Du ký “Vạn lý độc hành” – Đơn thân độc mã , một người một ngựa sắt lang thang rong ruổi ngang dọc khắp miền Thượng Du Bắc Việt dịp mùa đông.

Bài số 7 . Từ thành phố Hà Giang , vượt Cổng Trời Quản Bạ – Núi Đôi – qua Yên Minh – dinh Vua Mèo , đến Cột Cờ Lũng Cú , đi trên quốc lộ 4C – Con Đường Hạnh Phúc .

Phố Trần Khát Chân ở thành phố Hà Giang , đây là tên ghi đúng của tướng Trần Khát Chân cuối triều đại Trần . Ở Sài Gòn cũng có con đường ở khu Tân Định quận 1 mang tên ông tướng này nhưng lại ghi nhầm thành Trần Khắc Chân . Mỗi lần đi ngang qua , thấy tên ông tướng này bị ghi nhầm , không khỏi buồn lòng !

Lần đầu đến Hà Giang năm 2007 , lưu trú tại khách sạn Yên Biên , tương đối lớn do nhà nước quản lý . Ngôi nhà to và cũ kỹ , có nhiều phòng trên khuôn viên rộng và tọa lạc ngay tại địa điểm tốt nhất thành phố , cạnh bưu điện chính và bên giòng sông Lô . Ngày đó giường – ghế – tủ – bàn và dịch vụ còn yếu lắm . Mình nhớ là đi đường bị mưa ướt hết bộ đồ mà khách sạn không có nhận giặt sấy nên phải treo phơi quần áo ngổn ngang khắp cả phòng trọ .

Lần này khách sạn Yên Biên không còn là ngôi nhà cũ kỹ năm xưa mà đã được thay vào đó một tòa nhà to lớn , một khách sạn nhiều sao với tên Yên Biên Luxury , nhưng thấy chẳng hấp dẫn chút nào . Kiến trúc chẳng đẹp đẽ gì , chỉ là một cục bê tông khổng lồ , lát kính bên ngoài , to thù lù và chẳng mang chút ấn tượng hình tượng gì của vùng cao này .

Đi ngang quảng trường Bác Hồ – tên chính thức là quảng trường 26 tháng 3 , đi thẳng tiếp là quốc lộ 4C , dẫn chúng ta đi về phương bắc . Tạm biệt thành phố Hà Giang .

Con đường chính từ Hà Giang dẫn lên những huyện miền cực bắc là quốc lộ 4C . Đường được trải nhựa vẫn còn tốt , chỉ một làn đi một làn về , không rộng nhưng nhờ mật độ xe cộ lưu thông trên đường không cao nên chạy xe không vất vả lắm .

Tuy đi trên những huyện thuộc vùng cao , mật độ dân cư rất thưa thớt nhưng ở Việt Nam thường có người Việt – Kinh sống bám sống nhờ vào những dịch vụ phục vụ khách bên đường dài nên đây đó vẫn có dân cư ở ngay hai bên quốc lộ 4C .

Nhưng xây nhà cửa và sinh sống ngay bên cạnh quốc lộ và đường lớn như thường gặp khắp nơi trên các nẻo đường ở Việt Nam làm cản trở giao thông rất nặng nề và cũng rất nguy hiểm cho cư dân sống ven đường . Đi du lịch ở mấy nước bạn hàng xóm như Thái Lan – Malaysia – Lào chúng ta hầu như không thấy cảnh nhà cửa dân cư “sinh sống nhộn nhịp” ngay bên đường , xe cộ lưu thông dễ dàng an toàn hơn và nhanh hơn bên xứ ta rất nhiều .

Cách Hà Giang về phía bắc khoảng hơn 30km chúng ta bắt đầu lên đèo Bắc Sum , cao độ 450m và ngoằn ngoèo khoảng 7km , hai bên đường toàn núi cao và vực sâu , cảnh quan rất đẹp . Có cả điểm dừng chân để ăn uống , nghỉ ngơi và chụp hình !

Km 45 – Cổng Trời Quản Bạ .

Gọi là Cổng Trời vì vị trí này nằm ở độ cao 1.000m , con đường chạy qua khe núi , hai bên đường là hai ngọn núi . Cả trăm năm trước , thực dân Pháp đã làm một cổng lớn nơi đây bằng gỗ nghiến lấy tại địa phương , dày cả gang tay . Đóng cổng lại là các huyện cực bắc gồm Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc coi như hoàn toàn tách biệt hẵng với thế giới bên ngoài vì không có đường cho xe cơ giới , chỉ đi được bằng đôi chân và ngựa thồ .

Hoa vàng ở Cổng Trời Quản Bạ .

Dân ta thoát khỏi ách thực dân , Cổng Trời cũng được tháo gỡ để quốc lộ 4C thông lên mảnh đất ở vùng cao phương bắc , đem hàng hóa lên xây dựng cơ sở vật chất , đem quân đội lên giữ gìn biên cương bờ cõi , đem thêm con người lên sinh sống , ổn định muôn đời , để dằn mặt tụi giặc xâm lăng từ phương bắc .

Vừa qua khỏi Cổng Trời Quản Bạ , thị trấn Tam Sơn hiện ra trước mắt du khách . Danh lam thắng cảnh đầu tiên , xa xa một chút dưới chân đèo là Núi Đôi . Việt Nam chúng ta có ít nhất 2 địa danh mang tên Núi Đôi .

Một Núi Đôi ở huyện Sóc Sơn – Hà Nội với câu chuyện tình cảm động của anh bộ đội và chị du kích xã , xảy ra vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp , đã được nhà thơ Vũ Cao viết vào trái tim của những người yêu văn học lịch sử qua bài thơ Núi Đôi .

. . .
Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn , anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà , thăm Núi Đôi .
Mới tới đầu ao , tin sét đánh
Giặt giết em rồi , dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội , vây đồng Thửa
Em sống trung thành , chết thủy chung .
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ cỏ con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em !
. . .

Núi Đôi Quản Bạ mọc lên giữa vùng đồng bằng , cũng có yếu tố chính mang hình ảnh người con gái nhưng là đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ đương thì , được thiên nhiên ban tặng .

Núi Đôi Quản Bạ , nhìn giống như đôi gò bồng đảo của cô thiếu nữ đương thì được thiên nhiên ban tặng .

Km 48 – Thị trấn Tam Sơn .

Từ thị trấn Tam Sơn có đường đến làng văn hóa du lịch bản Nặm Đăm , gần Núi Đôi – Quản Bạ , chỉ cách Tam Sơn chưa tới 5km về hướng đông nam , địa điểm dừng chân mới nổi mấy năm nay .

Tổ chức Caritas cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên – Pan Nature , đã giúp đỡ bản Nặm Đăm phát triển các sản phẩm du lịch như : Tổ chức xây dựng các tuyến Trekking , thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa và ẩm thực bản địa , tham quan những nơi sản xuất hàng hóa và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây . Kết hợp du lịch với các hoạt động thiện nguyện như giáo dục vệ sinh cá nhân , vệ sinh môi trường v. . . v. . .

Bản Nặm Đăm có đủ những yếu tố tốt để làm du lịch : Đất rộng người thưa , không xa trục đường lớn , chỉ chừng 60 hộ người Dao và gần 300 cư dân , có những ngôi nhà xây kiểu trình tường , có ruộng bậc thang , có cánh đồng trồng bắp , có hồ nước và có cả thác nước ở cuối bản . Thêm một điểm rất hay nữa là có người dân bản làng hiếu khách thân thiện , một nửa số cư dân trong bản làm những việc có liên quan dính dáng đến du lịch .

Nhà trình tường bên cạnh hồ nước và hoa đào .

Những ngôi nhà trình tường dùng để phục vụ nghỉ ngơi ở bản Nặm Đăm vẫn giữ được bản chất gốc tích của người dân tộc Dao sinh sống nơi đây , nhưng được tư vấn thêm ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư nên thiết kế và xây dựng rộng rãi – thông thoáng – sáng sủa , đầy đủ tiện nghi . Khách có nhiều sự lựa chọn cho chỗ nghỉ của mình : Thuê nguyên căn nhà , một phòng riêng hoặc vào phòng lớn , chứa được nhiều người , mỗi người một giường hoặc nệm .

Người dân bản Nặm Đăm có nghề truyền thống là chưng cất tinh dầu , nấu cao thảo dược từ củ Dòm , Atisô , Kim Ngân , Đương Quy đỏ , cao Hà Thủ Ô , trà gừng , dầu xoa bóp ư . . . Khách được trải nghiệm cách dân bản chế biến dược liệu . Đi Trekking cả ngày xương cốt rã rời , về bản được ngồi trong thùng tô nô gỗ thư giãn tắm ngâm thuốc của người Dao , được xoa bóp để phục hồi sức khỏe , tái tạo năng lượng .

Gặp trời đẹp có thể đi dạo quanh bản , tham quan nhà bảo tàng bản Nặm Đăm , vui đùa với trẻ em , chuyện trò với người lớn , ngắm hồ nước , ruộng bậc thang , vườn bắp . Cuối bản có Thác Nai nằm giữa núi rừng xanh tươi , gặp ngày trời nóng tha hồ tắm suối .

Bảo tàng văn hóa bản Nặm Đăm .

Cũng từ thị trấn Tam Sơn , chỉ đi thêm 3km theo đường nhỏ trong thị trấn , về hướng đông 3km , từ đó đi bộ thêm 1km , ngang qua mấy cánh đồng , băng ngang chút xíu rừng , leo núi một tí là chúng ta đến động Lùng Khúy . Địa điểm tham quan mới được du khách biết đến mấy năm gần đây .

Động dài cả ngàn thước và khá rộng , có chỗ rộng đến 200m , vòm hang cao . Cửa hang nhỏ và kín . Động có nhiều nhánh rẽ , tạo nên cả hệ thống hang động phong phú kỳ bí . Nhiều thạch nhũ , cột đá màu vàng sẫm , đủ muôn hình vạn trạng . Đa số các khối nhũ đá lấp lánh màu vàng kim , số còn lại có màu trắng trông rất lạ , màu sắc tương phản rất đẹp rất lung linh . Đặc biệt , mật độ những khối thạch nhũ rất cao . Trong động còn có nhiều hố nước , vũng nước lớn .

Động Lùng Khúy , tuy mới đối với du khách nhưng đã được người H’ Mông nơi đây khám phá từ lâu , được bà con làm nơi trú mưa và dùng làm nguồn nước sạch . Động gắn chặt với đời sống tâm linh của bà con dân tộc H’ Mông quanh vùng nên được bảo vệ giữ gìn rất nghiêm .

Km 54 – Ngả 3 Cốc Mạ quốc lộ 4C – Lùng Tám .

Rời thị trấn Tam Sơn vài cây số trên quốc lộ 4C , chúng ta đi ngang qua bản Cốc Mạ , nổi tiếng với đoạn đường có 7 khúc cua vừa dốc vừa có hình cùi chỏ rất đẹp và rất gay gắt , các bạn nhớ lái xe thật cẩn thận . Đến khúc cua cuối của đoạn này , bên phải có đường xuống thung lũng , đi thêm quanh co – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu 4 km nữa , qua cầu sông Miện , chúng ta đến bản Lùng Tám .

Bản Lùng Tám , mình thích gọi bản hơn là thôn hoặc làng vì thôn – làng – xóm nghe như là nơi cư ngụ của người Việt – Kinh . Sinh sống tại Lùng Tám đa số là người dân tộc H’ Mông , khoảng trên một trăm hộ . Lùng Tám nằm trong một thung lũng thơ mộng , bốn phía đều có núi cao bao bọc , con sông Miện xinh đẹp chảy xuyên qua bản , tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình , không thể đẹp hơn .

Đến thăm Lùng Tám , chúng ta có dịp được tìm hiểu nghề truyền thống độc đáo nơi đây là trồng và dệt lanh . Mọi người , trẻ già đều hiểu rõ các công đoạn và thực hành thuần thục cách dệt lanh . Nghề dệt lanh không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người H’ Mông .

Nguyên liệu để dệt lấy từ vỏ của cây lanh . Cây này được trồng rất nhiều , từ đồng bằng lên đến những triền đồi cao . Đến mùa thu hoạch , cây được chặt , ngâm nước rồi tuốt lấy từng sợi nhỏ . Sợi lanh được cuộn vào khung quay cho mềm , sau đó đem đi luộc hoặc hấp .

Tiếp đến , sợi lanh được nhuộm màu . Nguyên liệu dùng cho công đoạn nhuộm màu được chọn lựa kỹ , hoàn toàn từ rừng núi thiên nhiên không có một tí hóa chất nào . Có màu lấy từ lá cây như chè , ổi hay củ nâu , có màu lấy từ vỏ cây hoặc thân cây gỗ .

Đòi hỏi tay nghề cao là công đoạn dệt thành tấm vải . Dệt xong , tấm vải được giặt nhiều lần , rồi lại đem vải đi nhuộm , mất rất nhiều thời giờ . Có được tấm vải phải tốn nhiều công sức .

Người H’ Mông dùng sáp ong , vẽ lên vải lanh những khối hình vuông – hình thoi – tam giác , sắp xếp theo một thứ tự rất độc đáo , đòi hỏi sự sáng tạo – khéo tay – tỉ mỉ từ người thợ . Ngoài ra còn có những tấm vải được thêu tay hoặc đắp vải màu , tạo ra những hoa văn họa tiết lạ và đẹp .

Dệt vải lanh thể hiện sự khéo tay , chăm chỉ và được đánh giá như một tiêu chuẩn về tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ H’ Mông . Con gái trước khi lập gia đình phải biết dệt vải lanh . Cô dâu lúc về nhà chồng sẽ kính biếu mẹ chồng bộ áo váy vải lanh do chính tay mình dệt và khâu .

Lùng Tám có nhiều món hàng từ vải lanh thổ cẩm rất đa dạng như : Quần áo , túi xách , khăn choàng cổ , áo gối , bóp tiền v. . . v. . . Những sản phẩm xinh đẹp của Lùng Tám đã vươn hình hài lớn dậy , theo chân du khách đến nhiều nước trên thế giới , được du khách ngoại quốc rất ưa thích , không chỉ coi như những món quà lưu niệm mà còn coi đó là vật mang tính truyền thống của người H’ Mông .

Km 58 – Chợ Tráng Kìm .

Từ Ngả 3 Cốc Mạ – Lùng Tám , đi tiếp 4km nữa trên quốc lộ 4C , chúng ta đến chợ Tráng Kìm . Nếu đến đây vào sáng thứ 5 bạn sẽ có dịp trải nghiệm phiên chợ đầy màu sắc của vùng Cao nguyên đá Hà Giang . Nên lưu ý là chợ phiên này họp từ sớm đến gần trưa là hết .

Ngoài những sản phẩm chợ nào cũng có như rau – củ – quả sạch không hóa chất , mật ong rừng , hàng vải làm từ thổ cẩm và một góc chợ chuyên buôn bán trâu – bò – gia súc . Đặc sản ẩm thực tại địa phương là phở Tráng Kìm , món thưởng thức quen thuộc của những người đi chợ phiên , du khách đi ngang qua đây và nhất là cánh lái xe đường dài .

Sợi phở Tráng Kìm được làm thủ công ở mọi công đoạn . Bột được xay bằng tay , từ gạo trồng ở nương nhà , không dùng chất phụ gia , mềm vừa đúng độ . Những tảng lớn bánh phở được tráng bằng tay , sau đó phơi tòn ten lủng lẳng trên những cây tre nứa trên trần nhà cho khô . Khách đến mới lấy xuống , cắt mỏng thành sợi . Cũng chính vì vậy nên sợi phở Tráng Kìm có nét khác biệt so với những sợi phở nơi khác . Màu sắc , hương vị cùng độ dai của sợi phở làm cho món ăn này độc đáo , có vị ngon rất riêng .

Nước dùng trông rất hấp dẫn , thơm phức mùi gừng – quế – hồi – thảo quả và vài nguyên liệu vẫn còn được giữ kín chăng ? Ngoài xương ống của bò và heo được ninh kỹ cho đậm đà , có cả nước luộc gà , thì gia vị toàn là của người dân tại nơi đây mới có được .

Gà thả chạy rông trên núi nên thịt thơm ngon chắc nịch , giòn tan , được xếp vào bát , rắc thêm hành hoa cắt nhỏ xanh mướt , ăn kèm với tương ớt dầm , khách dùng một lần trong không khí se se lạnh của vùng cao sẽ nhớ hoài không quên . Bon Appetit !

Km 60 – Cầu Cán Tỷ .

Từ Tráng Kìm , đi tiếp trên quốc lộ 4C chỉ 2km chúng ta đến cầu Cán Tỷ . Nơi đây , qua cầu xong sẽ có một ngả 3 khá quan trọng cho hành trình lên Cao Nguyên Đá Đồng Văn . Quẹo chếch hướng trái là quốc lộ 4C , con đường chính qui , vẫn còn đi ven sông Miện một đoạn , thêm 40km nữa để đến Yên Minh . Quẹo về hướng phải , đi lên con đường trên cao , cũng là đường đến Yên Minh , ngắn hơn 18km nhưng đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu trên núi cao chót vót với nhiều đoạn dốc cao – vực sâu – nguy hiểm , thường gặp sương mù dày đặc .

Đã có dịp đi trên quốc lộ 4C , chặng Hà Giang – Yên Minh , nên lần này mình chọn đường có dốc Cán Tỷ trên núi cao , vừa được ngắn hơn 18km và vừa được đi trên con đường lạ .

Vào con đường lên dốc Cán Tỷ , đi chưa được 2 km , đã có điểm dừng chân : Cây Cô Đơn . Trên đất nước Việt Nam hiện nay có rất nhiều “địa điểm chụp hình” được mang tên Cây Cô Đơn , do du khách đường xa đặt cho . Cứ ở nơi nào đó , có cái cây cổ thụ đứng một mình giữa trời bao la , khung cảnh chung quanh đẹp , là dân du lịch xe máy sẽ dừng lại , tìm những góc đẹp nhất cho vào hình và trình lên làng Facebook . Thế là thêm một “Cây Cô Đơn” được chào đời !

Đi thêm vài cây số nữa thì bị mưa lâm râm , ướt át . Trong lòng vui vì đi trên con đường mới con đường đẹp nhưng gặp sương mù nhiều quá , phải tập trung để lái xe cho an toàn . Lại gặp đường đang được mở cho rộng thêm nên bị đào bới tan nát khắp nơi , gặp cơn mưa làm bùn đất nhão nhoẹt rất khó đi và chỉ còn một làn xe cho cả 2 chiều nên xe cộ ùn lại nhiều quá , bị kẹt xe khá lâu .

Km 70 – Ngả 3 Quốc Lộ 4C tại Lao Và Chải .

Tới đây , chúng ta lại gặp quốc lộ 4C tại xã Lao Và Chải và chỉ còn cách Yên Minh 10km . Đường từ Cổng Trời Quản Bạ đến Yên Minh đi ngang qua nhiều khu rừng thông rất đẹp , du khách cứ ngỡ như là đang đi trên Cao nguyên Lâm viên – Đà Lạt , chỉ khác là trên vùng Cao Nguyên Đá Đồng Văn này có nhiều khúc cua cùi chõ rất gắt , nhiều vực sâu thăm thẳm và nhà cửa rất thưa thớt cũng như ít xe cộ lưu thông .

Km 80 – Thị trấn Yên Minh .

Mấy năm gần đây , sau khi vùng núi đá tai mèo ở Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu và nhất là sau khi phim “Chuyện của Pao” được trình chiếu , số du khách đến Hà Giang tăng lên thấy rõ .

Mấy hang động trong vùng được dọn dẹp sạch sẽ , được thiết kế xây dựng lối đi an toàn , thêm hệ thống đèn chiếu sáng màu mè rực rỡ để đón khách . Một số đường tỉnh , đường huyện dẫn đến các xã vùng xa , nối đến các huyện bên cạnh cũng được sửa chữa – tu bổ – nâng cấp , tạo thành mạng lưới giao thông tương đối đầy đủ .

Thị trấn Yên Minh là huyện lỵ của huyện biên giới cùng tên . Con đường chính , con đường phố xá trải dài đến mấy cây số xuyên thị trấn cũng là quốc lộ 4C . Năm 2007 mình đi ngang qua đây lần đầu tiên thì được thấy một thị trấn nhỏ xíu yên lặng như là đang ngủ trưa . Tìm một chặp mới thấy được một tiệm phở bên đường , gần công viên .

Những lần sau này đã thấy thị trấn không còn nhỏ nữa , đã thấy có thêm đường xá cắt ngang , thêm nhiều nhà to , nhiều cửa hàng dịch vụ , nhiều tiệm ăn , nhiều khách sạn – nhà nghỉ – Hostel . Thật ra khắp nơi ở tỉnh lẻ hoặc thôn quê Việt Nam của chúng ta đều “phát triển” theo kiểu “tiền hậu bất nhất” . Tất cả đều “phát triển” theo mặt tiền của con đường lớn , phía sau những ngôi nhà đều còn trống cả , nhiều nơi chỉ là vườn rau , vườn cây , chuồng nuôi gia súc hoặc bãi đất bỏ không , được rào lại để chờ . . . lên giá !

Tại Yên Minh , ở khúc cuối phía đông thị trấn thuộc tổ dân cư 6 , hướng đi Đồng Văn , để ý bên tay phải sẽ thấy bảng chỉ đường lên Nghĩa trang Liệt Sĩ Thanh Niên Xung Phong Yên Minh .

Nghĩa trang nằm khuất trong một đoạn dốc bên tay phải , lên hẻm cao trên lưng chừng ngọn đồi nhỏ , rất gần quốc lộ 4C , từ đường lớn đi vào chừng 200m là tới . Nơi đây an nghỉ 14 Liệt Sĩ Thanh Niên Xung Phong đã hy sinh trong thời gian xây dựng Con Đường Hạnh Phúc , từ thành phố Hà Giang xuyên qua Cao Nguyên Đá Đồng Văn đến Mèo Vạc trước đây đã 60 năm , 1959 – 1965 .

Nghĩa trang Liệt Sĩ Thanh Niên Xung Phong Yên Minh là công trình đền ơn đáp nghĩa , thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc của người dân đối với những Thanh Niên Xung Phong đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên vùng đất biên giới xa xôi với muôn vàn gian khổ lẫn hiểm nguy .

Gần nghĩa trang Liệt Sĩ Thanh Niên Xung Phong có Ngả 3 Quốc Lộ 4C và Tỉnh Lộ 182 . Từ đây du khách có 2 lựa chọn để đến Mèo Vạc :

– Tiếp tục đi trên quốc lộ 4C , quẹo trái theo hướng bắc , qua Phó Bảng – Dinh Vua Mèo – Đồng Văn – Mèo Vạc . Đi đường này , khách được ghé nhiều danh lam thắng cảnh như : Bối cảnh có căn nhà ở xã Sủng Là đã được cho vào phim “Chuyện của Pao” , thị trấn Phó Bảng sát ngay biên giới với Trung Cộng , dinh Vua Mèo Vương Chí Sình ở Sà Phìn , Cột Cờ Lũng Cú , bản người Lô Lô ở cực bắc Việt Nam .

– Quẹo phải , theo hướng đông nam đi Mậu Duệ – Lũng Phìn , rồi cũng đến Mèo Vạc . Đi đường này vắng hơn rất nhiều , thiên nhiên còn bao la bát ngát , núi ngọn này ngọn kia trùng trùng điệp điệp , ngắn hơn đường kia 17km , nhưng đường nào cũng rất đẹp .

Nhiều người có đủ thời giờ và sức lực nên làm được cuộc hành trình vòng tròn khép kín cả Cao Nguyên Đá Đồng Văn : Lượt đi , từ thành phố Hà Giang theo quốc lộ 4C đến Mèo Vạc nhưng lượt về thì đi theo đường Mèo Vạc – Lũng Phìn – Mậu Duệ – Du Già – Minh Ngọc rồi về lại thành phố Hà Giang hoặc từ Minh Ngọc theo quốc lộ 34 đi Bảo Lâm – Bảo Lạc rồi về Cao Bằng .

Bài này , tính viết cho tới lúc đến chỗ nghỉ ở bản Lô Lô phía bắc Cột Cờ Lũng Cú nhưng đến đây đã dài quá , không dám làm cho các bạn mỏi mắt nên xin được tạm dừng bút nơi đây , hẹn tiếp tục cùng nhau đi trên Con Đường Hạnh Phúc ở bài sau , coi như “Hạ hồi phân giải”.

 

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

0 Comments

Post your comment

Liên Lạc

Thư từ xin gởi về nguyenchihoainhon @gmail.com

Số lượt trang đọc

60,018

Tìm Kiếm