Bài số 9. Từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pì Lèng đến Mèo Vạc

-

Du ký miền thượng du Bắc Kỳ , đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc xứ Bắc Việt Nam .

Bài số 9 . Từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pì Lèng đến Mèo Vạc .

Thị trấn Đồng Văn ngày thường trong tuần ít người ít xe , không chen lấn không vội vàng , mọi sinh hoạt như chậm lại , khách thong thả mua sắm ở chợ ở phố , thư giãn bên tách trà hay ly cafe , cảm nhận cái lạnh và không khí trong lành của vùng cao nơi cực bắc xứ Ta .

Góc nhìn từ cafe Phổ Cổ – Đồng Văn .

Đã ghé nơi đây nhiều lần nhưng vẫn chưa leo núi lên Đồn Cao . Lần này phải cố gắng lên đỉnh chứ lần tới chắc không đủ sức leo đâu . Đây là địa điểm du lịch ngay trung tâm thị trấn Đồng Văn , rất thú vị với những người không sợ độ cao và nhất là phải có đôi chân thật mạnh khỏe , dẻo dai để leo núi .

Từ trong phố , sau lưng trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện có lối đi nhỏ hẹp bằng bê tông , có bảng chỉ đường lên Đồn Cao . Tốt nhất là nên đi bộ vì đường lên núi tuy bằng bê tông rất tốt nhưng có độ dốc rất gay gắt và đi bằng xe máy vô cùng quanh co nguy hiểm nên người ta đã xây cái gờ cao cả gang tay chận lại không cho xe máy lưu thông . Và có cả nhiều gờ thấp bằng xi măng trên đường , để khách đi bộ leo núi khỏi bị trơn trợt té .

Sau hơn 30 phút , vừa đi chầm chậm theo con đường vòng vèo quanh co ôm ngọn núi , thỉnh thoảng đứng lại lưng chừng núi để nghỉ , hít thở sâu nhiều lần , chúng ta lên tới di tích Đồn Cao , được thực dân Pháp xây khoảng năm 1925 , trước đây cả trăm năm .

Đồn Cao , còn có tên Chang Poung , là chứng tích kiến trúc quân sự bằng đá trên đỉnh núi , cao 1.213m so với mặt nước biển chứ so với chân núi thì chỉ cao hơn 100m thôi , tương đương với khoảng hơn 500 bậc thang . Gọi là đồn vì nó tương đối to lớn và thực sự là công sự phòng thủ với tường thành bằng đá cao và dày , có nhiều ngách và lô cốt với nhiều lỗ châu mai .

Từ trên Đồn Cao chúng ta có được Panorama – cái nhìn toàn cảnh xuống thị trấn Đồng Văn hiện ra trước mắt ngay bên dưới , phía tay phải – hướng tây là quốc lộ 4C từ hướng dinh thự Vua Mèo đến và phía tay trái – hướng đông là con đường dẫn lên đèo Mã Pì Lèng để đến Mèo Vạc , nhà cửa bám sát ven theo những con đường , sau lưng nhà vẫn còn đồng ruộng vườn cây xanh tươi . Có Đồn Cao chắc có Đồn Thấp . Dấu tích của Đồn Thấp là một đoạn tường thành bằng đá , còn được gìn giữ bảo tồn , nằm ngay trong khuôn viên Ủy ban Nhân dân huyện .

Cảnh thiên nhiên của quê hương đất nước đẹp như vậy mà đã có tụi tài phiệt cấu kết với chính quyền sẵn sàng tàn phá để . . . kiếm tiền , cho vào túi riêng . Chuyện như thế này : Tháng 11 năm 2017 tên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ký cấp giấy phép cho dự án “Thang máy ngắm cảnh , tham quan di tích Đồn Cao” . Du khách đi từ Đà Nẵng đến Hội An chắc không thể không ghê tởm một “con quái vật – thang máy” như vậy , ôm sát núi Ngũ Hành Sơn và làm xấu đi cũng như xâm hại nặng nề đến phong thủy của danh lam thắng cảnh này .

Phá nát nước xong , thì bây giờ phá nát núi . Dự án du lịch với thang máy cao 102m lên Đồn Cao và nhiều công trình khác , góp phần làm ô uế hủy diệt nét đẹp của thị trấn Đồng Văn .

Dự án tào lao này vi phạm nặng nề về môi trường – văn hóa – xã hội , thậm chí có nguy cơ làm cho UNESCO rút giấy chứng nhận Cao Nguyên Đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu vì chuyện làm thang máy cao hơn 102m cùng với cụm nhà hàng – khách sạn – quán cafe với diện tích 5.600 mét vuông trên đỉnh núi sẽ làm “ô uế , nát bét” di tích Đồn Cao .

Cuối năm 2019 bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch đã có công văn yêu cầu tỉnh Hà Giang đình chỉ dự án trái lòng dân , gây bất ổn này . Ngày nay đi ngang dưới chân núi mọi người không khỏi ngỡ ngàng và phẫn nộ khi thấy sắt thép – gạch đá – giàn giáo vẫn còn ngổn ngang dở dang , không khác gì khu “Du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú” !

Lộ trình hôm nay : Từ Đồng Văn đến Mèo Vạc , vượt 22km trên đèo Mã Pì Lèng cao ngây ngất , nhìn lên vẫn là núi cao vút ngọn nọ ngon kia trùng trùng điệp điệp không dứt , nhìn xuống lại là vực sâu thăm thẳm đến 500m – 700m , có con sông Nho Quế xanh màu ngọc bích đang uốn lượn , đường lại ngoằn ngoèo – quanh co – khúc khuỷu vô cùng nguy hiểm , không dành cho người yếu tim hoặc sợ độ cao . Đây là một trong những đèo có phong cảnh đẹp và hùng vĩ nhất nước Ta , cung đường ngắn nhất trong suốt cả chuyến đi dài của mình .

Km 9 – Tượng đài Thanh Niên Xung Phong và nhà Trưng Bày Con Đường Hạnh Phúc .

May mắn gặp thời tiết tốt , trời trong xanh và có nắng ấm . Rời thị trấn Đồng Văn chỉ chừng 9km ta thấy bên tay phải quốc lộ 4C hiện lên cụm tượng đài – miếu – bia tưởng niệm , vinh danh và tưởng nhớ những thanh niên xung phong đã làm nên con đường chúng ta đang đi ngày hôm nay .

Tượng đài Thanh Niên Xung Phong , tuổi trẻ Việt Nam đã làm nên Con Đường Hạnh Phúc dài 166km từ thành phố Hà Giang qua Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc .

Ngược giòng lịch sử , vào cuối những năm 1950 , cả miền Bắc nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng ở vùng biên giới phía cực bắc quá xa xôi như Đồng Văn – Hà Giang , không có đường xá cơ giới , bộ máy hành chánh còn rất yếu kém , tình hình an ninh chính trị vô cùng bất ổn định . Để nói về mảnh đất Hà Giang với nhiều khó khăn gian khổ trong thời gian này , dân gian có câu : “Dốc Bắc Sum , hùm Cán Tỷ , phỉ Đồng Văn” .

Tàn quân của Quốc Dân Đảng vùng Vân Nam năm 1949 thất trận trước Hồng Quân Trung Cộng , không kịp theo thống chế Tưởng Giới Thạch để vượt biển qua Đài Loan , và vùng cực nam của Vân Nam lại quá xa xôi đối với chính quyền Bắc Kinh nên tụi tàn quân này chạy qua Việt Nam , vẫn lẩn quẩn và tồn tại ở khu vực này . Chúng tìm mọi cách lôi kéo dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây , kết bè kết đảng rồi cướp bóc khắp nơi , kích động nổi loạn , chống phá chính quyền nhằm mục tiêu thành lập “Vương Quốc Mèo độc lập” .

Tháng 12 năm 1959 , Vàng Chỉn Cáo và Phàn Dền chiếm , khóa chặt cổng trời Cán Tỷ – Quản Bạ , Giàng Quáng Ly tràn vào Yên Minh . Vàng Chúng Dình dẫn hơn 200 tên phỉ tấn công thị trấn Đồng Văn , Vàng Dúng Mỹ đánh phá Mèo Vạc cướp sạch cửa hàng mậu dịch . Dã man hết mức khi tên đầu sỏ Phàn Chỉn Sài cùng với tụi thổ phỉ đánh vào Na Khê – Bạch Đích , bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính bắn .

Không thể để vùng đất nơi cùng trời cuối đất của tổ quốc bị biệt lập và bị giặc biên cương thao túng nên tháng 9 năm 1959 chúng ta khởi công mở tuyến đường lên Đồng Văn . Hơn 1.300 nam nữ thanh niên xung phong từ 6 tỉnh của Khu tự trị Việt Bắc gồm Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Hà Giang – Tuyên Quang – Thái Nguyên , sau này còn có thêm Nam Định và Hải Dương , đã sát cánh kề vai với hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá để phá núi mở đường .

Điều kiện làm việc vô cùng khó khăn . Dụng cụ lao động rất thô sơ , chỉ là cuốc – xẻng – búa tạ – xà beng – xe cút kít v. . . v. . . thiếu nhiều thứ , thiếu lương thực , thiếu muối , thiếu nước , thiếu dầu , thiếu rau xanh , còn cộng thêm khí hậu vô cùng khắc nghiệt của vùng toàn núi đá vùng cao , vào mùa đông nhiều lúc nhiệt độ lạnh dưới O độ C , nước đóng thành băng đá .

Sau 4 năm , nhiều đoạn đường được nối lại với nhau . Xe hơi lần lượt qua Cổng Trời Quản Bạ , vượt sông Tráng Kìm , vượt Cổng Trời Cán Tỷ , rồi dốc 9 khoanh . . . Mùa Thu năm 1963 , con đường 144km từ Hà Giang đến Đồng Văn được hoàn thành trong muôn vàn gian khổ hy sinh của mấy ngàn thanh niên xung phong từ miền xuôi lên , cùng với sự góp sức của hàng ngàn nhân công vùng cao .

Đoạn khó khăn nhất là từ Đồng Văn qua Mèo Vạc . Đây chính là đèo Mã Pì Lèng dài 22km , có thể gọi là đẹp , hùng vĩ và nguy hiểm vào bậc nhất nước ta . Trong 2 năm , hàng trăm thanh niên xung phong gan dạ đã thay nhau treo thân mình tòn ten trên vách đá dựng đứng để đục đá , nhét mìn vào khe , phá núi làm đường . Giống như ở chiến trường , nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm xà beng 8 cạnh , cầm búa treo người trên vách đá , lấy sức người bé nhỏ chọi với sức mạnh của núi đá hàng triệu năm tuổi .

Tấm bia đá ở lưng chừng đèo , nhìn xuống sông Nho Quế xa xa bên dưới , có ghi : “Con Đường Hạnh Phúc khởi công ngày 10/09/1959 , hoàn thành ngày 15/06/1965” . Mộ của 14 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong những năm xây dựng Con Đường Hạnh Phúc đã được quy tập về nghĩa trang tại thị trấn Yên Minh .

Từ đèo Mã Pì Lèng trên Con Đường Hạnh Phúc – quốc lộ 4C nhìn xuống sông Nho Quế xanh biếc . Ngày trước vực hẻm Tu Sản này sâu hơn nhiều nhưng ngày nay có mấy nhà máy thủy điện ngăn giòng chảy nên nước sông dâng cao hơn khi xưa .

Bên cạnh cụm tượng đài Thanh Niên Xung Phong có một con đường bằng bê tông , rộng chưa được 2m dẫn ta đi chênh vênh trên núi cao để đi sâu vào hướng Vách Đá Trắng . Đoạn đường mạo hiểm này dài khoảng 5km nhưng rất hẹp và một bên là vực sâu thăm thẳm , rất nguy hiểm đối với người lạ khi đi bằng xe máy và trong quá khứ đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho du khách nên mới đây có tấm bảng nghiêm cấm , không cho người lạ đi xe máy trên cung đường này .

Đây là tuyến du lịch Vách Đá Trắng , được khuyến khích nên đi bộ cho an toàn và để cảm nhận được phong cảnh hùng vĩ cũng như khí hậu trong lành của khu vực đèo Mã Pì Lèng . Trên đường đi khách sẽ đi qua Mỏm Đá Tử Thần , nhô ra ngang giữa trời từ núi đá và là điểm độc đáo để ghi hình . Sau 3km đường sẽ hẹp , có một ngả 3 hướng lên Vách Đá Trắng , không đi xe máy được , chỉ còn rộng vài chục cm vừa đủ cho một người đi , có lan can an toàn để ngăn chặn du khách không bị trợt chân rơi xuống vực sâu .

Đoạn đường đi bộ 2km này dẫn chúng ta đi lên cao và men theo Vách Đá Trắng dựng đứng cao vút , huyền bí và hùng vĩ . Tuyến đi bộ Vách Đá Trắng nối thôn Xéo Sả Lủng – xã Pải Lủng qua thôn Mã Pì Lèng của xã Pả Vi . Đường này đã có từ xa xưa và được dùng cho việc lưu thông hàng hóa , đặc biệt là thuốc phiện đen , đã được các Vua Mèo cho tải bằng những đoàn ngựa thồ .

Con đường của những đoàn ngựa thồ thuốc phiện đen xưa kia , trên vách đá cheo leo trên núi cao 1.700m

Ở Vách Đá Trắng , cao độ 1.700m , ta có được cái nhìn toàn cảnh đẹp nhất trên đèo Mã Pì Lèng . Phía dưới , quốc lộ 4C chạy ngoằn ngoèo trên lưng chừng và xuyên qua những khối núi đồ sộ , xa xa và xuống sâu hơn nữa là con sông Nho Quế xanh màu ngọc bích đang lờ lững uốn lượn dưới những thung lũng sâu hun hút .

Lúc vừa rời cụm tượng đài Thanh Niên Xung Phong , mình thấy có mấy xe máy đang chạy bon bon vô hướng Vách Đá Trắng nên cũng . . . phóng theo . Tất cả xe máy đều dừng ở Mỏm Đá Tử Thần để nghỉ ngơi – ngắm cảnh – chụp hình . Từ đây đường đi tiếp sẽ hẹp nhưng bớt nguy hiểm một đoạn ngắn vì đi vào một thung lũng nhỏ có vài ngôi nhà của dân địa phương . Sau 3km phải dừng xe , đi lên hướng có đài vọng cảnh và con đường lên Vách Đá Trắng nhỏ và hẹp , chỉ đủ cho một người đi .

Trên khu vực Vách Đá Trắng có một khoảnh đất nhỏ chừng vài chục mét vuông , vừa đủ để thỉnh thoảng có những nhóm người có máu mạo hiểm dựng lều cắm trại qua đêm và đón bình minh tại Vách Đá Trắng . Điều này vô cùng nguy hiểm và sẽ đem lại nhiều hệ lụy , ảnh hưởng xấu đến an toàn du lịch , đến cảnh quan và môi trường nơi đây vì vị trí quá nguy hiểm , không có nước , không giải quyết được chuyện vệ sinh , rồi bày trò nấu nướng ăn uống đủ thứ và sẽ để lại toàn rác và rác .

Trên đường ra lại quốc lộ 4C , không muốn đi ngược đường lúc đi vào nên mình chọn con đường vòng , đường mới để đi tiếp , hy vọng gặp quốc lộ 4C ở phía gần Mèo Vạc . Nhưng càng đi thì đường càng nhỏ hẹp và vắng vẻ , thỉnh thoảng lại có một ngả quẹo đi hướng khác làm mình hoang mang quá , lại không có ai để hỏi thăm đường ra quốc lộ 4C .

Vừa thấy mấy chàng trai H’Mong đèo nhau trên xe , chưa kịp xin hỏi đường thì mấy anh này chắc đã quen địa hình nên phóng xe lướt qua nhanh quá , vậy là mình phải dùng khả năng trinh sát của Hướng Đạo Sinh , nhắm chừng phương hướng để cố gắng tìm cách ra lại quốc lộ 4C .

Đường đi như là lối mòn , đã hẹp bây giờ lại còn hẹp thêm nữa , quanh co – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu chỉ để đi bộ , mà lại có một bên là vực sâu . Có lúc mình đã tính đến chuyện đi ngược theo “lối cũ ta về” để cho an toàn nhưng đường bây giờ quá hẹp và xe vừa nặng vừa quá cồng kềnh , không có cách gì quay xe được nữa , “tiến thoái lưỡng nan – đi tới hay đi lui đều rất khó khăn – phiêu lưu – mạo hiểm” , tài xế cũng đã mệt mỏi không còn đủ sức để “tung hoành” nữa .

Vậy là cố gắng cẩn thận đi tiếp trên con đường mòn hai bên có nhiều hoa oải hương mọc hoang , đẹp và thơm . Đi vài cây số thì nghe loáng thoáng tiếng xe cộ lưu thông phía xa xa bên dưới trên quốc lộ 4C , mừng quá , vậy là sắp được đến vùng an toàn !

Mong rằng các bạn đừng bao giờ để lọt vào tình huống khó khăn như mình vừa trải qua . Giờ đây ngồi nghĩ lại , rất cảm ơn chiến mã – ngựa thần Honda Wave Alpha 100cc Màu tím hoa Sim đã trung thành , cùng nhau tung hoành ngang dọc và chia ngọt xẻ bùi với mình gần 20 năm với 10 chuyến đi xuyên mấy nước Asean và qua hơn 120.000km rất an toàn .

Xuống núi , gặp lại quốc lộ 4C thật là mừng hết lớn . Đoạn đường này là nơi tốt nhất để đứng trên cao ngắm cảnh núi non sông nước hữu tình của đèo Mã Pì Lèng . Và cũng vì có cái nhìn toàn cảnh – Panorama tuyệt vời nên cách đây vài năm đã rộ lên lùm xùm về công trình “Điểm dừng chân Panorama” . Gọi là điểm dừng chân nhưng nó vươn hình hài lớn dậy thành một tòa nhà nhiều tầng đồ sộ – nặng nề – xấu xí , góp phần hủy diệt cảnh đẹp trên đèo Mã Pì Lèng .

Đầu năm 2020 , vụ “Điểm dừng chân Panorama” trên đèo Mã Pì Lèng bị báo chí – dư luận – cộng đồng mạng phanh phui rầm beng vì những vi phạm về kiến trúc qui hoạch . Bây giờ du khách đi ngang qua đây , vẫn phải mua vé giá đắt , có bao gồm một đồ uống , tìm góc thích hợp chỉ để chụp hình . Tòa nhà này vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt , vẫn đồ sộ vẫn hoành tráng như thách thức cả nền tư pháp đang bị nhiều tai tiếng là rất bất công bằng và coi thường các cơ quan hành chính nên vẫn ung dung – hiên ngang – ngạo nghễ tồn tại và . . . lợi hại hơn xưa !

Điểm dừng chân Panorama , vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và như muốn thách thức với luật pháp , đã trở lại và . . . lợi hại hơn xưa nhiều !

Được đi du lịch khắp nơi trên quê hương đất nước Việt Nam xinh đẹp nhưng lại bị chứng kiến lộ liễu và thô bạo những cảnh chính người Việt chúng ta bắt tay cấu kết với tụi quan tham nhũng để phá hoại đất nước tan tành như vậy thì trong lòng phải nói là buồn nhiều hơn vui . Trong chiến tranh thì giặc thực dân – giặc xâm lược – giặc bá quyền đánh phá chúng ta , phải hy sinh hàng triệu sinh mạng để giành được độc lập , rồi sau khi có độc lập và chính quyền thì lại có tụi “nhóm lợi ích” tự do tàn phá nát đất nước !

Gần đến Mèo Vạc có một ngả 3 quẹo rất gắt về bên trái , gần như đi ngược lại để vào con đường huyện 193A , đi ngoằn ngoèo 7km theo triền núi xuống thung lũng sông Nho Quế , đến bến thuyền để được lênh đênh ở hẻm vực Tu Sản . Đường 193A băng qua cầu trên sông Nho Quế , tiếp tục quanh co leo lên núi thêm 17km để đến chợ Xín Cái . Từ đây đến cửa khẩu Săm Pun qua Trung Cộng chỉ còn 1km .

cố tình chọn lộ trình cho hôm nay chỉ đi 22km từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pì Lèng qua Mèo Vạc nên chúng ta còn dư nhiều thời giờ và sức lực để phiêu lưu đến Vách Đá Trắng và cả đoạn đường từ quốc lộ 4C xuống sông Nho Quế rồi lại leo núi để tham quan chợ Xín Cái và đến cửa khẩu Săm Pun .

4km trước khi vào thị trấn Mèo Vạc , ngay dưới chân đèo Mã Pì Lèng , chúng ta thấy bên trái có một “Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ” mới mọc lên giữa đồng bằng . Trên khuôn viên gần 5 héc ta có 26 hộ người H’Mong .

Làng du lịch văn hóa H’ Mong ở Pả Vi Hạ – Mèo Vạc .

Nơi đây có nhiều khách sạn nhà nghỉ được xây dựng trên đất rộng vài trăm mét vuông cho mỗi nhà , theo kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mong , kiểu tường đất dày vài chục cm , làm bằng phương pháp trình tường , ba gian hai chái , cột kèo bằng gỗ với mái lợp ngói âm dương hai tầng , hàng rào xếp bằng đá như chúng ta thường thấy ở vùng cao .

Ở làng văn hóa này có đầy đủ dịch vụ cho du khách , có khu phục vụ ăn uống , phục vụ xông xoa với ngâm tắm trong nước ấm với lá thuốc của người Dao . Có khu nhà triển lãm các sản phẩm được sản xuất chế tác ngay tại chỗ . Tất cả nhân viên phục vụ hoặc bán hàng đều mặc những bộ trang phục H’Mong đẹp nhất .

Để hấp dẫn du khách , thứ 7 hàng tuần đội văn nghệ của Làng văn hóa biểu diễn những tiết mục đờn – ca – hát – xướng – vũ – nhạc dân tộc tại nhà cộng đồng thôn . Dịp các ngày nghỉ lễ , dịp chợ phiên có bày bán đủ các sản vật địa phương như : Bánh ngô , mèn mén , thắng cố , thịt cá nướng , trải nghiệm nấu rượu tại làng , tổ chức gian hàng trưng bày thổ cẩm v. . . v. . . Trong những công viên của làng có sắp đặt sẵn những công cụ sân chơi cho những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng này .

Mèo Vạc hiện nay có nhiều cơ sở lưu trú , từ chỗ ngủ đơn giản trên nhà sàn đến phòng giá cả triệu đồng đều có . Mình vẫn “ngựa quen đường cũ” , lấy phòng gần chợ như những lần trước .

Còn nhớ lần cuối năm 2015 , đi từ Cao Bằng lên đến cửa khẩu Sóc Giang gần khu du tích lịch sử Pắc Bó , theo đường sát biên giới Việt Nam – Trung Cộng , hướng Vị Quang – Cần Yên – đèo Nà Tềnh , rồi qua Xuân Trường – vượt đèo Khâu Cốc Chà 15 tầng – Khánh Xuân để đến Bảo Lạc . Vì đi vòng nên cung đường xa hơn đi theo quốc lộ 34 Cao Bằng – Bảo Lạc rất nhiều . Đến Bảo Lạc trời còn vương nắng chiều nhưng đến cầu Lý Bôn – sông Gâm thì trời đã hoàng hôn mà còn phải lượn lờ đường quanh co trên núi 50km nữa mới về đến Mèo Vạc trể hơn dự định , thị trấn đã lên đèn từ lâu .

Ghé khách sạn quen thì thấy đã có nhiều xe máy trước cửa và anh chủ khách sạn cho biết hôm nay thứ 7 và mấy năm nay rộ lên phong trào đi ngắm và chụp hình “Người đẹp trên cánh đồng hoa Tam Giác Mạch” nên dịp cuối tuần du khách đông , có cả những người đi từ Hà Nội ngược gần 500km lên đây chơi , thị trấn nhỏ này không đủ phòng cho khách .

Thế là anh chủ khách sạn phải đem mình qua gửi ở một nhà nghỉ gần đó , cũng đã hết phòng nhưng phòng tiếp tân còn đủ rộng và sau rất nhiều năm , mình lại có dịp ngủ trên ghế bố , một kỷ niệm vui với Mèo Vạc . Chuyện hoa Tam Giác Mạch cũng bớt rầm rộ – nóng bỏng – sôi nổi như mấy năm trước , và nơi đây cũng đã có thêm rất nhiều khách sạn – nhà nghỉ – Homestay nên tình hình thuê chỗ trọ vào dịp cuối tuần không còn khó như xưa .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây