Du ký miền Thượng Du , đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc miền Bắc Việt Nam .
Bài số 10 . Từ Mèo Vạc đi bè tre vượt sông Nho Quế đến Bảo Lạc và đi tiếp , ngang qua mỏ thiếc Tĩnh Túc , đến Cao Bằng .
Thị trấn Mèo Vạc nho nhỏ , nằm lọt thỏm ở một thung lũng , bao vây chung quanh bởi những ngọn núi cao vút và đồ sộ , đúng là :
Phố núi cao , phố núi trời gần ,
Đi dăm phút trở về chốn cũ . . .
Chúng ta có thể cho xe máy nghỉ ngơi , dạo bộ loanh quanh qua những con đường tỏa ra từ chợ . Vì là chợ huyện của một vùng rộng lớn nên ngày nào chợ cũng đông đúc , buôn bán trao đổi hàng hóa nhộn nhịp – tấp nập – vui vẻ . Trên những con đường chung quanh chợ có nhiều cửa hàng ăn uống , dịch vụ .
Cạnh chợ là sân vận động to lớn , có cây gạo cổ thụ cao vút giữa trời xanh . Chiều nào cũng có những đội đá banh tranh tài , có cả một góc dành cho bộ môn khác như bóng chuyền , cầu lông v. . . v. . . Một cạnh sân vận động nhưng nằm ở bên kia đường , tập trung nhiều ngân hàng , trường học , các cơ quan – ban – ngành của huyện . Một góc ở sân vận động là cụm tượng đài với mấy tấm bia đá kỷ niệm Con Đường Hạnh Phúc , xây trong thời gian 1959 đến 1965 , kéo dài 166km từ thành phố Hà Giang về đến tận thị trấn Mèo Vạc .
Từ Sân Vận Động , bên cạnh quốc lộ 4C , tại những thước cuối cùng của Con Đường Hạnh Phúc , nhìn lên phía bên kia đường là tượng đài kỷ niệm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang tháng 3 năm 1961 , thời điểm Thanh Niên Xung Phong đang chịu nhiều gian khổ nhất để cùng nhau làm con đường xuyên qua vùng vô cùng hiểm trở của khu vực phía bắc nước ta .
Đang dạo bộ trên con đường đi về hướng Lũng Phìn – Mậu Duệ , chợt nghe câu chào : Cháu chào ông râu dài ! Nhìn thì thấy có cháu gái xinh xắn mặc áo đầm rất đẹp khoảng 5 – 6 tuổi cười rất tươi , rất dễ thương đang ngồi chơi một mình trước một cửa hàng điện thoại di động . Mình chào cháu và sau khi nói chuyện với cháu vài câu thì lo ngại quá vì trời đã về chiều mà cháu nói chờ Mẹ mà chả thấy Mẹ đâu .
Vào hỏi thăm trong cửa hàng thì cô quản lý nói là bác không phải lo vì nhà cháu ở ngay bên cạnh và cháu vẫn thường ngồi trước sân để chờ Mẹ sắp về nhà rồi . Ở thị trấn nhỏ ,mọi người đều biết nhau nên chắc không xảy ra các chuyện đáng tiếc đối với trẻ em . Biết được chuyện an toàn như vậy mình mới dám đi tiếp mà không bị áy náy ray rức vì “vô trách nhiệm” .
Ngay dưới cây gạo cổ thụ cạnh sân vận động và cạnh chợ là Chợ Đêm Mèo Vạc , cũng đèn đóm cho có chút màu sắc nhưng không có gì đặc biệt ngoài một số quầy bán hàng quà ăn vặt . Nơi đây cũng là nơi du khách được thưởng thức những món ngon của vùng cao như : Cháo ấu tẩu , thắng cố , mèn mén , bánh chưng gù , xôi ngũ sắc , bánh cuốn , bánh Tam Giác Mạch v. . . v. . .
Lên Cao Nguyên Đá Đồng Văn và được dịp ghé Mèo Vạc không thể không nhắc đến nhà văn lão thành Nguyên Ngọc với bút ký “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” . Cuối năm 1959 ông theo đoàn quân tiểu phỉ từ Cao Bằng qua Bảo Lạc rồi phải cỡi ngựa mấy ngày trời từ Bảo Lạc qua Mèo Vạc , khi đó không có đường xá gì mà chỉ có những lối mòn dành cho người và ngựa thồ hàng , đi vòng vèo trên núi cao , ôm hết ngọn núi này đến ngọn núi khác .
Chiến dịch tiểu phỉ thành công , bộ đội rút quân về Cao Bằng nhưng Nguyên Ngọc vẫn ở lại Mèo Vạc . Không biết đất đá núi rừng nơi biên ải xa xôi có gì hấp dẫn để giữ chân anh nhà văn trẻ , cán bộ tập kết của liên khu 5 , năm đó chưa đến 30 tuổi , hay con người và cuộc sống lam lũ nơi đây hay một bông hoa dại của vùng cùng trời cuối đất này là lý do để anh nhà văn trẻ không chịu về xuôi ?
Anh nhà văn đi công tác chung với Thào Mỷ , người con gái Mèo rất đẹp và còn rất trẻ nhưng cuộc đời đã trải qua nhiều đắng cay . Thào Mỷ bị ép lấy chồng từ thuở bé theo tục tảo hôn . Khi lớn Thào Mỷ bỏ về nhà mình – một việc mà chưa người đàn bà Mèo nào dám làm . Trong chiến dịch tiểu phỉ , Thào Mỷ đi dịch tiếng địa phương giúp bộ đội . Nguyên Ngọc viết về Thào Mỷ như sau :
“Chưa bao giờ tôi đứng trước một người con gái có sức thu hút mãnh liệt như vậy . Gọn gàng , nở nang , rắn rỏi mà mềm mại , đôi mắt hơi cười nhưng vẫn thấm đẫm một nỗi đau một nỗi buồn tê tái nào đó cứ buộc mình phải đoán phải tưởng tượng . Có một vẻ gì đó , ngay từ phút gặp đầu , vô cùng đắm đuối ở người con gái ấy , khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc , khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ , khi phấp phới như ngọn gió ào ạc trên đỉnh Săm Pun . . . “
Rồi nhà văn Nguyên Ngọc đi công tác cùng Thào Mỷ suốt một năm dài , cùng ăn mèn mén và uống rượu men lá , cũng nhiều lần phải nổ súng ác liệt , đêm ngủ trên các sàn bếp nhà người H’Mong chật cứng và um khói đen nghịt , ngày len lỏi lên các xóm H’Mong lơ lửng trong mây .
Họ đã cùng nhau đi hàng ngàn cây số đường núi đá tai mèo , qua các địa danh của Cao Nguyên Đá Đồng Văn như Pả Vi – Xà Lủng – Thào Trứ Lủng – Mã Pì Lèng – Cán Trứ Lủng – Chúng Pả – Sàng Pả – Lũng Phìn – Phó Cáo – Xà Phìn – Phó Bảng , lên tận biên giới Sam Pun – Lũng Cú , cũng có khi qua đến Cán Tỷ – Bát Đại Sơn – Thèng Phùng . . . Thào Mỷ càng đi càng đẹp thêm ra .
Nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự thêm : “Chúng tôi là bạn , là đồng chí , là anh em , là gì nữa . . . chính tôi và chị đều không biết . Rồi tôi trở về Hà Nội , mang theo một đống tài liệu cho cuốn tiểu thuyết vẫn chưa viết được và để lại trên ấy một phần đời lãng mạn và đẹp nhất của mình . Rồi tôi đi vào Nam , miền Nam gọi” .
Thào Mỷ ở lại , làm cán bộ xã rồi làm phó chủ tịch huyện , ngồi ghế hội thẩm nhân dân phiên tòa xử vụ phỉ Đồng Văn , rồi làm cán bộ tỉnh , có chân cả trong ban lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ Trung Ương . Các bạn ưu tư về văn phạm chắc sẽ để ý tại sao tên người đẹp này là Thào Mỷ dấu hỏi chứ không là Thào Mỹ dấu ngã , dễ nghe hơn ? Tên của bà là Thào Thị Mỷ .
Đêm êm ả yên lặng ở thị trấn cuối đường làm mình được tĩnh tâm , liên tưởng đến bút ký hấp dẫn của Nguyên Ngọc và ngưỡng mộ tinh thần trong sáng , chấp nhận mọi thách thức , quyết liệt đi theo lý tưởng của thế hệ trẻ thời đó . Các cụ thời đó sống gian khổ , thiếu thốn vật chất trăm bề , nhưng sao vốn sống ngồn ngộn quá hào hùng quá , đậm đà quá , đáng sống quá !
Không khí trong lành , khí hậu mát mẻ và hôm nay đôi chân được dùng để dạo bộ nhiều cây số trong thị trấn nên giấc ngủ đến rất dễ dàng .
Lần đầu tiên đi ngang qua đây và đi tiếp về Cao Bằng vào dịp mùa Xuân năm 2007 , mình đi bằng Honda Wave Alpha 100cc băng qua nhiều con suối và một lần vượt sông Nho Quế bằng bè tre . Con đường ngày xưa không còn nữa vì đã có nhiều đập thủy điện nho nhỏ xuất hiện trên giòng sông xinh đẹp này , làm diện mạo đã bị thay đổi và nhiều đoạn đường ngày xưa đã chìm dưới hồ thủy điện .
Từ Mèo Vạc về Bảo Lạc – Cao Bằng , chúng ta có ít nhất 2 sự lựa chọn :
1. Tiếp tục đi trên quốc lộ 4C , trên những triền núi cao chót vót , qua nhiều đèo nhiều sông suối và mấy cái thủy điện , sau 50km ta sẽ tới cầu Lý Bôn , từ đây thêm 25km về hướng đông ven sông Gâm sẽ đến thị trấn Bảo Lạc .
2. Không theo quốc lộ 4C mà vừa ra khỏi Mèo Vạc sẽ quẹo trái ở một Ngả 3 lớn có bảng chỉ đường đi Khâu Vai 20km theo đường tỉnh – ĐT 217. Hai con đường đi đến Bảo Lạc từ Mèo Vạc đều có độ dài ngang nhau , chỉ có độ khó khăn – phiêu lưu – mạo hiểm khác nhau .
Phương án 1 mình đã dùng nhiều lần nên dịp này muốn phiêu lưu trên con đường mới là đường về Bảo Lạc theo hướng Khâu Vai và vượt sông Nho Quế bằng bè tre nên theo phương án 2 . Đi theo đường nào thì cũng là đường vòng vèo trên núi cao rồi từ từ hạ dần độ cao .
Km 20 . Thị trấn Khâu Vai nằm bơ vơ giữa vùng núi đá hoang vắng . Nơi này được biết đến qua chợ tình Khâu Vai , còn có tên là chợ Phong Lưu , mỗi năm chỉ có một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch . Ngoài ra cả năm Khâu Vai vắng như chùa Bà Đanh !
Chợ Tình của người dân tộc thiểu số ở vùng cao là phong tục tập quán đã tồn tại từ rất lâu , thể hiện tinh thần rất nhân văn . Đây là nơi và dịp cho những cặp đôi vì những chuyện éo le trắc trở trong cuộc đời , không kết hôn với nhau được , có cơ hội tìm gặp nhau sau nhiều năm xa cách .
Điều đặc biệt là theo truyền thống , có nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ rồi vợ đi tìm bạn của vợ và chồng đi tìm bạn của chồng , không ghen tuông không bực bội và rất tôn trọng nhau . Rất tiếc chợ tình Khâu Vai bị làn sóng du lịch ụp đến , đã cuốn mất đi rất nhiều vẻ mộc mạc nguyên sơ , ý nghĩa nguyên thủy và tốt đẹp đầy tính nhân văn của nó .
Vì chủ quan , tưởng nơi đây hoang vắng chỉ có đường độc đạo nên mình không chuẩn bị trước lộ trình cho chính xác như mọi lần , nên rời bản Khâu Vai không lâu thì đã lạc vào khu vực một thủy điện nhỏ trên sông Nho Quế . Vậy là phải đi ngược đường , ghé vô một trường tiểu học để hỏi thăm đường đi nước bước .
Ông thầy trẻ người Dao ngừng dạy , các cháu nhỏ học sinh người dân tộc H’Mong im lặng ngơ ngác nhìn người khách lạ . Ông thầy vui vẻ và nhiệt tình dẫn mình tới một ngả 3 ngay trong sân trường và cho biết , lối đi nhỏ và hẹp trước mắt là đường dẫn xuống bến sông .
Ngõ vào trường rộng chỉ 2m nhưng được làm bằng bê tông , bây giờ thấy lối rẽ xuống sông Nho Quế chỉ chừng 2 gang tay mà là đường đất lại tuột dốc nên rất dễ bị trơn trượt , ớn quá ! Nhớ lại đoạn đường cũng hẹp như vậy lúc đi đến cột mốc cây số ở Ngả 3 sông Lũng Pô chảy vào sông Hồng và mới đây đoạn đường cũng hẹp như vậy ở Vách Đá Trắng trên đèo Mã Pì Lèng , nhưng dù sao cũng được hạ độ dốc từ từ và đường bằng bê tông , ít bị trơn trượt .
Quay trở lại , về lại Mèo Vạc để đi theo quốc lộ 4C thì sẽ dễ dàng và an toàn nhưng tốn thêm 26km đường núi vòng vèo và lại là đường cũ đã đi nhiều lần rồi nên mình nghiêng về chọn lựa chấp nhận phần nào phiêu lưu mạo hiểm đi đường đất hẹp này nhưng sẽ được bồng bềnh trên sông Nho Quế và được đi trên con đường mới .
Đi được vài trăm thước , qua được vài khúc cua thì thấy không còn là mạo hiểm mà là nguy hiểm vì đường đất thấm nhiều sương đêm ướt át nên có lớp bùn nhão tạo trơn trượt , cộng với nhiều khe nứt sâu và ổ gà trên mặt đường làm khả năng bị trượt xe gây té ngã là rất cao .
Nhưng ngựa sắt lần này không là Honda Wave Alpha 100cc màu tím hoa Sim nhẹ nhàng như những lần trước mà là GPX 150cc nặng hơn 140kg và khá cồng kềnh , hoàn toàn không thích hợp với địa hình đang gặp , và tài xế cũng không còn bao nhiêu sức lực nữa . Vậy là lại thêm một lần “Tiến thoái lưỡng nan” , đường rất hẹp , xe nặng quá và lại bị đang tuột dốc nên không quay xe được nữa , đành phải thu hết tí tàn lực ít ỏi vào đôi chân chống cho xe khỏi ngã té , tập trung để cố gắng lái xe xuống bến sông cho an toàn .
Khách qua sông toàn là người dân tộc thiểu số ở vùng này , thông thạo địa hình , quen cách lái xe và cũng là xe số , nhẹ thôi . Bè được kết từ vài chục cây luồng , một loại tre có đường kính cả gang tay có đốt rất dài , chở được vài xe máy lênh đênh trên giòng Nho Quế xanh màu ngọc bích . Bè được vận hành bằng sức người do bà Mẹ trẻ người H’Mong , địu con trên lưng , nắm vào sợi giây nối hai bờ để kéo bè qua sông .
Sông Nho Quế phát nguyên từ núi Nghiễm Sơn tỉnh Vân Nam – Trung Cộng , chảy vào nước ta ở bản Xẻo Lủng xã Lũng Cú . Sông lượn lờ 46km theo hướng tây bắc – đông nam , qua Đồng Văn rồi qua hẻm vực Tu Sản dưới chân đèo Mã Pì Lèng và Mèo Vạc , bị chặt đau đớn thành nhiều khúc để phục vụ cho mấy nhà máy thủy điện nho nhỏ trước khi đổ nước , nhập vào sông Gâm gần cầu Lý Bôn – Bảo Lâm – Cao Bằng .
Qua được bờ bên đất Cao Bằng rồi , khó khăn và nguy hiểm vẫn chưa hết vì bây giờ là đoạn đường đất cũng bị nứt nẻ , trơn trượt nhưng lại là đi lên dốc nên cũng gian nan như lúc xuống dốc và có phần khó hơn vì xe mình bị lọt vào một khe sâu trên đường trơn trượt nên không cách gì lôi xe lên được , đành phải ngồi trên xe thở một chặp cho bớt đuối sức và chờ có người đi qua , nhờ giúp mình một tay lôi xe lên khỏi cái hố sâu để đi tiếp .
Rồi cũng có đôi vợ chồng trẻ người H’Mong đi xuống bến sông , anh chồng giúp mình nâng , đẩy cái xe nặng nề và cồng kềnh lên khỏi khe hố sâu và vượt qua được “đoạn đường chiến binh” . Mình thật sự khuyên các bạn nên tránh né cung đường này nhất là vào mùa mưa , những bạn có xe phân khối lớn cồng kềnh và nặng nề càng không nên đi quá lối này , khó khăn gian nan và rất nguy hiểm !
Đoạn đường tỉnh 217 đi tiếp từ sông Nho Quế đến thị trấn Cốc Pàng rất xấu , có nơi xe cộ đều phải dừng lại chờ nổ mìn phá núi , xe chuyên dụng dọn dẹp cho thông thoáng những tảng đá lớn đang nằm đầy trên đường , cản trở lưu thông .
Km 70 – Thị trấn Bảo Lạc .
Xưa kia , xe cộ cơ giới từ Cao Bằng vẫn có thể đi đến Bảo Lạc tuy đường rất xấu rất nguy hiểm và rất khó đi . Muốn đi tiếp đến Mèo Vạc – Đồng Văn chỉ có thể đi bằng cách cỡi ngựa hoặc đi bộ xuyên qua muôn vàn núi đá tai mèo cheo leo hiểm trở .
Thị trấn Bảo Lạc nằm cách thành phố Cao Bằng 130km về phía tây bắc , và mấy mươi năm trước coi như nằm vô cùng xa xôi ở cuối đường của miền ngược , miền thượng du . Hơn 10 năm nay , nhờ có thêm đường giao thông dẫn đến Mèo Vạc để nối với Con Đường Hạnh Phúc huyền thoại , du khách có thể đến Hà Giang dễ dàng nên du lịch nơi đây phát triển thấy rõ . Mới đây , đèo Khau Cốc Chà – Mẻ Pia được nâng cấp mở rộng thêm nên khách đến Bảo Lạc ngày càng đông , thậm chí nghỉ đêm tại thị trấn này .
Thị trấn nhỏ nhưng có nhiều sông suối hội tụ về đây . Suối Neo , suối Pác Pẹt và sông Nhi A nhập vào sông Gâm ngay cạnh chợ Bảo Lạc . Rau – củ – quả tươi ngon gồm có : Bắp – khoai – củ mài – củ ấu – măng – rau rừng – mật ong , tất cả sản phẩm đều là sạch , thu hoạch ở vườn nhà của bà con .
Đặc biệt , sông Gâm nước sâu , độ dốc và lưu lượng nước rất lớn , cung cấp nhiều cá thuộc hàng ngon – quí – hiếm như “ngũ quí hà thủy” gồm cá Dầm Xanh , cá Lăng , cá Chiên , cá Bống và nhất là cá Anh Vũ , loài cá xưa kia dùng để tiến Vua . Các bạn sành ẩm thực đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức các món ngon vật lạ trên giòng sông Gâm – Bon Appetit !
Để du khách có thêm cớ lưu lại qua đêm , mỗi thứ 7 đều có chợ Đêm – Bảo Lạc ngay phố Đi Bộ giữa trung tâm thị trấn . Trước khi về miền Xuôi – miền Đồng Bằng , chúng ta có cơ hội cuối cùng để thưởng thức các món vùng cao nơi đây như : Thịt chua , lạp xường nướng , thắng cố , bánh bò Tam Giác Mạch , bánh trứng kiến , khâu nhục , thịt gà đen . . .
Du khách tha hồ ngắm bức tranh vùng cao sặc sỡ đầy màu sắc : Các cô gái H’Mong với váy xòe hoa , thiếu nữ Lô Lô hay Sán Chỉ trong trang phục đỏ – đen – vàng , phụ nữ Tày – Nùng đầu chít khăn mỏ quạ . Mọi người hân hoan trong không khí hội hè , được xem biểu diễn các tiết mục nghệ thuật văn hóa dân gian vô cùng sống động với những điệu hát Then , Sli , Lượn . . .
Rời Bảo Lạc đi về Cao Bằng , chúng ta có 2 sự chọn lựa :
1. Đi trên quốc lộ 34 , đi hướng nam qua thị trấn mỏ thiếc Tĩnh Túc và thị trấn Nguyên Bình , đây là con đường chính được rải nhựa , thường được dùng khi đi từ Bảo Lạc về Cao Bằng .
2. Theo đường tỉnh , hướng đông đi xã Khánh Xuân – đèo Khau Cốc Chà – xã Xuân Trường – thị trấn Thông Nông , đến Cao Bằng .
Những năm gần đây nhiều người chọn phương án 2 để đi qua vùng ít dân cư và vượt đèo Khâu Cốc Chà với 14 khúc cua cùi chỏ hình chữ Z .
Lần này mình chọn đi theo quốc lộ 34 , ngang qua khu mỏ thiếc Tĩnh Túc , về thành phố Cao Bằng . Đi theo đường nào cũng là vòng vèo trên núi cao rồi dần dần hạ độ cao để xuống miền đồng bằng . Vùng này toàn đồi núi , cảnh đẹp hùng vĩ , tuy không còn là núi đá tai mèo , có đất để trồng trọt nhưng dân cư thưa thớt .
Đi khoảng 60km , chúng ta sẽ từ trên cao nhìn xuống dưới sâu toàn cảnh khu vực mỏ thiếc Tĩnh Túc bên cạnh quốc lộ 34 . Hồi ở trường tiểu học , mình nhớ đã đọc được trong sách giáo khoa là ở Cao Bằng ngoài Bắc Việt có mỏ thiếc rất lớn ở Tĩnh Túc . Tiếng Tày thin tốc là đá rơi , đọc trại ra cho thành tiếng Việt thì nó là Tĩnh Túc .
Thực dân Pháp đã phát hiện và khai thác trữ lượng thiếc dồi dào và những khoáng sản khác tại nơi đây vào cuối thế kỷ 19 . Trong Chiến dịch Biên Giới mùa Thu năm 1950 , bộ đội Việt Nam đánh đuổi giặc Pháp , giải phóng được 6 tỉnh vùng biên giới Đông Bắc nước ta gồm Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Lai Châu – Lào Cai – Hà Giang .
Km 140 – Thị trấn Tĩnh Túc .
Những năm 1955 – 1956 , Liên Xô giúp đỡ ta xây dựng và trang bị đầy đủ máy móc để khai thác và sản xuất thiếc ở mỏ Tĩnh Túc . Mặc dù là nơi xa xôi cách trở , nhưng công việc trên này đã lôi cuốn hơn 3.000 thanh niên thiếu nữ lên đây lập nghiệp vì được nhận rất nhiều ưu đãi .
Ngày đó , thập niên 1960 – 70 , mọi người đều nói : “Ai chưa biết Xã hội Chủ nghĩa là gì thì lên mỏ thiếc Tĩnh Túc sẽ biết” . Công nhân được ở trong những dãy nhà tập thể 2 tầng , bây giờ vẫn thấy hàng chữ được đắp nổi trên vách tương : “Công trình thanh niên dâng đảng 1976” . Mỗi hộ được chừng 25 mét vuông gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ nhỏ xíu , có cả 1 góc bếp . Đối với thời bấy giờ , ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa thì đó là cả một trời mơ ước , niềm tự hào và ký ức vô cùng đẹp của hàng ngàn công nhân .
Cơm ăn đầy đủ ngày 3 bữa , có thịt có cá , có điện thắp sáng cả ngày . Tôm cá được chở từ Hải Phòng lên , 1 tháng 4 lần . Vì có nhiều chuyên gia Liên Xô tình nguyện qua nước Việt Nam anh em để làm việc tại khu mỏ nên bà con cũng được dùng ké hoặc thừa hưởng được nhiều đồ dùng , sản xuất từ Liên Xô – made in USSR , được khen là “của Liên Xô đấy” .
Chuyện vui là Tĩnh Túc có cả nhà máy làm kem , dư cung ứng cho toàn thể gia đình cán bộ công nhân viên mỏ thiếc , và còn dư cho mấy xã , mấy bản làng gần đó dùng ké . Đối với xã hội miền Bắc nước ta thời chiến tranh mà được hưởng thụ đời sống vật chất như vậy là xa xỉ vô bờ bến , Hà Nội chưa chắc được như vậy đâu !
Đến những năm 1990 , công việc ít dần , công nhân nghỉ việc , đành phải đi tứ tán khắp nơi để tìm việc làm , chỉ còn người lớn tuổi và trẻ em còn ở lại . Tại trung tâm thị trấn có đài tưởng kỷ niệm lần chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm bà con tại mỏ thiếc cuối năm 1958 .
Km 105 – Ngả 3 Quốc lộ 34 và Đường tỉnh 212 .
Qua khỏi thị trấn Tĩnh Túc vài cây số về hướng Cao Bằng , chúng ta sẽ gặp một Ngả 3 lớn , quẹo phải là đường tỉnh 212 dẫn đến Vườn Quốc Gia Phia Oắc – Phia Đén và đỉnh núi Phia Oắc cao 1.931m , và đi tiếp để đến địa điểm du lịch hấp dẫn là hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn .
Lộ trình của chúng ta vẫn đi thẳng theo quốc lộ 34 qua chợ Nguyên Bình . Bạn nào gắn bó với lịch sử , nhất là lịch sử của quân đội nhân dân Việt Nam có thể lưu ý là đi quá chợ trung tâm huyện Nguyên Bình chừng vài cây số sẽ có một Ngả 3 bên phải hướng lên dốc và vào Đường tỉnh 216 , có bảng chỉ đường đến khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo , một khu rừng nằm biệt lập giữa núi rừng hùng vĩ của Cao Bằng , nơi khai sinh ra đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân , tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay .
Nếu muốn thêm nữa , khách có thể đi tham quan di tích đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần gần đó . Đây là 2 đồn lính Pháp mà đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Ông Võ Nguyên Giáp đã thâu tóm được một cách ngoạn mục , chỉ vài ngày sau khi đội quân thành lập hôm 22 tháng 12 năm 1944 .
Từ chợ Nguyên Bình về thành phố Cao Bằng chỉ còn 40km , độ cao đã hạ nhiều , đường đi không còn khó khăn như ở trên cao , nhiều đoạn đi ven sông rất đẹp .
Km 210 – Thành phố Cao Bằng .
Tính trước được cự ly khá dài của hôm nay và lộ trình phải đi vòng vèo trên núi cao rất tốn thời giờ nên khởi hành sớm . Đến Cao Bằng vẫn còn thời giờ thong thả để cỡi xe lòng vòng ngắm nghía phố phường , tìm kiếm chỗ trọ và được phòng ngay phố đi bộ bên bờ sông , như lần trước . Nhìn ra cửa sổ , hoàng hôn đang từ từ chìm dần trên sông Bằng Giang .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: