Bài số 8. Yên Minh – Lũng Cú – Đồng Văn

-

Du ký miền Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa với GPX 150cc trên Cao Nguyên Đá Đồng Văn , đến Yên Minh – Lũng Cú – Đồng Văn .

Đoạn đường từ Yên Minh đến Cột Cờ Lũng Cú chỉ còn khoảng chừng 60km và thời tiết khô ráo nên hứa hẹn một hành trình thoải mái , thú vị . Đường đi lúc nào cũng quanh co uốn lượn , một bên là vực sâu một bên là vách đá . Mình chẳng để ý nên qua khỏi dốc Thẩm Mã lúc nào mà cũng chẳng biết . Dốc Thẩm Mã dài 5km với 9 khúc cua cùi chỏ tay , kiểu như chữ Z rất gắt , từ trên cao nhìn xuống rất đẹp rất ăn ảnh nên được du khách cho vào hình nhiều lắm . Vậy mà mình chẳng “thấy” gì cả , đúng là . . . có mắt như mù !

Dốc Thẩm Mã , nhìn từ trên cao .

Vào địa phận Phó Cáo , ta sẽ thấy một đoạn đường vài trăm thước hơi nhộn nhịp người và xe , là lúc đến Làng Văn hóa Du lịch Lũng Cẩm . Không gian nơi đây như cảnh ở phim trường , nhất là từ khi có một ngôi nhà được dùng làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao” . Phim hay , nhà đẹp , cánh đồng hoa Tam Giác Mạch rực rỡ ngay bên cạnh , khung cảnh nên thơ và địa điểm ngay bên quốc lộ 4C vô cùng thuận tiện nên bản này được nhiều du khách ghé tham quan . Vậy là hình thành một địa điểm du lịch .

Kế đến là Phó Bảng , quốc lộ 4C chạy chỉ cách biên giới Việt Nam – Trung Cộng chừng vài cây số . Nơi đây có ngả 3 lớn , quẹo phải vào tiếp quốc lộ 4C đi vài cây số chúng ta đến dinh thự Vua Mèo và đi tiếp sẽ đến Đồng Văn . Quẹo trái chúng ta đi thêm 25km nữa để đến khu vực Cột Cờ Lũng Cú , cực bắc của nước Ta .

Vua Mèo Vương Chính Đức , 1865 – 1947 , thủ lĩnh người Mèo vùng cực bắc nước ta . Sau nhiều năm chiến tranh đẫm máu , dai dẳng giằng co chống thực dân , cuối cùng đại diện Pháp là tướng Jenera Pecneucin phải ký hòa ước với ông năm 1913 , dùng chính sách “Chia để trị – người Mèo trị người Mèo” , giao cho ông nhiều quyền ưu tiên và Vương Chính Đức được chính thức cai quản châu Đồng Văn rộng lớn thời đó với khoảng 70.000 dân cư người Mèo , bây giờ là 4 huyện miền núi xa xôi hiểm trở , gồm Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc .

Vua Mèo Vương Chính Đức .

Ngày nay chúng ta không gọi là người Mèo nữa mà gọi là người H’Mong . Trước đây người H’Mong trồng cây Anh Túc và chế biến từ mủ của cây này thành thuốc phiện đen , bán được giá rất cao , bán xuyên biên giới qua đến thị trường ở bên Tàu , thu được số lợi tức khổng lồ . Và cũng vì mối lợi lớn như vậy nên toàn khu vực Đồng Văn to rộng trước kia thường mất an ninh , luôn xảy ra nạn thổ phỉ cát cứ khắp nơi , cướp bóc tranh giành của cải cũng như là để thu thuế , làm tiền . Tình trạng này kéo dài tới đầu những năm 1960 .

Dinh thự Vua Mèo tại thung lũng Xà Phìn xã Lũng Phìn , cách thành phố Hà Giang 125km về phía bắc đông bắc và cách thị trấn Đồng Văn 15km về phía tây , nằm gần quốc lộ 4C . Dinh này gắn liền với cuộc đời Vương Chính Đức và người con nối nghiệp của ông là Vương Chí Thành , 1886 – 1962 , đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc H’Mong nên còn được gọi với danh xưng đầy quyền lực là Vua Mèo .

Dinh được xây trên diện tích gần 3.000m2 , nằm giữa thung lũng nhưng trên một ngọn đồi có hình dáng cái mai con rùa , tượng trưng cho bền vững – lâu dài – vĩnh cửu . Vua Mèo cho người qua Tàu mời thầy địa lý về để tìm cho được mảnh đất vừa ý , hợp tuổi hợp phong thủy .

Kiến trúc của công trình này rất độc đáo , đã được cả trăm năm tuổi , kết hợp giữa Tây – Tàu và H’Mong , do những người thợ giỏi từ Vân Nam bên Tàu cùng với nhiều thợ tay nghề cao tại địa phương xây dựng lên . Dinh thự được dùng để ở , để làm việc , để buôn bán , chế biến mủ cây Anh Túc thành thuốc phiện đen , có kho thuốc phiện , có kho vũ khí và cũng là để phòng thủ khi bị thổ phỉ tấn công cướp phá .

Vật liệu xây dựng là tường bằng đá xanh , mái vách bằng gỗ thông , ngói từ đất nung . Lối vào nhà là những phiến đá hoa cương có chạm khắc hoa văn tinh xảo , mái nhà cong uốn lượn , mái cổng bằng gỗ lợp ngói âm dương . Các chân cột nhà được đục đẽo thành những quả cầu bằng đá , mô phỏng theo hình quả cây thuốc phiện , và các hình dơi – hổ – rồng – phượng , những biểu tượng của phúc lộc – phú quý – hưng thịnh .

Tường bảo vệ bên ngoài được xây cao và dày , có nhiều lỗ châu mai và chòi canh để phòng thủ hữu hiệu như một pháo đài , bảo đảm an toàn cho cả khu dinh thự . Vòng thành phía trong dày 60cm – 70cm và được xây kiên cố hơn vòng thành ngoài . Phía sau dinh thự có một bể chứa nước lớn , thể tích 300 mét khối , xây toàn bằng đá để hứng nước mưa , đủ dùng cho dân ở Xà Phìn .

Giữa nhà có treo bức hoành phi bằng chữ Hán do vua Khải Định phong tặng vua Mèo năm 1928 . Trên bức hoành phi có khắc ghi “Biên chính khả phong” với ý nghĩa khen vua Mèo Vương Chính Đức đã làm tốt công việc giữ gìn kỷ cương , thi hành tốt chế độ hành chính nghiêm chỉnh tại biên cương .

Đến đời người con là ông Vương Chí Thành , đi theo Cách Mạng , trở thành đại biểu Quốc Hội khóa 1 và 2 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa . Cũng giống cha mình , ông Vương Chí Thành đã từng cai quản cả khu vực rộng lớn với tên gọi mới là Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn , được chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ : “Tận trung báo quốc , bất thụ nô lệ” và một thanh kiếm .

Toàn bộ công trình dinh này phải cần gần 10 năm mới xây xong và tốn 150.000 đồng bạc hoa xòe Đông Dương thời đó , tương đương khoảng 150 tỷ đồng tiền Việt Nam ngày nay .

Trước dinh có những hàng cây sa mộc cả trăm năm tuổi cao vút và ngôi mộ của ông Vương Chí Thành với đôi câu đối do chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cùng với thanh kiếm , được khắc lên bia mộ : Tận trung báo quốc – Bất thụ nô lệ .

Chợ phiên Sà Phìn nằm ngay trước cổng dinh thự Vua Mèo . Chợ họp theo lịch của “chợ lùi” , 6 ngày họp 1 lần , tuần sau lùi 1 ngày so với tuần trước , bắt đầu từ rất sớm và khoảng quá buổi trưa là tan chợ . Khách có dịp thưởng thức món bánh làm từ hạt Tam Giác Mạch , hơi hơi giống bánh bò dưới miền xuôi .

Từ dinh Vua Mèo đến thị trấn Đồng Văn chỉ còn 15km trên quốc lộ 4C nhưng lần này chưa vội đến Đồng Văn mà chúng ta đi ngược về hướng Hà Giang vài cây số , đến ngả 3 chợ Xà Phìn và nhà nghỉ Hoa Đá có công viên với cây Khèn thật to . Nơi đây có con đường quẹo lên cao , được gọi là Đường Cột Cờ Quốc Gia , dẫn chúng ta đi giữa Cao Nguyên Đá Đồng Văn , hai bên đường là những ngọn núi cao vời vợi và toàn là bãi đá tai mèo nhọn lởm chởm trải dài đến vô tận , sau 25km đến Cột Cờ Lũng Cú .

Đích đến của hôm nay là bản Lô Lô Chải , cách Cột Cờ Lũng Cú khoảng 1,5km về hướng tây tây bắc .

Bản Lô Lô Chải này xuất hiện trên bản đồ du lịch của Hà Giang từ vài năm nay , gồm hơn 100 hộ gia đình người dân tộc Lô Lô và 10 hộ gia đình người H’Mong . Bản có vài chục Homestay là những ngôi nhà đã xưa cũ cả trăm năm , xây dựng theo kiểu trình tường đất , kín 3 mặt rất dày , giữ cho nhiệt độ trong nhà mùa đông ấm và mùa hè mát . Cổng và tường rào bằng đá xếp thủ công , mái ngói âm dương nhuộm đậm màu thời gian .

Ông du khách người Nhật Yasushi Ogura , tuổi đinh dậu năm 1957 , đi du lịch qua Việt Nam , đầu những năm 2000 đến Hà Giang , thích và gắn bó với mảnh đất nơi đây . Ông quyết định nghỉ hưu sớm , thường xuyên lên Lũng Cú chơi , đậu lại ở bản Lô Lô Chải này , giúp 2 vợ chồng anh Dìu Dĩ Chiến và chị Lù Thị Vấn mở một tiệm cafe từ năm 2016 , đặt tên là Cực Bắc để phục vụ khách du lịch .

Chị Vấn bày tỏ lòng biết ơn : “Trước đây gia đình tôi trồng ngô trồng lúa , vất vả lắm . Nhờ bác Ogura đầu tư toàn bộ chi phí để mở quán , dạy cách kinh doanh , cách phục vụ khách , giữ gìn vệ sinh . . . tôi chỉ việc bán và thu tiền , bác ấy không lấy đồng nào” . Từ là quán cafe , bây giờ đã có thêm dịch vụ Homestay nhận khách lưu trú , trở thành địa chỉ được nhiều khách tìm đến .

Từ lúc hình thành một “Bản văn hóa – du lịch” , đời sống bà con trong bản đã được cải thiện rất nhiều . Đáng mừng là bà con giữ gìn được nhiều phong tục tập quán , lễ hội có từ xưa như : Lễ cúng tổ tiên , lễ cúng thần rừng , lễ mừng lúa mới , lễ mừng nhà mới , các điệu nhạc , điệu múa dân gian của dân tộc Lô Lô . Ngoài 37 gia đình có dịch vụ Homestay , một số hộ trong bản kinh doanh cửa hàng ăn uống hoặc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương .

Du lịch cộng đồng , chắc có nghĩa là đi chung một nhóm rồi tối ngủ chung trong một phòng lớn trên nhà sàn nhưng mỗi người có một nệm riêng , nếu muốn có cả màn để ngăn thành những không gian riêng tư .

Giá thuê chỗ trọ 100.000 đồng – 150.000 đồng cho một chỗ ngủ trên nhà sàn phòng to chứa được mười mấy nệm , có màn vải ngăn giữa mấy tấm nệm cho có chút riêng tư kín đáo . Vài phòng tắm và WC dùng chung ở tầng trệt . Nếu muốn , khách có thể thuê những phòng hoặc nhà sàn nho nhỏ đứng riêng biệt , giá 300 ngàn đến gần cả triệu đồng .

Đến bản Lô Lô Chải vẫn còn sớm , mình ở tại Homestay ngoài rìa của bản , được thấy Cột Cờ Lũng Cú hiện ra sừng sững trước mắt , chỉ cách vài cánh đồng và mấy khu dân cư . Giữa sân có vài cái bàn , và cả khu bếp lửa trại , chắc vừa làm bếp nướng vừa làm lửa trại cho có không khí núi rừng . Bên sườn đồi , giữa những cây đào cây mận cây lê nhìn ra hướng Cột Cờ Quốc Gia , có nhóm thợ đang xây dựng mấy cái nhà sàn nho nhỏ biệt lập . Khách đi nhóm nhiều người có thể đặt bà chủ nấu những món ăn của người dân tộc vùng này , lạ và ngon , có cả bia Tam Giác Mạch . Du khách “mồ côi” đi lẻ tẻ thường ăn uống ở mấy hàng quán ngay trong bản .

Tới bản Lô Lô Chải trời còn nắng , có được chỗ trọ ngay ven rìa bản , nhìn về hướng nam thấy Cột Cờ Lũng Cú đứng sừng sững trong ánh nắng chiều .

Không khí trong lành mát mẻ trên vùng cao đưa khách vào giấc ngủ dễ dàng . Buổi sáng mình dạo bộ loanh quanh trong bản , qua những căn nhà trình tường màu vàng đất sét , được sửa chữa nâng cấp để làm Homestay , những cửa hàng ăn uống được thiết kế trang trí xinh xắn , những gian hàng bán mấy sản phẩm được làm từ đồng bào tại địa phương . Đây đó xen lẫn giữa những ngôi nhà là những vườn cây ăn trái , những ruộng ngô , những cánh đồng cải hoa vàng như trong một bức tranh vùng cao .

Từ bản Lô Lô Chải đi về hướng bắc có con đường bê tông rộng 3m , dẫn chúng ta đi trên núi cao chênh vênh , nhìn xuống dưới vực sâu xa xa bên dưới là con sông Nho Quế , biên giới thiên nhiên của Ta và Trung Cộng , chảy quanh co ngoằn ngoèo giữa những ngọn núi cao chót vót .

Đi khoảng chừng 4km , chúng ta đến một công viên gọi là Điểm Đầu Cực Bắc , tọa độ 23o 22′ 59″ vĩ độ bắc và 105o 19′ 21″ kinh độ đông . Có bãi đậu xe , có gian hàng bán đồ kỷ niệm . Chừng hơn trăm bậc thang dẫn ta lên ngọn đồi nho nhỏ , đến lầu Vọng Cảnh . Từ lầu này phải đi bộ về hướng bắc theo con đường mòn , qua nhiều ruộng nương , luồn rừng dọc bờ sông Nho Quế khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa mới đến được điểm thực sự là Cực Bắc của nước ta , mỏm đá nhô ra trên bờ sông Nho Quế . Điểm phân định biên giới Việt Nam – Trung Cộng là đường trung tuyến giữa giòng sông .

Từ đây nhìn về phương Nam 2.500km theo đường chim bay là Mũi Cà Mau , địa đầu của tổ quốc ở phía Nam , còn nếu đi 6km sẽ đến Cột Cờ Lũng Cú , một điểm tham quan không được phép bỏ qua .

Cột Cờ Lũng Cú , chính thức được gọi là cột cờ quốc gia , nằm sừng sững trên đỉnh núi Lũng Cú , còn gọi là Long Sơn – núi Rồng , độ cao 1.468m . Địa điểm này coi như ở trong khu vực cực bắc của nước ta , chỉ cách điểm cực bắc về địa lý chừng 6km đi quanh co bằng đường bộ ven sông Nho Quế và chỉ 3,3km theo đường chim bay .

Từ thời Ông Lý Thường Kiệt , đã cho dựng cột cờ quốc gia nơi đây , đơn sơ và bằng cây sa mộc . Cột cờ hiện nay đã được xây lại hiên ngang – to lớn – đẹp đẽ – uy nghi , khánh thành năm 2010 , cao 33m , mặt chân đế hình 8 cạnh rộng lớn có thể chứa được hàng trăm người tham quan cùng một lúc . Cán cờ dài 13m , diện tích cờ 9m x 6m = 54 mét vuông , tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng nhau chung sống hòa bình an vui trên đất nước Việt Nam của chúng ta .

Đường lên cột cờ có 839 bậc cầu thang đá rộng rãi , có nhiều chỗ phình ra to để khách nghỉ chân . Hôm nay may mắn gặp thời tiết đẹp lại có gió nên tha hồ được nhìn cờ tổ quốc bay phất phới trên nền trời trong xanh .

Không biết các bạn nghĩ như thế nào khi phải mua vé , để được ngắm nhìn tổ quốc nơi biên thùy ? Đáng lẽ ra phải là ngược lại . Đồng bào ta khắp 4 phương trời , từ cả hàng ngàn cây số xa xôi đến đây , nơi địa đầu tổ quốc , cùng nhau đặt chân đến nơi này , cùng nhau khẳng định chủ quyền của đất nước chúng ta thì ban quản lý phải cho người thuyết minh , tặng thêm tài liệu lịch sử để khai dân trí , bồi dưỡng thêm lòng yêu nước cho dân Ta chứ tại sao lại đè đầu dân để thu tiền , hết cách kiếm tiền hay sao ?

Nếu để ý , các bạn sẽ thấy ở Campuchia và Thái Lan cũng như Lào , ở những nước bạn này khi người dân nước đó vào tham quan cung điện hoàng gia , viện bảo tàng quốc gia , Angkor Wat v. . . v. . . đều được trân trọng mời vào và hoàn toàn không có chuyện mua vé , trong lúc người ngoại quốc phải mua vé .

Người Việt Nam chúng ta , nếu đụng đến tổ quốc chúng ta có thể hiến dâng cả ruộng vườn – đất đai – nhà cửa – tài sản , sẵn sàng hy sinh đến mạng sống như đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử chứ chắc chắn không tiếc số tiền mua vé nhưng điều này xúc phạm đến lòng tự hào dân tộc . Phải chăng đây là ban quản lý công trình tại địa phương đã tự ý tự biên tự diễn chuyện “mãi lộ” này và các cấp trên nhắm mắt làm ngơ ? Kiếm tiền kiểu này coi bộ không được “đàng hoàng sạch sẽ” và không hợp lòng dân .

Tương truyền sau khi đại thắng giặc Thanh phương bắc , hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một trống rất lớn tại núi này và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước . Trống của vua – Long Cổ , đọc chệch theo tiếng H’Mong là Lũng Cú .

Trên đường xe đi lên “trạm soát vé” , các bạn chú ý sẽ thấy ngay khúc đầu đường phía bên tay phải , bị cây cỏ che khuất , có đài tưởng niệm các chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống nơi đây khi chống trả tụi bá quyền Trung Cộng xâm lược hồi 17 tháng 2 năm 1979 . Đừng quên thắp nén hương nhang , tưởng niệm đến các anh , đã hy sinh để bảo vệ quê hương tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ .

Lên Lũng Cú ngày nay mọi người sẽ thấy cách Cột Cờ Quốc Gia chừng 1,5km về hướng đông bắc có một ngọn núi cao đang bị cào cấu băm nát bét từ năm 2016 để xây một khu du lịch “sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú” trên diện tích gần 6ha , sau khi đã dời hơn 100 ngôi mộ để “giải phóng mặt bằng” .

Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư vào công trình này và đã bị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi công văn đến UBND tỉnh Hà Giang đề nghị xử lý những điểm chưa tuân thủ quy hoạch của chính phủ . Nhưng tất cả đều như “nước đổ lá môn” , “Vũ Như Cẩn – vẫn như cũ” , cảnh cáo thì cứ cảnh cáo xây thì cứ tiếp tục xây , tự do dân chủ được hiểu như vậy !

Nhìn nhiều hạng mục đã xây dựng dở dang mấy năm nay trên núi này , vẫn còn đang ngổn ngang cát – gạch – đá – sắt thép – xi măng mà trong lòng mình còn ngổn ngang gấp bội phần , đành ngậm ngùi tạm biệt Lũng Cú , lên đường đi thị trấn Đồng Văn .

Đường từ Lũng Cú đi thị trấn Đồng Văn toàn len lỏi quanh co – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu trên núi cao , phong cảnh đẹp hùng vĩ , xa xa chung quanh vô số núi cao , không khí trong lành ít xe cộ nên hành trình tương đối an toàn và thoải mái . Mấy năm nay phong trào trồng Tam Giác Mạch rộ lên , đi vào thời điểm cuối năm dương lịch thì du khách tha hồ được ngắm và ghi hình màu phơn phớt hồng của loài hoa này , thỉnh thoảng lại gặp trên những cánh đồng bên đường đi .

Mình cố ý đến thị trấn Đồng Văn không vào cuối tuần để có được không khí êm đềm mát mẻ của vùng cao , không bị chen lấn với những du khách khác , không bị khó khăn tìm chỗ trọ .

Thị trấn được mở rộng về các hướng . Một khu trung tâm phố xá du lịch phía trên và chợ cũng ngay đó nhưng nằm ở dưới thung lũng . Đầy đủ nhiều cơ sở lưu trú , từ bình dân tới đắc tiền nhiều sao , trải dài cả cây số theo quốc lộ 4C . Trên con đường mang tên Phố Cổ chạy sát dưới chân núi có nhiều ngôi nhà cũ cả trăm năm , được sửa chữa – tu bổ – xây dựng – thiết kế theo kiểu kiến trúc của bà con vùng cao nơi đây thành những khách sạn nhà nghỉ xinh đẹp , đầy đủ tiện nghi .

Sau một hồi lượn xe máy lòng vòng loanh quanh thị trấn , mình tìm được phòng trọ sạch sẽ – rộng rãi – giá rẻ , nhìn ra đường Trần Phú , con đường mới mở mấy năm gần đây , đi sau lưng chợ về phía nam , coi như đường tránh – City belt , để bớt ùn ứ xe cộ ở đoạn quốc lộ 4C băng ngang thị trấn .

Lúc ra khỏi khách sạn , ngoài trời đã lạnh , hoàng hôn xuống rất nhanh trên vùng cao , thị trấn vừa lên đèn .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây