Du ký Gợi giấc mơ xưa, đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc lang thang – rong ruổi – trôi lạc trên các nẻo đường đất nước, lần này đi ngược Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14, từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Bài số 11. Từ thị trấn A Lưới – Thừa Thiên đi đến Khe Sanh – Quốc Lộ 9.
A Lưới nối với thành phố Huế bằng quốc lộ 49, cách Huế 65km về hướng tây nam, nằm trong một thung lũng dài 30km chạy theo hướng tây bắc – đông nam, với lượng nước mưa tương đối nhiều, mỗi năm từ 3.000mm đến 5.800mm, gấp nhiều lần những nơi khác ở Việt Nam, thí dụ như ở Phan Rang – Ninh Thuận, nơi khô hạn nhất Đông Dương, mỗi năm chỉ mưa lai rai khoảng 600mm !
Nằm trên dãy Trường Sơn nên A Lưới có rất nhiều rừng rú – núi đồi – sông suối. Sông A Sáp và sông A Lin chảy về hướng tây, qua bên Lào nhập vào những con sông lớn hơn, chảy vào sông Mekong, để rồi cuối cùng chảy về đồng bằng Nam Bộ – Việt Nam và ra Biển Đông. Sông Bồ và sông Hữu Trạch đi về hướng đông, nhập vào sông Hương, chảy ra Biển Đông.
Chỉ là phố thị nho nhỏ trải dài theo trục Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 cộng thêm mười mấy con đường xương cá ngắn ngủi cắt ngang, lại là miền núi vắng vẻ nên hoạt động du lịch chẳng có gì, thêm nữa là lữ khách cô đơn nên dùng bữa tối xong, mình cố thủ ở nhà nghỉ để . . . Gợi giấc mơ xưa !
Năm xưa, cuối tháng 11 năm 1999 qua khỏi Khâm Đức – Phước Sơn xuống đến Bến Giằng – Thạnh Mỹ – Hiên, đi thêm một tí nữa bây giờ là khu vực sông Bung – Prao thuộc Đông Giang – Quảng Nam thì mình được biết đây là vùng vô cùng hiểm trở, thông tin về đường xá rất mù mờ, Đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa đã bỏ hoang phế một phần tư thế kỷ rồi, không tìm đâu ra dấu vết ngày trước và đang mùa mưa nên đường xá núi đồi bị sạt lở khiếp lắm, mọi người đều lắc đầu bàn ra, khuyên tuyệt đối không nên mạo hiểm vô ích !
Thế là hành trình được hướng về Hội An, rồi ra đến Huế đầu tháng 12 năm 1999. Thời điểm đó Hội An và Huế vừa trải qua cơn lũ lụt khủng khiếp tháng 11 năm 1999. Mình ở trong một khách sạn trên đường Hùng Vương gần cầu Tràng Tiền – sông Hương và vẫn thấy vệt ngấn của nước lụt còn rõ ràng trên vách tường, cao đến quá đầu người ! Đúng như nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết trong tuyệt tác “Tiếng sông Hương” :
Quê hương em nghèo lắm ai ơi,
Mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn.
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm
Khiến đau thương thấm tràn . . .
Từ Huế, mình ra chợ Đông Ba, mua sắm thêm trang bị đồ đạc chống mưa và chống . . . bùn để theo quốc lộ 49 lúc đó còn rất xấu, vượt 3 ngọn đèo là đèo Kim Qui, đèo Tà Lương và đèo Co – còn được gọi là đèo Mạ ơi. Cầu Tà Lương lúc đó chưa có và ngầm Tà Lương đang bị mưa lũ ngập quá đầu gối gần tới đùi, nước chảy xiết rất nguy hiểm nên phải nhờ mấy anh em trai trẻ khiêng xe máy Tula qua sông !
Ngay phía bắc thị trấn A Lưới, khách để ý sẽ thấy có bảng chỉ đường quẹo tay trái đi về hướng tây, đến khu di tích lịch sử Đồi A Bia nhưng rất tiếc đây là tấm bảng duy nhất từ ngoài quốc lộ 14, sau đó khách phải vừa đi vừa hỏi đường nếu không muốn bị lạc trong mê hồn trận của những ngả 3 ngả 4 đường ở trong thôn làng nơi đây.
Mình dừng xe hỏi đường một anh người dân tộc Pa Cô thì may mắn anh đang chuẩn bị đi lên rẫy gần trên đồi A Bia. Lẽo đẽo theo sau anh này, quanh co len lỏi qua xóm làng, lúc quẹo phải quẹo trái rồi lại quẹo trái quẹo phải nhiều lần, mình tự nhủ thầm là đường đến khu di tích lịch sử Đồi A Bia lắc léo và khó tìm như thế này mà tuyệt nhiên không có thêm một bảng chỉ đường nào ngoài tấm bảng duy nhất xa lắc ven quốc lộ 14 thì coi như chính quyền ở đây đã tốn nhiều công sức tiền bạc xây dựng đền đài chỉ “cho có để lấy điểm” và coi như không cần biết là khách có tìm được đường để ghé tham quan tưởng niệm Khu di tích lịch sử Đồi A Bia hay không !
Lên được Đồi A Bia – Đồi Thịt Băm – Cao điểm 937m, từ lâu là mong muốn của mình vì lúc học lớp 8 năm 1969 đã nghe trên truyền thông truyền hình và báo chí nhắc rất nhiều tới địa danh Đồi Thịt Băm – Hamburger Hill với địa danh A Sao – A Lưới – A Bia.
Ngày 10 tháng 5 năm 1969, một số đơn vị mạnh nhất thuộc sư đoàn 101 Airborn – Không vận của Mỹ với yểm trợ hỏa lực tối đa về pháo binh và máy bay ném bom, đã giao tranh ác liệt với Giải Phóng Quân – thường được lính Mỹ gọi là Vi Xi, viết tắc 2 chữ VC – Việt Cộng, đóng tại vùng rừng núi phía tây thị trấn A Lưới trên Đồi A Bia – cao 937m và 3 ngọn đồi chung quanh là 3 cao điểm 900m , 903m và 916m.
Lính Mỹ đã đánh giá thấp, coi thường sức chiến đấu của đối phương nên thay vì tưởng sẽ chiếm được ngọn đồi sau vài tiếng đồng hồ thì giao tranh kéo dài nhiều ngày và hai bên đều bị thương vong lớn. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc đó là tướng 4 sao Creighton Abrams đã tìm cách hạn chế thiệt hại, muốn cho lính Mỹ rút lui nhưng các sĩ quan Mỹ tại trận địa vì sĩ diện hão, sợ bị nhục, bị mất thể diện vì với hỏa lực vô tận và quân số đông hơn nhiều nên cứ loay hoay “cố đấm ăn xôi” nhưng đánh hoài không xong, lại bị áp lực báo chí quốc tế chê bai mỉa mai, cộng thêm phong trào phản chiến bên Mỹ đang biểu tình chống đối chiến tranh rất mạnh.
Sau 10 ngày cố thủ, Quân Giải Phóng không chủ trương giành trận địa, chỉ muốn gây thương vong tối đa cho đối phương nên lặng lẽ rút quân qua biên giới Việt Nam – Lào, cách Đồi A Bia – Đồi Thịt Băm – Hamburger Hill chỉ vài cây số băng qua rừng rậm. Chiếm và “treo cờ Mỹ” trên Đồi Thịt Băm cho báo chí đi bằng tàu bay trực thăng đến để chụp hình, lính Mỹ cũng rời khỏi đồi này sau đó vài tuần. Khi được báo chí phỏng vấn, trung sĩ James Spears, đã thốt lên : “Các anh đã từng ở bên trong máy xay thịt chưa? Chúng tôi bị xay nát với hỏa lực súng máy rất chính xác”. Từ đó các phóng viên báo chí khắp thế giới đã đặt tên ngọn đồi A Bia này là Đồi Thịt Băm – Hamburger Hill.
Trận chiến Đồi Thịt Băm đã gây nhiều tranh cãi gay gắt ở quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, em ruột của cố tổng thống Mỹ John Kennedy đã lên án : “Đây là cuộc hành quân điên rồ và vô trách nhiệm. Sinh mạng của binh sĩ Mỹ đã bị phung phí chỉ để giữ thể diện cho các sĩ quan chỉ huy”. Các học viện quân sự của Mỹ đã đem trận chiến Hamburger Hill trên Đồi A Bia – A Lưới vào giáo trình để dạy cho sĩ quan Mỹ về đề tài Chiến tranh Du kích.
Bị sức ép nặng nề từ báo chí – dư luận – quốc hội nên ngay sau trận Đồi Thịt Băm – Hamburger Hill, giữa tháng 6 năm 1969 tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đã chính thức tuyên bố đợt rút quân Mỹ đầu tiên, dù chỉ ở mức tiểu đoàn, đẩy nhanh Việt Nam Hóa chiến tranh, thay đổi màu da trên xác chết, bắt đầu tính kế trốn chạy – “Tẩu vi thượng sách”.
Một tháng sau khi lính Mỹ rút lui khỏi đồi A Bia, Quân Giải Phóng lại tái chiếm ngọn đồi này để bảo vệ cho Đường mòn Hồ Chí Minh trong khu vực phía tây Thừa Thiên – Huế, ngay bên cạnh biên giới Việt Nam – Lào, đang khẩn trương chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Để xe máy dưới chân đồi, mình bắt đầu cuộc “Hành Hương” lên đỉnh đồi A Bia. Có tất cả 853 bậc thang nhưng qua vài mùa mưa lũ cây cối đã ngả đổ khắp nơi, cản trở lối đi, phải vạch lá tìm đường hoặc leo qua chướng ngại vật. Nhiều đoạn bị xây dựng gian dối nên một số bậc thang đã bể nát, chỉ thấy còn lối mòn bằng đường đất.
Buổi sáng trên đồi cao, xưa kia bị bom đạn biến thành đồi trọc, giờ đây cây cối um tùm rậm rạp khắp nơi, thời tiết mát mẻ, còn khá nhiều sương mù dày đặc, cảnh đẹp và . . . ma quái vì thực sự đúng là “Tôi với Trời bơ vơ”. Lúc này mình chợt nghĩ bậy, nếu sức yếu mà cố gắng leo núi quá sức vì có tới 853 bậc thang, rồi chịu không nổi, lên cơn nhồi máu cơ tim thì coi như . . . xong luôn ! Nằm trên Đồi Thịt Băm, không biết hai anh bạn người Pa Cô có để ý gì không hay phải chờ đến chiều làm rẫy xong, thấy vẫn còn xe máy, lúc đó đi lên đồi coi tình hình ra sao thì thấy mình đã . . . yên giấc từ lúc sáng và hy vọng còn nguyên vẹn hình hài vì chưa bị con thú nào đến hỏi thăm, làm thịt !
Đúng là “Mê hồn trận”, vì lúc đi lên đồi đi theo đường này lúc xuống lại lọt vào lối khác, phải băng qua mấy vũng nước lớn để ra lại Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14. Mới đi tiếp chưa được một cây số lại thấy có bảng chỉ đường quẹo phải, về hướng đông đến Khu du lịch thác A Nor, cách Quốc lộ 14 chỉ vài trăm thước !
Thác A Nor đẹp vào mùa nhiều nước, khi đó ta sẽ thấy cả 3 giòng thác thi nhau đổ ầm ầm từ các độ cao 8m , 60m và cao nhất là 120m. Cách không xa thác có khu du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nor rộng 10ha, đầy đủ tiện nghi cho khách nghỉ ngơi, ở nhà sàn đồng bào dân tộc Pa Cô, thưởng thức văn nghệ và ẩm thực địa phương. Đặc biệt có dịch vụ gội đầu bằng dầu Bồ Kết được bà con hái trong rừng, đập cho nát nấu với nước và gội đầu cho khách.
Km 19 – Cầu bắc qua sông A Lin.
Tháng 12 năm 1999 vùng này đang có mưa to, nước trên núi tràn ngập khắp nơi, ngầm qua sông A Lin bị ngập nước rất sâu và lũ cuốn khá mạnh. Thế là có dịch vụ khiêng xe máy qua sông, mặc dù nguy hiểm và ướt át nhưng vẫn tiếp tục được cuộc hành trình. Ngày nay đã có cây cầu bê tông vững chắc và hôm nay may mắn gặp thời tiết khô ráo nên xe chạy bon bon qua sông A Lin ngon lành.
Qua cầu sông A Lin chừng vài cây số, chúng ta bắt đầu lên đèo Pê Ke. Quanh co uốn lượn trên đèo chừng 8km , qua khỏi đèo Pê Ke là bắt đầu vào địa phận tỉnh Quảng Trị.
Km 36 – Ngả 3 Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15D.
Tại đây có một Ngả 3 lớn , có nhà nghỉ Việt – Lào, quẹo trái vào quốc lộ 15D, đi 12km xuyên qua khu rừng đẹp, ta đến cửa khẩu La Lay để qua nước bạn Lào.
Từ ngả 3 Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15D, lộ trình sẽ đi theo hữu ngạn, phía bên phải sông Đa Krông nhưng ngoằn ngoèo khúc khuỷu từ trên cao, đi ngang qua 4 nhà máy thủy điện trên sông Đa Krông, sau 60km sẽ gặp cầu bắc qua sông Đa Krông tại Ngả 3 với Quốc lộ 9.
Km 96 – Ngả 3 cầu Đa Krông và Quốc lộ 9.
Đầu tháng 12 năm 1999, trời mưa rả rích đi tới đây thì cùng đường, cây cầu đang xây dựng dang dở hình như bị lũ lụt hôm tháng 11 trước đó vài tuần vừa rồi gây hư hao thiệt hại nặng nề và phải sang ngang bằng “Chuyến đò vĩ tuyến” trong tình trạng nước chảy mạnh, ghe nhỏ và còn đèo bòng thêm chiếc xe máy cồng kềnh nữa ! Mình đã tính tới chuyện nếu không may, có sự cố chìm xuồng thì bỏ hết, kể cả mấy chục cuốn phim Kodachrome vừa âm bản vừa dương bản đã tốn rất nhiều tâm huyết để ghi hình và giữ gìn như báu vật trong suốt hành trình, chỉ mong cứu lấy mạng sống thôi ! Rất may kịch bản xấu nhất đã không xảy ra.
Lên được bờ phía bắc sông Đa Krông là mừng lắm nhưng vẫn còn một chướng ngại phải vượt qua : Từ bờ sông lên tới đường nhựa chỉ là một đoạn rất ngắn, nhiều cây dại cỏ dại, lại là bờ đất đang bị mưa làm cho mềm và là dốc rất gắt, gần như là 45 độ ! Cả đoạn đường từ A Lưới đến cầu Đa Krông mình đã “vật lộn” với đường xá hầm hố, phải cõng xe lội nước băng qua ngầm ướt át lạnh lẽo, tới đây thì đã mất sức nhiều lắm mà đích đến của ngày hôm nay đã nằm trong tầm tay nên phải tính toán cho chính xác để không xảy ra tai nạn đáng tiếc vì chung quanh chỉ có trời và đất và mỗi một mình ta thôi, không có sự trợ giúp nào cả.
Lên đụng được đường nhựa – Quốc lộ 9 là coi như mừng hết cỡ, tim còn đập thình thịch, phải đứng thở một hồi cho hoàn hồn và tự thưởng cho mình mấy phút ngắm cảnh đất trời vì thành quả vừa đạt được.
Khi xưa hành trình thật là vất vả gian nan, bây giờ thì đường xá tốt hơn xưa rất nhiều. Qua cầu sông A Lin vài cây số là lên đèo Pê Ke, đường tuy quanh co uốn lượn ngoằn ngoèo khúc khuỷu nhưng được trải nhựa, xe máy chạy thoải mái như đi dạo. Trên đỉnh đèo có lúc ta được chiêm ngưỡng cả biển mây bồng bềnh trước mặt và . . . dưới chân ta ! Xa xa một chút về hướng đông – hướng thành phố Huế, có ngọn núi Động Ngai cao 1.774m.
Km 111 – Thị trấn Khe Sanh.
Địa danh Khe Sanh được cả thế giới biết đến qua những tin tức chiến sự đầu năm 1968 và nhất là mùa xuân năm 1971 với Chiến dịch Lam Sơn 719 – Đường 9 Nam Lào.
Trước đây quốc lộ 9 coi như bắt đầu từ chợ Đông Hà – Quốc lộ 1 đến cửa khẩu Lao Bảo dài 80km. Ngày nay quốc lộ 9 chạy từ Cửa Việt bên bờ Biển Đông theo trục đông tây đến cửa khẩu Lao Bảo biên giới Việt Nam – Lào dài 95km.
Về chuyện tên tuổi và bảng hiệu cửa tiệm là đề tài thú vị. Có nhiều chủ nhà nghỉ hoặc khách sạn ở miền núi non sâu trong đất liền, chắc là luôn có mơ ước được ra biển rộng nghe sóng vỗ rì rào, được ngắm trời xanh biển xanh, được ngắm ngọn hải đăng lấp lánh như đã từng được đọc qua sách vở nên lấy Hải Đăng làm tên cho cơ sơ lưu trú của mình. Ở thành phố Hà Giang, xa lắc trên cực bắc nước ta toàn núi cao có khách sạn Hải Đăng gần sông Lô gần khu Phố Cũ mà mình đã ở lại nhiều lần và hài lòng nên thấy ở Khe Sanh cũng có khách sạn Hải Đăng, nhìn thấy có vẻ được nên vào hỏi thăm và thấy đạt yêu cầu nên ở lại luôn.
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: