Bài số 3 . Từ Đắk Nông đi Buôn Ma Thuột

-

Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .

Bài số 3 . Từ Đắk Nông đi Buôn Ma Thuột .

Trước 1975 , tỉnh Quảng Đức nằm lọt thỏm giữa rừng già phía nam dãy Trường Sơn hùng vĩ , chỉ quốc lộ 14 nhỏ hẹp – cũ kỷ – hư hỏng , có từ hồi thuộc Pháp chạy ngang qua , nối Đông Nam Bộ với Tây Nguyên . Giao tranh xảy ra thường xuyên giữa du kích của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với quân đội Sài Gòn , thường là những đơn vị Biệt Kích được trực thăng thả xuống đóng quân ở những điểm huyết mạch trên Đường mòn Hồ Chí Minh .

Năm 1976 , Quảng Đức nhập vào tỉnh Đắk Lắk thành huyện Đắk Nông . Năm 2003 tỉnh Đắk Nông được thành lập , diện tích gần như là tỉnh Quảng Đức lúc trước .

Đầu năm 2020 , thành phố Gia Nghĩa trở thành thủ phủ của tỉnh Đắk Nông , cách Sài Gòn 222km về phía Đông Bắc , 85.000 dân . Đây là vùng cực nam Tây Nguyên , ở độ cao 600m khí hậu mát mẻ đất đai tươi tốt . Nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đất này : Người Thái – Nùng – Tày – Mường – H’ Mông từ ngoài Bắc vào và người Khmer ở khu vực gần biên giới Việt Nam – Kampuchia , người Kinh – Hoa sống ở đô thị . Người Mạ , Ê Đê , Mơ Nông sinh sống nơi đây từ xa xưa . Dân tộc thiểu số nhiều người nhất và làm đậm nét cho vùng này là người dân tộc Mơ Nông nên vùng này còn có tên là Cao Nguyên Mơ Nông .

Người Mơ Nông theo chế độ mẫu hệ , người vợ giữ vị trí chính trong gia đình nhưng ông chồng không bị đối xử phân biệt , vợ chồng sống tôn trọng nhau và con cái được mang họ mẹ . Cha mẹ về già thường ở với con gái út . Người Mơ Nông thích có nhiều con , nhất là con gái .

Hai nhân vật người Mơ Nông , chắc nhiều người biết :

– Anh hùng Nơ Trang Long , 1870 -1935 , tù trưởng thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 24 năm ở khu vực Nam Tây Nguyên , từ 1911 đến 1935 . Giống như phong trào du kích trường kỳ kháng chiến chống Pháp suốt mấy chục năm của Hùm thiêng Yên Thế – Hoàng Hoa Thám ở vùng Bắc Giang ngoài Bắc .

– Ama Kông , 1910 – 2012 , tên thật là Y Prong Êban quê ở Krông Na huyện Buôn Đôn – Đắk Lắk , người săn và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng nhất Việt Nam với 298 con . Thời thanh niên ông là chàng trai cao lớn – vạm vỡ – đẹp trai – giàu có , sống phóng túng – hoang dã – dữ dội và rất hào hoa . Ông từng tặng voi cho vua Thái Lan , cho vua Lào . Từng được chủ tịch Hồ Chí Minh gởi giấy khen kèm một khoản tiền thưởng do thành tích đóng góp voi cho kháng chiến . Từng cùng đi săn voi và tặng Hoàng Đế Bảo Đại một con bạch tượng , đến thời Ngô Đình Diệm làm tổng thống cũng được ông tặng một con bạch tượng khác .

Ông Ama Kông , vua săn và thuần dưỡng voi , một thời “Vào trong phong nhã , ra ngoài hào hoa” , thọ 102 tuổi . Năm ngoài 80 tuổi vẫn tục huyền – nối lại đường tơ , kết duyên với cô vợ trẻ hơn 50 tuổi và để lại cho đời bài thuốc gia truyền bổ thận – tráng dương trị nhức mỏi !

Góa vợ năm 75 tuổi nhưng lúc đã ngoài 80 tuổi , tình cờ quen một cô gái mới 25 tuổi tên là H’ Khăm , ông đưa cô này về ra mắt buôn làng , chính thức kết duyên vợ chồng . Cuối đời , ông chuyển nghề sang làm huấn luyện voi cho Vườn Quốc gia Yok Đôn . Qua đời năm 2012 , thọ 102 tuổi , ông được 21 con 118 cháu và để lại cho đời sau bài thuốc gia truyền tráng dương bổ thận – tăng cường sinh lý – điều trị đau nhức , được nhiều người ưa thích !

Lần đầu mình đi ngang qua đây , mùa xuân năm 1989 , lúc đó Gia Nghĩa là thị trấn đìu hiu giữa đường , thuộc huyện Đắk Nông tỉnh Đắk Lắk , trời nắng nóng khủng khiếp và đi đâu cũng toàn bụi đất đỏ mù trời ! Phương tiện di chuyển là một xe máy Honda Twin 125cc màu đỏ , hai máy và hai ống xả khói nhưng bị hư cái còi , vừa đi vừa la hét om xòm thay cho còi xe . Tới Buôn Ma Thuột thì cả xe và người đều được phủ đầy một lớp dầy bụi đất đỏ lên mũ , tóc tai , mặt mày , râu ria , quần áo , giầy dép . Tiếc là không tìm thấy được mấy tấm hình bụi bặm này để trình làng !

Lần đó có ông anh Nguyễn Vinh Thái cùng đi , trước đây hơn 30 năm cả hai anh em đều còn trẻ còn khỏe nên không biết mệt là gì . Anh Thái còn được phép lận thêm sau lưng khẩu súng K59 đầy đủ đạn dược để chiến đấu khi cần thiết , trông rất có vẻ “chinh chiến” . Chắc vì vào thời điểm này Đường mòn Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 rất vắng , ngại có thể gặp Fulro giữa đường hoặc bị tụi xấu chận xe để xin đểu hoặc ăn hiếp . Đó là lúc . . . khi ta còn trẻ , không biết sợ là gì , chứ thật sự nghĩ cho kỹ thì không đem theo vũ khí sẽ đỡ vướng víu hơn !

Lần thứ nhì là tháng 11 năm 1999 với mấy tấm hình các bạn đã xem ở bài đầu tiên . Gia Nghĩa vẫn còn là thị trấn của huyện Đắk Nông thuộc tỉnh Đắk Lắk nhưng đã hình thành một chút xíu đô thị với ngôi chợ trên ngọn đồi nhỏ , vài cửa hàng quán xá chung quanh chợ , tuy vẫn còn rất là lèo tèo . Vì đến nơi là lúc chiều xuống , không có nhiều sự lựa chọn nên mình ngủ ở nhà khách huyện ủy và dùng cơm tại đó luôn cho tiện .

Thành phố Gia Nghĩa – Đắk Nông .

Gia Nghĩa ngày nay đã khấm khá nhiều . Ngôi chợ trung tâm hàng hóa đầy ắp , cộng thêm mấy con đường chung quanh chợ cung cấp đủ loại dịch vụ , phố xá nhộn nhịp , buôn bán tấp nập . Nhà hàng khách sạn không thiếu , khách đi đường xa có thể yên tâm ghé nơi đây để nghỉ ngơi một đêm .

Thành phố được điểm ưu là nằm vắt vẻo trên nhiều ngọn đồi không quá cao và có con suối Đắk Nông chảy xuyên qua , tạo nên rất nhiều hồ nước đẹp ngay nội đô .

Trên đồi Đắk Nur trong thành phố , vừa khánh thành tượng đài Anh hùng Nơ Trang Long hoành tráng , tốn hết 67 tỷ đồng sau rất nhiều năm nền móng bị bỏ bê dở dang hoang phế , và cũng chỉ mới xong phần tượng đài . Tượng đài được chế tác từ đá xanh Thanh Hóa cao 13m , phù điêu chung quanh có đế cao 5m5 và dài 27m .

Công viên tượng đài người Anh hùng Nơ Trang Long trên đỉnh đồi Đăk Nur . Công trình mới xong phần tượng đài , vẫn còn ngổn ngang dang dở , đang cần cả 100 tỉ đồng để hoàn thành công viên rộng gần 6ha và con đường dài 1km dẫn lên đỉnh đồi

Còn phải làm con đường dài 1km dẫn lên đồi , cộng với những hạng mục cho công viên chung quanh tượng đài rộng 6 ha , cần kinh phí gần 100 tỉ nữa . Đã có những chuyện lùm xùm tai tiếng trong quá trình xây dựng tượng đài này . Kết luận của thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác đánh giá hồ sơ dự thầu và quản lý dự án quản lý chất lượng thi công công trình .

Mấy năm gần đây , nhiều tỉnh thành tại Việt Nam ta , kể cả những tỉnh nghèo , nổi lên phong trào “Xây dựng tượng đài” và toàn là những dự án bị xây dựng nhếch nhác – cẩu thả – gian dối rồi làm cho đội vốn lên tốn hàng ngàn tỷ đồng công quỹ . Nghỉ mà thương cho các Anh hùng Liệt sĩ . Chết vinh quang cho tổ quốc mà không được tụi khốn nạn để yên thân , vẫn bị bè lũ tham nhũng – tụi lợi ích nhóm , lợi dụng hào quang – xương máu – tên tuổi của quí vị để kiếm tiền bỏ vào túi riêng một cách trắng trợn vô liêm sỉ !

Để tham khảo , học kinh nghiệm của người đi trước , hiểu và biết thêm về cách trừng trị tụi sâu dân mọt nước của người xưa , xin các bạn cùng tôi đi ngược giòng thời gian 70 năm , về Chiến khu Việt Bắc .

Ngày 5 tháng 9 năm 1950 tại thị xã Thái Nguyên , trước đông đủ dân chúng và quân đội , tòa án binh xử vụ án tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu giám đốc nha quân nhu với rất nhiều bằng chứng rõ ràng cụ thể . Thiếu tướng Trần Tử Bình ngồi ghế công cáo ủy viên , chánh án là thiếu tướng Chu Văn Tấn . Trong lúc toàn dân toàn quân cả nước phải thắt lưng buộc bụng , chịu muôn vàn gian khổ để đồng lòng phục vụ trường kỳ kháng chiến , quân đội đang hy sinh trên khắp các chiến trường thì tên này và đồng bọn sâu mọt mặc sức đục khoét – tham nhũng – ăn cắp của công .

Tên này bị tuyên án tử hình , tịch thu tài sản sung vào công quỹ . Chiều hôm sau , lúc 18g Trần Dụ Châu bị đưa ra pháp trường bắn , trước sự chứng kiến của nhiều cơ quan ban ngành và đồng bào . Một sĩ quan đọc to bức công điện của chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn xin giảm tội của Châu . 10 ngày sau , cán bộ chiến sĩ quân nhu đã kịp thời náo nức đưa ra mặt trận hàng ngàn tấn lương thực – thực phẩm – quân trang – quân dụng , cung cấp đầy đủ súng đạn cho trận tiêu diệt giặc Pháp ở Đông Khê , mở đầu chiến dịch Biên Giới kéo dài cả tháng và kết thúc với chiến thắng vang dội làm cho thực dân Pháp mất hồn mất vía phải tháo chạy tán loạn , bỏ lại thị xã Lạng Sơn với nguyên vẹn cả kho vũ khí khổng lồ , đủ trang bị cho một đại đoàn sử dụng cả năm trời !

Xin được phép quay trở lại với hành trình Đường mòn Hồ Chí Minh hôm nay !

Bạn nào có thời giờ nên đi tham quan thêm vài danh lam thanh cảnh của Đắk Nông , có

thể liệt kê :

– Chùa Pháp Hoa đường Hùng Vương , xây dựng từ năm 1957 , kiến trúc độc đáo , khung cảnh thanh tịnh cổ kính .

Chùa Pháp Hoa , đường Hùng Vương – Gia Nghĩa – Đắk Nông .

– Khu du lịch sinh thái văn hóa Liêng Nung . Với giòng thác bạc , nằm ẩn mình dưới tán cây rừng xanh biếc cùng tiếng chim hót ví von . Chỉ cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa 8km về hướng đông nam , bên quốc lộ 28 trên đường đi Tà Đùng và Di Linh . Nơi đây , các buôn làng người Ê Đê – Mạ – Mơ Nông còn giữ được nét văn hóa truyền thống , phong tục tập quán lâu đời .

Thác Liêng Nung , chỉ cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 8km về hướng Tà Đùng – Di Linh , bên quốc lộ 28 .

– Khu du lịch Tà Đùng . Cách Gia Nghĩa 46km , cạnh quốc lộ 28 về hướng Di Linh – Đà Lạt . Khu bảo tồn thiên nhiên cho nhiều loại động thực vật quí hiếm , có đập thủy điện ngăn sông Đồng Nai làm thành một Hạ Long trên núi với muôn vàn đảo nhỏ , khung cảnh hữu tình và là thiên đường cho những người muốn sống ảo , đi du lịch chủ yếu để chụp hình đăng lên mạng xã hội và là một trong những nguyên nhân làm vật giá những nơi này rất đắt đỏ không xứng đáng với sản phẩm đưa ra , ảnh hưởng nặng nề tới những người mong muốn tìm hiểu Việt Nam – đất nước – con người .

Khi du lịch Tà Đùng . Đập thủy điện ngăn nước sông Đồng Nai , làm thành một Hạ Long trên núi cao với muôn vàn đảo nhỏ .

Lộ trình hôm nay tương đối thoải mái , đường to rộng được trải nhựa khá tốt nhưng khốn nổi đường càng tốt thì xe ô tô nhất là xe tải và xe khách to chạy càng ẩu . Thật đáng tiếc vì rất nhiều tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên quốc lộ 14 . Vì đường tốt và xe tốt nên nhiều tài xế bất chấp nguyên tắc thận trọng , bất chấp luật giao thông và thường phóng nhanh vượt ẩu ! Chuyện này cũng giống như trong đời sống xã hội bàng bạc chung quanh chúng ta : Nhà nào càng giàu có của cải – vật chất – tiền bạc mà không giàu về gia phong – văn hóa – đạo đức thì gia đình cả cha mẹ lẫn con cái càng dễ bị hư đốn – tan nát – thất bại phải không quí vị ?

Km 48 – Ngả 3 quốc lộ 14 và Đồn 8 .

Nơi đây có một công viên lớn với con đường quẹo rất gắt , đến 130 độ về bên trái để đi về hướng biên giới Việt Nam – Kampuchia chưa tới 10 cây số . Giữa công viên , có vẻ còn mới vì chưa thấy cây cối nhiều , tấm bia kỷ niệm bằng đá cho biết có con đường thuộc nhánh Trường Sơn Đông của Đường mòn Hồ Chí Minh chạy từ đây , Đắk Song về Lộc Ninh cuối năm 1974 và về tới Chơn Thành gần Sài Gòn đầu năm 1975 .

Km 58 – Thị trấn Đắk Mil .

Phố huyện trải dài theo quốc lộ 14 , phình to như một đại lộ 6 làn xe . Dấu nhấn ướt át và hấp dẫn của phố núi này là có một hồ nước đẹp – rộng – dài , tọa lạc ngay trung tâm tạo thành điểm khó quên đối với khách phương xa . Từ thị trấn Đắk Mil , quốc lộ 14 – Đường mòn Hồ Chí Minh chạy theo hướng đông bắc .

Thị trấn Đắk Mil .

Km 95 – Thị trấn Ea T’Ling , huyện Cư Jút .

Tại trung tâm thị trấn có Ngả 3 Cư Jút , thật ra là ngả 4 nhưng nhìn kỹ thì cũng có thể gọi đó là ngả 5 ! Từ Ngả 3-4-5 lắt léo này ta quẹo thật gắt một góc 130 độ phía tay phải , vào đường Hùng Vương – cũng là Đường tỉnh 684 để được đi tham quan một lượt đến mấy thác nước .

Đi theo tỉnh lộ 684 chừng 7km , sẽ thấy đường quẹo trái vào khu du lịch sinh thái thác Dray Sáp . Như tất cả các thác nước , chỉ có mùa mưa nhiều nước thác mới đẹp hùng vĩ , nước sẽ đổ ầm ầm , tiếng vang vọng từ xa đã nghe . Đặc biệt thác Dray Sáp còn bốc hơi nước lên rất nhiều rất dày như một lớp sương khói bao phủ nên mới có tên là Dray : thác nước và Sáp : khói . Mùa khô nước chỉ chảy vừa đủ cho có , để du khách . . . chụp hình ! Nhiều thác nước bị ảnh hưởng nặng vì mấy nhà máy thủy điện bị xây dựng khắp nơi , góp phần hủy diệt thiên nhiên và môi trường sống của các loài động vật , kể cả loài người !

Thác Dray Sáp .

Từ thác Dray Sáp có cây cầu treo để khách có thể đi bộ qua . . . tỉnh Đắk Lắk ! Sông Sêrepok chảy đến khu vực này gặp địa hình rất độc đáo : Một đảo lớn nằm giữa sông , biên giới của hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk chạy trên hòn đảo này . Thác Dray Sáp nằm bên bờ nhánh tả ngạn – bên trái , còn thác Dray Nur chỉ cách đó vài trăm thước nhưng nằm trên đảo và thuộc nhánh hữu ngạn – bên phải . Thế cho nên khu du lịch thác Dray Sáp được bên Đắk Nông quản lý và khu du lịch thác Dray Nur chịu sự cai quản của bên Đắk Lắk . Chuyện này làm mình liên tưởng đến thác Bản Giốc ở biên giới Việt Nam – Trung Cộng trên Cao Bằng xa tít ở miền bắc nước ta , còn ly kỳ hơn vì ta và Trung Cộng mỗi bên được chia một nửa thác theo chiều rộng cũng như nửa phần sông Quây Sơn theo chiều dài và mỗi bên làm du lịch theo một cách , khác nhau !

Thác Dray Nur .

Từ thác Dray Sáp , đi 7km xuyên qua một khu rừng già vắng vẻ cây cao bóng cả , tiếp tục lên thượng nguồn sông Sêrêpôk để đến thác Gia Long . Nếu quan sát kỹ những phiến đá nơi đây ta sẽ khám phá ra điều thú vị là một số tảng đá có hình trụ tứ giác nằm xếp chồng lên nhau , hơi giống cấu tạo của hàng ngàn phiến đá rất đẹp ở Gành Đá Dĩa – Tuy An – Phú Yên . Đây chẳng qua là kết quả từ những đợt phun trào của núi lửa tại vùng này , hàng triệu năm trước .

Thác Gia Long . Nơi này có những cây đá hình trụ vuông vức , rất giống như hàng ngàn cây trụ đá như vậy ở khu du lịch Gành Đá Đĩa – Tuy An – Phú Yên . Cách thác Gia Long chừng 1km về phía thượng nguồn sông Sêrêpôk là đập ngăn nước của thủy điện Buôn Kruop .

Nhiều người thấy tên thác là Gia Long thì vội cho là khi xưa chúa Nguyễn Phúc Ánh – sau này là vua Gia Long , trong thời gian bôn tẩu chạy trốn quân Tây Sơn đã có lần lưu lạc đến đây ! ? Làm gì có chuyện Nguyễn Phúc Ánh chạy lên Tây Nguyên ! Có khả năng rất cao là trong thời gian Bảo Đại – Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy làm quốc trưởng và lãnh chúa vùng Tây Nguyên – Hoàng Triều Cương Thổ này , ông ta chủ yếu chỉ làm bù nhìn nên . . . đi chơi khắp nơi , đến đâu cũng xây nhà nghỉ biệt thự cho riêng mình và đặt tên các địa điểm tham quan theo tên của các vị vua đời trước .

Bên cầu biên giới . Đây là biên giới của hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk !

Rời Ea T’ Linh vài cây số trên quốc lộ 14 , ta sẽ qua cầu sông Sêrêpôk , biên giới thiên nhiên của hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk tại khu vực này . Qua khỏi cầu là vào địa phận của thành phố Buôn Ma Thuột .

Km 118 – Buôn Ma Thuột .

Nếu tính thêm 28km từ quốc lộ 14 vào thác Gia Long và quay ra lại thì hôm nay đã đi được 146km . Cự li vừa phải , đường rộng trải nhựa tốt , được ghé tham quan những nơi hấp dẫn và đến đích khi trời còn sáng , vẫn đủ thời giờ để vừa lái xe máy dạo chơi loanh quanh trong trung tâm phố vừa tìm cho được khách sạn vừa ý .

Nếu chỉ tính trên quốc lộ 14 – Đường mòn Hồ Chí Minh thì đến hôm nay , từ Sài Gòn đến Buôn Ma Thuột đã đi được 340km .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây