Du ký miền thượng du xứ Bắc Việt . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc miền Bắc Việt Nam .
Bài số 11. Những ngày ở Cao Bằng .
Thành phố Cao Bằng là thủ phủ của tỉnh cùng tên , cách xa Hà Nội 280km về hướng bắc , có biên giới chung với Trung Cộng nên trong chiến tranh chống lại giặc Bắc xâm lược nước Ta tháng 2 năm 1979 , khu vực này bị giặc bá quyền phương bắc chiếm đóng , đã hủy diệt toàn bộ các công trình kiến trúc , kể cả chùa chiền , nhà thờ , đền miếu , bệnh viện , trường học .
90% diện tích tỉnh được bao phủ với núi non trùng trùng điệp điệp , rất đẹp rất hùng vĩ và cũng chứa nhiều khoáng sản quí . Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc , đa số là người Tày – 40% , người Nùng – 30% , người H’Mong chiếm 10% , người Dao cũng có khoảng 10% . Người Kinh là “dân tộc thiểu số” ở vùng đất này , chỉ chừng vài chục ngàn người , chủ yếu sống ở những khu đô thị , vùng đồng bằng , ven theo những con đường xuyên qua tỉnh .
Không cần “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” , mình ghé khách sạn đã từng trọ trong hành trình năm vừa rồi và nhận được căn phòng nho nhỏ , ngay giữa phố , có cửa sổ nhìn ra sông Bằng Giang , đang lờ lững trôi dưới bóng hoàng hôn .
Mấy năm gần đây , thành phố Cao Bằng có tổ chức phố Đi Bộ – chợ Đêm trên đường Kim Đồng , con đường lớn ngay trung tâm phố . Còn một điểm hay nữa là đã hoàn thành xong công trình bờ kè to rộng , được xây dựng vững chắc bằng bê tông , chạy dài cả cây số bên hữu ngạn sông Bằng Giang . Buổi tối đèn đóm lấp lánh , đông đảo người ra dạo bộ hóng gió , tập thể dục , có cả câu lạc bộ khiêu vũ hẹn nhau ra đây mỗi tối để ôn tập mấy điệu Rumba – Cha cha cha – Tango theo tiếng nhạc xập xình .
Trung tâm phố có cây cầu Bằng Giang , chợ Xanh nhộn nhịp và khu công viên tượng đài Bác Hồ , chắc là độc đáo và duy nhứt ở Việt Nam vì tượng Bác tại thành phố này có điếu thuốc kẹp giữa mấy ngón tay .
Có dịp ghé mấy tiệm ăn ở khu trung tâm , nhất là khu Chợ Đêm và chợ Xanh ngay bên cầu Bằng Giang , các bạn sẽ có dịp thưởng thức những món ngon độc đáo của Cao Bằng . Có thể kể :
– Cóong Phù hay còn gọi là bánh trôi , của dân Tày – Nùng , làm từ gạo nếp ngon lẫn ít gạo tẻ , có nhân là đậu phụng giã nhỏ thêm đường và mè . Viên cóong phù màu trắng , trộn với lá gấc , lá cẩm hoặc lá dứa cho thêm màu và mùi thơm .
– Bánh Áp Chao . Thường dùng vào mùa lạnh , được bán ở vỉa hè hay trong quán nhỏ . Nhìn bên ngoài giống bánh rán nhưng nhân không phải là thịt heo bằm với mộc nhĩ hay đậu xanh như vẫn thấy mà là nhân bằng thịt vịt . Bánh Áp Chao hay vịt chao có vỏ là hỗn hợp của gạo nếp gạo tẻ và dùng với đậu tương Quảng Uyên thơm ngon .
– Măng Sặt . Thuộc họ tre trúc nhưng thân thẳng và nhỏ hơn , mọc tự nhiên ở những khe suối trong rừng sâu thuộc huyện Nguyên Bình . Măng Sặt được dùng cho món luộc , om , xào hoặc nấu canh chung với xương . Nhưng hấp dẫn nhứt là măng này được nướng trên bếp than cháy hồng !
– Bánh Cóoc Mò Cốm . Có nghĩa là sừng bò vì có chóp nhọn giống sừng bò . Làm bằng gạo nếp , gói bằng lá chuối hoặc lá dong , không có nhân .
– Nằm Khau . Món thịt ba chỉ hầm nhừ cách thủy còn gọi là “Khau nhục” . Đây là món tiêu biểu truyền thống của dân tộc Tày – Nùng ở Cao Bằng , không thể thiếu trong các dịp lễ Tết , cưới hỏi v. . . v. . . Món này được chế biến rất cầu kỳ , công phu , tốn nhiều thời giờ và phải có đầy đủ gia vị .
Thành phố Cao Bằng như một cù lao nằm theo hướng bắc – nam , được bao bọc bằng sông Bằng phía đông và sông Hiến phía tây . Phố xá gồm vài con đường dài chạy dọc hướng bắc – nam và nhiều con đường ngắn hơn , theo hướng đông – tây . Bạn nào chân cẳng gân cốt còn tốt có thể chờ chiều xuống , trời mát mẻ , dành vài giờ đồng hồ dạo bộ đến tối khuya là sẽ đi qua hết những ngõ ngách nơi đây . Điều hấp dẫn là vỉa hè đủ rộng , ít xe cộ và không khí êm ả trong lành , lại có cả hai mặt sông , rất thú vị cho cuộc dạo bộ lang thang rong ruổi cho biết phố xá nơi đây .
Danh lam thắng cảnh của Cao Bằng nằm rải rác khắp nơi và cách nhau rất xa , muốn đi tham quan mấy điểm chính phải cần đến 2 ngày .
– Gần nhất là đền Kỳ Sầm .
Tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ bên cạnh núi Khâu Sầm , chỉ cách trung tâm thành phố Cao Bằng chừng 5km , ngay bên đường đi về hướng Pắc Bó . Đền này thờ danh tướng Nùng Trí Cao , 1025 – 1053 , được vua Lý Thái Tông cho cai quản vùng biên giới Đông Bắc rộng lớn của nước ta , ban cho ông chức Thái Bảo , một trong ba vị trí quan cao cấp nhất của triều đình . Sau khi qua đời , ông được sắc phong là Khâu Sầm Đại Vương và lập đền thờ , nay là thôn Bản Ngần xã Vinh Quang thuộc thành phố Cao Bằng .
– Khu lưu niệm vụ thảm sát Tổng Chúp .
Địa điểm này cách thành phố Cao Bằng khoảng 9km về hướng tây – bắc , gần Tỉnh Lộ 203 và sông Bằng Giang . Ngày 17 tháng 02 năm 1979 , Trung Cộng đem 600.000 quân lính và hàng ngàn xe tank – thiết giáp – cơ giới , đồng loạt vượt biên giới tấn công 6 tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc nước ta .
Chỉ sau 3 tuần , tụi giặc xâm lược đã thua trận nhục nhã ê chề , giống như tổ tiên của chúng nó đã từng bại trận nhiều lần trên đất nước chúng ta từ xưa . Chính quyền Trung Cộng huênh hoang tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam ngày 5 tháng 3 năm 1979 .
Nhưng sáng ngày 9 tháng 3 năm 1979 , lính Trung Cộng đã tấn công một trại nuôi heo ở làng Tổng Chúp xã Hưng Đạo huyện Hòa An , gần thị xã Cao Bằng . Chúng đã bắt trói , bịt mắt 43 người gồm người già – phụ nữ – trẻ em và hành quyết những nạn nhân rất dã man , đâm bằng dao nhọn , đập nát đầu bằng búa và gậy tre , xong chúng quăng tất cả xác nạn nhân xuống giếng .
Mặc dù hiện nay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng đã “bình thường hóa” hơn 30 năm nhưng tội ác tày trời này , nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên và mới đây đã khánh thành khu lưu niệm chứng tích vụ thảm sát 43 người tại làng Tổng Chúp .
– Di tích lịch sử hang Pác Bó .
Cách Cao Bằng 50km về phía bắc tây – bắc , ngay đường biên giới Việt Nam và Trung Cộng . Pác Bó theo ngôn ngữ Tày – Nùng có nghĩa là đầu nguồn . Đây là một khu rừng rất đẹp , có suối to uốn lượn , có nhiều hang động , xa đồn bót của lính Pháp xưa kia , rất tiện cho việc sống ẩn dật kín đáo , hoạt động cách mạng . Thực sự non nước nơi đây , cũng như rất nhiều nơi khác ở Việt Nam ta , tuyệt đẹp nhưng tiếc là nhiều nơi đã bị chính chúng ta băm nát phá nát nên trở thành xấu xí nhếch nhác.
Nhiều bạn đã ghé tham quan và biết khu di tích lịch sử Pác Bó nên mình chỉ xin kể chuyện về cột mốc 108 . Lúc tham quan cụm di tích suối Lê Nin – núi Các Mác – hang Cốc Bó , nếu để ý các bạn sẽ thấy có bảng chỉ đường lên cột mốc 108 . Muốn đi đoạn đường này phải có chân cẳng và thể lực tốt vì đây là đường leo lên núi dài khoảng chừng hơn một cây số , có đoạn có bậc thang đi dễ nhưng có đoạn chỉ là dốc leo núi hơi khó đi . Hai bên lối đi cây cỏ mọc nhiều , hoa lá rất đẹp . Leo một chặp thì dừng lại thở nghỉ mệt , nhìn xuống dưới cả một vùng núi đồi – thung lũng – sông suối , đẹp như tranh vẽ .
Lần đầu leo lên đây năm 2007 , lúc đó bên Tàu còn hoang vu lắm và vì không để ý nên mình đi lạc qua bên đất Tàu cả mấy trăm thước , may mà gặp cô giáo trẻ người Tày đang dẫn một nhóm học sinh đi ngược về hướng Việt Nam nên mới biết mình đã “lầm đường lạc lối” và còn nhờ cô giáo chụp cho mấy tấm hình ngay cột mốc 108 lịch sử .
Những lần sau mình đều cố gắng leo lên cột mốc 108 thì thấy ở phía bên Tàu bây giờ đã xây dựng một trạm biên phòng rất to . Lần này mình thu hết “tàn lực” để lên cột mốc 108 lần cuối vì sợ rằng nếu được có lần tới thì chắc không còn leo núi được nữa . Cột mốc 108 được nhắc tới vì đây là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên khi trở về đất Mẹ trưa ngày 28 tháng 1 năm 1941 , đúng mùng 2 Tết năm Tân Tỵ , sau 30 năm bôn ba khắp các châu lục .
Trên vùng đất Cao Bằng , ngay bên biên giới Ta và Tàu , có câu chuyện hợp tác Việt – Mỹ từ những năm trước 1945 rất thú vị . Từ mùa Thu năm 1940 , Phát Xít Nhật tràn vào Việt Nam nhưng thỏa hiệp với bộ máy hành chánh của thực dân Pháp để chiếm đóng , cai trị nước ta , từ đó dân ta bị “một cổ hai tròng” , vô cùng khốn khổ .
Phi cơ Mỹ thường bay trinh sát , thả bom bắn phá các cơ sở đồn lính của Nhật trên đất nước ta và cũng có những lần bị phòng không Nhật bắn rớt . Chủ trương của Việt Minh là cộng tác triệt để với Mỹ , thuộc lực lượng Đồng Minh để chống phát xít Nhật nên ta đã cứu được một số phi công Mỹ nhảy dù sống sót sau khi bị Nhật bắn rớt máy bay .
Báo Cứu Quốc của Việt Minh trước năm 1945 đã từng có tranh vẽ và làm vè cổ động , chính thức kêu gọi nhân dân ta hãy cứu và tận tình giúp đỡ những phi công Mỹ nhảy dù thoát hiểm xuống vùng đất của chúng ta .
Phi công Mỹ , là bạn ta
Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh .
Đầu tháng 11 năm 1944 , một máy bay Mỹ bị Nhật bắn rơi , phi công nhảy dù thoát nạn xuống núi Khâu Sầm gần thị xã Cao Bằng , được đưa tới gặp Bác Hồ . Sau đó Bác đã tìm cách đem trung úy phi công Mỹ tên là William Shaw lên đến Côn Minh – Vân Nam bên Tàu vào đầu năm 1945 .
Trung úy William Shaw đã trở thành “cầu nối” để lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp tướng 2 sao không quân Mỹ Claire Lee Chennault , tư lệnh không đoàn 14 của quân đội Đồng Minh tại Hoa Nam – Tàu vào tháng 4 năm 1945 , và nhờ vậy Mỹ rất cảm kích , đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Minh rất nhiều , cụ thể là cung cấp vũ khí súng đạn , dược phẩm , huấn luyện binh sĩ v. . . v. . .
Tướng Mỹ Claire Lee Chennault phái một đội đặc biệt của cơ quan tình báo chiến lược OSS – tiền thân của CIA sau này , theo Ông Hồ Chí Minh từ Quảng Tây về Việt Nam , xây dựng một mạng lưới vô tuyến điện trải rộng , sát cánh với ta để chống phát xít Nhật . Qua đó ta đã “tương kế tựu kế” , gửi được rất nhiều thư từ và tài liệu đến Liên Hiệp Quốc , đến những chính khách Mỹ – Pháp và các cơ quan quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của họ cho cách mạng Việt Nam .
Cộng tác Việt – Mỹ trong thời gian này rất nồng thắm rất tích cực và kéo dài tiếp tục . Ngày 2 tháng 9 năm 1945 , phái bộ Mỹ hiện diện ở khán đài trong lúc chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình – Hà Nội , phái bộ Mỹ cũng có mặt cả trong lúc Việt – Pháp ký hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 .
Rất tiếc sau đó chuyện cộng tác Việt – Mỹ dưới thời tổng thống khét tiếng “chống cộng” Harry Truman , 1884 – 1972 , bị phai mờ . Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ , chính quyền Mỹ dần dần nghiêng về phía thực dân Pháp , tích cực viện trợ tài chánh và vũ khí để Pháp xâm lược nước ta , quan hệ Việt – Mỹ rất tiếc đã đi theo hướng khác .
Mãi đến năm 1995 , dưới thời tổng thống Bill Clinton , mới thiết lập lại quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ cấp đại sứ , bãi bỏ lệnh cấm vận , bang giao và hợp tác 2 nước nồng thắm trở lại sau 50 năm . Xin lỗi đã dẫn các bạn đi ngược giòng lịch sử khá xa , bây giờ xin được quay lại Cao Bằng của ngày hôm nay .
– Cụm mấy địa điểm du lịch gồm : Thác Bản Giốc – chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – Làng nhà đá cổ Khuổi Ky – động Ngườm Ngao . Cụm du lịch này nằm ở hướng đông – bắc Cao Bằng và cách xa khu du lịch Pác Bó cả 100km nên nếu có thời giờ , ta dành nguyên một ngày cho địa điểm thác Bản Giốc và những địa điểm du lịch gần đó .
Km 33 – Làng rèn truyền thống Phúc Sen .
Theo quốc lộ 3 , vừa rời thành phố Cao Bằng , ta gặp phong cảnh núi non hữu tình , vượt qua đèo Mã Phục , đi thêm vài cây số , trước khi tới thị trấn Quảng Uyên chúng ta ghé tham quan làng nghề rèn thủ công Phúc Sen , đã tồn tại với nghề rèn trên 300 năm . Nhiều gia đình nơi đây gìn giữ được nghề rèn truyền thống qua nhiều thế hệ , sản xuất những nông cụ và đặc biệt rèn những con dao rất sắc rất tốt .
Nhiều khách hàng gửi tới xưởng rèn những nguyên liệu bằng sắt thép đặc biệt tốt như đường ray xe lửa , nhíp nhún của xe tải nặng , ổ bi to hoặc có cả vỏ bom đạn nằm mấy chục năm dưới sông suối v. . . v. . . nhờ nghệ nhân Phúc Sen rèn thành những con dao , thanh kiếm theo yêu cầu để sử dụng hoặc giữ làm vật gia bảo .
Từ thị trấn Quảng Uyên , ta rời Quốc Lộ 3 , quẹo trái đi về hướng Trùng Khánh chừng 3km , có một ngả 3 nếu không để ý sẽ bị lạc đường . Ta không đi theo Đường Tỉnh 207 mà quẹo trái vào Đường Tỉnh 206 , hướng đi Trùng Khánh . Vào Đường Tỉnh 206 rồi , các bạn không sợ bị lạc đường vì đường này sẽ dẫn chúng ta đến chợ Trùng Khánh , Làng đá cổ Khuổi Ky , động Ngườm Ngao , thác Bản Giốc và chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc .
Km 60 – Thị trấn Trùng Khánh .
Nếu ghé ngang đây vào những ngày 5 – 10 – 15 – 20 – 25 âm lịch bạn sẽ có dịp may hòa mình vào không khí chợ phiên nhộn nhịp rộn rã , đầy màu sắc của vùng cao biên giới . Chúng ta sẽ được thấy những chàng trai cô gái hẹn hò tán tỉnh nhau , họ khoác lên mình những bộ đồ dân tộc đẹp nhất – mới nhất – rực rỡ nhất . Rồi tiếng khèn vang lên , lời ca tiếng nhạc quyện với những điệu múa mềm mại , đây đó hương rượu bốc lên thơm thoang thoảng .
Chợ phiên vùng cao chỉ có những sản phẩm cây nhà lá vườn , mang theo hơi thở cuộc sống của đồng bào nơi đây . Tiêu biểu là những quầy hàng thổ cẩm , những bộ váy nhiều màu sắc của dân tộc H’Mong , cái túi xách nho nhỏ xinh xinh , là những nhạc cụ làm bằng tre trúc như khèn , sáo . Đương nhiên sẽ không bao giờ thiếu những dụng cụ dùng trong lao động hàng ngày như dao – kéo – lưỡi mác – rìu – búa – liềm .
Bạn nào mê tìm hiểu về ẩm thực sẽ được thưởng thức các món ngon với nguyên liệu từ những vườn nhà tại địa phương , hoàn toàn “sạch” như phở chua , gà luộc , vịt quay , xôi ngũ sắc , bánh ngải cứu , bánh trứng kiến .
Trùng Khánh được cả nước ta biết đến nhờ . . . hạt dẻ . Cây hạt dẻ hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây , cao 10m – 15m , những cây cổ thụ có đường kính đến 50cm với tán xòe rất rộng , được trồng trên các sườn đồi với độ cao khoảng 400m – 600m . Mùa xuân , rừng hạt dẻ ra hoa trắng muốt với mùi hương ngai ngái , đến mùa Thu tháng 9 tháng 10 được thu hoạch . Nhìn bên ngoài hơi giống trái chôm chôm trong miền Nam vì vỏ có gai mềm lởm chởm , khi trái chín có đường nứt ở vỏ ngoài , bên trong chứa từ 1 đến 3 hạt .
Hạt dẻ Trùng Khánh to đều , vỏ mỏng màu nâu sẫm , nhân màu vàng . Khi ăn có vị thơm ngon và bùi bùi . Hạt dẻ thường được luộc chín nhừ , nướng trên than hồng hay rang trong chảo . Diện tích cây hạt dẻ ở Cao Bằng chỉ 240ha , tập trung hầu hết ở Trùng Khánh , chỉ đủ để tiêu thụ ở địa phương nên được coi như món quà quí cho du khách .
Vào mùa Thu – mùa hạt dẻ , trước mỗi phiên chợ , tiểu thương sẽ tới vườn tìm mua , mang về bán ở chợ huyện chợ tỉnh . Hạt dẻ Trùng Khánh có giá 100.000 đồng – 150.000 đồng một ký lô , mắc gấp đôi hạt dẻ Tàu . Hạt dẻ Tàu được bán quanh năm , có kích thước to , ruột bên trong màu trắng .
Đường đến thác Bản Giốc càng đi càng đẹp . Núi non khắp nơi , thỉnh thoảng khách đi qua cái chợ quê nho nhỏ , lúc thì thấy bên đường một cánh rừng Hạt Dẻ , khi thì đi kẹp theo con suối nước trong veo , thiên nhiên hiện ra trước mắt ta như một bức họa đồng quê sống động đầy màu sắc .
Km 81 – Ngả 3 đi Làng đá cổ Khuổi Ky và động Ngườm Ngao .
Qua khỏi thủy điện Bản Giốc chừng vài trăm thước có ngả 3 hơi chếch về phía bên phải một góc 35 độ , quẹo phải vô làng đá cổ Khuổi Ky . Làng chỉ cách thác Bản Giốc 4km , nằm bên Đường Tỉnh 206 , rất tiện ghé tham quan . Làng nho nhỏ , chỉ có mười mấy căn nhà của người dân tộc Tày , được xây dựng bằng đá rất độc đáo , hình thành không lâu sau năm 1592 khi nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng và nhà Minh bên Tàu dùng uy thế “Thiên triều” ép họ Trịnh cắt đất Cao Bằng cho họ Mạc cát cứ đến năm 1677 mới chấm dứt .
Ngôi làng có địa thế lưng dựa vào núi , phía trước là giòng suối Khuổi Ky trôi lững lờ . Nhà Mạc , những đời cuối chạy lên đây , đã xây dựng những ngôi nhà đá này thật vững chắc để tiện phục vụ cho việc phòng thủ . Mỗi ngôi nhà đều có kiến trúc riêng , sở hữu vẻ đẹp nhuốm màu xưa cũ rất độc đáo . Những bờ rào chung quanh mỗi căn nhà cũng bằng đá .
Đá ở đây hiện diện khắp nơi , len lỏi vào trong cuộc sống của con người . Móng nhà bằng đá hộc , vách bằng đá dày đến 30cm , lối đi bằng đá , mái lợp bằng ngói âm dương . Đá còn được sử dụng làm hàng rào , đập nước , cối xay , bếp lò . Du khách nào muốn có cảm giác “ở nhà đá” có thể thuê phòng trong mấy căn Homestay tại làng để được hưởng không khí yên tĩnh trong lành ở bản làng vùng cao – vùng sâu – vùng biên ải xa xôi .
Từ làng đá cổ Khuổi Ky , đi tiếp thêm khoảng 1km , chúng ta đến động Ngườm Ngao . Động này nhờ được đưa vào phục vụ du lịch chưa lâu nên còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ . Tiếng Tày , Ngườm là hang động , Ngao có nghĩa là cọp . Động dài gần 2.500m nhưng hiện nay chỉ đưa vào khai thác chừng 1.000m .
Bên trong động có nhiều hành lang dài , nhiều ngõ ngách , nhiều nhũ đá , măng đá , cột đá , rèm đá với đủ mọi hình thù mọi kích cỡ , kích thích trí tưởng tượng của du khách . Nào là đài sen úp ngược , cột đá hình người , nàng tiên đang chải tóc . . . Một giòng suối ngầm chảy từ sông Quây Sơn theo suốt chiều dài của động . Tại một nơi có khe thông lên trời trên trần động xảy ra hiện tượng độc đáo đang chờ các nhà vật lý giải thích . Đó là đúng 14giờ chiều ngày 22 tháng 4 hàng năm , sẽ có 3 luồng ánh sáng gặp nhau khiến cho lòng động rực sáng trong vài phút .
Km 85 – Thác Bản Giốc .
Từ động Ngườm Ngao , ta đi ngược qua làng đá cổ Khuổi Ky , ra lại Đường Tỉnh 206 quẹo phải , đi chỉ 2km là đến thác Bản Giốc . Thời điểm ngắm thác đẹp nhất là đầu mùa Thu , lượng nước còn nhiều nhưng không quá nhiều . Mùa hè mưa nhiều nước nhiều , đổ xuống mạnh quá làm bụi nước tung tóe khắp trời , không gian như bị lớp sương mù dày đặc ướt át , thác nước bị che khuất , quang cảnh trở nên mịt mờ .
Thác chính rộng hơn 100m , cao 70m , nằm trên sông Quây Sơn . Sông này phát nguyên từ bên Tàu , dạo qua nước Việt Nam ta một đoạn vài chục cây số , đến thác Bản Giốc lòng sông tụt xuống vài chục thước , sau đó lại chảy qua bên Tàu . Thác chia thành nhiều tầng từ trên xuống dưới và từ trước lùi ra sau , tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng tráng lệ . Phía trong lãnh thổ Việt Nam , ở phía Nam còn có thêm thác phụ , trải rộng không thua thác chính nhưng chiều cao lại hơn nhiều , cũng là một tuyệt tác của thiên nhiên .
Phía địa phận bên Tàu , đã hình thành một khu du lịch với qui mô rất lớn , có nhiều tiết mục hấp dẫn , thu hút rất nhiều du khách . Mới đây , từ tháng 9 năm 2023 , có thử nghiệm hợp tác du lịch vùng biên giới thác Bản Giốc giữa Ta và Trung Cộng . Du khách 2 nước được phép qua lại , lên đất liền nước kia để tham quan trong ngày , không quá 5 tiếng đồng hồ . Khách phải có hộ chiếu còn hiệu lực trên 6 tháng , và chỉ dùng cho hộ chiếu của Ta hoặc của Trung Cộng thôi , nước khác không được .
Cách thác Bản Giốc chừng 500m , chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc trên lưng chừng núi Phia Nhằm , nhìn xuống toàn cảnh thác Bản Giốc và nhìn thẳng luôn về phía Bắc , qua bên Tàu . Chùa được thiết kế và xây theo kiến trúc thuần Việt với gạch ngói cổ truyền , kết cấu bằng gỗ lim .
Một điều rất đáng hoan nghênh là tại chùa nơi đây những câu đối được ghi bằng tiếng Việt , khác hoàn toàn với hầu hết chùa chiền – đền – đài – lăng – mộ ở khắp xứ ta đều làm chuyện rất đáng trách là quá coi trọng chữ Tàu , ghi toàn là chữ Tàu . Dân Việt Nam đến tham quan chỉ trố mắt coi toàn chữ Tàu , chẳng hiểu gì , chỉ lắc đầu ngao ngán và buồn cho mặc cảm tự ti vẫn còn nằm quá sâu trong đầu óc trong tâm khảm của nhiều người Việt Nam ta !
Trên khuôn viên rộng rãi 3ha , có đầy đủ các hạng mục . Tam quan , tượng Quan Âm Bồ Tát , Tòa Tam Bảo , đền thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương , Đức Thánh Trần , đền thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao . Dấu nhấn của chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1.500kg .
Từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc các bạn đi bằng phương tiện di chuyển riêng sẽ có 2 sự lựa chọn :
– Cách đơn giản nhất là đi ngược Đường Tỉnh 206 qua Trùng Khánh , Quảng Uyên , đèo Mã Phục và về lại thành phố Cao Bằng .
– Cách phiêu lưu hơn , rắc rối hơn , khó khăn hơn nhưng hấp dẫn hơn là con đường đi tiếp và sẽ được ngắm nhiều cảnh vật mới , cuối cùng cũng sẽ gặp lại quốc lộ 4A để đi Lạng Sơn .
Đi theo “phương án phiêu lưu” , ta sẽ đi tiếp trên Đường Tỉnh 206 ven theo hữu ngạn sông Quây Sơn về hướng hạ lưu một đoạn nhiều cây số , phong cảnh rất vắng rất đẹp và thỉnh thoảng sẽ gặp mấy cột mốc biên giới ngay bên lề đường , cạnh bờ sông . Bên kia sông , ở địa phận Trung Cộng , nước này có chiến lược xây dựng biên cương vững chắc nên chính quyền của họ đã hỗ trợ nhiều trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở , xây dựng xóm làng dân cư với nhiều khu nhà cửa khang trang kiên cố chứ không vắng vẻ đìu hiu như bên Việt Nam ta .
Thị trấn Thanh Nhật , thuộc huyện Hạ Lang . Từ đây đường xá rất vắng , biên giới vô cùng hiểm trở , có Đường Tỉnh 207 đi tiếp đến thị trấn Hòa Thuận , nằm trên Quốc Lộ 3 , đi lên cửa khẩu quốc tế Tà Lùng cách đó không xa . Khu vực này rất nhiều núi – rừng – sông – suối nên đường xá cũng vô cùng lắc léo , rất dễ bị lạc đường .
Từ thị trấn Hòa Thuận , chuyển vào Đường Tỉnh 208 , trèo đèo vượt suối , qua nhiều làng – thôn – xóm nho nhỏ để rồi cuối cùng sẽ gặp Quốc Lộ 4A tại thị trấn Đông Khê để đi tiếp đến Lạng Sơn .
Bài viết đến đây đã dài quá , xin hẹn các bạn ở hành trình sắp tới sẽ cùng nhau ngao du trên Quốc Lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn mà xưa kia thực dân Pháp khiếp sợ đã đặt tên là Tử Lộ .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: