Du ký Gợi giấc mơ xưa , một mình một ngựa sắt Honda Blade 110cc , từ Sài Gòn ngược đường mòn Hồ Chí Minh ra Hà Nội , và rong ruổi lang thang trên đường Tuần tra biên giới Đông Bắc – Tây Bắc .
Tình hình cả thế giới đang bị dịch cúm Trung Cộng hành hạ đe dọa , mọi nơi đều bị án binh bất động nên chuyện đi ra nước ngoài coi như không được . May mà ở Việt Nam có vẻ như “kiểm soát – khống chế” được phần nào cơn dịch khủng khiếp này và vì thế dân ta không bị cấm cản lắm trong việc đi đây đi đó trong phạm vi nước nhà !
Lần này xin mời các bạn “cùng tôi” đi một vòng tham quan đất nước Việt Nam ta . Đúng với nghĩa đen là đi một chuyến “Nối vòng tay lớn” .
Bài viết này được mang tên Gợi giấc mơ xưa để nhớ lại những kỷ niệm đẹp của 2 chuyến đi cách đây đã hơn 20 năm , vòng quanh đất nước Việt Nam , khởi hành cuối năm 1998 và cuối năm 1999 . Cả hai chuyến đi này cũng được thực hiện theo thể loại . . . Tôi với Trời bơ vơ – Một mình một ngựa sắt Liên Xô hiệu Tula 200cc , và rất may mắn được đi đến nơi về đến chốn !
Chuyến đi cuối năm 1998 , theo quốc lộ 1, từ Sài Gòn xuyên qua 3 cơn bão ở miền Trung , đến Hà Nội vừa kịp cuối Thu đầu Đông thời tiết tuyệt vời , và sau đó thẳng tiến đến Điện Biên Phủ , vòng qua Mường Lay – Tam Đường – Sa pa – Lào Cai . Từ Lào Cai , được dịp hiếm có để vượt sông Nậm Thi qua chơi bên thành phố Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam – Trung Cộng , sau đó xuôi theo sông Hồng về Hà Nội .
Rồi đi tiếp Hải Phòng – Hạ Long – Lạng Sơn – Hà Nội . . . và đi với một xe máy Liên Xô hiệu Tula 200cc , mua với giá mấy triệu đồng , sửa chữa lại , xe cũ mèm – nát bét – xơ xác , bộ phận sạc điện bị hư , vừa đi vừa . . . run vì xe có thể nằm ì , hư hỏng bất cứ lúc nào và không có đồ phụ tùng thay thế !
Chuyến đi cuối năm 1999 , cũng vẫn cỡi con ngựa sắt Liên Xô hiệu Tula 200cc , khó khăn – gian nan – vất vả – phiêu lưu theo cách khác vì lộ trình đi theo đường mòn Hồ Chí Minh , từ Sài Gòn cứ thẳng tiến ngược hướng bắc trên quốc lộ 14 xưa kia . Đường xấu vô cùng vì bị bỏ bê từ lâu , toàn là xe quân đội và xe tải chở hàng hóa , xe lâm nghiệp to chở cây gỗ rừng , cày xới làm con đường hư hỏng nặng nề . Suốt con đường đầy rẫy , không phải ổ gà mà là ổ trâu ổ . . . voi , hầm hố – bụi bặm khủng khiếp ! Mỗi lần có xe tải đi ngang là bụi đất đỏ bay mù trời , mình phải dừng xe chờ cả chục phút cho bớt bụi mù rồi mới thấy đường để đi tiếp .
Nếu có sự cố đáng tiếc xảy ra chắc sẽ rất phiền phức – khó khăn – nguy hiểm vì đường rất vắng , nhất là đoạn từ Chơn Thành – Ngả 3 quốc lộ 13 và điểm kết thúc quốc lộ 14 , đến Ban Mê Thuột . Hai bên đường là đồi núi rừng cây , ít thấy nhà cửa xóm làng , cứ vài chục cây số mới có khu dân cư sinh sống , có chợ nhưng cũng chỉ là cụm dân cư nhỏ .
Đồng hành với mình lần này không còn là ngựa sắt Màu tím hoa sim Honda Wave Alpha 100cc nữa mà là Honda Blade 110cc mới tinh , màu xanh da trời . Một Mạnh Thường Quân thương con ngựa thần Honda Wave Alpha 100cc của mình , sau 10 cuộc hành trình ASEAN , tổng cộng đã qua hơn 100.000km, cùng với mình tung hoành ngang dọc lang thang trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á : Việt Nam – Kampuchia – Lào – Thái Lan – Myanmar – Malaysia – Singapore , nên muốn nó được nghỉ ngơi không chinh chiến đường dài nữa , bảo quản cho tốt để làm vật kỷ niệm .
Mạnh Thường Quân này xin phép được tặng mình một xe máy mới , “để anh đi cho an toàn , nhớ viết bài về những chuyện lang thang dọc đường gió bụi cho mọi người cùng đọc” . Thế là mình được nhận một xe máy Honda Blade 110cc . Xe loại này , chỉ có màu đen , đỏ và xanh , không có những màu mình thích như tím hoa sim , hồng phấn , vành chanh hoặc mạ non . Thôi thì màu xanh thiên thanh cũng được vì . . . “màu áo xanh là màu anh trót yêu” như tâm sự của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong nhạc phẩm Thu quyến rũ .
Hành trang lên đường lúc nào cũng gọn nhẹ như mọi khi :
– Vài quần dài , kiểu lính với hai túi to nằm ở hai bên đùi .
– Vài áo thun cho dễ dùng , vài áo dài tay cho buổi tối ở vùng cao .
– Vài thứ đồ lót mặt bó sát người , dùng cho nơi khí hậu lạnh .
– Áo khoác ngoài , kiểu phi công Mỹ , mua đầu năm 2018 ở chợ Đêm tại thành phố Lampang gần Chiang Mai , phía bắc Thái Lan .
– Luôn luôn phải có áo mưa bền – chắc – tốt .
– Cặp bao tay , dùng lúc trời lạnh .
– Hộp cứu thương với mấy thứ thuốc thông dụng , trị nhức đầu – sốt nhẹ – cảm cúm – tiêu chảy , băng dán có tẩm thuốc , thuốc tiêu hóa , Vitamin v. . . v. . .
– Cây điện trở nho nhỏ có dáng lò xo để nấu nước sôi trong phòng , dùng cho cafe hoặc mì gói rất thuận tiện . Cây điện trở này được anh bạn Hà Thúc Vinh mua ở chợ trời Berlin và tặng lại mình với ý nghĩa là cũng sẽ được “có mặt” trên những chuyến “tiếu ngạo giang hồ” .
– Đầy đủ bản đồ với tỉ lệ xích to , trải rộng coi cho rõ ràng , để có cái nhìn tổng quát , lên chương trình cho các chặng đường .
– Giấy tờ tùy thân , thẻ bảo hiểm y tế , giấy tờ xe , bằng lái xe và thẻ ATM .
– Giây đai bản rộng để cột , chằng ba lô cho chặc vào xe .
– Máy ảnh Canon SX280HS , nhỏ gọn có thể để trong túi quần nhưng xài vài năm rồi , chụp hình nhiều nên một số chức năng đã có dấu hiệu chập chờn , hoạt động lúc được lúc không !
Mong muốn , ước nguyện cho chuyến đi này :
– Thông suốt , đi được trọn vẹn đường mòn Hồ Chí Minh , con đường huyền thoại nằm trên sống lưng dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước ta . Trên lý thuyết – trên danh nghĩa , đường này bây giờ bắt đầu từ Pắc Bó – Cao Bằng đến Mũi Cà Mau nhưng khái niệm này có vẻ bị ép buộc để phục vụ cho yếu tố chính trị . Đối với mình , đoạn từ Tân Kỳ – Nghệ An chạy suốt về phương Nam , đến Chơn Thành – Bình Dương , khoảng chừng 1.300km xứng danh là đường mòn Hồ Chí Minh vì đây là đoạn đường cực kì gian khổ ác liệt , mang trên mình vô số vết thương của dân tộc ta , cộng thêm những sự kiện lịch sử long trời lở đất của mấy chục năm chiến tranh vừa qua trên đất nước ta .
– Dừng chân nghỉ ngơi an dưỡng ở Hà Nội vài ngày để tái tạo năng lượng . Sau đó bắt đầu đi về biên giới Việt Nam – Trung Cộng phía Đông Bắc . Sẽ tìm cách lên đến đường Tuần Tra Biên Giới rồi cứ theo đường này , đi trên sống lưng của những ngọn núi cao ngất vùng Đông Bắc Việt Nam , ngang qua các cửa khẩu : Chi Ma – Bản Chắt – Hoành Mô – Bắc Phong Sinh để đến thành phố biên giới Móng Cái tại cực Đông Bắc nước ta .
– Từ Móng Cái sẽ đi ven biển để về đảo Cái Bầu – Vân Đồn . Rời đảo , ngang qua thành phố than đá Cẩm Phả , đến nghỉ tại Hòn Gai – Hạ Long . Từ Bãi Cháy , đi phà lênh đênh trên vịnh Hạ Long để rồi đến và lưu lại trên quần đảo Cát Bà vài ngày . Sẽ có dịp để đi trên cây cầu Tân Vũ – Lạch Huyện bắt qua biển rộng , nối đảo Cát Hải với thành phố Hải Phòng .
– Hải Phòng – Kiến An – Hưng Yên – Hà Nội sẽ là chặng kế tiếp , tuy hơi lòng vòng một tí nhưng đó là cố ý vì kết hợp ghé thăm bạn bè .
– Sau hành trình Tuần Tra Biên Giới miền Đông Bắc chắc chắn người và ngựa sẽ có dấu hiệu mệt mỏi , mất sức nên về Hà Nội vài ngày nghỉ ngơi thư giãn , thăm viếng tham quan thắng cảnh thủ đô .
– Chặng Bắc và Tây Bắc . Theo quốc lộ 3 đi Thái Nguyên – Tuyên Quang – Bắc Kạn – Cao Bằng . Viếng khu di tích lịch sử Tân Trào , hang Cốc Bó – Pắc Bó , rồi từ cửa khẩu Sóc Giang bên cạnh Pắc Bó , quanh co theo đường Tuần Tra Biên Giới đi Cần Yên , trải nghiệm đoạn đường đèo ngoằn ngoèo – khúc khuỷu – lắt léo với vô số cua cùi chỏ rất độc đáo và cũng rất nguy hiểm của miền biên cương phía Bắc . Qua khỏi thị trấn Bảo Lạc , lữ khách sẽ được qua đêm tại Mèo Vạc .
– Tiếp tục là hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn . Đèo Mã Pì Lèng – phố cổ Đồng Văn – cột cờ Lũng Cú – dinh thự Vua Mèo – phố cổ Phó Bảng – nghĩa trang Liệt sĩ thanh niên xung phong Yên Minh sẽ nằm trong chương trình tham quan không thể thiếu . Thành phố Hà Giang bên sông Lô là nơi có thể nghỉ dưỡng để lấy sức đi tiếp .
– Hành trình kế tiếp sẽ đi trên sườn phía tây nam dãy núi Tây Côn Lĩnh cao 2.419m , ngang qua Hoàng Su Phì – Xín Mần , ghé chợ phiên Bắc Hà uống rượu ngô . Sau đó đi đường vòng qua Cán Cấu – Si Ma Cai – cầu thượng nguồn sông Chảy – cửa khẩu Pha Long – Mường Khương rồi về Lào Cai .
– Từ Lào Cai , ta đi theo bờ tây – hữu ngạn sông Hồng , đi đến ngả 3 sông Lũng Pô chảy vô sông Hồng và cũng là nơi sông Hồng bỏ Trung Cộng để chảy vào địa phận nước Việt Nam . Tại ngả 3 này , ta mới khánh thành một cột cờ tổ quốc đứng sừng sững trên một ngọn đồi đẹp cạnh sông Hồng để “dạy” cho Trung Cộng biết bài thơ của tướng quân Lý Thường Kiệt , cách đây gần một ngàn năm ở phòng tuyến chống quân Tống bên sông Như Nguyệt :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Sử gia Trần Trọng Kim dịch từ tiếng Hán – Việt :
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời .
Từ giã sông Hồng , lại leo lên núi cao xuyên qua những cung đường đèo quanh co uốn lượn qua các bản làng của người H’ Mông người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường đất rất dày , kiến trúc rất độc đáo . Nghỉ ngơi tại Ý Tý , hôm sau có mặt tại Sa Pa .
– Chặng đường sau đó sẽ đi từ Sa Pa , băng qua dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ , cao nhất Đông Nam Á , qua địa phận tỉnh Lai Châu . Từ đây sẽ theo quốc lộ 32 , đi bên sườn phía tây nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn , vượt 400km cuối cùng , ngang qua Mù Cang Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ , qua cầu Trung Hà – sông Đà để về Hà Nội .
Hành trình dự kiến như vậy , chắc chắn sẽ gặp những bất ngờ xảy đến trên đường đi , sẽ có uốn nắn thay đổi chút ít cho vài chặng đường nhưng cố gắng để không trượt quá xa nội dung đã được chuẩn bị .
Trước hết , xin trình làng mấy tấm hình cũ rích , chụp hồi . . . thế kỷ trước , có được từ hành trình vượt Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh cuối năm 1999 , để chúng ta “ôn cố tri tân” và có thể so sánh với những gì ta chứng kiến hơn 20 năm sau , cũng trên con đường huyền thoại này .