Bài số 4. Kampong Thom

-

Du ký ” Lang thang một vòng Đông Nam Á “, đơn thân độc mã , một người và một ngựa sắt Honda Wave Alpha 100cc ngang dọc qua mấy nước Đông Nam Á .

Kampong Thom và đường lên bắc Kampuchia , Tbeng Mean Chey .

Hôm ở Tây Ninh không vượt ngược đường mòn Hồ Chí Minh để ra miền Bắc vì muốn né mưa – bão – lũ – lụt của đoạn miền Trung vào thời điểm những tháng cuối năm dương lịch . Lúc vừa ra khỏi Việt Nam đến Kampuchia , cũng không đi về phía bắc để qua Lào vậy thì hành trình dần hiện ra : Chỉ còn tiếp tục ” vượt biên ” để qua Thái Lan !

Cầu Spien Kizuna bắc qua sông Mekong do Nhật xây tặng Kampuchia năm 2002 .

Chuyện xe máy Việt Nam , đã có hiện tượng gặp khó khăn tại nhiều cửa khẩu vào Thái Lan .

Đã 2 lần mình đem xe máy qua Thái Lan được nhưng tháng 12 năm 2016 đã bị Thái Lan “chê” không cho đem xe máy qua . Theo tính toán của mình thì lần này sẽ như sau :

– Cửa khẩu Cham Yeam – Hat Lek ở phía tận cùng tây nam của Kampuchia , gần thành phố Koh Kong , năm ngoái đã không cho qua – phải loại trừ !
– Cửa khẩu Poi Pet – Aranya Prathet nằm ở phía tây Kampuchia , là cửa khẩu lớn nhất và khó khăn rắc rối cũng lớn nhất – phải loại trừ !
– Vậy chỉ còn mấy cửa khẩu ở phía bắc và tây bắc Kampuchia , coi bộ vắng ” khách Việt Nam ” , hy vọng sẽ có . . . ” chế độ hành xử ” thân thiện hơn và cho đem xe máy qua Thái Lan chăng ?

Khối Asean đã cho công dân 10 nước thành viên qua lại thoải mái trong các nước Đông Nam Á với nhau , nhưng đề tài đi du lịch và đem xe theo , kể cả xe máy nhỏ , vẫn còn gặp nhiều trở ngại , rất đáng tiếc !

Buổi tối la cà ngoài phố một tí , tìm một lúc mới được một tiệm ăn để có thể tạm gọi là ” chỗ ngồi ngon ” ! Sau một hồi vẫn phân vân chưa biết gọi món gì vì không rành mấy món ăn xứ bạn , lúc đó mới nhớ ra là không biết từ khi nào , người Kampuchia đã cho du nhập vào thực đơn của bạn món bò lúc lắc của Ta và viết thành Beef luk lak !

Vậy là gọi Beef luk lak và bia Anchor – Mỏ neo chứ không phải là Angkor ! Kết quả là đồ ăn rất ngon nhưng bia thì . . . lạt nhách , một phần tại có cục đá to nữa !

Khách sạn Mekong – như tên gọi , nằm cạnh sông Mekong , địa điểm hạng nhất nhưng chất lượng thì hạng . . . yếu ! Nhưng nói chung vẫn là tiêu chuẩn khách sạn , sạch sẽ và đủ tiện nghi tối thiểu , kể cả Wifi và điểm mạnh là giá rẻ !

Kampong Cham by night thì chỉ có chợ đêm ẩm thực ở hai đầu công viên bờ sông , đèn đuốc sáng trưng Người lớn con nít tối nào cũng ra đây hóng gió sông , nhiều gia đình kéo nhau đến thưởng thức đồ ăn , được xào nướng thơm phức !

Buổi sáng , lấy xe lượn một vòng quanh phố chợ coi như tạm biệt thành phố này . Ghé phía nam cây cầu Mekong chụp mấy tấm hình ở tượng đài Hữu Nghị nhớ ơn bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hy sinh để dân Kampuchia thoát khỏi nạn diệt chủng . Tượng đài nằm ở vị trí rất đẹp , cạnh cầu và sông Mekong , chắc mới khánh thành vì mấy lần trước đi ngang qua đây mình không thấy !

Lộ trình hôm nay sẽ là quốc lộ 7 , quốc lộ 71 , sau cùng là quốc lộ 6 để đến Kampong Thom .

Nhờ còn ” để dành ” nên lần này mình được có dịp viếng thăm mấy di tích trên đường đi . Trước hết sẽ thăm Wat Nokor .

Từ trung tâm phố đến cầu Mekong chỉ vài trăm thước và gặp một bùng binh ngả 6 lớn , có bảng chỉ đường đi các nơi rất rõ ràng .

Theo quốc lộ 7 , hướng đi Phnom Penh gần 3km sẽ gặp bùng binh có tượng 4 con rắn Naga , tại đây ta quẹo chếch về phía trái 45 độ , đi vào con đường nhỏ nhấp nhô , khoảng 400m là đến chùa .

Wat Nokor là cả một quần thể chùa chiền được xây dựng từ thế kỷ 11 bằng đá sa thạch , đã bị hư hỏng nặng nề , nằm trong một khuôn viên rộng lớn nhiều cây xanh , cây cổ thụ . Có điểm đặc biệt là trong lúc ở những chùa khác tường đá thường bị thời tiết ẩm ướt làm nên rêu phong màu xanh hoặc lạ lùng hơn là màu rêu đỏ như ở ngôi chùa trên núi cao Bokor . Còn tại Wat Nokor này vẫn còn những tường đá sa thạch to cao nhưng không biết tại sao lại đen thui , đen xì ? Tác động của môi trường , con người , cơ giới , nhất là khói bụi của xe ôtô chăng ?

Wat Nokor , bị hư hại nặng .

Rời Wat Nokor cổ kính , đi tiếp 5km nữa , cũng về hướng Phnom Penh sẽ thấy có cái cổng to bên tay phải để vào cụm di tích Phnom Proh và Phnom Srey .

Qua cái cổng , lên con dốc dài 500m là đến chùa trên Phnom Proh – Đồi Ông. Chùa xây sau này nhưng hư hao , cũ kỹ và chung quanh có rất nhiều khỉ sinh sống .

Phnom Srey – Đồi Bà , cách Đồi Ông chỉ vài trăm thước và cao hơn Phnom Kroh – Đồi Ông ! Trong khi xe cơ giới có thể lên được tới Đồi Ông thì muốn lên Đồi Bà khách phải dùng . . . đôi chân và leo lên 211 bậc thang vừa hẹp vừa dốc ! Bù lại ai lên đến đỉnh Phnom Srey – Đồi Bà sẽ được tham quan ngôi chùa nho nhỏ giữa một khung cảnh nhiều cây cối hoa lá và nhất là được có cái nhìn toàn cảnh vùng phía nam Kampong Cham .

211 bậc thang để lên Phnom Srey – Đồi Bà .

Vì sao Đồi Bà cao hơn Đồi Ông ? Chuyện này cũng giống như sự tích của 2 nhóm nam nữ người Khmer thi đua nhau đào ao ở Trà Vinh để bây giờ chúng ta có Ao Bà Om !

Giữa hai ngọn đồi này có một nhà tưởng niệm các nạn nhân của bè lũ Pol Pot , còn kín đáo gìn giữ rất nhiều xương cốt của người đã khuất .

Km 15 – Ngả 3 quốc lộ 7 với quốc lộ 71 . Tại ngả 3 này nếu cứ tiếp tục đi thẳng ta sẽ về đến Phnom Penh sau 100km nữa ! Lộ trình hôm nay là quẹo phải , vào quốc lộ 71 , đi qua Bos Knaor , Chamkar Leu và những khu rừng cây cao su rộng bao la bát ngát hai bên đường . Đường này mới làm xong , xuyên qua khu dân cư thưa thớt , ít xe cộ nên chạy xe rất thoải mái .

Km 75 – Thị trấn Kampong Thmar . Quốc lộ 71 chấm dứt nơi đây và nhập vào quốc lộ 6 để đi Kampong Thom .

Km 105 – Ngả 3 đường vào Phnom Santuk – Đồi Santuk . Tại đây có bảng giới thiệu và bảng chỉ đường để lên quần thể di tích trên đồi này . Đồi cao 207m , du khách có đôi chân và thể lực tốt có thể đi hết 809 bậc thang để lên đến đỉnh đồi . Hồi sáng mình đã leo lên Phnom Srey rồi và cuộc ” Vạn lý độc hành ” còn dài lắm , còn cần nhiều . . . ” gân cốt ” nên mình phải tiết kiệm sức lực , cũng đi lên được tới đỉnh đồi nhưng bằng . . . xe máy , lên con dốc dài vài cây số chạy vòng phía mặt sau ngọn đồi !

Chùa trên đỉnh đồi , cao 207m và 809 bậc thang !

Lên tới nơi mới nhớ ra là mình đã lên đến ngọn đồi này rồi , hồi tháng 1 năm 2014 cách nay gần 4 năm ! Đang trên đường từ Myanmar về Saigon , và ngày hôm đó đi từ Siem Reap về Phnom Penh . Quốc lộ 6 nối Phnom Penh với các thành phố bên bờ bắc của Biển Hồ – Tonle Sap khi đó đang được nâng cấp nên bị hẹp , rất xấu và bụi mù trời ! Bây giờ đường xá đã xong xuôi , tốt không có chỗ nào chê được và cả ngày tìm đỏ con mắt mà không thấy có cái trạm thu phí nào ! Có lạ không ? Hay cán bộ Kampuchia ngây thơ không như cán bộ bên ta , lảnh lương của dân để rồi cả ngày chỉ nghỉ mưu kế , kiếm chuyện đè đầu dân đen để kiếm đồng tiền dơ bẩn ?

Km 125 – Thành phố Kampong Thom . Cũng có tên với tiếp đầu ngữ Kampong nên đây là một bến nước và là bến nước bên sông Stung Sen .

Con sông chia thành phố với dân số chừng 40.000 người ra hai nửa bắc – nam . Khu cơ quan , văn phòng , trung tâm với chợ chính , phố xá đều nằm ở phần phía nam và được nối với phần phía bắc bằng hai cây cầu nằm cạnh nhau . Cây cầu nhỏ có từ thời Pháp thuộc và được sơn màu vàng , chỉ cho xe hai bánh lưu thông thôi !

Hai cây cầu bắc qua sông Stung Sen . Cây cầu nhỏ màu vàng phía bên phải có từ hồi còn người Pháp . Cây cầu to bên trái bằng sắt mới làm sau này .

Khách sạn cũng là ” chốn cũ ” , mình đã có lần ngủ ở đây , nằm gần chợ , gần sông , gần phố xá rất tiện . Tầng trệt là nhà hàng , sạch sẽ , phục vụ nhanh nhẹn , cùng tên Arunras như tên của khách sạn . Lúc đọc thực đơn mình mới ” khám phá ” ra là nhà hàng có hai thực đơn với . . . hai giá khác nhau ! Đồ ăn thì giống nhau , duy chỉ có thực đơn bằng tiếng Anh cho người ngoại quốc thì . . . giá cao hơn một chút !

Một trải nghiệm thú vị nhưng hơi buồn vì các bạn phải ” kiếm thêm ” bằng cách như vậy ! Vẫn là Beef luk lak cho chắc ăn và lần này là bia Cambodia , cả hai thứ đều ngon – một ngày may mắn !

Buổi tối , bên ngoài chợ Psar Kampong Thom , sát bên quốc lộ 6 là khu chợ đêm chuyên bán đồ ăn thức uống , có quầy bán suốt đêm vì đây là một nơi dừng chân trên đường Phnom Penh – Siem Reap – Thái Lan .

Thành phố này cũng mới có một tượng đài Hữu Nghị để nhớ lại những năm tháng bộ đội Việt Nam giúp Kampuchia , ngay công viên hai con cọp và một con voi . Hôm qua , trước khi đến khách sạn mình đã chụp mấy tấm hình ở đây rồi .

Thế là tạm biệt Kampong Thom và lên đường đi Tbeng Mean Chey . Trước khi khởi hành còn ghé quầy hàng tạp hóa kiêm cả đổi tiền , gần khách sạn , đổi 100 USD được 400.000 đồng Riel Kampuchia . Tỉ lệ này nhiều năm nay vẫn như vậy ! Bên Kampuchia chuyện đổi ngoại tệ mạnh , thông dụng là USD , rất dễ dàng vì tuy rằng không chính thức nhưng mọi người mọi nơi đều xài tiền USD song song với tiền Riel của Kampuchia .

Vừa qua cầu sông Stung Sen được 6km , ta gặp một ngả 3 lớn . Quẹo trái là đi tiếp theo quốc lộ 6 để đến thành phố Siem Reap sau 140km . Lộ trình hôm nay ta sẽ đi chếch về phía tay phải một tí để bắt đầu vào quốc lộ 62 đi thêm 157km về hướng bắc để đến Tbeng Mean Chey .

Km 17 – Ngả 3 đi khu Di tích Sambor Prey Kuk . Tại đây có đường quẹo phải , đi thêm 16km đường làng nhưng trải nhựa rất tốt , đến Prasat Sambor . Nguyên cả khu di tích này coi như ” mất tích ” trong rừng rậm cho đến đầu những năm 1990 . Sambor Prey Kuk được xây dựng rất sớm , từ thế kỷ 6 – 8 , dưới thời đế quốc Chân Lạp .

Khu di tích Sambor Prey Kuk , tháp Sư tử.

Khu di tích gồm 3 cụm , nhiều tháp và nằm rải rác cách nhau 600m – 700m , vừa đi tham quan mấy chục cái tháp cổ hơn cả ngàn năm tuổi mà cứ như là đi dạo mát vì toàn bộ khu di tích nằm trong một khu rừng với nhiều cây cổ thụ cho bóng mát !

Ra lại quốc lộ 62 , quẹo phải đi tiếp con đường hoang vu vắng vẻ về phương bắc . Nguyên cả vùng miền bắc Kampuchia dân cư thưa thớt , nghèo nàn , sống dựa vào nghề nông , thu nhập thấp . Càng về phương bắc càng nhiều rừng núi .

Km 160 – Tbeng Mean Chey , thủ phủ của tỉnh Preah Vihear .

Pol Pot đã chết như thế nào ? Và chuyến “vượt biên” lần thứ nhì sẽ ra sao ? Bài số 5 sẽ kể những chuyện này , trong truyện Tàu gọi là ” Hạ hồi phân giải” !

 

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

 

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây