Du ký “Ngược Đường Hồ Chí Minh” từ Sài Gòn ra Hà Nội. Đơn thân độc mã – Một người một ngựa sắt Honda Blade 110cc theo Đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 14 từ Sài Gòn xuyên Cao Nguyên Trung Phần đến Khe Sanh – Quảng Trị – Quốc lộ 9. Đi tiếp từ Khe Sanh theo Đường Hồ Chí Minh – Nhánh Tây trên dãy Trường Sơn, sát với biên giới Việt Nam – Lào, đến Lam Sơn – Lam Kinh rồi xuôi xuống đồng bằng, về thành phố Thanh Hóa.

Bài số 22. Ninh Bình – Tam Cốc – Hoa Lư – Tràng An.

Thành phố Ninh Bình là thủ phủ của tỉnh cùng tên, nằm trên quốc lộ 1, cách Hà Nội 95km về hướng nam, với 130.000 cư dân. Sông Hoàng Long từ phía tây bắc, sông Vân từ phía nam, đến thành phố Ninh Bình nhập vào sông Đáy làm thành ranh giới thiên nhiên của 2 tỉnh Ninh Bình – Nam Định, chảy qua 2 huyện Yên Khánh – Kim Sơn, sau đó đổ nước vào Vịnh Bắc Bộ – Biển Đông.

Từ năm 2014, nguyên cả cụm quần thể Tam Cốc – Bích Động – Tràng An – Cố Đô Hoa Lư được tổ chức Unesco công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Từ đó Ninh Bình được đầu tư và phát triển rất mạnh về hạ tầng cơ sở, phục vụ cho du lịch.

Bến đò Tam Cốc – Bích Động

Nằm không xa Hà Nội, có quốc lộ 1 và đường xe lửa Bắc – Nam chạy ngang, có cả đường cao tốc từ Hà Nội đi Cầu Giẻ gần Phủ Lý nên đường đến Ninh Bình tương đối dễ dàng. Nhưng cũng vì chỉ cách Hà Nội 95km và giao thông vận tải tiện lợi nên rất tiếc có nhiều người lại bị rơi vào những Tour du lịch kiểu All in One Day – Một ngày được đi hết, nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi mà nói lên : “Đi rất nhiều nhưng (cảm) nhận chẳng bao nhiêu” !

Buổi sáng chưa kịp ăn điểm tâm đã phải vội vàng khởi hành từ Hà Nội, đi 95km đến Ninh Bình rồi chạy đôn chạy đáo qua nhiều địa điểm tham quan, sau đó ăn trưa, rồi chụp vội vàng được một số hình ảnh và phải lên xe để còn vượt qua 95km, quay về Hà Nội. Chạy xuôi chạy ngược cả ngày trời, rã rời thân xác mà cuối ngày chẳng biết mình đã đi những nơi nào !

Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử hấp dẫn, nhiều cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, bạn nào dư thời giờ có thể lưu lại ít nhất một đêm, tốt hơn nên ở 3 ngày 2 đêm, nếu thêm được một đêm ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương nữa thì tuyệt vời.

Khách sạn – nhà nghỉ – phòng trọ rải đều khắp nơi. Đa số nằm ở trung tâm thành phố, một số khách sạn lớn nhiều sao, nằm ở ngoại ô trên đường đi đến những danh lam thắng cảnh, chủ yếu phía tây thành phố.

Những năm gần đây, gần khu vực bến đò Đình Các, với những con thuyền nho nhỏ chở khách đi tham quan Tam Cốc, hình thành khu Tây Ba Lô với nhiều khách sạn – nhà nghỉ – Homestay. Ở khu này xa phố phường nên chiều tối chỉ la cà hàng quán ăn nhậu, bia rượu.

Một số Homestay xinh xắn ở đây nằm rải rác khắp nơi, cạnh đầm nước, cạnh con sông nho nhỏ, giữa thung lũng chung quanh là núi đá vôi, giữa cánh đồng lúa hoặc bên khu rừng lau. Những nhà nghỉ này được dân Ta gọi là Homestay nhưng hoàn toàn không đúng nghĩa của chữ Homestay, mà lúc du nhập qua xứ Ta bị hiểu nhầm theo chiều hướng “móp méo”, thậm chí bị dân ta hiểu ngược lại !

Homestay ở Việt Nam là một nơi được đầu tư xây dựng mới tinh và phải là “độc – lạ, ăn ảnh – manger photo” chứ không phải phục vụ cho mục đích chính là cùng ở dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt chung trong một gia đình của người dân tại địa phương để tìm hiểu đất nước và con người nơi đây, theo đúng như ý nghĩa sâu sắc của từ ngữ này.

Mình đã có dịp ghé qua Ninh Bình nên không còn được có cái thú vui chạy xe lòng vòng trong khu phố Cũ, vừa được ngắm nhìn phố phường vừa tìm phòng trọ như những lần trước mà . . . “Ngựa quen đường cũ”, đến ngay địa chỉ quen, nhận phòng trọ ở một nhà nghỉ cũ kỹ, đã ở năm cũ, gần nhà ga xe lửa cũ, trong khu phố Cũ của Ninh Bình.

Nhà ga Ninh Bình cũ không còn hoạt động nữa nên toàn bộ cơ sở vật chất được một công ty du lịch thuê, sửa chữa cải tạo lại thành một Hostel – Nhà nghỉ kiểu phòng có nhiều giường hai tầng để hạ giá thuê, nhưng rất tiếc là giá thuê giường cũng như thuê phòng ở Hostel này không dễ chịu như cái tên Hostel của nó – lại thêm một trường hợp sử dụng ngoại ngữ mà không cần hiểu cho đến nơi đến chốn.

Phía tây thành phố Ninh Bình có nhiều địa điểm tham quan và cách nhau từ vài cây số đến mười mấy cây số nên tốt nhất là có phương tiện di chuyển riêng, có thể thuê xe máy ở một số cửa hàng trong phố.
Những năm xưa, địa điểm được khách đến tham quan chỉ có Tam Cốc – Bích Động và khu Cố Đô Hoa Lư.

– Tam Cốc.

Thuyền nan lướt nhẹ trên sông Ngô Đồng – Tam Cốc, cuối mùa Thu năm 1998. Cái áo da màu đen, quà tặng của kiến trúc sư Lê Thành Nhân – Berlin, đã được “hóa kiếp”. Dây nịt được tặng năm 1996 vẫn còn dùng tốt. Cái mũ màu nâu vẫn còn. Huy hiệu Hướng Đạo màu xanh lá cây nhỏ xíu gài trên mũ, được anh chủ cafe Scout ở Hội An tặng trước một tháng, đã bị rơi rớt ở khách sạn Lan Anh – Mường Lay – Lai Châu. Vật chất trong cuộc đời, đến rồi đi. Ngay cả khách sạn Lan Anh – Mường Lay năm nào bây giờ cũng đã chìm dưới sông Đà.

Bến đò Đình Các nằm ở phía nam, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng chừng 6km, tập trung nhiều thuyền nhỏ, xưa kia là thuyền nan bằng mây tre bây giờ cũng vẫn nho nhỏ, đủ ngồi 3 – 4 người Việt hoặc . . . 2 người nước ngoài, nhưng bằng vật liệu thiếc mỏng, sử dụng được lâu hơn, không được đẹp và thơ mộng như thuyền nan.

Ngay bến đò có Cố Viên Lầu. Nằm trong khuôn viên 20.000m2 là 22 ngôi nhà cũ xưa, được sưu tầm khắp các nơi ở Việt Nam, đem về đây dựng lại cho khách tham quan. Bên đối diện là đình Các, ngôi đình của thôn Văn Lâm. Trong thôn này có các gia đình sống bằng nghề thêu ren.

Thuyền nhỏ chèo bằng tay chở khách ngược sông Ngô Đồng, chầm chậm xuyên qua những núi đá vôi. Chuyến du ngoạn dài khoảng 3 tiếng đồng hồ và qua 3 cái hang động. Gọi là sông nhưng không thấy nước chảy, và nước không sâu. Khách được đưa đi “sống chậm” trong một khu bảo tồn thiên nhiên, vùng núi sông hữu tình, phong cảnh xanh tươi xinh đẹp.

– Đền Thái Vi.

Từ bến đò Đình Các – Tam Cốc, khách có thể đi xe máy hoặc muốn sống chậm thì có thể dạo bộ chỉ chừng 1.300m đến đền Thái Vi. Đi theo lối này sẽ băng qua sông Ngô Đồng ở Cống Rồng, nơi những đoàn thuyền nho nhỏ xinh xinh chở du khách đi ngang, trên đường vào Tam Cốc.

Đền Thái Vi, gần bến thuyền Tam Cốc.

Sau khi đánh đuổi được quân Nguyên lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng, về đây lập am Thái Vi để tu hành. Đền Thái Vi được xây dựng trên nền của am Thái Vi xưa kia, giữa động Vũ Lâm. Ở vùng này động không được hiểu là hang – động mà có nghĩa là một vùng đất bằng phẳng và chung quanh có núi bao bọc.

Đến đời Hậu Lê, đền được trùng tu – tôn tạo – mở rộng. Đền có tháp chuông 2 tầng bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Chính điện có cột, xà bằng đá xanh, được chạm khắc rất tinh vi. Nơi đây có tượng thờ vua Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên.

– Hang Múa.

Điểm tham quan này gần bến đò Tam Cốc. Ngay chân núi có cái hang xuyên núi, chính là Hang Múa, được đặt tên như vậy vì đây là nơi các cung nữ thời Trần múa hát phục vụ cho hoàng gia ở am Thái Vi.

Từ chân núi, leo 486 bậc thang để lên đến đỉnh. Trên chót vót cao nhất có một đài tứ giác với tượng Quan Âm. Từ đây, ta có cái nhìn toàn cảnh vô cùng ngoạn mục, được thấy cả Cố Đô Hoa Lư xưa kia. Con sông Ngô Đồng lững lờ phía dưới, chảy quanh co bên những cánh đồng lúa, uốn lượn qua những núi đá vôi, từng đoàn thuyền nhỏ chở khách nối đuôi vào hang Cả hoặc đang về lại bến đò Tràng An.

– Chùa Bích Động.

Cũng từ bến đò Đình Các – Tam Cốc, đi đường bộ khoảng 2.000m về hướng tây, ta đến chùa Bích Động. Động Hương Tích ở Hà Tây được người xưa cho là “Nam thiên đệ nhất động – Động đẹp nhất trời Nam” và Bích Động được đánh giá là “Nam thiên đệ nhị động – Động đẹp thứ nhì trời Nam”, chắc vì thời xưa đất nước chúng ta chưa được rộng lớn như ngày nay, nên chỉ biết mấy động này thôi. Thời bây giờ đã khám phá ra những động đẹp hơn rất nhiều.

Chùa Hạ – Bích Động.

Toàn khung cảnh chùa Bích Động đẹp như tranh vẽ, như hòn non bộ trong hồ cá lớn : Hồ sen rộng lớn bao quanh, con đường hẹp qua cái cầu nhỏ bằng đá dẫn vào cổng chùa. Dưới chân núi là chùa Hạ, ở lưng chừng núi có chùa Trung. Quận Công Nguyễn Nghiễm, người cha của thi hào Nguyễn Du, đã có dịp qua đây và để lại dấu tích bằng 2 chữ Bích Động thật lớn, được chạm khắc trên vách đá của mái chùa Trung, và dòng chữ nhỏ hơn ở bên cạnh : “Nguyễn Nghiễm phụng đề”.

Leo cao thêm một đoạn nữa sẽ đến chùa Thượng, tọa lạc trên cao nhất. Nơi đây chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh – Panorama, nhìn xuống cả một khu vực thiên nhiên xanh tươi xinh đẹp chung quanh chùa Bích Động.

– Khu du lịch vườn chim Thung Nham.

Lại đi thêm 4km nữa về hướng tây chùa Bích Động để đến Thung Nham. Mua vé vào cửa, được đi thuyền tham quan một vùng ngập nước tiêu biểu cho phía tây Ninh Bình, có đầy đủ : Hồ nước, núi đá vôi, rừng cây, hang động và đặc biệt là nơi sinh sống hơn 50.000 con cò, vạc, le le . . .

Thung Nham – Ninh Bình.

Ai sung sức có thể thử leo gần 439 bậc thang đá lên tham quan động Vái Giời. Động rộng đến 5.000m2, có 3 tầng tượng trưng cho địa ngục – trần gian – thiên đường. Thuyền còn cho ghé hang Bụt dài 500m, lòng hang rộng có rất nhiều nhũ đá với những hình thù kỳ lạ. Sau đó đi thăm vườn cây ăn trái và chiêm ngưỡng cây cổ thụ vài trăm năm tuổi.

Nhiều năm gần đây có thêm một điểm tham quan thu hút được rất nhiều người : Khu Du lịch Tràng An.

– Khu Du lịch Tràng An.

Bến thuyền khu du lịch Tràng An – Ninh Bình.

Nằm ở phía tây thành phố Ninh Bình, bên đại lộ Tràng An, cách trung tâm phố phường khoảng 6km. Giống như bên Tam Cốc – Bích Động, nơi này cũng có bến đò với rất nhiều thuyền nho nhỏ, chèo bằng tay, chở mỗi thuyền vài người khách đi một vòng 3 tiếng đồng hồ qua một vùng non nước hữu tình, xuyên các hang động, ghé qua các thung lũng núi đá đẹp như tranh thủy mặc.

Đi tiếp đại lộ Tràng An về hướng bắc chỉ vài cây số, chúng ta đến cụm địa điểm tham quan đã có từ lâu :

– Đền Đinh Tiên Hoàng,

Hoàng đế đầu tiên lên ngôi ở nước ta nên được gọi là Tiên Hoàng, kiểu như bên Tàu Tần Thủy Hoàng là hoàng đế khởi thủy cho triều Tần. Đền được xây dựng mô phỏng như một cung vua nhưng tất cả đều đơn giản và nhỏ. Bên ngoài có ngọ môn, nghi môn rồi thành ngoài thành trong v. . . v. . . Có cả long sàng bằng đá, được chạm rồng rất đẹp, một ở ngoài sân và một ở trước điện thờ.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư – Ninh Bình.

Trong điện thờ, có bức hoành với hàng chữ “Chính thống thủy” – Mở nền chính thống. Tượng Đinh Tiên Hoàng có các con là Đinh Liễn, Đinh Toàn, Đinh Hạng Lang ở hai bên.

– Đền vua Lê Đại Hành.

Đền này và đền Đinh Tiên Hoàng được dân ở đây lập nên sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Đền được sửa chữa nhiều lần dưới thời Hậu Lê. Vua Lê Đại Hành lúc lên ngôi bị coi là tiếm vị nên dân gian có sự phân biệt trong đối xử. Đền Lê Đại Hành cũng được xây dựng như đền Đinh Tiên Hoàng nhưng nhỏ hơn và ít được sửa chữa tu bổ, nhưng . . . “Tái Ông thất mã”, nhờ vậy mà điện thờ vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.

Đền thờ Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, gần Đền thờ Đinh Tiên Hoàng

Giữa điện thờ là tượng Lê Hoàn, bên cạnh có người con là Lê Long Đỉnh, còn bị gọi là Lê Ngọa Triều. Vị trí của hoàng hậu Dương Vân Nga, lúc còn sống cũng như khi qua đời đều rất đặc biệt : Sinh thời bà là hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, rồi sau đó là hoàng hậu của Lê Đại Hành. Lúc qua đời được thờ, tượng của bà tuy gần bên Lê Đại Hành ở đền vua Lê nhưng tư thế lại hướng về phía ông chồng cũ ở đền Đinh Tiên Hoàng, chỉ cách đó vài trăm thước.

– Mộ của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Trước đền thờ Đinh Tiên Hoàng là núi Mã Yên, vì núi có hình yên ngựa. Núi nhỏ và có lối lên lăng mộ của Ông trên đỉnh núi, không cao lắm, chưa tới 100m. Mộ Đinh Tiên Hoàng khiêm nhường, nằm trong một diện tích nhỏ vì núi cũng nhỏ thôi. Nhìn về phương diện phong thủy thì khu lăng mộ này thấy có vẻ nhỏ bé – chật hẹp – gò bó. Phải chăng vì vậy mà triều đại của họ Đinh chỉ ngắn ngủi trong 12 năm thôi ?

Dưới chân núi này, ở mặt phía nam, có mộ của vua Lê Đại Hành. Lăng mộ của Ông cũng rất khiêm nhường. Nhà Tiền Lê, 980 – 1010, cũng chỉ truyền được thêm 2 đời nữa và chấm dứt khi Lý Thái Tổ lên ngôi. Nói thì nói vậy thôi chứ lăng mộ các chúa Nguyễn cũng khiêm nhường nhưng từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558 đến lúc Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị cuối tháng 8 năm 1945, kéo dài gần 400 năm.

Từ khu Cố Đô Hoa Lư đi theo đại lộ Tràng An 5km về hướng tây bắc, chúng ta đến chùa Bái Đính.

– Chùa Bái Đính.

Trên khuôn viên rất rộng, không do giáo hội Phật giáo mà là do tập đoàn tư nhân Xuân Trường “đầu tư”. Cổng chính đóng chặc, tất cả các loại xe phải đậu ở bãi đậu xe rất xa, trả phí đậu xe rất cao và phải đi theo đường vòng để vào chùa rất xa, khoảng 1.500m. Thế là mọi người phải mua vé với giá cao để đi xe điện vào chùa. Trong chùa, muốn tham quan Bảo Tháp, lại phải mua vé 50.000 ngàn !

Chùa Bái Đính “mới”.

Những khối nhà to lớn đồ sộ, những hành lang trải dài với hằng hà sa số, 500 tượng La Hán đủ các kiểu nhưng nhiều tượng bị hư hỏng, bị gãy ngón tay ngón chân mà không thấy sửa chữa tu bổ.

Nhìn chung ta sẽ không thấy có chút gì để làm cho thiên hạ hướng về tâm linh mà nghiêng về tính du lịch tham quan, nhất là chủ yếu để đạt từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, và “len lỏi luồn lách qua nhiều khái niệm” để làm tiền dưới bóng Phật – Chùa – Tôn giáo. Thật là ngao ngán, đáng báo động và nguy hiểm về chuyện lòng tin nơi cửa Phật !

– Chùa Bái Đính “thật”.

Cách chùa Bái Đính “lớn” hiện nay khoảng 800m là chùa Bái Đính cổ. Chùa Bái Đính cổ – tức là Bái Đính “thật” nằm trên núi. Ngay dưới chân núi có một hồ nước tròn đường kính 30m, là giếng lớn nhất nước ta, mang tên Giếng Ngọc. Sau khi leo lên 300 bậc thang, chúng ta đến chùa Bái Đính “cổ”.

Chùa có kiến trúc cổ kính, nằm trên lưng chừng núi, giữa không gian trầm mặc, tĩnh lặng. Chùa thờ Phật, thờ Nguyễn Minh Không, có đền thờ thần Cao Sơn, có điện thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Một danh lam thắng cảnh không nên bỏ qua.

– Kênh Gà * Suối khoáng nóng * động Vân Trình.

Từ chùa Bái Đính “mới”, đi thêm 5km về hướng bắc chúng ta đến Kênh Gà. Đây là cụm 3 địa điểm du lịch gần nhau. Kênh Gà là làng Công Giáo nho nhỏ hiền hòa với một nhà thờ xinh đẹp nằm ngay bên một ngả 3 của sông Hoàng Long, giữa vùng có nhiều núi đá vôi, ngọn nọ ngọn kia không dứt.

Gần đó, bên cạnh bờ sông, khu tắm nước khoáng nóng Kênh Gà nóng 53 độ C, có một hồ lớn và nhiều khu bồn riêng lẻ cho khách ngâm nước suối khoáng nóng.

Suối khoáng nóng ở Kênh Gà – sông Hoàng Long.

Không xa khu suối khoáng nóng Kênh Gà là động Vân Trình. Có thể lênh đênh bằng thuyền nhỏ trên tuyến đường thủy Kênh Gà hoặc theo đường đê ven sông Hoàng Long để đến động. Động Vân Trình nằm trên lưng chừng một vách núi, thuộc vào hạng lớn và đẹp của Ninh Bình.

– Đầm Vân Long.

Từ nhà thờ làng Công Giáo Kênh Gà, chúng ta đi về hướng bắc 6km, đến khu du lịch Vân Long. Đây là đầm rộng hơn 2.500 ha, có được do xây đập chống nước lụt. Bến đò ở đây cũng có thuyền nhỏ chở khách đi một vòng 90 phút ngắm những cánh đồng lau, xen lẫn những núi đá vôi, những khu có nhiều cò sinh sống.

Đầm Vân Long trong ánh nắng chiều.

Đặc biệt nơi đây còn tồn tại được 70 con “Voọc quần đùi trắng”, loài động vật chỉ có ở Việt Nam và đang bị nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2016, khu này và khu Tràng An được chọn làm bối cảnh để quay nhiều đoạn trong phim Skull Island của Hollywood – Mỹ.

– Chùa và động Địch Lộng.

Từ khu du lịch Vân Long, đi về hướng quốc lộ 1, sau 5km chúng ta được tham quan 2 danh lam thắng cảnh nằm gần nhau : Chùa và động Địch Lộng.

Cổng chùa Địch Lộng – Ninh Bình.

Cầu Đoan Vĩ nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Đáy và là ranh giới thiên nhiên của 2 tỉnh Hà Nam – Ninh Bình. Ngay đầu cầu này, ở phía nam vẫn còn nằm trong địa phận Ninh Bình, có con đường 1km dẫn vào chùa và động Địch Lộng.

Ngay dưới chân núi có ngôi đình được gọi là đình Đá vì tất cả cột và xà đều bằng đá. Lưng chừng núi là động Địch Lộng, gió ở đây thổi xuyên qua các khe đá khe núi phát ra âm thanh vi vu như tiếng sáo. Địch là cây sáo và Lộng là điệu nhạc.

Ngày xưa, đất nước ta không to lớn như bây giờ và thiên hạ chắc chỉ du lịch quanh quẩn gần Thăng Long – Hà Nội thôi, kiểu như con ếch nằm dưới đáy giếng nên Hương Tích được vua Tự Đức ban cho tên Nam Thiên đệ nhất động và Tĩnh Đô Vương – Trịnh Sâm cho Bích Động thêm tên là Nam Thiên đệ nhị động. Địch Lộng được vua Minh Mạng ghé tham quan trong chuyến tuần du phương Bắc gọi là Nam Thiên đệ tam động. Giống như đi thi chỉ một mình ta nên nếu đậu thì được coi như là đậu . . . thủ khoa !

Con sông Vân chảy xuyên thành phố Ninh Bình theo hướng tây nam – đông bắc và chảy vào sông Đáy ngay núi Non Nước. Không biết có phải đây là con sông Vân của cô gái giũ lụa trên sông vào mùa xuân năm nào và đã được thi sĩ Nguyễn Bính đưa vào thi ca :

Em như cô gái hãy còn Xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở,
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Tết âm lịch 1953 tại Sài Gòn, mùa xuân xa nhà xa gia đình không có người thân và đang nhớ ray rức về quê cũ ở ngoài Bắc, nhạc sĩ trẻ Từ Vũ mới 21 tuổi, tình cờ đọc được bài thơ Gái Xuân của Nguyễn Bính, thích quá và chỉ trong chốc lát đã viết một mạch thành bản nhạc Gái Xuân, sau đó thành công vang dội.

Có người cho rằng ở Nam Định, quê hương của nhà thơ Nguyễn Bính cũng có một đoạn sông tên Vân, cái tên thật đẹp và cũng đầy chất thơ . . .

Trở lại với nơi con sông Vân ở Ninh Bình chảy vào sông Đáy : Núi Non Nước – Danh lam thắng cảnh nơi đây, nằm trong công viên Thúy Sơn. Dưới chân núi có đền thờ Trương Hán Siêu, danh nhân văn hóa, quê Ninh Bình, làm quan trải qua 4 triều vua thời Trần. Núi không cao lắm, có lối đi bằng bậc thang đá lên cao.

Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh tươi xinh đẹp, có Nghinh Phong Các – Lầu đón gió, thuận tiện cho khách tham quan nghỉ ngơi thư giãn. Trên những vách núi đá, gần 40 bài thơ của vua chúa, tao nhân mặc khách như Trần Anh Tông – Lê Thánh Tông – Trương Hán Siêu v. . . v. . . được khắc lên tường đá trên núi cho đời sau thưởng lãm.

Trên núi vẫn còn vết tích nhiều lô cốt của một căn cứ quân đội Pháp ngày xưa. Đứng ở một số địa điểm trên đỉnh, chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh – Panorama đầy đủ và rất đẹp, nhìn xuống thành phố Ninh Bình với 2 cây cầu bắc qua sông Đáy, thấy sông Vân chảy vào sông Đáy.

Một góc khác dưới chân núi, ngay sát bên cạnh sông Đáy là chùa Non Nước, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông, 1066 – 1128, vị vua Việt Nam dưới thời Đại Việt, trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến của nước ta, từ 1072 đến 1128, được 56 năm.

Ngoài Gái xuân của thi sĩ Nguyễn Bính, sông Vân này còn liên quan đến một câu chuyện tình hơn một ngàn năm trước.

Khi Thập Đạo Tướng Quân – Lê Hoàn lên đường đánh giặc phương Bắc, hoàng hậu Dương Vân Nga có hẹn sẽ đón chinh nhân trở về ở sông Vân này. Mùa hè năm 981, Lê Hoàn cùng đoàn quân chiến thắng trở về, ca khúc khải hoàn. Thời điểm đó trên trời có gió thổi mây ngũ sắc bay đến, dưới đất có hành cung thuyền bè với “đầy đủ tiện nghi” để đón người hùng chiến thắng trở về. Từ đó sông được mang tên Vân Sàng – Giường Mây.

Ngày nay, bên bờ sông Vân ở thành phố Ninh Bình vẫn còn dấu ấn của cặp đôi này :

Hai con đường lớn chạy hai bên bờ sông Vân, dài hơn 1.000m từ cầu Lim – Quốc lộ 10 đến ngả 3 sông Vân chảy vào sông Đáy là đường Lê Đại Hành và đường Dương Vân Nga song song với nhau, gợi cho chúng ta liên tưởng đến ngày vui, mọi người được đón đoàn quân chiến thắng hồi hương và sự tích độc đáo của tên con sông này : Vân Sàng – Giường Mây.

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

 

0 Comments

Post your comment

Liên Lạc

Thư từ xin gởi về nguyenchihoainhon @gmail.com

Số lượt trang đọc

60,017

Tìm Kiếm