Bài số 6 . Những ngày ở thành phố Hà Giang

-

Du ký “Vạn lý độc hành” , đơn thân độc mã – một người một ngựa sắt , lang thang – rong ruổi – ngang dọc khắp miền thượng du Bắc Việt dịp đầu mùa đông .

Bài số 6 . Những ngày ở thành phố Hà Giang .

Thành phố Hà Giang với 55.000 cư dân , thủ phủ của tỉnh cùng tên , một trong những tỉnh nghèo nhất nước ta , nằm ở tận cùng phương bắc , cách Hà Nội 320km , bên cạnh quốc lộ 2 và giòng sông Lô . Tại tỉnh này người Việt – Kinh thuộc về dân tộc thiểu số với khoảng 15% , còn lại đa số là người H’ Mông , Tày , Dao , Nùng . Số ít hơn gồm Lô Lô , Pu Péo , La Chí . . .

Cafe Một Cột bên sông Lô – Hà Giang . Trong hình là núi Mỏ Neo bên tả ngạn sông Lô , mùa Thu mùa Đông thường có mây bao phủ .

Tỉnh Hà Giang có nhiều dãy núi hùng vĩ với những đỉnh cao như Tây Côn Lĩnh – 2.419m , Chiêu Lầu Thi – 2.402m , Kiều Liêu Ty 2.144m . Nhiều ngọn núi vô cùng hiểm trở thuộc dạng thâm sơn cùng cốc , hầu như chưa có vết chân người . Tỉnh còn có cả một Cao Nguyên Đá Tai Mèo lởm chởm với những vách đá dựng đứng , đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu , có nhiều khu rừng nguyên sinh , nhiều cây gỗ quý , và hàng ngàn loài cây thảo dược , nhiều động vật quý hiếm .

Ngày nay chúng ta có thể đến Hà Giang dễ dàng . Hàng ngày có rất nhiều xe đò đi tuyến Hà Nội – Hà Giang . Tối khuya , lên xe tại Hà Nội , nằm ngủ một giấc , tờ mờ sáng hôm sau đến Hà Giang . Du khách có thể dành vài ngày , thuê xe máy đi một vòng Cao Nguyên Đá Đồng Văn gồm : Cổng Trời Quản Bạ – Cột Cờ Lũng Cú – đèo Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Mậu Duệ – Du Già – Minh Ngọc , về lại thành phố Hà Giang bằng một hành trình vòng khép kín theo chiều kim đồng hồ .

Phố xá Hà Giang trải dài theo hướng bắc – nam , nằm hai bên bờ sông Lô và giữa hai hòn núi : Núi Cấm Sơn phía tây – hữu ngạn và núi Mỏ Neo bên phía đông – tả ngạn sông Lô .

Đường đi bộ bên tả ngạn sông Lô .

Phố Cũ với những con đường nho nhỏ ngăn ngắn yên tĩnh và đa số văn phòng của các cơ quan ban nghành , Ủy ban Nhân dân tỉnh , bưu điện v. . . v. . . đều tọa lạc bên phía tây sông Lô . Phố Mới nằm dưới chân núi Mỏ Neo , nhiều đường xá hơn , nhiều dân cư hơn , nhộn nhịp hơn rộng lớn hơn , với chợ , trường học , bệnh viện v. . . v. . .

Phố xá trung tâm nằm giữa hai cây cầu : Yên Biên 1 và Yên Biên 2 , cầu mang tên Yên Biên với mong muốn nơi biên ải này được yên bình . Từ nhiều năm nay thành phố Hà Giang đã có chương trình qui hoạch , sửa chữa xây dựng bờ kè vững chắc và lối đi dạo khá đẹp hai bên bờ sông .

Cầu Yên Biên 1 , gần nhà bảo tàng tỉnh Hà Giang .

Con đường bờ kè phía hữu ngạn , chạy song song với đường Nguyễn Trãi , có nhiều hàng quán , chủ yếu là nhà hàng nhậu nhẹt ăn uống . Phía bờ kè còn lại , chạy song song với đường Nguyễn Thái Học , nhỏ hẹp hơn nhưng nhiều quán cafe hơn và hoa lá nhiều hơn , nhiều màu sắc hơn .

Đang dạo bộ tà tà mình gặp một bác đang “đi bộ dưỡng sinh” buổi sáng , trao đổi với nhau vài câu , rồi được bác mời vào nhà ngay bên sông , uống trà chuyện trò . Bác Vũ bước vào tuổi 80 , thuộc đoàn Thanh niên Xung phong , trước đây hơn 60 năm đã tình nguyện lên miền ngược xa xôi cách trở này , cùng với hơn 1.300 nam nữ thanh niên từ 6 tỉnh Việt Bắc gồm Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang và 2 tỉnh đồng bằng sông Hồng là Nam Định – Hải Dương .

Nhà hàng nổi trên sông Lô . Trong hình là núi Cấm bên hữu ngạn sông Lô .

Như nhiều Thanh niên Xung phong thời đó , lên đây xây dựng Con Đường Hạnh Phúc dài 166km từ Hà Giang đến Mèo Vạc , bác Vũ đã bén duyên với vùng đất này , lập gia đình và ở luôn trên miền ngược này . Gia đình bác có thể được coi là thành đạt , hạnh phúc . Mấy đứa con đều ngoan hiền , học xong đại học dưới miền xuôi , về lại Hà Giang lập nghiệp , hiện nay đều có địa vị tốt trong xã hội và công việc trên cả mức hài lòng .

Theo cách của Việt Nam ta , tất cả nhà ven sông đều hững hờ với mặt sông và chỉ nhìn ra mặt đường phố . Những năm gần đây , có nhiều gia đình mạnh dạn đổi mới sự suy nghĩ , đã biết tận dụng lợi thế và vẻ đẹp của mặt sông nên đã trồng cây trồng hoa làm cho bộ mặt của con đường bờ kè có phần đẹp hơn , hấp dẫn hơn .

Trò chuyện sôi nổi quên cả giờ giấc , đã gần đến giờ trưa nên mình xin phép tạm biệt bác Vũ để tiếp tục cuộc dạo bộ ven theo tả ngạn sông Lô . Khoảng cách từ cầu Yên Biên 1 đến cầu Yên Biên 2 chỉ khoảng chừng 1.000m nhưng vừa đi dạo vừa ngắm nhà cửa hai bên bờ kè , ngắm trời – mây – nước , ngắm những vườn rau nho nhỏ xanh xanh bên cạnh giòng sông Lô thực sự thú vị .

Đi thêm vài trăm thước , gặp một doanh nghiệp đang lắp ráp ở tầng trệt nhìn ra mặt sông một khách sạn “Con nhộng” theo phong trào Hostel độc đáo lạ mắt hiện nay . Mỗi chỗ ngủ đều nho nhỏ xinh xinh như cái ô trong tổ ong , chắc diện tích khoảng chừng 1,8m x 2,5m và cao 1,2m vừa đủ cho một nệm rộng và một bàn viết dẹp lép sát vách ván . Vì làm bằng gỗ và lại hình hơi cong cong một chút nên nhìn từ xa giống như hầm chứa những bồn rượu vang .

Hostel “Con nhộng” có khu tắm rửa và WC dùng chung , có cả một góc với vài bộ bàn ghế để khách ăn uống , giao lưu với nhau , thêm một số chỗ ngồi ngoài sân , nhìn xuống sông Lô . Nếu giá cho một “Sleeping box – Hộp ngủ” như vậy dễ chịu thì chỗ này sẽ là một trong những địa chỉ lưu trú hấp dẫn tại thành phố Hà Giang cho khách du lịch ba lô . Đây là một tòa nhà nhiều tầng , những tầng trên đã cho thuê làm những dịch vụ khác , chỉ có tầng trệt nhìn ra mặt bờ sông được chủ nhân tận dụng làm thành Hostel “Con nhộng” .

Hostel “Con Nhộng” ở đường Nguyễn Thái Học , nhìn ra sông Lô bên tả ngạn . Trong hình là 4 Sleeping Box – Hộp ngủ , vừa đủ cho một nệm 2 người và cái bàn hẹp chừng một gang tay . Sau này sẽ may thêm màn kéo để có không gian riêng tư kín đáo .

Trong những lần đến Hà Giang trước đây mình thường đi bộ lang thang qua các đường phố ngõ ngách , thăm viện bảo tàng , ghé vô chợ cho biết bộ mặt của thành phố . Lần này mình muốn đến một địa điểm du lịch trên núi cao , trên đường đến cửa khẩu Thanh Thủy và nằm lưng chừng trên dãy Tây Côn Lĩnh , không cách xa thành phố Hà Giang bao nhiêu .

Từ bến xe khách ở phía nam thành phố có một con đường thẳng , rộng lớn thênh thang mỗi bên 2 làn xe , có giải phân cách trồng cây ở giữa . Đại lộ này có tên là Hữu Nghị , dẫn đến cửa khẩu Thanh Thủy , cách 22km về hướng tây bắc .

Ghé một Hostel bên đường , nơi có cho thuê xe máy , để hỏi đường đi lên núi cho chắc , khỏi lo bị lạc . Cậu em làm ở Ali Hostel rất dễ thương , chụp hình cho mình xong còn nhiệt tình chỉ dẫn kỹ càng cho mình nơi phải quẹo trái để lên núi . Đích đến gồm cụm 3 thôn bản : Nà Thác – Khuổi My – Lùng Vài .

Đi khoảng chừng hơn 2km trên đại lộ đến cửa khẩu Thanh Thủy , để ý bên trái ta sẽ thấy một cổng lớn và một bảng giới thiệu , hướng dẫn cho du khách đến Nà Thác – Khuổi My – Lùng Vài , thuộc xã Phương Độ và vẫn nằm trong địa phận thành phố Hà Giang .

Đường lên núi cao , dốc khá gắt và có nhiều khúc cua cùi chỏ như muôn vàn con đường khác ở Tây Bắc nước ta , xe máy đi tương đối dễ dàng . Quanh co khoảng 3km , bắt đầu thấy những ruộng bậc thang đầu tiên của bản Nà Thác . Đến Km 5 , có đường nhỏ quẹo phải để vào khu vực những đồi chè Shan tuyết .

Càng lên cao quang cảnh càng đẹp . Đi thêm vài cây số nữa chúng ta đến bản Khuổi My , nổi tiếng với những ruộng bậc thang tuyệt đẹp và những đồi chè Shan tuyết . Ruộng bậc thang khắp nơi , nhìn đâu cũng là ruộng bậc thang chập chùng nối tiếp nhau từ ngọn núi này qua ngọn núi khác . Đến bản Khuổi My là thấy đã có dấu hiệu của người dưới đồng bằng lên đây , đầu tư xây dựng khách sạn nhà nghỉ .

Đường lên bản Khuổi My . Bên trái đang xây dựng một khu du lịch “Sinh Thái” , chắc là của người Việt – Kinh dưới xuôi lên kinh doanh .

Qua khỏi Khuổi My , có cây cầu treo bắc qua vực sâu , ta bắt đầu vào bản Lùng Vài . Lại tiếp tục lên cao , lại phải qua một con suối lớn . Hiện đang có công trường xây dựng một cây cầu . Cây cầu tạm bợ bênh cạnh được làm từ mấy cây sắt và những thanh tre nứa , thấy có vẻ “đơn sơ” quá , nhưng chờ một lúc , có hai người chở nhau trên xe máy vẫn qua được vững vàng nên mới dám chạy cái xe nặng nề của mình qua .

Du khách muốn đi “du lịch săn ảnh” thường chọn dịp tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch , mùa lúa chín lúa vàng . Khi đó khắp nơi , chập chùng tràn ngập trên các triền đồi là những ruộng bậc thang nặng trĩu lúa vàng tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp , làm ngây ngất khách phương xa .

Tháng 5 tháng 6 dương lịch là thời gian ruộng bậc thang nhận nước để bắt đầu vào vụ mùa hè – thu , và ở miền núi mỗi năm chỉ thu hoạch được một mùa . Nước tràn vào những thửa ruộng bậc thang , tạo thành nhiều mảng ánh sáng lung linh – lóng lánh – huyền ảo , cũng là cảnh đẹp được cho vào ống nhắm của nhiều người .

Xe máy đi được 15km đường bê tông , đến bản Lùng Vài là hết đường . Đây là một bản người Dao , sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng lúa – bắp – cây ăn trái và nuôi gia súc như gà – vịt – trâu – bò . Người còn sức khỏe tốt thì lặn lội sâu trên rừng Tây Côn Lĩnh lấy mật ong , được những giò lan rừng đầy màu sắc sặc sỡ đẹp tuyệt vời hoặc săn lùng những củ Ngọc Cẩu rất được ưa chuộng dùng để ngâm rượu .

Từ bản Lùng Vài , cao độ khoảng hơn 800m , có đường đi bộ chừng một giờ đồng hồ trên núi cao , đến khu rừng có những cây chè Shan tuyết cổ thụ , tuổi thọ vài trăm năm tuổi và chu vi thân cây bằng cả một hoặc hai người ôm . Đây là sản phẩm hữu cơ sạch 100% , trưởng thành và sống hoàn toàn trong thiên nhiên tinh khiết , hầu như không có tác động từ con người hay hóa chất .

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ , tuổi đời nhiều trăm năm .

Cả 3 bản Nà Thác – Khuổi My – Lùng Vài đều có những khu rừng cây chè Shan tuyết cổ thụ , tổng cộng gần 200 ha với hơn 7.000 cây . Shan theo ngôn ngữ của người tại địa phương có nghĩa là núi . Búp và lá chè được nuôi dưỡng bằng thổ nhưỡng sinh khí của đất trời nơi đây nên rất to , có màu xanh đậm , lá chè được phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết , vì vậy mà chè có tên là Shan tuyết .

Trà Shan tuyết có : Trà trắng , trà xanh , trà hồng .

Với vị trí ở ngay trong địa phận thành phố Hà Giang , bản xa nhất chỉ cách trung tâm phố chưa tới 15km , trên độ cao hơn 800m với khí hậu mát mẻ , phong cảnh đẹp , nhiều ruộng bậc thang , những khu rừng cây chè Shan tuyết cổ thụ , đặc biệt nằm lưng chừng trên đường lên dãy Tây Côn Lĩnh huyền bí hùng vĩ nên cụm 3 bản Nà Thác – Khuổi My – Lùng Vài chắc chắn sẽ là địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến Hà Giang .

Căn nhà cuối cùng trên cao của bản Lùng Vài là Homestay của anh Lý Văn Hẹc , gọi là du lịch cộng đồng . Thấy có người đang nói cười , mình lên nhà sàn chào hỏi và được mấy người anh em mời tham gia lai rai “đưa cay” một tí , có cả đồ nhắm , chắc là gà nhà . Rượu ở đây được người chủ chưng cất ngay tại chỗ và độ cồn khoảng chừng 20% – 25% nên được uống nhiều và mấy anh em đã ngồi từ lâu . Có lý do chính đáng là phải lái xe máy xuống núi nên mấy người anh em “tha” , chỉ dám mời mình cụng vài ly nho nhỏ thôi !

Trên đường rời bản xuống núi , gặp một cô gái trẻ và rất xinh đẹp , thực sự là bông hoa rừng , đang đi về nhà . Em là người Dao ở bản Lùng Vài , đã nghỉ học . Hỏi sao không đi học thêm , được đào tạo để . . . làm cán bộ thì em thành thật trả lời là không muốn làm cán bộ và cũng không muốn rời bản đi xa , bằng lòng với cuộc sống nơi đây , lấy chồng rồi sinh con như tổ tiên ông bà đã bao nhiêu đời nay .

Cháu bé người Dao trên bản Lùng Vài .

Lúc còn trẻ , tụi mình còn là những Hướng Đạo Sinh 14 – 15 tuổi mà anh bạn Trần Hiền lúc đó đã biết triết lý : “Mỗi con người là một vũ trụ riêng biệt” . Người dân tộc thiểu số sống trên núi cao , thiếu thốn nhiều tiện nghi vật chất nhưng vẫn bình thản sống an nhàn thảnh thơi , sống vui sống khỏe , sống tương đối hạnh phúc , sống “biết đủ là đủ” . So sánh với cách sống tham – sân – si quá nặng nề của người Việt – Kinh thì ta thấy 2 lối sống khác nhau quá .

Xuống đến bản Khuổi My , có một anh Tây trẻ xin quá giang xuống núi . Không biết hoạch định chương trình đi chơi như thế nào mà lại lang thang đi bộ một mình như vậy ? Anh này là sinh viên người Pháp – Paris , du lịch ba lô qua Việt Nam và tối nay lên xe đi Sa Pa – Điện Biên Phủ để qua Thượng Lào . Đến bến xe Hà Giang anh chàng xin xuống và cảm ơn rối rít . Mình chúc anh chàng thượng lộ bình an .

Buổi tối cuối cùng ở Hà Giang , dạo bộ bên sông Lô , ghé vào một tiệm ăn nho nhỏ gần quảng trường có tượng đài Bác Hồ và các dân tộc thiểu số Hà Giang . Bánh cuốn lúc nào cũng dễ ăn . Ở đây vỏ bánh được làm bằng bột mì , tráng mỏng . Bên trong nhân thịt heo xay với mộc nhĩ , thành một thứ bánh dẻo thơm và đậm đà hương vị . Khác với miền xuôi , bánh cuốn Hà Giang được chấm với nước dùng ninh rất kỹ từ xương , ngon theo cách đậm đà . Khi ăn , rắc lên một chút hành lá , một vài lát ớt mỏng , dùng cùng với rau .

Bánh cuốn Hà Giang , dùng lúc nào trong ngày cũng ngon .

Nếu vẫn chưa đủ no , khách có thể dùng thêm tô phở gà Tráng Kìm . Phở được mang tên Tráng Kìm vì xuất xứ từ thôn Tráng Kìm xã Quyết Tiến trên đường từ Quản Bạ đến Yên Minh , nằm bên cạnh sông Lô và gần đến cầu Cán Tỷ , nơi có Ngả 3 để ta có thể chọn lựa đến Yên Minh theo quốc lộ 4C hoặc đi đường ngắn hơn 20km nhưng quanh co – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu trên núi cao .

Phở Tráng Kìm dùng thịt gà đồi , được người H’ Mông nuôi thả trên đồi núi . Điểm đặc biệt của phở Tráng Kìm là sợi phở mềm mượt , dai vừa đủ do được chế biến và sấy khô thủ công . Nước dùng được hầm với nhiều loại gia vị như gừng – hành – hồi – thảo quả tạo ra hương vị đậm đà thơm ngon , mang dấu ấn riêng của người dân Tráng Kìm .

Nếu có dịp đi ngang qua đây , du khách không nên bỏ qua dịp hiếm có để thưởng thức tô phở Tráng Kìm tươi rói chính gốc . Sợi phở được chế biến tại chỗ , thịt gà sạch , rau sạch không hóa chất , ngon thơm đặc biệt của Cao Nguyên Đá Hà Giang .

Phở Tráng Kìm ở thành phố Hà Giang .

Đêm nơi thành phố nhỏ , lại ở tuốt luốt nơi cực bắc xa xôi và vào mùa đông , thật yên tĩnh thật dễ chịu . Mây phủ đầy núi Mỏ Neo và núi Cấm Sơn , giòng sông Lô mùa khô chầm chậm lững lờ chảy về xuôi . Lữ khách về khách sạn , rà soát lại chương trình cho chuyến đi ngày mai trên Con đường Hạnh Phúc .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây