Bài số 23. Đường đến Taiping

-

Du ký ” Lang thang một vòng Đông Nam Á “, đơn thân độc mã , một người và một ngựa sắt Honda Wave Alpha 100cc lang thang rong ruổi từ Saigon qua Kampuchia , xuống miền nam Thái Lan , xuyên bán đảo Malaysia , đến Singapore . . .

Tạm biệt thành phố Georgetown – Pulau Penang , và đường đến Taiping .

Georgetown thực sự là điểm đến hấp dẫn , du khách khi đến Malaysia không thể không ghé qua thành phố này , ở lại ít nhất vài ngày . Những ngày ở đây là những ngày vui , được nghỉ ngơi thư giãn , được đi thăm các danh lam thắng cảnh , những bãi biển đẹp , vườn quốc gia , rừng núi xanh tươi , những góc cạnh hoang vắng trên đảo . Ngay tại Phố Cổ , ta có dịp dạo bộ khắp các ngõ ngách , luồn lách qua từng con phố , hẻm nhỏ , hòa mình với nhịp sống sôi động , thưởng thức ẩm thực của nhiều vùng miền , gặp nhiều nhóm cư dân nơi đây có gốc từ Trung Hoa , Thái Lan , Myanmar , Ấn Độ , Phương Tây . . . tất cả sống chung hòa bình với nhau !

Đoạn đầu của cầu Jambatan Sultan Abdul Halim Muadzam Shah , nối đảo Pulau Penang với bán đảo Malaysia .

Ta còn có dịp tham quan những kiến trúc tôn giáo đẹp và mang nhiều ý nghĩa lịch sử : Thánh đường của người Hồi giáo Malaysia , những nhà thờ được người Anh xây dựng hàng trăm năm trước , những chùa và đền thờ của cộng đồng người Trung Hoa di cư qua Malaysia lập nghiệp từ giữa thế kỉ 19 , những đền thờ đạo Hindu của di dân từ Ấn Độ v . . . v . . .

Ngoài ra còn có pháo đài phòng thủ quân sự , những dinh thự được người Anh xây dựng từ lúc họ đặt chân lên đất nước này vào cuối thế kỉ 18 , những cơ ngơi bề thế của những giòng họ , những gia đình gốc Trung Hoa , sang vùng đất này lập nghiệp với hai bàn tay trắng để rồi sau đó đã trở thành những người giàu có tại đây .

Còn thú vị hơn nữa khi ta được biết là có người Việt Nam , từ giữa thế kỉ 19 , đến đây để . . . du học ! Đó là ông Trương Chánh Ký , 1837 – 1898 , lúc còn nhỏ đã theo đạo Công giáo , nhận tên thánh là Jean – Baptiste Petrus Trương Chánh Ký , sau này đổi chữ lót thành Trương Vĩnh Ký , gọi tắt là Petrus Ký !

Năm 1851 , chỉ mới 14 tuổi , Petrus Ký và các bạn khác được tháp tùng theo một linh mục Công giáo , đi bằng đường biển qua đảo Pulau Penang và được ăn học tại trường đạo Dulalma tại Penang . Trong thời gian chăm chỉ học tập nơi đây ông đã phát huy được năng khiếu ngoại ngữ , học và thông thạo rất nhiều thứ tiếng nước ngoài như : Anh , Pháp , Mã Lai , Tàu , Xiêm , Nhật , Ấn Độ , Tây Ban Nha , La Tinh . . .

Học xong thì vừa 21 tuổi vào năm 1858 , ông về nước , làm việc và hết lòng phục vụ , ủng hộ cho . . . thực dân Pháp trong chuyện xâm chiếm Việt Nam cũng như đàn áp phong trào Cần Vương của những người Việt Nam yêu nước , đã dũng cảm đứng lên chống lại giặc Pháp !

Chung quanh nhân vật Petrus Ký có nhiều tư liệu còn được lưu trữ trong văn khố quốc gia Pháp cũng như ở Vatican , đã có nhiều ý kiến , nhiều nhận định trái chiều nhau . Lịch sử sẽ phán xét ông này , còn chúng ta hôm nay đi tiếp về phương Nam của bán đảo Malaysia !

Ngày vui qua mau , rồi cũng đến lúc phải từ giã Georgetown vào một buổi sáng đẹp trời , nắng ấm , hứa hẹn cuộc hành trình suôn sẻ , an toàn . Đích đến của ngày hôm nay là thành phố Taiping , cách Georgetown khoảng chừng 130km , một cự li vừa phải , lữ khách không bị hạn hẹp về thời gian , không phải khởi hành sớm , cứ thoải mái ung dung rong ruổi trên đường vạn lý !

Vừa ra khỏi khu Phố Cổ , vào đường 3113 chạy ven biển , đã thấy mật độ xe cộ lưu thông trên đường rất cao , may là không bị kẹt xe ! Chắc do có nhiều người sử dụng xe ô tô để đến những khu công nghiệp nằm ở xa xa , phía nam thành phố . Gần đường ven biển 3113 có nhiều khu dân cư với vô số những cao ốc 30 , 40 và 50 tầng lầu , nằm gần nhau ở khu Jelutong , Gelugor . . .

Km 10 – Cầu Jambatan Pulau Penang . Đây là cây cầu với phiên hiệu E36 , hôm trước mình đã đi qua lúc từ đất liền vượt eo biển Melaka đến đảo Pulau Penang . Cầu dài 13.500m , có 6 làn xe , độ cao gầm cầu 33m , được sử dụng từ năm 1985 . Hôm nay không đi qua cầu này mà sẽ tận dụng cơ hội hiếm có để vượt biển bằng cây cầu . . . thứ nhì ! Khỏi phải mua vé qua cầu một lần nữa , vì lúc từ đất liền qua đây mọi người đã phải trả lệ phí cho 2 lần vượt biển !

Km 23 – Cầu Jambatan Sultan Abdul Halim Muadzam Shah , nằm gần núi Bukit Batu Maung phía đông nam đảo , có phiên hiệu là E28 , được khánh thành năm 2014 , dài 24.000m , riêng đoạn qua eo biển Melaka dài 16.370m , độ cao gầm cầu 31m , thiết kế đủ rộng cho 6 làn xe lưu thông . Trải nghiệm khi đi một lèo hơn 16km trên biển cả mênh mông thật là tuyệt vời nhưng không có chỗ nào cho phép dừng xe nên rất tiếc không có được tấm hình đàng hoàng để minh họa cho xứng đáng với vẻ đẹp của cây cầu này !

Km 55 – Ngả 3 xa lộ E28 và xa lộ Bắc Nam E1 – North South Expressway . Theo xa lộ E1 chừng 10km , ta gặp ngả 4 xa lộ E1 và quốc lộ 1 . Từ đây ta rời xa lộ E1 , vào quốc lộ 1 và trực chỉ về phương Nam .

Malaysia có mạng lưới giao thông đường bộ nối các tỉnh thành với nhau tương đối tốt và đầy đủ . Nhiều quốc lộ đã có từ xa xưa , dưới thời bảo hộ của người Anh . Mấy chục năm gần đây còn có thêm nhiều xa lộ được xây dựng theo trục bắc – nam và vài xa lộ theo trục ngang đông – tây , xuyên qua những dãy núi cao , nối những thành phố bên bờ đông với bờ tây của bán đảo Malaysia .

Thời giờ thoải mái , cự li vừa phải nên hôm nay ta không đi trên xa lộ mà sẽ theo quốc lộ 1 để ung dung , tà tà tiến về phía nam ! Giống như bên Thái Lan , bên Malaysia này cũng ít thấy cảnh nhà cửa của dân chúng bám sát quốc lộ , thậm chí lấn quốc lộ như bên ta , làng mạc thì thưa thớt , cách nhau khá xa , nên lưu thông trên đường tương đối trôi chảy . Hai bên đường thỉnh thoảng lại gặp những khu rừng trồng cây cọ dầu , đồn điền cây cọ dầu cao lớn vài chục năm tuổi cũng có và đồn điền cây cọ dầu mới trồng cũng có !

Km 124 – Ngả 4 quốc lộ 1 và quốc lộ 74 . Từ đây quẹo trái vào quốc lộ 74 , đi thêm 6 km là đến đích ! Lộ trình hôm nay ” thông suốt ” , không có ghé địa điểm nào trên đường và mặc dù cố tình không đi nhanh nhưng giữa trưa là đã đến Taiping . Như thường lệ , mỗi khi đến thành phố lạ , là ngồi trên xe máy đi lòng vòng , ngang dọc khắp các con đường , nhất là ở những khu trong trung tâm phố xá , gần chợ búa hàng quán đông vui , để vừa nắm phương hướng và vừa nắm được tình hình khách sạn , nhà nghỉ , cửa hàng ăn uống , địa điểm vui chơi giải trí v . . . v . . .

Tòa đô chánh thành phố Taiping – Thái Bình .

Ghé qua vài khách sạn , vài nhà nghỉ nhưng vẫn chưa dừng chân được vì cái thì hơi cao giá , cái thì xập xệ quá , cái thì được nhưng lại phải bị cộng thêm tiền thuế ” đi chơi ” dành cho người ngoại quốc , thật đáng ghét ! Cuối cùng thì cũng có được căn phòng nhỏ trong khách sạn Peking . Anh chàng ở quầy tiếp tân , thuộc dạng công tử ” bạch diện thư sinh ” , chắc là con của chủ khách sạn , thấy khách đi xe máy từ Sài Gòn , xuyên Kampuchia , xuyên Thái Lan và đến tận nơi này nên ngạc nhiên và thích thú lắm , không ngờ có được chuyện như vậy nên rất vui vẻ , mời uống nước và còn . . . khuyến mãi , giảm giá phòng nữa – hân hạnh quá !

Hotel Peking là một biệt thự được xây năm 1929 , nằm trong khu trung tâm phố . Trong thế chiến thứ hai , biệt thự này bị quân đội Nhật trưng dụng làm trụ sở của quân cảnh . Không biết trong thời gian quân cảnh Nhật đóng tại đây có cảnh giam cầm , đánh đập , tra tấn tù nhân đến chết hay không nhưng buổi tối , mặc dù phòng nhỏ và hẹp như trong trại giam , mình vẫn ngủ ngon , không thấy bị . . . ma hiện hồn về chọc ghẹo !

Thành phố này nằm bên sông Sungai Larut và ban đầu có tên là Larut . Năm 1848 , cùng thời điểm này bên San Francisco – Mỹ , có cơn sốt người người đổ xô đi tìm vàng thì tại đây , thuộc lưu vực sông Sungai Larut , người ta tìm thấy thiếc ! Thế là xảy ra cơn sốt đi đào và đãi thiếc ven sông Sungai Larut !

Trong những năm 1860 , Larut là thành phố sống nhờ vào các mỏ thiếc và phát triển rất mạnh rất nhanh . Chuyến xe lửa đầu tiên của Malaysia đã chạy vào năm 1885 , chở thiếc từ các hầm mỏ ra cảng biển Port Weld – bây giờ tên là Kuala Sepetang , cách đó 16km .

Lợi nhuận từ các mỏ thiếc rất lớn nên đã xảy ra nhiều tranh chấp , chủ yếu là giữa 2 băng đảng xã hội đen có gốc gác từ Trung Hoa . Hai băng đảng này đụng độ , chém giết nhau thường xuyên trong gần 25 năm dài và sau cùng mức độ chết chóc quá khủng khiếp đến nỗi nhà cầm quyền Anh phải dùng sức mạnh quân sự để can thiệp , tái lập trật tự !

Tháng 1 năm 1874 , dưới sự ” đạo diễn ” của người Anh , các phe phái thù địch đã đồng ý gặp nhau , đàm phán để có được một ” hiệp ước hòa bình ” , từ đó thành phố Larut được có tên mới là Taiping – Thái Bình , Hòa bình vĩnh cửu , theo cách đọc Hán – Việt !

Phía tây bắc là Lake Garden , khu vườn cây lá xanh tươi , rộng bằng cả thành phố , có cả nhiều hồ nước và vườn bách thú to lớn , được cải tạo từ một mỏ thiếc đã khai thác xong từ năm 1890 . Cạnh Lake Garden là con đường ngoằn ngoèo , quanh co , khúc khuỷu , dài hơn 10km nhỏ , hẹp và rất dốc , dẫn lên Bukit Larut – còn gọi là Maxwell Hill , ở độ cao 1.100m . Giữa lưng chừng núi và trên đỉnh đều có vài nhà nghỉ , chủ yếu cho những nhóm nhiều người lên đây để thay đổi không khí , nhất là trong những dịp cuối tuần , ngày lễ .

Thành phố Taiping – Thái Bình nằm theo hướng đông bắc – tây nam , gồm chừng 10 đường ngang và 10 đường dọc cắt nhau như trên bàn cờ , khó mà bị lạc đường ! Phố xá chỉ loanh quanh khu chợ ở ngay trung tâm . Vì xưa kia nơi đây từng là nơi giàu có nên vẫn còn tồn tại một số biệt thự , dinh thự với nét đẹp của thời hơn trăm năm trước . Trường King Edward – Đệ Thất , có từ năm 1883 , là trường đầu tiên ở Malaysia được dạy bằng tiếng Anh .

Trên con đường chính – Jalan Kota , với ngôi chợ lớn , nhiều cửa hàng buôn bán , phố xá nhộn nhịp , đương nhiên không thể thiếu một tháp đồng hồ được xây dựng từ lúc người Anh bảo hộ nước này ! Ở tầng trệt của một ngôi nhà bề thế gần chợ là nhà hàng của chủ gốc Hoa , ăn theo kiểu . . . ” cơm chỉ ” – muốn món nào , chỉ món đó ! Thực đơn ghi toàn tiếng Tàu , không thèm ghi tiếng Malaysia , đủ thấy tỉ lệ dân gốc Hoa ở đây và ảnh hưởng nếp sống của người gốc Hoa lớn như thế nào !

Tháp đồng hồ ở đường Jalan Kota , được xây dựng từ thời nước Anh còn chế độ bảo hộ Malaysia .

Taiping đúng là thành phố Thái Bình , phố phường cũng như con người đều hiền hòa , đi lên đi xuống đi ngang đi dọc trong một buổi chiều là . . . hết ! Lên núi Bukit Larut chơi thì hơi bất tiện vì chỉ được đi bằng xe Land Rover , lịch xe chạy lại không được thường xuyên , còn lội bộ thì cần nhiều tiếng đồng hồ ! Buổi chiều thấy có nhiều mây đen bao phủ phía núi , báo hiệu thời tiết không thuận tiện nên chuyện ” lên đỉnh ” phải đành để dành cho một dịp khác !

 

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

 

Xin mời các bạn bấm vô đây để xem thêm hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây