Bài số 2. Biệt ly , nhớ nhung từ đây . . .

-

Du ký Gợi giấc mơ xưa , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước , lần này đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn ra Hà Nội .

Bài số 2. Biệt ly , nhớ nhung từ đây . . .

Rồi cũng đến ngày khởi hành , tạm biệt Sài Gòn . Nỗi nhớ nhung không trầm trọng lắm : Chỉ là nhớ những bữa cơm gia đình , những ly cà phê buổi sáng chuyện trò râm ran với mấy ông bạn già , những chiều cụng ly ở quán vỉa hè hay trong quán nhậu nào đó , những tối bên quầy của phòng trà ca nhạc ở phố cũ Sài Gòn với “Chén rượu cay , một đời tôi uống hoài” . . . Và từ lâu , đã không còn “Những hẹn hò cuống quít , trên lối xưa thiên đàng” , nên cuộc chia ly vài tháng để . . . đi cho biết đó biết đây , chắc chắn sẽ không khó khăn lắm !

Trước tòa Đô Chánh – Sài Gòn , đường Lê Thánh Tôn góc Nguyễn Huệ . Ngựa sắt lần này là Honda Blade 110cc màu xanh thiên thanh , mới đi được 318 km nên chạy không chê chỗ nào được !

Buổi sáng , đang dùng dây chùn to bảng để ràng buộc cho ba lô chắc vào xe thì có tin nhắn của vợ chồng anh bạn Vĩnh Hải và chị Thủy Hoằng rủ đi cà phê gần chợ Thị Nghè , cũng tiện đường để thoát ra khỏi Sài Gòn , đi về hướng bắc . Đã dùng cà phê ở nhà rồi và nhất là không nên la cà thêm vì sẽ đi trễ mà hôm nay lại phải đi đoạn đường dài hơn 200 km .

Nhưng , vợ chồng anh bạn này vui tính , nói chuyện rất có duyên và đặc biệt . . . vía tốt lắm ! Ngồi với nhau một tí cũng được , đi chơi mà , đâu có bị lệ thuộc vào lịch làm việc căng thẳng , và gặp cặp này để được . . . “Vạn sự khởi đầu . . . hên” ! Chuyện trò rất thú vị nhưng thời gian tán gẫu với nhau chỉ ngắn ngủi bằng một ly cà phê , rồi phải xin phép để biệt kinh kỳ vì ngoài trời nắng đã gay gắt lắm .

Lộ trình của ngày đầu tiên : Sài Gòn – Đắk Nông .

Từ Ngả 4 Hàng Xanh – Sài Gòn , qua cầu Bình Triệu , thẳng đường đi ngang qua Lái Thiêu – Thuận An – Thủ Dầu Một . Xưa kia , từ Thủ Dầu Một đi trên quốc lộ 13 khoảng 80 km đến Chơn Thành , nơi giao nhau của quốc lộ 13 và quốc lộ 14 , được coi như là điểm đầu của quốc lộ 14 . Từ ngả rẽ này , quẹo tay phải – theo hướng đông bắc , ta bắt đầu đi trên đường mòn Hồ Chí Minh .

Mấy chục năm vừa qua , tỉnh Bình Dương phát triển vượt bậc về nhiều mặt , kéo theo sự đi lên của kinh tế – thương mại – dịch vụ – công nghiệp – hạ tầng cơ sở . Cụ thể là mạng lưới giao thông được xây dựng rất tốt , có nhiều đại lộ đường xá to lớn nối với các tỉnh . Bình Dương cùng với các tỉnh lân cận gồm : Sài Gòn – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu , là 4 tỉnh nộp 65% ngân sách cho cả nước ta ! Chỉ 4 tỉnh này gom tiền lại , đủ để nuôi hai phần ba nước Việt Nam !

Bây giờ đã có đường ngắn hơn – thuận lợi hơn – tốt hơn nhiều để đi về hướng đường mòn Hồ Chí Minh – quốc lộ 14 . Từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một – thủ phủ của tỉnh Bình Dương , theo Tỉnh lộ 742 đi ngang qua thành phố mới Bình Dương , đến Cổng Xanh . Từ Cổng Xanh ta qua đường 741 , thẳng về hướng bắc gặp quốc lộ 14 và tiếp tục Bắc Tiến , muốn đi lạc đường cũng không được !

Km 65 – Cầu Sông Bé .

Đi trên Tỉnh lộ 741 , đến địa phận xã Phước Hòa huyện Phú Giáo – Bình Dương , ta sẽ qua sông Bé trên cầu Phước Hòa . Đứng trên cây cầu này , nhìn về bên tay phải – hướng đông , du khách thấy một cây cầu bê tông cốt sắt cũ cả trăm năm , bị gãy ở khúc giữa . Đó là Cầu Sông Bé , cửa ngõ lên Chiến Khu D thời toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và bây giờ là Di tích Lịch sử .

Cầu gãy bên dưới , cầu mới nằm trên quốc lộ 14 , qua sông Bé .

Cuối tháng 4 năm 1975 , quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam tiến như thác lũ về hướng Sài Gòn . Ngày 29 tháng 4 năm 1975 , trên đường tháo chạy về phương nam , lính Biệt kích dù Sài Gòn đã gài mìn cho nổ , gãy cây cầu Sông Bé để làm chậm bước tiến của đoàn quân Giải Phóng .

Các bạn trẻ ghé tham quan – chụp hình – đùa vui trên cây cầu gãy này chắc không biết câu chuyện của một trí thức người Pháp , gắn bó với đất nước Việt Nam và đã gởi một phần tro cốt của mình , tại nơi đây trong giòng sông này .

Năm 1949 , một giáo sư người Pháp 23 tuổi , Georges Boudarel , 1926 – 2003 , đến Việt Nam dạy Pháp văn và Triết học tại trường trung học Marie Curie – Sài Gòn . Thuộc thành phần trí thức tiến bộ , chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu của thực dân Pháp áp bức dân tộc Việt Nam , ông từ bỏ nệm ấm chăn êm , xin thôi công việc vừa có danh vừa có giá để đi theo tiếng gọi của lý tưởng , của con tim và lý trí . Cuối năm 1950 giao liên đưa ông ra bưng biền , gia nhập hàng ngũ Việt Minh , được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phân công làm việc tại Đài Phát thanh Nam bộ kháng chiến .

Giữa năm 1952 , ông được chỉ định ra Chiến Khu Việt Bắc . Ròng rã 6 tháng trời , lên thác – xuống ghềnh – băng rừng – vượt suối cùng 40 người nữa , từ Chiến Khu D xuyên qua vùng tự do Liên khu 5 – Liên khu 4 , cùng ăn cùng ngủ cùng làm việc cùng lội bộ cùng chiến đấu cùng chịu gian khổ như các đồng đội khác , ông luôn vui vẻ .

Trên hành trình này , và cũng là hành trình cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp để giành Độc Lập – Tự Do , qua đài phát thanh ông được biết là mình bị chính phủ Pháp tuyên án tù vì không ra trình diện để đi lính pháp và sau đó là án tử hình vì thêm tội đào ngũ . Tại Chiến Khu Việt Bắc ông đóng góp rất nhiều trong lãnh vực thông tin – văn hóa – tuyên giáo – địch vận . Sau hiệp định Geneve 20 tháng 7 năm 1954 , ông lấy vợ Việt Nam , sống và làm việc tại Hà Nội .

Vì sức ép chính trị , giữa thập niên 1960 tổng thống Pháp Charles De Gaulle cho ân xá tất cả “tội phạm chính trị” trong 2 cuộc chiến tranh Đông Dương và Algerie – Bắc Phi . Georges Boudarel hồi hương về Paris , trình luận án tiến sĩ văn chương về đề tài Chí sĩ Phan Bội Châu và được mời dạy tại đại học Denis Diderot – Paris quận 7 đến khi về hưu . Ông viết nhiều sách về lịch sử – văn hóa Việt Nam và được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao .

Qua đời năm 2003 , tro cốt của ông được người bạn thân , cũng dạy cùng trường đại học Paris quận 7 , giáo sư Nguyễn Ngọc Giao gìn giữ . Thể theo ước nguyện cuối đời , một phần tro cốt của ông được bạn bè rải ở cửa sông Seine , con sông chảy ngang thành phố Paris và hòa vào Đại Tây Dương . Phần tro cốt còn lại được chia đều để rải theo hành trình của ông từ Chiến Khu D ra Chiến Khu Việt Bắc năm 1952 .

Ngày 4 tháng 2 năm 2020 , giáo sư Nguyễn Ngọc Giao cùng với những người bạn thân thương của Georges Boudarel đã trân trọng rải một phần tro cốt của ông ngay cây cầu Sông Bé này , chảy vào sông Đồng Nai sông Sài Gòn sông Soài Rạp để rồi ra Biển Đông . Tương tự như vậy , ngày 8 tháng 2 năm 2020 một phần tro cốt của ông đã được bạn bè rải xuống Sông Hồng . Phần còn lại sẽ được rải xuống sông Thu Bồn – Quảng Nam , cũng nằm trên hành trình Xuyên Việt để ra Chiến Khu Việt Bắc của ông .

Hiện nay , khi một số đại biểu Quốc Hội Việt Nam không thi hành nhiệm vụ là đại diện cho quyền lợi của nhân dân mà chỉ lo tích cực tìm mọi cách để mua quốc tịch ngoại quốc và đã sẵn sàng chi vài triệu đô la Mỹ cho bi hài kịch này thì ta không khỏi ngao ngán cho bọn giòi bọ này đã làm ô uế quốc hội và không khỏi chạnh lòng khi được biết trong quá khứ có hàng trăm người bạn ngoại quốc đủ mọi quốc tịch , từ Maroc – Algerie ở Bắc Phi , cho đến Pháp – Đức – Ý – Áo – Bỉ – Hòa Lan – Tây Ban Nha – Hy Lạp ở châu Âu và có cả rất nhiều sĩ quan binh sĩ Nhật , đã chịu mọi khó khăn gian khổ trong một thời gian dài , sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để cùng chúng ta chiến đấu giành Độc Lập Tự Do cho Việt Nam và còn có người như ông Georges Boudarel này , lúc qua đời lại muốn thân xác của mình được hòa vào với đất và nước Việt Nam .

Cầu Sông Bé , cửa ngõ lên Chiến Khu D xưa kia . Một phần tro cốt của giáo sư tiến sĩ Georges Boudarel , 1926 – 2003 , đã được bạn bè thân thương rải nơi đây để ông được hòa vào với đất và nước Việt Nam .

Đối với tôi , Cầu Sông Bé hay cầu Georges Boudarel – Sông Bé , đã trở thành một địa điểm du lịch độc đáo , gợi nhớ và cho ta đầy niềm tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam .

Tiếp tục cuộc hành trình , qua khỏi Phú Giáo ta bắt đầu vào địa phận tỉnh Bình Phước và sẽ thấy bạt ngàn hai bên đường là những rừng cây cao su ngút tầm mắt .

Km 105 . Thành phố Đồng Xoài – thủ phủ tỉnh Bình Phước .

Tại Đồng Xoài , từ ngày 9 đến 11 tháng 6 năm 1965 đã xảy ra giao tranh ác liệt giữa Giải Phóng quân với nhiều đơn vị thiện chiến của quân đội Sài Gòn . Đơn vị tham gia trực tiếp đánh thắng trong trận này được hân hạnh mang tên Trung đoàn Đồng Xoài . Tư lệnh của cả chiến dịch Đồng Xoài , trải rộng qua nhiều tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ , kéo dài từ 10/5 đến 22/7/1965 là ông Lê Trọng Tấn , 1914 – 1986 , sau này là Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội nhân dân Việt Nam .

Năm 1970 , trên báo Độc Lập ở Sài Gòn , thi sĩ Linh Phương có bài thơ , đề tặng một người con gái tên Hương :

Để trả lời một câu hỏi
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng . . .

Bài thơ rất hay và còn dài nhưng mình không dám đăng thêm , sợ bị lạc đề và chúng ta sẽ rời đường mòn Hồ Chí Minh không đi du lịch nữa để . . . đắm chìm trong thơ – ca – nhạc !

Nhạc sĩ Phạm Duy , 1921 – 2013 , đã phổ nhạc bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của thi sĩ Linh Phương thành nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” .

Bài thơ này được nhà phù thủy âm nhạc Phạm Duy , 1921 – 2013 , phổ thành nhạc nhưng bị xếp vào loại nhạc phản chiến nên ông đã chấp nhận sửa vài chữ để bài hát được phổ biến rộng rãi hơn tuy rằng nội dung đã bị bóp méo . Bài hát viết theo điệu Slow rock , cung D – Ré trưởng , nhịp 2/4 và được “Tiếng hát vượt thời gian” – danh ca Thái Thanh trình bày vô cùng nghẹn ngào – nức nở , thật đúng là “Nỗi buồn chiến tranh” !

Kỷ vật cho em
thơ Linh Phương
nhạc Phạm Duy

Em hỏi anh , em hỏi anh , bao giờ trở lại ?
Xin trả lời , xin trả lời , mai mốt anh về
Anh trở lại , có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã

Anh trở về , anh trở về , hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng . . .

May mắn là những chuyện đau thương huynh đệ tương tàn , từ lâu đã đi vào quá khứ và nhất định sẽ không bao giờ có chiến tranh để người Việt Nam chúng ta giết nhau nữa !

Trước năm 1975 , Đồng Xoài là quận lỵ của quận Đôn Luân thuộc tỉnh Phước Long . Những năm 1975 – 1976 , khoảng 25.000 dân Sài Gòn , được chia thành 6 đợt di dân , vì nhiều lý do phải rời Sài Gòn lên sống trên này , hồi đó gọi là bị đi lên vùng kinh tế mới . Rất nhiều bi kịch đã xảy ra trong xã hội Việt Nam ta thời bấy giờ . Nhiều gia đình không thể tồn tại được ở trên vùng này , có thể nói là bị “Đem con bỏ chợ” , với muôn vàn khó khăn không khắc phục được nên đã tìm cách quay về với . . . “Sài Gòn đẹp lắm , Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi !” – như lời trong một bản nhạc của Y Vân . Không có thống kê chính thức cho biết , bao nhiêu trong số 25.000 người Sài Gòn ngày đó đã trụ lại được nơi đây cho tới ngày hôm nay .

Năm 1978 có đợt di dân cho nhiều ngàn người huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình vào lập nghiệp nơi đây . Những người dân từ ngoài miền Bắc vào đây , chắc thấy ở Đồng Xoài sống được hơn ở quê cũ nên định cư và nhận nơi này làm quê hương – vùng đất đỏ bazan tươi tốt . Dần dần những người này đã động viên gia đình – bà con – làng xóm từ Thái Bình vào đây xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới , đất đai màu mỡ hơn , to rộng hơn , khí hậu ấm áp hơn , và nhất là đời sống chính trị cũng “dễ thở” hơn rất nhiều !

Bùng binh Ngả 4 lớn nhất Đồng Xoài , nơi giao nhau của quốc lộ 14 theo trục Đông Bắc – Tây Nam và Tỉnh lộ 741 theo trục Nam – Bắc .

Thành phố Đồng Xoài – thủ phủ tỉnh Bình Phước ngày nay , 150.000 cư dân với nhiều dân tộc chung sống gồm người Kinh chiếm đa số . Dân tộc thiểu số sống từ lâu tại vùng này là người X’Tiêng người Mơ Nông người Khmer , sau 1975 còn có cả các dân tộc thiểu số từ ngoài Bắc di dân vào sống ở đây . Nằm ngay ngả 4 Quốc Lộ 14 – Đường mòn Hồ Chí Minh với Tỉnh lộ 741 , kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận , là cửa ngõ thông thương quan trọng giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên , Đồng Xoài có nhiều hứa hẹn sẽ phát triển ngoạn mục .

Đã đến giờ dùng bữa trưa , và vì đi đường nắng – nóng – mệt không ăn được nhiều nên mình ghé vào một quán phở bên đường , nghỉ ngơi giải khát và thưởng thức ngon lành bữa ăn đầu tiên trên đường Vạn Lý Trường Chinh .

Km 154 – Ngả 3 Minh Hưng .

Nơi đây quẹo trái , theo hướng bắc , ta vào tỉnh lộ 760 , dẫn đến biên giới Việt Nam – Kampuchia . Chỉ cần đi vài cây số ta đã đến sóc Bom Bo , xã Bình Minh huyện Bù Đăng .

Mùa hè năm 1965 , nhạc sĩ Xuân Hồng , 1928 – 1996 , được tham gia chiến dịch Đồng Xoài . Đây là chiến dịch rất lớn , lương thực từ xa không tải về kịp nên phải huy động nguồn lực tại địa phương đang đóng quân là huyện Bù Đăng . Đồng bào dân tộc X’tiêng có tập tục từ xưa là giã gạo ngày nào dùng cho ngày đó , vậy mà già làng sóc Bom Bo đã phá lệ , cho tất cả mọi người già – trẻ – trai – gái đều ngày đêm giã gạo để phục vụ cho bộ đội , và số lượng lương thực đã vượt chỉ tiêu đưa ra !

Tiếng chày trên sóc Bom Bo , huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước .

Chiến khu rộn ràng như ngày vào hội , ánh đuốc lồ ô bập bùng trong đêm hòa với âm thanh tiếng chày cắc cùm cum đã là nguồn cảm hứng để Xuân Hồng viết được nhạc phẩm làm nên tên tuổi của ông : “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được sáng tác ngay trong chiến dịch Đồng Xoài năm 1965 nhưng đến năm 1966 mới được phổ biến rộng rãi và ngay lập tức được mọi người ưa chuộng . Người X”tiêng nào cũng thuộc và hát được bài này . Nhạc sĩ Xuân Hồng được người X”tiêng coi như “Công dân danh dự” . Sau 1975 ông thường xuyên về sóc Bom Bo thăm bà con và nơi đây có cả một trường tiểu học được mang tên Xuân Hồng .

Km 161 – Đức Phong . Thị trấn của huyện Bù Đăng – Bình Phước .

Giữa thị trấn , bên phải quốc lộ 14 có công viên cây xanh mát mẻ , lại có cả một tượng đài hoành tráng , thế là ghé vào giải khát và nghỉ lưng một tí . Thường thì chúng ta đi bộ nhiều nên nghỉ chân , còn đi xe máy nhiều , không mỏi chân mà mỏi lưng , thế mới cần nghỉ lưng !

Đây là tượng đài Điểu Ong , 1939 – 1969 , người dân tộc X’tiêng , chỉ huy du kích tại địa phương , lập nhiều chiến công lẫy lừng thời đánh Mỹ , hy sinh năm 1969 lúc mới vừa 30 tuổi . Ông được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978 , Bù Đăng dựng tượng để tưởng nhớ người du kích Anh hùng và giáo dục các thế hệ mai sau .

Tượng Anh hùng Điểu Ong được đúc bằng đồng , cao 4m5 , bệ tượng cao 2m , đặt ở công viên văn hóa huyện , do họa sĩ Phạm Văn Ngọc và điêu khắc gia Lê Minh Huy sáng tác .

Công viên tượng đài Anh hùng Điểu Ong tại thị trấn Đức Phong – Bù Đăng .

Từ Đức Phong có đường đi về hướng Đồng Nai , đi qua những trảng cỏ đẹp như trên sân Golf và to rộng ngút ngàn , vòng vèo uốn lượn theo thượng nguồn sông Đồng Nai , xuyên rừng Nam Cát Tiên huyền bí – hùng vĩ , để về đến thị trấn Ma Đa Gui trên quốc lộ 20 , ngả 3 biên giới của 3 tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai – Bình Thuận .

Xin được trở lại quốc lộ 14 với hành trình trên Đường mòn Hồ Chí Minh ! Đường tốt và đã quen thuộc qua những lần có dịp Xuyên Việt trước đây nên chẳng mấy chốc qua Kiến Đức – Đắk R’lắp , và đến đích của ngày hôm nay : Gia Nghĩa – Đắk Nông .

Được có phòng bên cạnh hồ Thiên Nga nhưng chẳng thấy có con thiên nga nào !

May mắn có được phòng trọ tốt , gần chợ và bên cạnh hồ Thiên Nga mặc dù chẳng thấy có con thiên nga nào ! Phòng rộng rãi – sạch sẽ – đầy đủ tiện nghi và giá chỉ bằng một nửa của Sài Gòn .

Nhìn đồng hồ tốc độ thì thấy hôm nay đã đi được 222 km .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây