Bài số 5 . Từ Bắc Hà – Cao Nguyên Trắng , qua Cốc Pài – Xín Mần , ghé Hoàng Xu Phì – Thượng Sơn , lượn lờ gần Tây Côn Lĩnh , về Hà Giang

-

Du ký “Vạn lý độc hành” . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi ngang dọc miền núi cao Tây Bắc Việt Nam dịp đầu mùa Đông .

Bài số 5 . Từ Bắc Hà – Cao Nguyên Trắng , qua Cốc Pài – Xín Mần , ghé Hoàng Xu Phì – Thượng Sơn , lượn lờ gần Tây Côn Lĩnh , về Hà Giang .

Buổi sáng ở Bắc Hà , trời âm u nhưng không có mưa , mừng quá ! Nhưng rời thị trấn mới vài cây số đã thấy lắc rắc vài giọt nước mưa , rồi nhiều hơn và càng lúc càng nặng hạt , vậy là hồi nãy mừng hụt , nguy quá ! Đi đường đèo ở vùng núi cao mà gặp trời mưa thì thật sự không coi thường được . Ngừng xe và mặc nguyên bộ đồ che mưa , gồm áo mưa và quần mưa , bao tay cũng đeo luôn để chống cóng tay vì lạnh .

Km 9 – Ngã 3 Chợ Lũng Phình .

Đây là Ngả 3 lớn , đi thẳng hơi chếch bên trái , tiếp tục trên tỉnh lộ 153 , chúng ta sẽ đi về phương bắc , qua Cán Cấu – Simacai , cửa khẩu Pha Long , rồi Mường Khương và về đến Lào Cai sau 140km . Lộ trình của chúng ta hôm nay là quẹo phải , đi về hướng đông , hướng đến Cốc Pài – Xín Mần và Vinh Quang – Hoàng Xu Phì , qua tỉnh Hà Giang .

Nhưng mưa rất to , nước thoát không kịp nên chảy tràn lan trên mặt đường , nhiều chỗ ngập gần cả gang tay , tình thế coi bộ không ổn chút nào . Nếu trước đây 15 phút , ở thị trấn Bắc Hà có mưa như thế này thì mình đã hoãn giờ khởi hành để xem sao chứ bây giờ đã xuất hành rồi , trong lòng chỉ muốn đi tới chứ không muốn đi lùi .

Thường nếu gặp những tình huống như vậy chắc ai trong chúng ta sẽ có nhiều cách để xử lý :

– Dễ nhất , đơn giản nhất là quay xe ngược về thị trấn Bắc Hà vì mới khởi hành , chỉ cần đi 9km là về nơi an toàn êm ấm , khách sạn tốt cũng đã có sẵn . Nếu thời tiết không thuận lợi kéo dài , ta có thể tỵ nạn thêm 1 đêm nữa , gần dinh Vua Mèo , nghỉ ngơi cho khỏe tấm thân , dại dột gì mà hành xác . Cách này thì cũng được nhưng trong lòng mình thấy nó có vẻ sao . . . hèn quá !

– Cách thứ nhì : Tấp vào ven đường , tạm tránh mưa nơi rộng rãi có mái che như nhà lồng chợ , dưới nhà sàn hoặc ké mái hiên nhà kho nhà xưởng . Cách này cũng được nhưng chỉ là để đừng bị ướt thôi mà hiện tại mình và ba lô đã được bao bọc tương đối kỹ , đâu có bị ướt gì đâu . Mà đứng trú mưa thì chờ biết bao giờ mới qua cơn mưa vì ở vùng rừng núi dễ bị lâm vào tâm trạng của nhạc sĩ Huỳnh Anh trong nhạc phẩm Mưa rừng :

Mưa rừng ơi mưa rừng ,
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên ?

– Còn cách nữa là cứ đi tiếp trên đường , tốc độ vừa phải và đương nhiên tay lái phải hết sức cẩn thận , tập trung cao độ , hy vọng sẽ vượt qua vùng đang có mưa lớn và may ra sẽ đến khu vực hết mưa hoặc chỉ bị mưa nho nhỏ thôi . Và mình chọn phương án này : Lữ hành trong mưa – Le passager de la pluit .

Thôi thì ba lô đồ đạc đã được bao bọc kỹ và cột chặt nên không phải lo . Trên người đã có quần áo che mưa , xe đầy bình xăng , người vẫn còn khỏe . Đường tương đối tốt nên cứ đi với tốc độ vừa phải , tập trung lái xe thật cẩn thận và . . . cầu mong cho bớt mưa !

Trên chặng đường này , không chụp được tấm hình nào vì bị vướng mưa và máy ảnh phải dấu kỹ trong túi bên hông quần , bên ngoài là quần che mưa vì sợ máy ảnh bị thấm nước là coi như hư hỏng không dùng được . Điện thoại Smartphone cũng chịu số phận tương tự .

Đoạn này mình đã có dịp qua lại nhiều lần và đây cũng là con đường đau khổ vì đã từ lâu , cung đường Bắc Hà đến Cốc Pài rất xấu . Đường này dài 38km , nối 2 tỉnh miền Tây Bắc . 25km trên địa phận Lào Cai và 13km trên địa phận Hà Giang . Đoạn đường này thuộc về vùng sâu vùng xa của 2 tỉnh nên bị bỏ rơi bị thờ ơ lãnh đạm không được tỉnh nào ngó ngàng tới và phải chịu đựng tình trạng vô cùng xấu trong một thời gian rất dài .

Có một lần , trước đây khoảng 10 năm , mình đi từ Cốc Pài qua Bắc Hà và cỡ khoảng giữa đường có một cô bé người H’ Mông xin quá giang . Lần đó đường đang bị hư hao nặng nề bị lở loét tùm lum , nền đường chỉ còn là bùn đất đỏ nhão nhoẹt , đầy hầm hố , vũng nước và còn phải quanh co lên đèo xuống dốc nữa .

Hôm đó , sau cơn mưa trời khô ráo thời tiết đẹp nhưng xe Honda Wave Alpha 100cc mà lại chở ba lô hành lý và thêm người ngồi sau , đường thì trơn trợt nên rất khó đi , rất dễ bị té ngã . Nhiều nơi cô bé phải xuống xe đi bộ vài chục thước rồi mới lên xe đi tiếp .

Hai chú cháu phải vật lộn với con đường đau khổ này hơn cả tiếng đồng hồ mới tới được Bắc Hà . Cháu chắc được đi học đầy đủ nên nói tiếng Việt giỏi , làm việc ở trung tâm y tế Bắc Hà và xin phép được gửi chút ít tiền cho chú đi uống rượu Ngô . Mình vui vẻ cảm ơn và nói cháu cứ giữ lấy để chiều nay đi ăn thắng cố với bạn bè .

Xin quay lại với ngày hôm nay ! Nhờ đường tương đối tốt nên mình yên tâm tiếp tục cuộc hành trình trong mưa . Chắc nhờ có mưa nên ít xe cộ lưu thông , đi xe máy đỡ nhọc nhằn . Vừa đi trong mưa dầm dề mình vừa tính toán lại lộ trình hôm nay . Nếu còn mưa nhiều thì nên nghỉ ngơi ở Cốc Pài , bớt mưa một tí thì cố gắng đến và ở lại Hoàng Su Phì trước khi chiều xuống . Mong muốn của ngày hôm nay là đi trên con đường mới , Hoàng Xu Phì – Túng Sán – Thượng Sơn – Vị Xuyên , phải tạm treo .

Tận nhân lực , tất tri thiên mệnh – Cố gắng hết sức mình , rồi Trời cũng giúp . Đúng như vậy thật . Trên địa phận tỉnh Lào Cai mưa rất to nhưng đi hơn nửa đường , qua địa phận tỉnh Hà Giang mưa bớt nặng hạt rồi dần dần nhỏ và đến thị trấn Cốc Pài thì ngưng hẵng , thậm chí mây tan và có trời nắng nữa , thật là diệu kỳ ! Chắc là có yếu tố địa lý , dãy núi này dãy núi kia , ngăn mây cách gió kiểu như trong thơ của Phạm Tiến Duật :

Trường Sơn , đông nắng tây mưa .
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình .

Km 40 – Thị trấn Cốc Pài .

Từ trên cao nhìn xuống thị trấn Cốc Pài . Tới đây may mắn là trời đã hết mưa !

Cốc Pài là thủ phủ của huyện biên giới Xín Mần xa xôi cách trở , nằm giữa núi rừng hùng vĩ . Cách Lào Cai 110km về hướng đông , đường đi khó khăn và cách Hà Giang về hướng tây 140km , đường còn chông gai nguy hiểm vất vả hơn nhiều nhưng bù lại phong cảnh đẹp tuyệt vời vì phải vượt qua nhiều cổng trời , ngang qua vài chục thác nước , ven theo những ngọn núi rất cao rất hiểm trở , trong đó có ngọn Kiều Liêu Ty – 2.144m .

Cốc Pài – 0 km

Trung tâm Cốc Pài có cột mốc Cốc Pài – O km , ngay cua cùi chỏ vừa rất dốc và vừa rất gắt . Trước đây chỉ là cột mốc nho nhỏ bình thường thôi , bây giờ đường được mở rộng thêm , cột mốc được thiết kế xây dựng lại , có trồng thêm một ít cây xanh nên trông cũng được và cũng lôi cuốn du khách vào chụp hình kỷ niệm là đã đến miền biên cương xa xôi cách trở này .

Ghé vào quán cafe nhà sàn gần Cột Mốc để nghỉ ngơi giải khác và cởi áo quần che mưa vì nơi đây đã hết mưa , trời khô ráo . Quán nằm ở lưng chừng con dốc , dựng kiểu nhà sàn , chỗ ngồi rộng rãi sạch sẽ vệ sinh và đầy đủ các thức uống , giá cũng dễ chịu .

Bàn bên cạnh có 2 sĩ quan bộ đội biên phòng , chắc đang đi công tác , nên mình hỏi về tình hình con đường Hoàng Xu Phì – Túng Sán – Thượng Sơn – Vị Xuyên thì các anh cho biết là nếu đi bằng xe máy thì có thể đi được dễ dàng . Nghe được thông tin quí báu này thì thật là rất vui . Nếu thời tiết nắng ráo như hiện tại , khả năng hôm nay được đi thử trên đoạn đường này là rất cao .

Vùng này giáp biên giới với Trung Cộng nên ngôn ngữ của mấy dân tộc thiểu số nơi đây có lai tiếng Tàu . Xín Mần theo tiếng Hán là Cửa Mở . Chợ phiên ở đây họp vào chủ nhật . Từ sáng sớm đã thấy trên đường đến chợ tung bay váy áo đủ màu của thiếu nữa H’ Mông Hoa , lẫn với áo màu chàm của người Dao , váy màu đen của người Nùng , màu xanh của người La Chí , Cao Lan .

Cũng như ở những chợ vùng cao , sản vật được bày bán thường là đồ “cây nhà lá vườn” hoặc được bà con tìm thấy trong những khu rừng trên núi cao như ngọc cẩu , mật ong , những giò lan rừng đầy màu sắc rực rỡ . Đặc biệt ở chợ Cốc Pài có quầy hàng bán xôi ngũ sắc , màu sặc sỡ rất đẹp rất ngon , được nhuộm từ các loại lá cây rừng .

Có thời giờ , du khách có thể tham quan vài địa điểm du lịch ở xã Nấm Dẩn nằm bên tỉnh lộ 178 , chỉ cách Cốc Pài khoảng chừng 20km về hướng nam đông nam , đi thị trấn Quang Bình .

– Bãi Đá Cổ ven suối Nậm Khoòng , gồm 7 phiến đá lớn với 80 ký kiệu , được giới chuyên môn đánh giá là tuổi đời cả ngàn năm .

– Thác Tiên ở Đèo Gió , giữa khu rừng nguyên sinh Nấm Dẩn .

Ở đầu phía bắc của thị trấn Cốc Pài là cây cầu bê tông to – rộng – vững – chắc qua sông Chảy , thay thế cho cây cầu treo cũng khá lớn nhưng rất cũ kỹ hư hao nặng nề , cách đó 150m về phía thượng nguồn , đã được tháo gỡ nhiều năm nay .

Cầu Sông Chảy , đầu phía bắc thị trấn Cốc Pài .

Từ cây cầu này , chúng ta tiếp tục đi trên con đường quanh co – ngoằn ngoèo – khúc khuỷu trên những ngọn núi cao chót vót mây che sương phủ , vượt qua nhiều cổng trời , đi ngang qua muôn vàn suối thác tuôn trào và rất xứng đáng là một trong những cung đường , tuy khó đi và rất nguy hiểm nhưng đẹp vào bậc nhứt ở nước ta . Sau 99km toàn là đường đèo , tỉnh lộ 177 sẽ gặp quốc lộ 2 tại Ngả 4 Tân Quang – Bắc Quang – Hà Giang .

Vừa qua khỏi cầu Cốc Pài , ta gặp ngay thủy điện số 6 trên sông Chảy . Đây cũng là đề tài nóng bỏng về hủy hoại tài nguyên môi trường thiên nhiên hiện nay , trên phạm vi cả nước . Nhiều công ty tư nhân cấu kết với chính quyền tại địa phương cùng nhau băm nát núi rừng xinh đẹp , ngăn chặn những con sông đang chảy theo tự nhiên từ hàng triệu năm nay thành nhiều khúc , để xây nhiều thủy điện chỉ với công suất nho nhỏ , tạo nên biến đổi khí hậu , gây ra nhiều vụ sạt núi long trời lở đất , tai hại khôn lường .

Sông chảy đã bị ngăn chặn tại nhiều nơi để phục vụ nhiều thủy điện nho nhỏ , phá tan nát môi trường thiên nhiên và góp phần làm biến đổi khí hậu , sạt lở núi rừng kinh hoàng .

Trên đường đi , nếu để ý phía bên phải , bên vực sâu có sông Chảy lượn lờ bên dưới , ta sẽ thấy có một tấm bia đá bên đường nhưng mấy chục năm trôi qua đã bị khí hậu lạnh ẩm làm rêu bám đầy và đen thui nên rất khó để đọc được mấy hàng chữ khắc trên cột mốc bằng đá . Cố gắng lắm cũng chỉ đọc được một số chữ với nội dung là đoạn đường này được một đơn vị thanh niên xung phong phá núi bạt rừng để xây dựng vào những năm đầu thập niên 1970 .

Tiếc ghê , nếu còn có phong trào Hướng Đạo thì chính tụi mình sẽ cùng với chính quyền địa phương hoặc chỉ cần sự đồng ý của chính quyền địa phương thôi , tụi mình sẽ lấy từ quỹ riêng ra để tu bổ và giữ gìn đúng cách những di tích này để thế hệ mai sau biết được và thấm thía là những bậc cha chú , những thế hệ thanh niên ngày xưa đã từng sống có hoài bão đẹp có lý tưởng dấn thân , sẵn sàng đem sức trẻ để cống hiến cho cộng đồng cho tổ quốc như thế nào .

Giữa đường từ Cốc Pài đi Hoàng Su Phì có ngả 3 quẹo trái , đi hơn 20km sẽ đến cửa khẩu qua Trung Cộng . Đoạn này rất đẹp nhưng rất vắng , đi rồi phải quay về lại ngả 3 , nên đi và về gần 50km mà là đường đèo núi nên mất từ 3 đến 4 giờ đồng hồ .

Km 80 – Thị trấn Vinh Quang . Huyện lỵ của Hoàng Xu Phì .

Lên miền núi cao của người dân tộc thiểu số mà địa danh bị đặt theo tiếng Việt , mình không thích lắm , thà cứ theo ngôn ngữ địa phương mà gọi thì đúng hơn , đậm đà bản sắc dân tộc thiểu số hơn , tôn trọng nhau hơn và nhất là hay hơn . Mường Khương – Simacai – Lũng Phình

– Cốc Pài – Hoàng Xu Phì nghe sướng tai hơn và có vẻ . . . thượng du Bắc Việt hơn , hấp dẫn hơn , lôi cuốn hơn !

Đến Hoàng Xu Phì , cũng là lúc nghỉ ngơi và dùng bữa trưa . Ghé vào quán bên cây cầu Sông Chảy giữa thị trấn . Tiệm đang đông người nên phải chờ một chặp mới tới phiên mình . Ngồi cùng bàn còn có một cặp vợ chồng trẻ người H’ Mông . Anh chồng chuyện trò với mình rất vui , cô vợ chắc ít rành tiếng Việt nên chỉ chăm chú vào bữa ăn . Đồ ăn được dọn trên khay bằng sắt như trong trại lính , chỉ vài món đơn giản , đủ cho lữ khách “no cái bụng” .

Tiệm nhỏ , vào đúng giữa trưa nên đông người , chờ hơi lâu .

Đoạn đường sắp tới là con đường hoàn toàn mới và lạ đối với mình nên có thể có những chuyện không ngờ trước sẽ xảy ra nên cơm nước xong là tiếp tục cuộc hành trình .

Ngả 3 đi Thanh Thủy – Túng Sán – Thượng Sơn .

Rời Hoàng Xu Phì chừng 5km ta đến một ngả 3 lớn : Đi thẳng là đi tiếp trên tỉnh lộ 177 , thêm 55km nữa sẽ gặp quốc lộ 2 tại Tân Quang , ngang qua nhiều cổng trời , nhiều thôn bản với ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp rất đẹp , nhất là vào mùa lúa vàng khoảng tháng 9 dương lịch . Rẽ trái , ta vào con đường mới và “vẫn còn tốt” . Rất tiếc phải viết là “vẫn còn tốt” vì bên Ta tham ô tham nhũng nhiều quá và ăn dày quá – nói theo ngôn ngữ ở miền Bắc , nên đường xá rất mau bị hư hỏng nặng nề .

Ngả 3 để đi vào con đường mới Hoàng Xu Phì – Túng Sán – Thượng Sơn – Quốc Lộ 2 . Tương lai đường sẽ được mở tới cửa khẩu Thanh Thủy nhưng hiện nay mới chỉ được 25km là cùng đường !

Mình cứ thế theo đường tốt mà đi , đường vắng hầu như không có xe , quan cảnh hai bên là rừng núi đẹp tuyệt , sau 25km thì . . . đường cụt một cách bất ngờ , trước mặt chỉ là rừng và núi ! Thế là phải quay ngược lại 10km , đến ngả 3 Đản Ván – Túng Sán khi nãy .

Vì nơi đây có một ngả 3 lớn , mình tưởng bở nên quẹo trái vô đường nhựa tốt đẹp đến Đản Ván và đó là đường dẫn đến cửa khẩu Thanh Thủy nhưng là con đường của . . . tương lai và là tương lai vô định vì hiện nay đường này chấm dứt ngang xương sau 25km ! Còn đường đi thẳng thì nhỏ hẹp và lại xấu xí nữa nên mình đã không muốn chui vào , nhưng đó lại là con đường đúng của lộ trình hôm nay .

Vậy là coi như đi dạo một mình trên con đường nhựa không một bóng người giữa núi rừng 20km , xa xa là ngọn Tây Côn Lĩnh – 2.429m và ngọn Chiêu Lầu Thi – 2.402m , tốn cả tiếng đồng hồ quí báu của ngày hôm nay nhưng tự an ủi là dịp hiếm có để được “Tôi với Trời bơ vơ” như vậy !

Thế là đi vào đường đến Túng Sán , đường nhỏ hẹp và hư hỏng nhiều , hầm hố nhiều , đi xe máy nhưng vẫn rất vất vả . Từ Túng Sán đến Thượng Sơn thì 17km đã được lót bằng bê tông nên tương đối đi dễ hơn . Từ Thượng Sơn về Việt Lâm – quốc lộ 2 là đường núi đã có từ lâu , cũng bị hư nặng và cũng khó đi .

Đường từ Túng Sán đến Thượng Sơn mới được “bê tông hóa” , rộng khoảng 3,5m . Không biết cầm cự được bao lâu , khi nào thì sẽ nát bét ?

Đối với mình thì đi phiêu lưu trên con đường mới này cho biết chứ đường này ít hấp dẫn vì chỉ đi gần như tỉnh lộ 177 , cũng ra gặp quốc lộ 2 và cũng gần ở ngả 4 Tân Quang , đường cũng không ngắn bớt hơn bao nhiêu . Mong muốn của mình là đi con đường lên núi cao hiểm trở và đi về hướng ngược lên phương bắc , sát bên cạnh , len lỏi giữa Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi để đến cửa khẩu Thanh Thủy gần thành phố Hà Giang về hướng tây bắc . Thôi thì tự an ủi là đã được đi trên một cung đường mới .

Km 140 – Thị trấn Việt Lâm .

Đến Việt Lâm ngay bên quốc lộ 2 là coi như đã xuống núi về đến đồng bằng . Từ đây đi 10km về hướng Hà Giang chúng ta sẽ đến nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên .

Km 150 – Nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên .

Trước đây , nghĩa trang này có qui mô vừa phải , là nơi an nghỉ của hàng ngàn Liệt Sĩ hy sinh ở mặt trận phía Bắc , chống lại tụi giặc xâm lược Trung Cộng trong những năm 1979 – 1989 . Hài cốt các Liệt Sĩ được đem từ khắp nơi , từ những ngọn đồi biên giới đã có giao tranh ác liệt giữa Ta và Trung Cộng , về an táng tại đây .

Liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được tập trung về nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên , nằm bên cạnh nhau .

Hiện nay nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên đã được mở rộng gấp nhiều lần , nằm thoai thoải trên triền đồi , nhìn xuống quốc lộ 2 và sông Lô , địa thế rất đẹp . Ngày ngày đều có những đoàn khách từ mọi miền đất nước và du khách ghé dâng hoa thắp hương tưởng nhớ những Liệt Sĩ đã hy sinh nơi miền biên thùy xa xôi khi tuổi đời còn rất trẻ , để bảo vệ biên cương tổ quốc .
Vì đi lạc vào con đường cụt , “đường tương lai” đến cửa khẩu Thanh Thủy nên mình bị trể hơn một tiếng đồng hồ . Lúc rời Vị Xuyên để về Hà Giang thì mặc dù trời chưa tối nhưng đã là chiều tà .

Km 180 – Thành phố Hà Giang .

Về chỉ còn cách Hà Giang vài cây số thì bị kẹt xe vì một đoạn đường đang bị đào bới , đất đá hầm hố ngổn ngang nên chỉ còn đi được một làn xe và phải đi một chiều . Không biết công an giao thông điều tiết cho xe cộ chạy như thế nào mà hàng ngàn xe lớn xe nhỏ phải chờ gần cả tiếng đồng hồ , lúc trời đã tối thui mới đi được .

Tưởng về thành phố Hà Giang trước khi trời tối nhưng bị kẹt xe cả tiếng đồng hồ vì sửa đường và vì điều tiết giao thông tệ quá !

Về đến khách sạn ở đường Hai Bà Trưng thì có trục trặc vì cơ sở tương đối rộng rãi , có vườn cây , có chỗ đậu xe thoải mái nhưng phòng không như mô tả trên mạng Internet . Phòng trên lầu , phải dùng WC nhà tắm chung dưới tầng trệt và địa điểm cũng không được tiện lắm nên mình được phép từ chối và đi tìm nhà nghỉ khác . Một lát sau là đã có được phòng trọ ngay trung tâm , đường Nguyễn Trãi , gần quảng trường Bác Hồ , bên cạnh sông Lô , ngay cột mốc Hà Giang – 0 Km .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây