Bài số 12 . Từ Cao Bằng đi Lạng Sơn trên Quốc Lộ 4A

-

Du ký qua miền thượng du , Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – Một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc khắp miền Bắc Việt Nam .

Bài số 12 . Từ Cao Bằng đi Lạng Sơn trên Quốc Lộ 4A , con đường của Chiến dịch Biên Giới mùa Thu năm 1950 , và cũng là con đường được quân đội Pháp khiếp sợ đặt tên là Tử Lộ số 4 .

Sau vài ngày được nghỉ ngơi , được “sống chậm” để ghé tham quan nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của vùng đất biên cương xa xôi tận phía bắc Việt Nam , hành trình hôm nay sẽ đưa chúng ta về Lạng Sơn .

Lúc còn thực dân Pháp , con đường Cao Bằng – Lạng Sơn – Tiên Yên là đường Route Coloniale No.4 , con đường xương sống chiến lược của Pháp , dùng để khống chế nguyên cả một vùng đất Đông Bắc to lớn của nước ta .

Đã được sửa chữa nâng cấp , mở rộng nhiều lần , hiện nay quốc lộ 4A tương đối tốt , xe đi không vất vả khổ sở như trước đây . Quốc lộ 4A chạy theo hướng tây bắc – đông nam nên nếu khởi hành ở Cao Bằng vào buổi sáng ta sẽ được mặt trời chiếu ngay vào mặt suốt cả chuyến đi .

Km 40 – Thị trấn Đông Khê .

Huyện lỵ của huyện Thạch An bên quốc lộ 4A . Khách có dịp thưởng thức sản phẩm đặc biệt nơi đây là món Thạch đen , được chiết xuất từ cây Thạch đen – Tiên Thảo , dân gian gọi là Sương Sáo , một loại cây trồng ngắn ngày , được thu hoạch sau 4 tháng , thân cỏ chỉ cao lúp xúp vài chục phân , ngang đầu gối người , cũng được dùng trong Đông Y .

Thạch đen Đông Khê .

Xưa nay cây này mọc hoang dại , từ 10 năm nay cây Thạch đen thành cây “xóa đói giảm nghèo” , được trồng gần 500ha trên địa bàn huyện , thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất tốt . Năng suất hơn 5 tấn/ha và bán được 30.000đ – 40.000/kg . Giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với những cây truyền thống như lúa – bắp – củ mì – mía v. . . v. . .

Thạch đen được ăn trực tiếp , xắt nhỏ như hột lựu , pha uống với nước đường cát vàng , cho thêm 1 – 2 giọt dầu chuối và đá cục đập nhỏ . Có thể ăn với sữa tươi hoặc sữa đậu nành , trong miền Nam chắc chắn sẽ có thêm nước cốt dừa . Có người dùng Thạch đen với đậu hủ , ngoài Bắc gọi là tào phớ , với chè đậu đen hoặc dùng với nước đường vắt chanh , quất .

Một sản phẩm nông nghiệp khác của Đông Khê cũng rất được ưa chuộng là trái lê . Cả huyện có gần 40.000 cây lê trên diện tích khiêm nhượng , khoảng 100ha . Trái lê nơi đây có hình dáng tròn đều , lúc chín có những đốm nâu trên nền nâu vàng hoặc xanh nhạt , trái nặng khoảng 300gr – 400gr , có vị ngọt , một xíu chát , chua một chút và hương thơm ngon .

Lê ở Đông Khê tới mùa thu hoạch , không có đủ để bán .

Cuối hè đầu thu là mùa thu hoạch lê Đông Khê . Lái buôn tới tận vườn để thu mua từ 50.000đ- 70.000đ/kg , không có đủ để bán . Đây cũng là loại cây ăn trái , tạo sinh kế cho người dân , góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương .

Mùa thu năm 1950 , thị trấn Đông Khê bổng nhiên nổi tiếng trên truyền thông báo chí bên nước Pháp , không phải vì Thạch đen và cũng không phải vì trái lê thơm ngon mà vì tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng – nóng bỏng – gay cấn . Để hiểu biết thêm về vùng đất và con người nơi đây , khách có thể ghé tham quan khu Di tích lịch sử Chiến dịch Biên Giới thu đông năm 1950 và viếng nghĩa trang Liệt Sĩ ngay trung tâm thị trấn , ở trên ngọn đồi có đồn của quân đội Pháp xưa kia .

Tờ mờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950 , chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên đài quan sát trên một mỏm núi gần bản Nà Lạn , cách Đông Khê chỉ 10km , bằng ốm dòm có thể quan sát và theo dõi rất tốt tình hình chung trận đánh đồn Đông Khê .

Đây là trường hợp vô cùng hiếm có , và là nguồn động viên lớn cho toàn quân vì một vị chủ tịch nước 60 tuổi cùng hành quân với quân sĩ , trực tiếp tham gia nơi tuyến đầu trong một chiến dịch lớn như vậy .

6 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950 , Chiến dịch Biên Giới bắt đầu bằng một trận pháo kích long trời lở đất , đổ dồn dập xuống đồn lính Pháp tại Đông Khê , sau đó Việt Minh với quân số áp đảo , tấn công và chiếm được một số vị trí tiền tiêu nhưng gặp sự chống cự quyết liệt của những đơn vị lính Lê Dương thiện chiến của Pháp được yểm trợ tối đa từ không quân .

Trận chiến đấu ác liệt kéo dài , nhiều chiến sĩ Việt Minh thể hiện tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” , đại đội trưởng Trần Cừ hy sinh , lấy thân mình lấp lỗ châu mai . Lý Viết Mưu , tiểu đội trưởng bộc phá hy sinh ngay trong ngày đầu .

Cũng ở mặt trận này , nổi bật tấm gương dũng cảm của tiểu đội trưởng La Văn Cầu , tên thật là Sầm Phúc Hướng , đã nhờ đồng đội chặt đứt bàn tay phải bị thương nát bét và còn lủng lẳng để khỏi bị vướng , tiếp tục lao lên đánh bộc phá thành công và bị thương nặng . Vết thương có nguy cơ bị hoại tử nên bác sĩ phải cưa cả cánh tay phải để cứu mạng sống cho ông .

Ông là một trong mấy Anh hùng quân đội được phong trong đợt đầu tiên năm 1952 , chuyển qua phục vụ ở Tổng cục Chính trị , về hưu với quân hàm đại tá và hiện nay sống vui sống khỏe ở tuổi 92 . Điều thú vị là Ông còn sống nhưng nhiều địa phương tưởng Ông đã hy sinh nên lấy La Văn Cầu đặt cho tên đường !

Đại tá Anh hùng quân đội La Văn Cầu , 92 tuổi . Điều rất thú vị là Ông vẫn sống vui sống khỏe nhưng nhiều địa phương đã lấy tên Ông đặt cho tên đường .

Chiến dịch Biên Giới 1950 kéo dài từ 16 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950 với những thắng lợi to lớn .

– Dùng chiến thuật “đánh điểm diệt viện” , chiếm được đồn Đông Khê và tiêu diệt tan nát 2 binh đoàn của trung tá Charton và trung tá Le Page đi cứu viện cho đồn Đông Khê . Hàng ngàn lính Pháp và cả 2 tên trung tá này đều bị bắt làm tù binh .

– Việt Nam không còn bị Pháp bao vây , có nhiều cửa thông với thế giới bên ngoài , tạo bước ngoặc rất lớn trong cuộc chiến chống thực dân Pháp , nhất là nhận được sự giúp đỡ của những nước anh em Xã hội Chủ nghĩa .

– Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chuyển từ đánh du kích qua thế chủ động tấn công , làm thay đổi cục diện chiến trường .

– Quân Pháp khiếp sợ , nếm mùi thất bại thê thảm về quân sự và nhất là thua đau về chính trị , bị đẩy vào thế phòng ngự thụ động . Chính phủ bên Pháp bất ổn , thay đổi liên tục .

– Việt Minh chiến thắng như chẻ tre , bộ chỉ huy Pháp vô cùng hoang mang , phải rút quân hoàn toàn khỏi các cứ điểm trên Đường 4 như Thất Khê – Na Sầm – Đồng Đăng – Lộc Bình – Đình Lập . Pháp đã vội vàng chạy lẹ khỏi thị xã Lạng Sơn , bỏ lại những kho vũ khí khổng lồ , đủ để Việt Minh trang bị cho cả đại đoàn , sau này gọi là sư đoàn . Lạng Sơn cách Hà Nội chỉ 155km nên nhiều người Pháp sợ rằng Việt Minh sẽ tiến về Hà Nội nên cuống cuồng đem cả gia đình bay vào Sài Gòn cho an toàn hơn .

Quốc lộ 4A nối Cao Bằng với Lạng Sơn , đi quanh co xuyên qua vùng nhiều đồi núi rất đẹp và xưa kia cũng rất hiểm trở , đã từng là những cái bẫy nhữ nhiều đoàn lính Pháp lọt vào ổ phục kích và bị Việt Minh đánh tơi bời , thua trận đau đớn , đến nỗi Pháp phải đặt tên cho đường này là Tử Lộ số 4 .

Ngày nay đi trên quốc lộ 4A , ta sẽ thấy đây đó đài kỷ niệm những chiến công trong thời chiến tranh Việt – Pháp như chiến thắng Lũng Phầy , trận đèo Khuổi Slao – Bông Lau , hay tấm bia địa điểm Kéo Quang – nơi chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên Giới đã trực tiếp gặp và khích lệ cán bộ chiến sĩ Đại đoàn 308 , còn được gọi là Đại đoàn quân Tiên Phong .

Đang đi trên quốc lộ 4A và nói đến Chiến dịch Biên Giới 1950 , chúng ta không thể không nhắc tới một nhân vật rất xứng danh Anh hùng nhưng chưa được nhà nước Việt Nam tuyên dương . Từ cuối thập niên 1940 , Ông đã được nhân dân các tỉnh vùng Đông Bắc phong là Đệ tứ lộ Đại Vương và quân lính Pháp khiếp sợ gọi là Hùm Xám đường số 4 – Le tigre gris de la Route Colonial No. 4 hoặc Maréchal sans etoile – Thống chế chưa được gắn sao : Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt .

Cuộc đời của Ông , của gia đình Ông , chuyện tình cảm riêng tư cũng như chuyện đi làm cách mạng , xứng đáng được Hollywood cho lên phim và chắc chắn sẽ là cuốn phim rất hay , rất lôi cuốn với nhiều tình tiết éo le – ly kỳ – hấp dẫn hơn tiểu thuyết nhiều lần .

Trung tá “muôn năm” Đặng Văn Việt , nhưng từ cuối thập niên 1940 đã được nhân dân trìu mến gọi là Đệ tứ lộ Đại Vương với những chiến công hiển hách . Lính Pháp khiếp sợ Ông và gọi là Hùm Xám đường số 4 – Le tigre gris de la Route No.4 hoặc là Maréchal sans etoile – Thống chế chưa gắn sao .

Trung tá Đặng Văn Việt , 1920 – 2021 , công tử con quan lớn triều Nguyễn , giòng dõi trâm anh thế phiệt , thuộc mẫu đàn ông lý tưởng : Đẹp trai – nhà giàu – học giỏi . 9g sáng ngày 21 tháng 8 năm 1945 , thời điểm này Huế chưa khởi nghĩa , Ông và một người bạn , sau này là thiếu tướng Cao Pha – cục trưởng cục tình báo Bộ Quốc Phòng , đã gan góc , dám hạ cờ quẻ li xuống và thượng cờ đỏ sao vàng lên ở kỳ đài Huế trước 120 họng súng Mousqueton của đại đội cảnh vệ Hoàng Gia – lính khố vàng . Vua Bảo Đại hô to ra lệnh : “Chớ , chớ ! không được bắn” . Nhờ lệnh này mà Ông và người bạn Cao Pha không bị bắn , thoát chết !

Ông là nhân vật như trong “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn :

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt ,
Xếp bút nghiêng theo việc đao cung .

Đang học y khoa ở Hà Nội , năm 1945 Ông xếp sách vở , cầm súng đi đánh giặc Pháp xâm lược . Năm 27 tuổi , đã là chỉ huy trưởng Mặt trận đường 4 , trung đoàn trưởng đầu tiên của bộ đội 3 tỉnh Cao Bằng , Bắc Kạn , Lạng Sơn – gọi tắt là trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng , và chỉ huy đánh thắng nhiều lần những đoàn lính Pháp trên Đường số 4 , lập nên nhiều chiến công vang dội , trong đó có cả chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950 .

Đồng đội sát cánh với Ông trong thời gian này là Chu Huy Mân , chính ủy trung đoàn 174 , cũng cùng quê hương Nghệ An , sau này mang quân hàm đại tướng . Một đồng đội khác , cùng thời Chiến dịch Biên Giới 1950 với Ông – trung đoàn trưởng 209 Lê Trọng Tấn , đánh thực dân Pháp xong rồi lại tiếp tục đánh Mỹ tại những mặt trận ác liệt nhất , sau này cũng là đại tướng .

Trong bi kịch “Cải Cách Ruộng Đất” cuối năm 1953 , mặc dù cha của Ông là Đặng Văn Hướng , đang chính thức là Quốc Vụ Khanh , đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng gia đình Ông vẫn bị đấu tố tơi bời hoa lá . Đầu năm 1954 Ông bị “chuyển công tác” , không còn được trực tiếp cầm súng đánh giặc nữa .

1960 Ông phải xuất ngũ , đi học tiếp và trở thành kỹ sư xây dựng . Chắc một phần nhờ có máu Hướng Đạo Sinh trong người nên tuy gặp nghịch cảnh khủng khiếp như vậy nhưng Ông vẫn lạc quan vẫn yêu đời vẫn sống vui vẫn sống khỏe dù bị “Chủ nghĩa lý lịch” hành hạ – trù dập – hãm tài đến mấy chục năm dài . Trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng của Ông được phong Anh hùng nhiều lần . Đồng đội và “đàn em” của Ông ở trung đoàn 174 này có 19 vị tướng , gần 100 đại tá và nhiều chiến sĩ được phong Anh hùng .

Điều vô cùng thú vị là ở phía đối phương năm xưa – quân đội Pháp , thì sau vài chục năm đã có nhiều đối thủ của Ông – bây giờ có mấy người lên đến cấp đại tướng 4 sao của Pháp , nhất quyết tìm đến Ông , trân trọng mời Ông cùng nhau đi thăm chiến trường năm xưa , Tử Lộ số 4 thưở nào . Năm 1998 , đoàn cựu binh Pháp qua Việt Nam , có 2 đại tướng là Alain Bizard và Marcel Bigeard cùng 8 đại tá đều là tù binh trong Chiến dịch Biên Giới 1950 , đón chào Ông ở Hà Nội như một Người Hùng .

Đại tướng Alain Bizard , 1925 – 2010 , thời Chiến dịch Biên Giới đang là trung úy chỉ huy phó phân khu Na Sầm . Đại tướng Marcel Bigeard , 1916 – 2010 , cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp , thời điểm Chiến dịch Biên Giới 1950 là đại úy trong lực lượng lính nhảy dù , lúc tham gia chiến đấu ở trận Điện Biên Phủ tháng 4 năm 1954 đã là thiếu tá , và được lên quân hàm trung tá ngay tại chiến trường lúc sắp bị bắt làm tù binh , đã trân trọng phát biểu :

“Thưa Ngài , chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu trên Đường số 4 và tại một số mặt trận ở Đông Dương , xin được kính chào Ngài là người chỉ huy , người chiến thắng tại Mặt trận Đường số 4 , một người mà chúng tôi phải kính nể . Chúng ta gặp nhau nhiều lần trên chiến trường mà chưa biết mặt nhau , nay lịch sử đã sang trang , chúng ta gặp nhau không mặc cảm không hận thù . Hãy cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh , xây đắp tình hữu nghị 2 dân tộc Việt – Pháp . Các bạn có đồng ý không ? “

Xin được quay trở lại Quốc lộ 4A của ngày nay !

May mắn gặp thời tiết tốt , nắng ráo . Tuy hơi nóng nhưng thà như vậy chạy xe máy an toàn hơn là bị trời mưa . Khí hậu miền Bắc Việt Nam từ tháng 9 , kéo dài qua Noel – Tết tây – Tết ta , đến tháng 3 dương lịch thích hợp để đi du lịch , nhất là du lịch bằng xe 2 bánh . Mùa Thu mát mẻ , trời không mưa , có đồng lúa vàng , có ruộng bậc thang , có mây trắng bàng bạc và có . . . “Mùa Thu lá bay” . Mùa Đông đôi khi hơi lạnh một chút , khoảng 15 độ – 18 độ nhưng ít bị mưa hoặc chỉ mưa lất phất thôi , và cuối đông có hoa nở trong khí trời se se lạnh rất đẹp .

Những lần trước , đi trên đường này , thấy tình trạng nhếch nhác – hư hỏng – bẩn thỉu của mấy đài tưởng niệm những chiến thắng trên Đường Số 4 , du khách không khỏi chạnh lòng . Lần này tình hình đã tốt hơn nhiều , khuôn viên chung quanh được trồng cây , dọn dẹp làm cỏ tươm tất , đài tưởng niệm cũng được xây thêm nền rộng rãi , sửa chữa những chỗ bị đổ nát , được sơn phết lại đàng hoàng , bia ghi chú cũng được tô chữ lại đậm nét rõ ràng dễ đọc .

Nếu có dịp đi trên Quốc Lộ 4A , từ Cao Bằng đến Lạng Sơn , các bạn dành chút thời giờ , ghé viếng những di tích lịch sử này để cùng nhau thấm thía và tự hào là các bậc cha ông chúng ta vô cùng dũng cảm , sẵn sàng chấp nhận gian khổ , trường kỳ kháng chiến , không bao giờ chịu khuất phục giặc xâm lược vì “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ” .

Giặc nào chúng ta cũng đánh đuổi tiêu diệt được , từ giặc Mông Cổ thế kỷ 13 , giặc nhà Minh thế kỷ 15 , đến tụi nhà Thanh thế kỷ 18 , đều chịu thua nhục nhã trước quân và dân Việt Nam , phải cút về Tàu . Nửa sau của thế kỷ 20 , ông cha ta cũng đã đánh thắng phát xít Nhật , thực dân Pháp , xâm lược Mỹ , diệt chủng Khmer Rouge và mới nhất là tụi bành trướng Trung Cộng . Chỉ có một loại giặc , sao lâu nay đánh hoài vẫn không diệt được bớt cho dân nhờ : Đó là giặc tham nhũng , ngày càng nhiều và lộng hành trên khắp cả đất nước .

Km 65 – Thất Khê . Thuộc tỉnh Lạng sơn .

Huyện lỵ của Tràng Định , có đường biên giới với Tàu , có quốc lộ 3B đi Bắc Kạn , có đường đến Thái Nguyên , có cửa khẩu Nà Nưa và nằm giữa đường từ Cao Bằng đi Lạng Sơn .

Thất Khê là thung lũng nằm giữa những giòng sông con suối chảy qua gồm Bắc Khê , Cốc Phát , Pác Cát tưới nước cho những cánh đồng màu mỡ , bốn bề chung quanh là những ngọn núi cao .

Bia chiến thắng Đường số 4 ở trung tâm thị trấn Thất Khê , gần Mái ấm tình thương Vinh Sơn Phao Lồ của các Soeur ở đường Hoàng Văn Thụ .

Đến đây , vừa đúng lúc để nghỉ chân nghỉ lưng và dùng bữa trưa . Hai món ăn nổi tiếng của địa phương là phở Chua và vịt quay Mác Mật . Ở mấy tỉnh vùng cao giáp biên giới với Tàu như Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn , đi đâu cũng có phở Chua nhưng ngon nhất là ở Thất Khê .

Chưa xác định được nguồn gốc của loại phở này , người thì cho là từ bên Tàu và có tên là Lường Pàn , du nhập qua xứ ta , người thì nói đó là biến tấu của phở Hà Nội – Nam Định từ miền xuôi nhưng trong trường hợp nào thì phở Chua đều được khách phương xa thích thú vì có vị ngon và lạ .

Bánh phở được làm từ loại gạo trên nương rẫy của vùng cao , trắng ngần , có độ dai tự nhiên . Loại lúa này cần dài ngày cho thời gian tăng trưởng , chịu được thời tiết khắc nghiệt nên cho những hạt gạo chắc , có hàm lượng tinh bột cao và vị đặc biệt ngon .

Món ngon dễ ăn của Thất Khê : Phở Chua .

Một yếu tố rất quan trọng để có được phở Chua ngon là “nước đủ” hay còn gọi là “nước sốt – Sauce” , được chế biến từ phi thơm hành tỏi rồi đun với nước mắm – gừng – ớt – cà chua và dấm đường với một tí bột năng cho nước sốt sánh lại . Dấm này chỉ có ở Lạng Sơn , được làm từ trái chuối chín .

Gọi là phở nhưng lúc dọn lên và thưởng thức lại khác phở như chúng ta thường thấy . Phở được cho vào dĩa rộng , nằm dưới đáy , bên trên là thịt xa xíu , gan heo được rán cháy cạnh cắt mỏng , rắc lên một lớp đậu phụng rang , khoai tây chiên dòn vàng ruộm , thêm những miếng lạp xưởng và hành phi thơm phức , nước sốt được chan xâm xấp ngập phần dưới có sợi phở , kèm theo là dĩa rau gồm dưa leo – rau thơm – hành lá – ớt – chanh . Bon Appetit !

Thất Khê còn một “địa chỉ nhân văn” ngay trên Quốc Lộ 4A – đường Hoàng Văn Thụ , đi ngang qua thị trấn : Mái ấm tình thương Vinh Sơn Phao Lồ Thất Khê . Soeur Têrêsa Nguyễn Thị Hồng đón nhận – chăm sóc – nuôi dưỡng hơn 30 trẻ em khuyết tật vùng Cao Bằng – Lạng Sơn , đa số là người dân tộc thiểu số . Mái ấm này do các nữ tu giòng Đa Minh thiết lập và quản lý .

Km 115 – Thị trấn Đồng Đăng .

Trung tâm kinh tế – thương mại của huyện Cao Lộc , có Quốc Lộ 1B đi Bắc Sơn – Thái Nguyên , nằm sát biên giới với Trung Cộng , chỉ cách Hữu Nghị Quan 4km và cách thành phố Lạng Sơn 14km về hướng tây bắc .

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị .

Từ đền Mẫu , trung tâm Đồng Đăng , có đường lên biên giới , chỉ 4km . Ở trạm gác , trình giấy tờ tùy thân xong ta sẽ nhận một thẻ tham quan đeo tòn ten quanh cổ , đi bộ qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên đất Việt Nam . Sau đó sẽ gặp đường biên giới của 2 nước . Dưới mặt đất , cạnh đường đi là cột mốc Km 0 của Quốc Lộ 1A , nằm hơi ngã về bên trái .

Cột mốc Hữu Nghị Km O của Quốc lộ 1A . Trước mặt trong hình là Trung Cộng .

Phía trên lưng chừng đồi , ngay bên cạnh đường đi , có cột mốc quốc gia theo tiêu chuẩn mới , leo mấy chục bậc thang lên một sân rộng có cột mốc bằng đá hoa cương số 1116 . Phía đối diện , xa xa bên kia đường trên địa phận Việt Nam , có một cột mốc như vậy số 1117 , cũng nằm trên lưng chừng núi .

Bên kia biên giới , trên phần đất của Tàu có một công trình đồ sộ là Trấn Nam Quan từ thời nhà Hán , nghĩa là cửa ải trấn giữ phương nam , đã bị tàn phá trong giao tranh Pháp và nhà Thanh cuối thế kỷ 19 . Sau đó một công trình tương tự được xây dựng , gọi là Hữu Nghị Quan , đến thời Trung Cộng được đổi tên là Quan Lâu Hữu Nghị Quan .

Quan Lâu Hữu Nghị Quan này nằm bên đất Trung Cộng .

Lần đầu tiên ghé đây năm 1998 , mình thấy khu vực cửa khẩu này bên Tàu cũng giống như bên ta , vừa vừa thôi chứ không to lớn gì . Những lần gần đây đã thấy phía bên Tàu xây dựng “đàng hoàng hơn , to đẹp hơn” rất nhiều , so với trước đây 20 năm phải nói là một trời một vực .

Du khách có căn cước Việt Nam muốn qua Tàu chơi vẫn được , có dịch vụ cấp giấy phép sáng đi chiều về , có thể đi theo đoàn qua tham quan mua sắm ở thị trấn Bằng Tường chỉ cách biên giới 18km . Bên kia là tỉnh Quảng Tây – Khu tự trị dân tộc Choang , bà con với dân tộc Tày bên ta .

Km 129 – Thành phố Lạng Sơn .

Từ Cột Mốc Km 0 của Quốc Lộ 1A ở ngay đường biên giới , về thành phố Lạng Sơn chỉ còn 14km nên mình cố gắng né Quốc Lộ 4A , tìm đường đi trên Quốc Lộ 1 cũ để hoài niệm , tìm “một thoáng hương xưa” .

Kịp ngắm hoàng hôn bên hồ Phai Loạn , trước chợ Kỳ Lừa .

Nhận phòng nghỉ ở gần trung tâm phố xá xong , nghỉ ngơi một tí là vừa kịp đi lang thang ngắm cảnh hoàng hôn ở công viên bên hồ Phai Loạn , trước chợ đêm Kỳ Lừa . Thành phố chuẩn bị lên đèn .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây