Nội .
Khu phố Pháp nằm giữa phía đông quốc lộ 14 và đường Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Công Trứ – Hùng Vương , gồm những ngôi nhà khang trang kiểu nhà Tây xây theo kiến trúc thuộc địa vùng nhiệt đới . Còn khu sinh sống của người Ê Đê bản xứ thường nằm ở những buôn làng ven theo mấy con suối , xa thành phố và đã có từ xa xưa .
Du khách đến Buôn Ma Thuột nên đem theo thời giờ thoải mái vì sẽ có nhiều sự lựa chọn cho những chuyến tham quan trong thành phố , và du ngoạn ra các khu vực chung quanh rất hấp dẫn .
– Buôn Ako D’ Hong , nằm cuối đường Trần Nhật Duật , còn được gọi là buôn Cô Thôn , theo ngôn ngữ Ê Đê là thôn xóm ở đầu nguồn , trong trường hợp này là ở đầu con suối Êa Nuol . Buôn này ở ngay trong thành phố , xinh tươi – đẹp đẽ – sạch sẽ – tươm tất , đã được cho vào các chương trình tham quan , có phục vụ ẩm thực đặc sản của người dân tộc thiểu số , và rất thuận tiện để ghé thăm .
– Chùa Khải Đoan , số 117 đường Phan Bội Châu . Theo tài liệu thì đây là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến . Tên gọi của chùa được ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là hoàng thái hậu Đoan Huy . Chùa còn có tên là Sắc tứ Khải Đoan tự , được xây năm 1951 , thiết kế theo kiến trúc nhà rường Huế kết hợp chút ít phảng phất Tây Nguyên .
Chuyện chùa Khải Đoan được tư liệu sách vở ghi là xây năm 1951 mà lại được chế độ phong kiến phong sắc tứ và còn có tên là Sắc tứ Khải Đoan tự , mình thấy có gì . . . sai sai nên chúng ta hãy cùng nhau “xem xét lại” !
Chế độ phong kiến mấy mươi thế kỷ đã chấm dứt trên đất nước Việt Nam từ ngày 30 tháng 8 năm 1945 , lúc hoàng đế Bảo Đại chít khăn vàng , mặc hoàng bào đọc chiếu thoái vị trước cửa Ngọ Môn – Huế , với câu nói nổi tiếng :
“Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước Độc Lập , quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa“. Khâm Thử : Bảo Đại .
Như vậy , nếu chùa được sắc phong dưới thời phong kiến thì chắc việc ban sắc phong phải xảy ra dưới triều vua Bảo Đại , tức là phải trước tháng 8 năm 1945 , có nghĩa là chùa đã tồn tại trước năm 1945 . Tư liệu ghi chùa được xây năm 1951 có thể là được xây lại vào năm 1951 và vẫn dùng sắc phong trước năm 1945 chăng ? Hay chùa đúng là được xây dựng năm 1951 và được quốc trưởng Nguyễn Phước Vĩnh Thụy – tên trên giấy khai sinh của cựu hoàng Bảo Đại , của quốc gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên năm 1949 , cấp cho chùa một tấm giấy khen ngợi đề cao – tương tự như sắc phong ngày xưa .
Và có khả năng người sau không biết vì vô tình hay cố ý , đã nâng giá trị tấm giấy chứng nhận hay ban khen gì đó lên thành “Sắc phong” và còn gán thêm cái tên Sắc tứ Khải Đoan tự cho nó được thêm phần trân trọng , rồi vẽ thêm là ngôi chùa cuối cùng được ban sắc phong dưới thời phong kiến . Đây cũng chỉ là một giả thuyết thôi .
Nói tóm lại : Nếu chùa xây sau 1951 thì lúc đó nước ta đã không còn triều đại phong kiến nào nữa , không còn ông vua nào nữa để ban sắc phong và sẽ không đúng nếu nói là Sắc tứ Khải Đoan tự ! Còn nếu đã có tên gọi Sắc tứ Khải Đoan tự thì chùa chắc đã có trước 1945 . Tất cả chỉ là suy luận rất chủ quan của mình để chúng ta cùng tìm hiểu với mong muốn biết thêm về ngôi chùa Khải Đoan .
– Biệt Điện Bảo Đại . Số 4 đường Nguyễn Du , trong khuôn viên rộng gần 7ha , vốn là nơi làm việc của Công sứ Pháp Sabatier , sau đó được xây dựng lại cho Bảo Đại sử dụng . Đặc biệt có hai cây Long não đứng đối xứng giữa sân và là những cây Long não to nhất Việt Nam , mỗi cây có chu vi gốc đến 8m , tán lá xòe rộng hơn mấy trăm mét vuông . Hiện nay Biệt Điện trở thành di tích lịch sử , bảo tàng trưng bày hiện vật văn hóa các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk .
– Bảo tàng Thế giới Cà phê , đường Nguyễn Đình Chiểu . Như tên gọi , nơi đây trưng bày rất nhiều vật dụng liên quan đến cà phê . Ông Jens Burg , chủ nhân nhà bảo tàng thế giới cà phê tại Hamburg – Đức đã chuyển giao hơn 10.000 hiện vật cho tập đoàn Trung Nguyên để trưng bày trong bảo tàng Thế Giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột . Đến để xem đế chế của anh chàng Đặng Lê Nguyên Vũ , doanh nhân thành đạt nhưng đau đớn – dày vò – ray rức khi ra hầu tòa vì chuyện đời tư và phải thốt lên lời bi ai :
“Nhiều tiền để làm gì , khi mà bây giờ phải ngồi trước tòa , đấu đá nhau xâu xé nhau dằn vặt nhau” !
– Cụm thác Dray Nur và thác Dray Sáp . Chỉ cách nhau vài trăm thước bằng một cây cầu treo kiên cố và cách thành phố khoảng 25km , hướng tây nam .
– Trung tâm Du lịch Buôn Đôn , về hướng tây bắc 45km . Vùng buôn Đôn nằm gần khu vực ba biên giới Việt Nam – Kampuchia – Lào và thực sự xưa kia có ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Nam Lào . Trong ngôn ngữ Lào thì don có nghĩa là hòn đảo hoặc cù lao trên sông , thí dụ vùng Si Fan Don – vùng Bốn Ngàn Đảo trên sông Mekong ở Hạ Lào . Buôn Đôn có nghĩa là làng nằm trên hòn đảo . Trước đây buôn Đôn nằm trên một cù lao giữa sông Sêrêpôk , tuyến đường thủy quan trọng trong vùng , nơi buôn bán trao đổi hàng hóa sầm uất tại khu vực ba biên giới Việt Nam – Kampuchia – Lào .
Đến buôn Đôn du khách được đi cầu treo bắc qua sông Sêrêpôk hùng vĩ , tham quan nhà Dài thường thấy ở Tây Nguyên , dài gần cả 100m , ghé chiêm ngưỡng thác nước 7 nhánh , và còn được ngồi cao ngất ngưởng trên lưng voi , cỡi voi đi chơi trong rừng . Đương nhiên sẽ không thiếu những món ăn đặc biệt của núi rừng nơi đây và bạn cũng sẽ được nếm thử rượu từ bài thuốc gia truyền của ông vua săn voi A Ma Kông .
Đêm cuối cùng ở thủ phủ của Tây Nguyên có cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đi học chung với nhau từ lớp 6 trường trung học Cường Để – Qui Nhơn , lúc vừa được 11 tuổi , đó là mình và anh bạn Nguyễn Trường Lưu . Thi tú tài 2 xong , đường đời chia mỗi người mỗi ngả như những nhánh sông . Mình vào Sài Gòn , Lưu ở lại Qui Nhơn tốt nghiệp sư phạm và trở thành thầy giáo . Được điều lên Buôn Ma Thuột dạy học . Nhưng sau một thời gian ngắn , bạn mình không chịu luồn cúi không chịu nịnh nọt để được yên thân công tác , đành phải ngậm ngùi chia tay với cái nghề đáng lẽ là rất cao quí mà thế hệ chúng mình thường mơ ước .
Lưu trở thành . . . người rừng , trồng rừng giữ rừng và sống được nhờ rừng . Giờ đây , không đến nỗi chán làm người như Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ , 1778 – 1858 , khi xưa đã từng nhắn với đời sau :
Kiếp sau xin chớ làm người ,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo .
Nhưng bạn mình mỗi lần cỡi ngựa đi thăm trang trại rộng mênh mông – bao la – bát ngát với vài chục ngàn cây thông , chắc chắn không hề hối tiếc là trước đây đã dứt khoát nhất định không chịu làm trái với lương tâm không chịu làm trái với đạo đức , đã chọn một ngả rẽ hoàn toàn mới , rất quan trọng trong cuộc đời , để rồi bây giờ được đứng hiên ngang giữa đại ngàn Tây Nguyên và nghe hàng chục ngàn cây thông trên cơ ngơi của mình , thi nhau reo !
Chia tay nhau giữa đêm khuya , mình rất vui với sự thành đạt và hạnh phúc của ông bạn già và liên tưởng đến Phùng Quán với bài thơ Lời Mẹ dặn . . .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: