Du ký Gợi giấc mơ xưa, đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước, lần này đi ngược Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14, từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Bài số 10. Từ Khâm Đức – Quảng Nam đi A Lưới – Thừa Thiên.
Phải nhìn nhận là bạn bè trên Facebook của mình có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, rất có năng khiếu viết kịch bản để chuyển thành những cuốn phim ái tình sướt mướt. Nghe mình muốn gặp lại “Người Xưa” thì nhiều người nghĩ ngay đến một phụ nữ nào đó, xinh đẹp giỏi giang từ Hội An hoặc Đà Nẵng lên lập nghiệp trên miền núi này. Những người khác lại cho đó là một phụ nữ dân tộc thiểu số – một bông hoa rừng, thông minh – lanh lợi – tháo vát đã dựng lên khách sạn kiểu nhà Rông và làm dịch vụ kiểu như bây giờ đang thông dụng là Homestay.
Rất tiếc phải làm mọi người thất vọng vì đã ưu ái cho mình khi nghĩ rằng “Người Xưa” phải là phụ nữ và còn phải xinh tươi – duyên dáng – giỏi giang nữa nhưng đời không như là mơ. Các bạn đều không ngờ “Người Xưa” là . . . một ông chủ khách sạn thành đạt – anh bạn Nguyễn Văn Tình !
Anh Tình cùng tuổi với mình, cùng lớn lên lúc đất nước chìm đắm trong khói lửa chiến tranh nên hai anh em chuyện trò trao đổi sôi nổi với nhau nhiều đề tài, chuyện ngày xưa cũng như chuyện hôm nay. Trước năm 1975 ở Đà Nẵng, anh Tình cũng đang học trung học như mình nhưng sớm đến với miền rừng núi Khâm Đức, lúc đó đã là vùng của Mặt Trận Giải Phóng quản lý.
Với đức tính siêng năng – cần cù – nhẫn nại cộng với vốn kiến thức cao, tính cách tháo vát nhanh nhạy, anh lại thường xuyên lên rừng xuống biển, tức là về Đà Nẵng rồi lại lên vùng rừng núi Khâm Đức – Phước Sơn, nắm bắt được nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa đồng bằng và miền sơn cước nên anh buôn bán khấm khá và trụ được ở vùng “cùng trời cuối đất” này, xây lên một nhà nghỉ tương đối tươm tất nơi đây.
Mấy chục năm trước, nhà nghỉ của anh đã từng là nơi cư ngụ cho những đoàn “MIA – Missing in Action” của Mỹ qua đây tìm kiếm những lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh. Nhà nghỉ năm nào bây giờ đã trở thành khách sạn Phước Sơn bề thế, địa điểm rất thuận tiện, nằm ngay ngả 3 lớn bên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 và một con đường lớn dẫn vào trung tâm thị trấn Phước Sơn.
Cuối tháng 11 năm 1999 mình phải mất gần một ngày trời để đi đoạn đường 60km từ Đăk Glei tới Khâm Đức. Đường xấu khủng khiếp và lại gặp trời mưa lớn ! Đường toàn là hầm hố và đá lớn đá nhỏ đủ loại, rồi phải vượt qua đèo Lò Xo vô cùng hiểm trở, những đoạn không bị gặp đá tảng to thì là đường đất đỏ bị nước mưa làm thành những vũng bùn, vũng lầy nhão nhoẹt, bùn ngập gần nửa bánh xe. Nhiều đoạn đường, nước trên núi chảy xuống tràn lan cho ta cảm tưởng như đang băng qua suối – thác – ghềnh.
Phương tiện dùng để di chuyển khi đó là xe Mô tô Tula 200cc của Liên Xô, máy 2 thì chạy xăng pha nhớt, loại có bánh xe to chuyên dùng để chạy trên những địa hình khó khăn vậy mà mình nhớ là hầu như chỉ chạy toàn số 1, thỉnh thoảng sang qua số 2 để xe đỡ bị nóng máy, không thôi nó nổi hứng nhõng nhẽo nằm ì giữa rừng thì nguy lắm vì xe có một điểm rất yếu là bộ phận sạc điện hoạt động chập chờn mà bu gi phải nhận đủ điện từ bình điện truyền qua thì máy mới nổ được ! Điều làm cho mình bớt lo lắng là cách vài chục cây số lại thấy có lán trại của mấy anh chị công nhân làm đường.
Kỷ niệm vui là lúc tới Khâm Đức, thị trấn chỉ lèo tèo vài con đường vắng vẻ nhưng vẫn có được một nhà nghỉ, “đầy đủ tiện nghi” theo nghĩa tối thiểu, nên mừng quá vì cả ngày vật lộn với đường xá hầm hố và thời tiết mưa dầm dề, người ướt từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, khi đó chỉ mong muốn có được một nơi tương đối tươm tất để được tắm gội, thay quần áo khô ráo và nghỉ ngơi. Ước mơ trong cuộc đời nhiều lúc chỉ đơn sơ như vậy thôi !
Nhà nghỉ không có ai đón khách nên mình qua hỏi thăm ở cửa hàng bên cạnh, có mấy anh chàng mặt mày đỏ lòm với một đống vỏ chai bia lổn ngổn trên bàn, đang chơi bi da. Mấy anh này thấy có người khách nào lạ quá, đi xe cũng lạ quá ! Cao lớn mặt mày đen xì vì phơi nắng mấy tuần qua, người ngợm quần áo ướt mèm, tóc tai lại có bụi tó một cục sau gáy, mời làm vài chai bia nhưng lại nhất định từ chối lấy lý do là đi đường mệt lắm và còn thòng thêm là không thích uống bia rượu ! Mấy anh này chắc cảm thấy bị “xúc phạm” vì mời bia mà bị mình thẳng thừng từ chối, nên “ra lệnh” mình đem giấy tờ lên Ủy ban Nhân dân Huyện “làm việc” ! Thì ra đây là lãnh đạo huyện, chủ tịch hay bí thư gì đó mình cũng chẳng nhớ nữa.
Tắm rửa xong, gội sạch bụi đường, thay quần áo khô ráo, trông không còn rừng rú như lúc nãy nữa mà thanh lịch như đang sẵn sàng dạo phố ở đại lộ Nguyễn Huệ – Sài Gòn, mình đem giấy tờ “nhiều hơn cần thiết”, có cả mấy bài báo của anh bạn nhà báo Binh Nguyên viết để giới thiệu hành trình ngược Đường Hồ Chí Minh của mình vừa đăng trên báo Tuổi trẻ – Sài Gòn trước đó không lâu, để làm việc với cán bộ lãnh đạo huyện.
Anh chủ tịch huyện cũng cùng lứa với mình, chắc lớn hơn vài tuổi, qua giọng nói thì ở đâu vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, đi bộ đội vào đây rồi ở lại luôn, coi xong những thứ giấy tờ của mình đưa ra thì . . . “tỉnh rượu” và đổi qua thái độ thân thiện ! Mình ghét mấy thứ lạm dụng quyền lực như thế này lắm, tính lên lớp, hù và dần anh này một trận để cho chừa cái tội hà hiếp bắt nạt dân đen nhưng lại thấy tội nghiệp cho “những vĩ nhân tỉnh lẻ” nên không muốn ăn miếng trả miếng với anh này nữa, dĩ hòa vi quý – thêm bạn bớt thù, như cha ông chúng ta thường khuyên bảo ! Đó là chuyện cách đây hơn 20 năm, lúc còn trẻ còn hung hăng chứ bây giờ thì mềm như sợi bún, “Lục thập nhi nhĩ thuận” – Tuổi 60 nói gì nghe cũng lọt lỗ tai !
Với địa thế đặc biệt, cách Đà Nẵng 125km về hướng tây nam, nằm ngay phía bắc Cao Nguyên Trung Phần, trên triền phía đông dãy Trường Sơn, bên cạnh biên giới Việt Nam – Hạ Lào, án ngữ mặt phía tây của chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, trước năm 1975 thuộc tỉnh Quảng Tín, và là nơi có nhiều hoạt động nhộn nhịp của Đường mòn Hồ Chí Minh, tiếp tế chi viện cho mặt trận Tây Nguyên nên lính Mỹ đã xây dựng tại Khâm Đức một trung tâm huấn luyện Biệt kích rất lớn với phi trường và căn cứ quân sự kiên cố cho nhiều đơn vị tinh nhuệ thuộc sư đoàn America của quân đội Mỹ đóng đồn tại đây.
4g sáng sớm ngày 5 tháng 8 năm 1970, nhóm 17 chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công D404 đã tấn công, cho nổ tung hủy diệt căn cứ quân sự và phi trường Khâm Đức. Trận này giao tranh ác liệt với những đơn vị mạnh của lính Mỹ thuộc sư đoàn America, sau đó Mỹ phải rút lui khỏi tiền đồn nơi đây nhưng 17 Liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trên đất Khâm Đức. Trước giờ ra trận, các anh đã thề, xác định cảm tử.
Năm 2013, cựu phóng viên chiến trường người Mỹ Christopher Jensen sau hơn 40 năm dài ray rức, đã công bố 1 video clip 6 phút về trận đánh sân bay Khâm Đức rạng sáng ngày 5 tháng 8 năm 1970 với những giòng chữ được viết ra từ đáy lòng của ông : “Thanh niên Việt Nam rất dũng cảm ! Tôi xin lỗi vì sự mất mát của các bạn và những người đồng đội của tôi. Giống như các chàng trai của chúng tôi, người thân của các bạn là những người đàn ông rất dũng cảm”. 40 năm qua, ông Christopher Jensen không muốn công bố những thước phim chân thực này vì sợ người thân và đồng đội phải chứng kiến cảnh đau lòng của những giây phút cuối cùng, lúc 17 Liệt sĩ chiến đấu và hy sinh tại phi trường Khâm Đức.
Được sự hỗ trợ từ Tiểu đoàn Đặc công 404 và một số cựu chiến binh Mỹ, đầu tháng 6 năm 2020 đã tìm được hố chôn 17 chiến sĩ. Tất cả 17 Liệt sĩ được an táng cùng một ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn – Quảng Nam.
Quảng Nam là tỉnh có nhiều trữ lượng vàng nhất ở nước ta. Thực dân Pháp đã khai thác kim loại quí này một thời gian dài ở mỏ vàng Bồng Miêu. Phước Sơn là huyện có nhiều bãi vàng, một số địa điểm được cấp giấy phép hoạt động nhưng đa số là làm ăn bất hợp pháp, đem đến rất nhiều hệ lụy : Tai nạn chết người đã xảy ra thường xuyên trong các hầm mỏ, đào bới tự do không được chống đỡ để bảo vệ an toàn lao động. Những chất rất độc là Xyanua và thủy ngân bị sử dụng bừa bãi trong quá trình khai thác vàng, đã được thải vô tội vạ ra sông – suối, hủy hoại môi trường sống trong thiên nhiên. Những cuộc tranh giành lãnh địa cộng với nạn bảo kê – trấn lột đã dẫn đến nhiều vụ thanh toán chém giết đẫm máu. Cuối cùng còn thêm tệ nạn ma túy tràn lan ở các bãi đãi vàng.
Buổi sáng từ giã anh bạn Nguyễn Văn Tình và thị trấn Khâm Đức, trời âm u nhiều mây, vẫn còn ảnh hưởng mấy cơn mưa đêm qua. Với tinh thần lạc quan mình tự nhủ là hôm nay được một ngày mát trời không bị nắng nóng như những ngày vừa qua.
Km 4 – Ngả 3 Khâm Đức.
Vừa rời thị trấn Khâm Đức chỉ vài cây số ta gặp một ngả 3 lớn : Quẹo tay phải, vào Quốc lộ 14E đi về hướng đông bắc, xuống đồng bằng qua các huyện Quế Sơn, Thăng Bình và sau 110km sẽ đến Hội An bên bờ Biển Đông. Chúng ta muốn đi tiếp trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 nên quẹo tay trái đi theo con sông Cái, nhưng không ven bờ sông mà là từ trên cao nhìn xuống và đi đoạn đường quanh co – uốn lượn – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu dài đến 60km, đẹp như tranh vẽ.
Km 20 – Thác nước Bà Hoàng Monique.
Một thác nước đẹp, phía tây Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 và cách Khâm Đức 20km về phía bắc, nằm vắt vẻo trên đường đèo quanh co.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, ngay sau đó chính quyền Hà Nội đã giúp đỡ Quốc vương Shihanuk cùng Bà Hoàng Monique đi trên Đường mòn Hồ Chí Minh để về thăm vùng Giải Phóng của tụi Pol Pot – Khmer đỏ ở Campuchia. Lúc đi ngang qua đây, Bà Hoàng Monique nhất định đòi ở lại chốn xinh đẹp này 3 ngày để nghỉ ngơi và thưởng thức non sông cẩm tú. Từ đó thác được dân trong vùng gọi là thác nước Bà Hoàng Monique.
Đây là đoạn đường đi trên núi cao nhưng lúc nào cũng có con sông Cái chảy bên cạnh. 45km đầu tiên từ thị trấn Khâm Đức, sông uốn lượn bên tay phải – phía đông quốc lộ 14. Từ Làng Rô, nơi đã cưu mang nhà thơ Tố Hữu lúc ông và các bạn tù vượt ngục Đăk Glei thành công trước năm 1945, sông lại quanh co bên tay trái – phía tây quốc lộ 14. Điều rất buồn và đã được báo động đỏ từ lâu là sông Cái hầu như . . . không còn nước, lòng sông trơ ra những bãi đá bất tận !
Tất cả các con sông hùng vĩ xinh đẹp của Cao Nguyên Trung Phần đã bị lạm dụng tối đa để làm thủy điện. Các công ty tư nhân thông đồng với quan chức nhà nước đã ngang nhiên qua mặt nhân dân, bất chấp những quy luật của thiên nhiên, đã băm nát rừng Trường Sơn, hút đến những giọt nước cuối cùng của sông suối rừng Việt Nam để tìm mọi cách kiếm tiền bỏ vào túi riêng.
Chỉ riêng con sông Bung chảy trên địa phận huyện Nam Giang đã bị xà xẻo, ngăn chỗ này chặn chỗ kia để làm tới 6 đập nước và thủy điện nho nhỏ. Có thể nói là rừng Việt Nam trong thời hòa bình bị chính người Việt Nam phá hoại hủy diệt nặng nề hơn nhiều lần bom đạn của Mỹ trong chiến tranh đã trút xuống núi rừng xanh tươi – hùng vĩ – xinh đẹp của chúng ta!
Km 46 – Ngả 3 Cầu Bến Giằng.
Nơi đây có một ngả 3 rất lớn : Quẹo tay trái đi về hướng tây, xuyên qua vùng vô cùng hẻo lánh, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu và Gié Triêng. Bến Giằng trong chiến tranh là bến phà và đã hứng chịu rất nhiều bom đạn của máy bay Mỹ. Giờ đây có cầu Bến Giằng, cây số Km 0 của Quốc lộ 14D, sau 75km sẽ đến điểm cuối là cửa khẩu Nam Giang, giáp với tỉnh Sekong – Lào.
Nếu không có chương trình đi qua Lào, ta có thể dành chút ít thời giờ quẹo trái vào quốc lộ 14D, đi chừng 10km để ghé thăm làng thổ cẩm Tà B”Hing, thác nước Grăng, chiêm ngưỡng nhà Gươl, nếm thử cơm Lam của người Tà Riềng rồi tiếp tục cuộc hành trình cũng không muộn.
Km 58 – thị trấn Thạnh Mỹ.
Đây cũng là một ngả 3 rất lớn : Quẹo tay phải vào quốc lộ 14B, đi theo hướng đông bắc xuyên qua huyện Đại Lộc, coi như đã về vùng đồng bằng của sông Vu Gia và sông Thu Bồn, sẽ đến thành phố Đà Nẵng ở Km 75. Lộ trình của chúng ta hôm nay là quẹo tay trái để đi tiếp trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14.
Từ Buôn Ma Thuột đến Thạnh Mỹ, Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 dẫn theo trục Bắc – Nam nhưng từ Thạnh Mỹ đến Nghệ An đường này dẫn theo trục tây bắc, cũng là chiều trải dài của dãy Trường Sơn hùng vĩ ở khu vực Bắc Trung Phần Việt Nam ta.
Từ cây cầu ở ngả 3 Thạnh Mỹ, đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 bắt đầu vắng thấy rõ, chắc là do phần rất lớn các loại xe đều rẽ qua quốc lộ 14B để đi Đà Nẵng, thành phố lớn nhất ở miền Trung – Việt Nam.
Km 78 – Cầu Sông Bung.
Cây cầu bê tông to – rộng – kiên cố bắc qua sông Bung là ranh giới của huyện Nam Giang và huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Ta lại đi vào khu vực rừng Trường Sơn nhiều sông nhiều suối và nhiều . . . thủy điện, đã băm nát thiên nhiên, đem đến nhiều hệ lụy “nhân tai” cho dân cư nơi đây. Theo thứ tự từ Nam ra Bắc là thủy điện Sông Bung 5, thủy điện A Vương, rồi đến thủy điện Za Hung. Đó mới chỉ là liệt kê những nhà máy thủy điện ta có thể thấy trên đường đi và trong phạm vi một huyện này thôi, chưa kể đến những thủy điện nằm ở trong rừng sâu ở thượng nguồn của những con sông này.
Km 113 – Thị trấn Prao.
Lại có thêm một ngả 3 lớn nữa : Quẹo tay phải, vào quốc lộ 14G đi về hướng đông xuyên qua huyện Đông Giang, đi khoảng 50km sẽ thấy núi và Khu du lịch Bà Nà sừng sững ở bên tay trái, cao 1.492m. Sau 80km ta sẽ đến trung tâm thành phố Đà Nẵng. Nhưng lộ trình của chúng ta là Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 nên phải quẹo tay trái, tiếp tục quốc lộ 14.
Rời thị trấn Prao, đi được một chặp thì mình hối hận vì đã . . . không đổ xăng cho đầy bình ! Càng đi đường lại càng thêm vắng vẻ, rất ít xe cộ lưu thông và hai bên đường không một bóng người không nhà cửa không làng xóm, chỉ có núi rừng Trường Sơn hùng vĩ vây quanh ! Kim của bình xăng đã lọt vào vùng báo động đỏ. Đứng giữa đại ngàn chỉ vì hết xăng thì thực sự là chuyện vô cùng ngu xuẩn, phạm phải lỗi lầm sơ đẳng nhất không thể chấp nhận được ! Chờ có xe chạy bằng xăng đi ngang và xin “mua” lại vài lít nhiên liệu thì đúng là hạ sách vì phiền hà thiên hạ quá và chắc gì có cái vòi nhựa để hút xăng.
Chưa biết phải xử lý chuyện sắp hết xăng như thế nào thì chợt thấy bên đường có cái cầu treo. À , cứu tinh đây rồi ! Cầu treo dẫn vào thôn xóm, hy vọng là không xa lắm gần đó thôi vì con người vẫn thường sinh sống gần sông nước mà. Mà đúng như vậy thật, mừng quá ghé hỏi có nơi nào bán xăng thì được chỉ tới chỗ căn nhà gần đó, hú hồn !
Xăng đầy bình, không còn lo lắng gì nữa, người “mạnh” lên thấy rõ, đời chỉ thấy màu hồng. Đây cũng là niềm hạnh phúc chớ tìm đâu cho xa vời : Giữa rừng vắng, đổ đầy được hơn 3 lít xăng để tiếp tục hành trình. Lúc này mình mới nhớ lại, đây là đoạn đường nhiều núi cao – rừng sâu – vực thẳm rất khó khắc phục không làm đường được nên trong thời chiến tranh từ A Tép – Bha Lê – A Nông, Đường mòn Hồ Chí Minh đã phải “mượn” bên đất Lào mười mấy cây số để giao thông được thông suốt, tiếp viện cho chiến trường miền Nam.
Khu vực nơi đây thuộc huyện Tây Giang, có đường biên giới dài 60km với nước bạn Lào. Thật là mỉa mai và cay đắng vì nhờ không có đường to đường tốt để vào vùng sâu vùng xa nên vẫn còn tồn tại vài vạt rừng có những cây gỗ quí Pơ Mu, đếm được 725 cây và khoảng 50ha rừng hoa Đỗ Quyên.
Và sau đó “Đường thênh thang gió lộng một mình ta” , chun qua hầm A Roàng 2 rồi hầm A Roàng 1. Ở đoạn này Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 chạy gần biên giới Việt Nam – Lào, nhiều chỗ chỉ cách vài cây số, vài nơi chỉ vài trăm thước ! Qua khỏi A Tép vài cây số là ta đi vào địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Km 210 – Ngả 3 Bốt Đỏ.
Lại thêm một ngả 3 rất lớn trước khi đến A Lưới : Quẹo tay phải, vào quốc lộ 49 theo hướng đông bắc 50km ta sẽ đến lăng hoàng đế Minh Mạng bên bờ sông Hữu Trạch, ngay ngả 3 với sông Tả Trạch. Hai con sông này gặp nhau thành sông Hương, chảy lờ lững thêm 18km nữa sẽ về đến cầu Trường Tiền, trung tâm thành phố Huế.
Chúng ta tiếp tục đi thẳng trên Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 thêm vài cây số nữa và đến thị trấn A Lưới, nơi sẽ dừng xe nghỉ lưng đêm nay sau 216km.
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos:
Rất Vui được biết Trang này Của Onkel! Nên như thế này, Có chỗ cất những loạt Hồi ký Du Lịch.
Thân ái.