Du ký “Ngược Đường Hồ Chí Minh”, từ Sài Gòn theo quốc lộ 14 xuyên Cao Nguyên Trung Phần ra đến Khe Sanh – Quốc lộ 9 – Quảng Trị. Từ Khe Sanh tiếp tục theo Nhánh Tây của Đường Hồ Chí Minh, đi trên lưng dãy Trường Sơn, sát biên giới Việt Nam – Lào ra đến Lam Kinh – Lam Sơn – Thanh Hóa.
Rời Đường Hồ Chí Minh tại khu vực huyện Lam Sơn ở vùng cao phía tây tỉnh Thanh Hóa, xuống đồng bằng đi ven theo sông Chu, rồi theo sông Mã để về thành phố Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa hành trình đi kiểu chữ Z ngang qua nhà thờ Đá Phát Diệm, đến Ninh Bình. Từ Ninh Bình lại đi theo chữ Z về Nam Định.
Bài số 23 – bài kề cuối. Từ Ninh Bình đi Nam Định.
Ninh Bình có rất nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh rất hấp dẫn rất đẹp nên bạn nào đã muốn ghé qua đây, nên lên chương trình có thêm thời gian để được lưu lại nơi này thoải mái, ít nhất là vài ngày.
Thành phố Ninh Bình cách Hà Nội 95km về hướng nam, đi xe máy chỉ vài tiếng đồng hồ là về đến phố Cổ Hà Nội nên mình chưa muốn về đích sớm vì trong cuộc đời về đến đích là hết, là chấm dứt cuộc vui, không còn gì để nôn nao – chờ đợi – khắc khoải nữa. Trong các cuộc cách mạng, giai đoạn tiền khởi nghĩa lúc nào cũng là thời gian đẹp nhất : Gay cấn – sôi nổi – hấp dẫn. Thi sĩ tiền chiến Hồ Dzếnh cũng có vài lời gửi đến những đôi tình nhân, hương vị và giá trị của tình yêu qua bài thơ “Ngập ngừng” :
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thế cho nên mình lại vẽ hành trình đi kiểu chữ Z một lần nữa : Từ Ninh Bình theo quốc lộ 10 ghé qua thành phố Nam Định, cũng là đoạn đường ngắn nhất trong suốt hành trình từ Sài Gòn ra Hà Nội, chỉ 30km.
Rời thành phố Ninh Bình, vượt cầu qua sông Đáy, chúng ta đã vào địa phận huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Từ đây sông Đáy là ranh giới thiên nhiên giữa 2 tỉnh Ninh Bình – Nam Định, chảy lững lờ theo hướng bắc – nam thêm gần cả trăm cây số nữa, qua những cánh đồng miền hạ lưu châu thổ sông Hồng và đổ nước vào Vịnh Bắc Bộ – Biển Đông.
Km 14 – Thị trấn Gôi.
Thị trấn nhỏ, nằm trên quốc lộ 10 và giữa chặng đường từ Ninh Bình đi Nam Định. Từ đây có đường 56, quẹo trái đi về hướng bắc khoảng 3km ta sẽ đến Phủ Giầy.
Đây là địa điểm tham quan, di tích lịch sử tôn giáo, được rất nhiều khách hành hương viếng thăm, ở xã Kim Thái huyện Vụ Bản.
Cả quần thể gồm 20 công trình kiến trúc trên khuôn viên rộng lớn. Ngôi đền chính là Phủ Giầy, còn gọi là Phủ Tiên Hương bên cạnh chợ Viềng, thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Phủ nằm bên hồ sen bán nguyệt, có từ đời Cảnh Trị thời vua Lê, 1663 – 1671.
Gần đó, cách vài trăm thước, còn có Phủ Vân Cát, cũng thờ Mẫu nhưng không phải là đền chính, rộng hơn 1ha với 7 tòa nhà, thờ Thánh Mẫu thờ Phật và thờ Lý Nam Đế. Khách hành hương thường đền Phủ Giầy – đền chính trước, rồi sau đó ghé Phủ Vân Cát.
Cũng trong cụm di tích Phủ Giầy, năm 2013 ngôi chùa Tiên Hương to lớn với Bảo Tháp Hòa Bình 13 tầng cao 61m, giữ kỷ lục tháp chùa cao nhất Việt Nam được khánh thành. Phải chăng con “Vi trùng tạo kỷ lục” từ chùa Bái Đính “mới” đã lây lan qua những công trình kiến trúc chùa chiềng khác, say mê với chuyện tạo kỷ lục to lớn về “bê tông – gạch đá” mà ít quan tâm đến phần hồn, phần tâm linh – thanh cao – hướng thượng, là phần quan trọng nhất của một cơ sở tôn giáo ?
Vào tháng 3 âm lịch, nơi đây có lễ hội Phủ Giầy rất lớn, khách hành hương từ các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ kéo về dự rất đông, cũng là dịp để bà con gặp gỡ vui xuân với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như : Thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đánh cờ người v. . . v. . .
Đặc biệt tại thị trấn Gôi này hàng năm có một phiên chợ rất lớn tên là chợ Viềng Phủ vì chợ này nằm cạnh Phủ Giầy để phân biệt với chợ Viềng Chùa bên cạnh chùa Bi ở huyện Nam Trực cùng tỉnh. Hai chợ Viềng này một năm chỉ họp một lần từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 Tết âm lịch. Chợ lớn hơn và đông hơn là chợ Viềng Phủ – Vụ Bản, như là chợ Trời bán đồ cũ, họp ngoài trời, trải dài trên đường đến hơn 5km và rất đông kẻ mua người bán.
Hàng hóa chỉ là những loại cây nhỏ, những vật dụng cũ trong nhà hoặc công cụ phục vụ sản xuất, không xài nữa nên đem ra chợ bày bán cho vui. Bán hay mua cũng chỉ là giá rẻ, không mặc cả trả giá, cốt yếu để mua vui lấy hên cho năm mới và tất cả đều diễn ra trong màn đêm dưới ánh đuốc bập bùng nên phiên chợ độc đáo này còn được gọi là chợ Âm Phủ.
Km 30 – Thành phố Nam Định.
Thủ phủ của tỉnh cùng tên, cách Hà Nội 90km về hướng nam đông nam với 420.000 cư dân, lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội và Hải Phòng. Tại vị trí ở phía đông thành phố này, sông Hồng tách thêm một nhánh bên hữu ngạn thành con sông Đào, còn được gọi là sông Nam Định. Sông Đào chảy xuyên thành phố Nam Định theo hướng đông bắc – tây nam được 30km, rồi nhập vào sông Đáy.
Từ thành phố Nam Định, sông Hồng là ranh giới thiên nhiên giữa 2 tỉnh Nam Định – Thái Bình, chảy theo hướng tây bắc – đông nam khoảng chừng 90km nữa để rồi đổ nước vào Vịnh Bắc Bộ – Biển Đông ở Cửa Ba Lạt, ngay Khu Bảo tồn Thiên nhiên rừng ngập mặn – Vườn Quốc Gia Xuân Thủy.
Quốc lộ 10 từ Ninh Bình, từ Phủ Giầy dẫn chúng ta đi thẳng vào trung tâm thành phố Nam Định, đến hồ Vị Xuyên. Đã vài lần có phòng ở mấy khách sạn bên hồ Vị Xuyên nên lần này mình muốn thay đổi không khí, xách xe máy chạy lòng vòng trong khu Phố Cũ gần chợ Rồng, vừa đi tà tà dạo chơi vừa coi có khách sạn nhà nghỉ nào ở tiện hơn chăng ? Cuối cùng “công cuộc đổi mới” chỗ trọ thành công, tìm được một nhà nghỉ sạch sẽ – tươm tất – giá rẻ ngay phố Hàng Sắt, trong khu Phố Cũ.
Đường lớn nhất và buôn bán sầm uất nhất từ xưa đến nay ở Nam Định vẫn là đường Trần Hưng Đạo, khởi đầu từ cầu Đò Quan qua sông Đào. Con đường chính này dài khoảng 1.500m, đi ngang qua chợ Rồng và chợ Mỹ Tho đến công viên Tức Mặc rộng lớn ở phía bắc thành phố.
Là thành phố được thành lập khá sớm ở miền Bắc . Giống như Hà Nội, ở khu Phố Cũ vẫn còn nhiều con đường nhỏ – ngắn – hẹp, mang tên những hàng hóa được kinh doanh trên phố như : Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Sắt, Hàng Cau, Hàng Đồng, Hàng Đường v. . . v. . . Vài con phố đã mang tên mới, vài con phố không còn bán mặt hàng như tên của phố.
Trước năm 1975, nói đến công thương nghiệp của Nam Định mọi người đều nghĩ đến nhà máy dệt Nam Định, rất tiếc không theo kịp thời đại và đã giải thể. Nhà máy rất lớn này một thời đã nuôi cả thành phố. Gia đình nào có người làm việc tại nhà máy dệt là coi như yên tâm có được cuộc sống tương đối cơm no áo ấm. Thành phố có cả trường Cao Đẳng nghề công nghiệp Dệt May, Viện bảo tàng Dệt May.
Chợ Rồng – Nam Định, có từ năm 1922 và bị thiêu rụi vào năm 1991. Chợ hiện nay được kiến trúc sư Trần Dân Chủ thiết kế, gồm 3 tầng với diện tích sử dụng 10.000m2, chiếm 4 mặt tiền là 4 con đường và là chợ đầu mối chuyên bán sỉ hàng quần áo. Chợ vẫn mang dáng dấp của chợ cũ với 2 con Rồng trên nóc, ở mặt nhìn ra đường Trần Hưng Đạo.
Gần chợ Rồng là chợ Mỹ Tho. Có tên này vì đã từ lâu thành phố Nam Định ngoài miền Bắc và thành phố Mỹ Tho bên sông Tiền Giang ở Tây Nam Bộ kết nghĩa với nhau. Chợ Mỹ Tho là chợ đầu mối, chuyên bán sỉ những mặt hàng thực phẩm, hàng công nghệ và hàng tiêu dùng.
Phòng trọ ngay trong khu Phố Cũ nên mình không cần xài xe máy vẫn có thể đi bộ thư thả loanh quanh khám phá phố phường. Thành phố vẫn còn nhiều dấu vết cho thấy được người Pháp thiết kế qui hoạch đô thị nên vỉa hè tương đối rộng và nhờ nhịp sống ở đây không xô bồ – chen lấn – giành giật, không bị lấn chiếm lòng đường – lề đường – vỉa hè như Hà Nội hay Sài Gòn nên dạo bộ có thể là thú vui cho du khách khi đến đây.
Trong hành trình xuyên Việt cuối năm 1998, trước khi về đến Hà Nội, ghé Nam Định thăm một anh bạn và đó cũng là lần đầu tiên mình đến thành phố này. Vợ chồng anh bạn sống trong căn nhà nho nhỏ ở mặt tiền đường Nguyễn Du trong khu phố Cũ và gần hồ Vị Xuyên.
Mặt phía ngoài hai vợ chồng bán giày da, đủ sống và ở trong căn phòng ngay phía sau chỗ buôn bán. Bẵng đi một thời gian, những lần sau ghé qua Nam Định thì không gặp bạn nữa, và tiếc là bị mất liên lạc. Không biết giờ này hai vợ chồng bạn có còn ở Nam Định nữa không ? Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa không còn !
Trên con đường Nguyễn Du còn nhiều tiệm bán giày da. Đôi giày đang dùng bị rộng một tí và cái quai không còn dán chặc được, đi không được thoải mái nên mình vào một tiệm có quầy sửa chữa giày, nhờ sửa cái quai. Điều làm mình ngạc nhiên và thích thú là không phải anh thợ giày nào mà là cô con gái nhà chủ cửa hàng bán giày, nhanh tay sửa cái quai xong ngay. Trong miền Nam không thấy phụ nữ sửa chữa giày !
Địa điểm tham quan trong khu Phố Cũ có thể kể vài nơi :
– Cột Cờ và viện bảo tàng Nam Định, nằm ở đường Tô Hiệu. Cột cờ Nam Định cao 24m được xây dựng năm 1843 bằng gạch nung già màu đỏ sẫm, sau cột cờ Huế – 1807, cột cờ Hà Nội – 1812, cột cờ Bắc Ninh – 1838.
– Nhà thờ lớn Nam Định, xây năm 1875, . Bên cạnh nhà thờ là cầu Đò Quan bắc qua sông Đào, đi về các huyện miền biển ở phía nam.
– Chợ Rồng và chợ Mỹ Tho, ngay đường Trần Hưng Đạo.
– Hồ Vị Xuyên, trước có tên là Vị Hoàng nhưng dưới triều Nguyễn vì kiêng kỵ tên chúa Tiên – Nguyễn Hoàng nên nhận tên khác là Vị Xuyên. Hồ rộng khoảng 5ha, là dấu tích còn sót lại của con sông Vị Hoàng ngày xưa chảy qua lòng thành phố. Chung quanh hồ là công viên nhiều cây xanh với khu tượng đài Trần Hưng Đạo và lăng mộ Cụ Trần Tế Xương gần đó.
– Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương – Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn, 1231 – 1300. Tọa lạc tại một quảng trường rộng lớn, đường Nguyễn Du, đối diện với nhà hát thành phố và bên cạnh hồ Vị Xuyên. Tượng cao 10,2m nặng 21 tấn, đặt trên bệ cao 6,5m. Họa sĩ – điêu khắc gia Vương Duy Biên thiết kế và tượng được cơ sở đúc đồng Nguyễn Phùng Sơn thực hiện.
Tại Sài Gòn, lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh bên sông Sài Gòn đã bị cẩu đi mấy năm nay. Dân chúng muốn thắp hương dâng hoa lên cho Ngài không được ! Nơi tượng đài Đức Thánh Trần tại Nam Định có cả lư hương to đẹp, lúc nào cũng được nhân dân đến kính cẩn dâng hoa và hương khói nghi ngút.
Cách tượng đài Hưng Đạo Đại Vương chừng 70m là nơi an nghỉ của Tú Xương, 1870 – 1907. Ông là nhà thơ tài hoa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tên thật là Trần Duy Uyên, lúc đi thi lấy tên Trần Tế Xương. Chuyện thi cử của Ông vô cùng lận đận, 8 lần đi thi Hương đều bị trợt, chỉ có lần thứ tư đậu được Tú tài nhưng vẫn không qua được kỳ thi Hương. Từ đó Ông được gọi là Tú Xương.
Ông có bài thơ “Hễ mai tớ hỏng” :
Ngày mai tớ hỏng, tớ đi ngay,
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt, thế mà cay.
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,
Thưng đấu nhờ tay, một mẹ mày.
“Cống hỷ”, “Méc xì” thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.
Tú Xương lập gia đình rất sớm, năm 16 tuổi. Bà vợ lấy phải anh học trò “dài lưng tốn vải”, có với Ông một bầy con và cả cuộc đời làm lụng vất vả, lo cho chồng con. Ông Tú thương vợ nhưng chỉ biết . . . làm thơ tặng vợ.
Ông để lại cho những ông chồng cùng hoàn cảnh, bài thơ “Thương vợ” :
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Lăng mộ Ông được họa sĩ Vũ Dũng vẽ kiểu và trực tiếp giám sát việc tạc bia và đài hương, hoàn thành năm 1977. Bia mộ là tấm đá nằm nghiêng, đặt trên mộ, khắc tên và mấy câu thơ của Ông trong bài thơ “Sông Lấp” :
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Mặt sau tấm bia mộ có khắc câu viếng của Tam Nguyên Yên Đổ – Nguyễn Khuyến, 1835 – 1909, cũng rất tài hoa và cũng là đồng hương Nam Định :
Kìa ai chín suối xương không nát,
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
Nơi Ông chào đời và trưởng thành, lập gia đình là nhà 247 Phố Hàng Nâu, vì sa sút khó khăn nên đã lọt vào tay người khác. Sau đó gia đình Ông qua ở tại số 280, cùng Phố Hàng Nâu. Nhà này chính là nhà của mẹ vợ nhà thơ chia cho con gái, đã được địa phương xếp hạng là di tích lưu niệm Tú Xương. Tên của Phố Hàng Nâu xưa kia, bây giờ được đổi thành đường Minh Khai, chỉ cách nhà trọ của mình vài trăm thước.
Trên đời có nhiều chuyện éo le – ói ăm – ngang trái : Cuộc đời Tú Xương sống trong cảnh chật vật – khó khăn – thiếu thốn thì con đường mang tên Ông ở Sài Gòn là con đường toàn là biệt thự của nhà giàu trước năm 1975. Sau năm 1975 những biệt thự này lại được cấp cho các cán bộ lãnh đạo, và đến bây giờ mỗi biệt thự trên con đường Tú Xương ở quận 3 Sài Gòn trị giá vài trăm tỷ đồng.
Dạo bộ chung quanh hồ Vị Xuyên, chúng ta không thể không thấy một nhà thờ to lớn với kiến trúc mái vòm hình tròn rất độc đáo, hiếm thấy ở nước ta : Nhà thờ Khoái Đồng, xây dựng năm 1934, nằm trên đường Trần Tế Xương, một cạnh của hồ Vị Xuyên.
Cụm di tích lịch sử đã có từ xưa và được nhiều người đến viếng chỉ cách trung tâm phố phường 4km, nằm ngay phía bắc thành phố : Chùa Tháp Phổ Minh và khu Đền Trần.
– Chùa Phổ Minh. Ngôi chùa cổ nằm cùng trên một con đường và gần ngay bên cạnh cụm di tích đền Trần. Chùa được lập dưới triều Lý. Năm 1262, vua Trần Thái Tông cho xây dựng chùa lớn thêm và dựng tháp Phổ Minh, làm nơi tu tập cho hoàng gia – quí tộc – quan lại. Từ xa đã thấy tháp cao 14 tầng 21m, và vì thế dân gian gọi là chùa Tháp.
– Cụm di tích đền Trần. Gồm 3 ngôi đền : Đền Thượng, còn gọi là đền Thiên Trường. Một bên là đền Hạ – đền Cố Trạch, một bên là cung Trùng Hoa mới được xây dựng trong những năm gần đây.
Đền Thượng thờ bài vị 14 vị vua Trần, gồm 12 vua triều Trần và 2 vua thời Hậu Trần trong thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Vào năm 1852, lúc đang sửa chữa – tu bổ – tôn tạo đền Thượng, người ta đào được một bia đá có chạm khắc dòng chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch – Nhà cũ của Hưng Đạo Vương”.
Nhân dân dựa vào đó xây dựng đền Cố Trạch – đền Hạ, thờ Hưng Đạo Đại Vương cùng thân quyến và các tướng văn võ. Đối với dân Việt Nam Ta, Hưng Đạo Đại Vương hiển linh, được toàn dân ngưỡng mộ, tôn thờ là Đức Thánh Trần nên đền Hạ lúc nào cũng đông đảo người đến viếng, dâng hương hoa lên cho Ngài.
Cung Trùng Hoa tuy mới được xây dựng sau này nhưng nổi bật nhờ có nội thất đẹp lộng lẫy, và là nơi đặt tượng các vua Trần, được đúc bằng đồng.
Từ năm 1239, và đặc biệt trở nên đậm nét sau chiến thắng giặc Nguyên – Mông lần thứ nhất đầu năm 1258, vua Trần Thái Tông thực hiện nghi lễ tế Tiên Tổ. Tại phủ Thiên Trường có mở tiệc chiêu đãi, tưởng thưởng và phong chức cho những quan quân có công.
Đây là tập tục văn hóa mang tính nhân văn, để nhà vua tế lễ Trời – Đất – Tổ Tiên, thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với non sông – đất nước – cha ông. Và cũng là tín hiệu nhắc nhở cho dân chúng là chấm dứt những ngày Tết vui xuân, thực sự bắt đầu bắt tay với công việc thường ngày.
Hàng năm trong các ngày 14 – 15 – 16 tháng giêng âm lịch, nơi đây diễn ra lễ Khai Ấn. Đặc biệt trong đêm 14 rạng sáng 15, cả biển người nhất là các quan tham ô – bất lực – bất tài, chen lấn – giành giật – dẫm đạp lên nhau, xông vào đền để xin “Ấn đền Trần”, đem về dán tại nhà để trừ tà, cầu phúc, và chủ yếu là không làm việc gì để ích nước lợi dân mà vẫn cầu được thăng quan tiến chức, xin xỏ đủ thứ cho bản thân mình.
Thật là mỉa mai và suy thoái đạo đức vô bờ bến khi rất nhiều người coi việc thăng tiến trong sự nghiệp bây giờ không do năng lực làm việc, không do sự cống hiến cho xã hội, không do tài đức mà do nhờ đi lên đền, giành giật tranh nhau mua để được nhận “Ấn đền Trần”. Vậy mà chuyện tiêu cực, chuyện mê tín dị đoan, chuyện hủ lậu như thế này năm sau lại công khai – ngang nhiên – lộng hành rầm rộ hơn năm trước !
Ngày trước, miền Bắc xã hội chủ nghĩa được các nước anh em hỗ trợ giúp đỡ nhiều mặt : Liên Xô xây dựng cho ta những công trình lớn, nhà máy công nghiệp, viện trợ vũ khí – máy bay – xe tăng – tên lửa, Trung Cộng viện trợ vũ khí như súng đạn AK – B40 – lương khô, và nhiều thứ quân trang quân dụng.
Đông Đức cũ xây tặng cho nhân dân Việt Nam nhiều dãy nhà 5 tầng ngay trung tâm thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An. Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành xây nguyên khu chúng cư Kim Liên ở Hà Nội tặng Việt Nam. Thụy Điển từ Bắc Âu xa xôi lạnh lẽo cũng tặng cho ta nhà máy sản xuất giấy ở Bãi Bằng – Phú Thọ. Người anh em Cu Ba ở xa xôi tận bên kia bán cầu gần nước Mỹ, cung cấp rất nhiều mía đường cho chúng ta và cũng đã tuyên bố : “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến cả máu của mình”.
Năm 1969, đất nước Ba Lan, với tâm nguyện “của ít, lòng nhiều”, đã tặng Nam Định – Việt Nam 1 xưởng sản xuất bánh mì, công suất 1.500 tấn một năm. Bánh mì này rất được ưa chuộng và được bán khắp các tỉnh gần Nam Định như Thái Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa. Sau này, đời sống kinh tế khá hơn, bánh mì Ba Lan được ăn kèm với pa tê, nước sốt, thịt, rau, đồ chua v. . . v. . .
Cho đến ngày hôm nay, bánh mì Ba Lan vẫn là món ăn ngự trị trong tiềm thức của những người con Nam Định với những bâng khuâng khi lạc về miền ký ức có những ổ bánh mì Ba Lan ngày nào, vàng rượm – đặc ruột – thơm phức – nóng giòn.
Du khách còn dư vài ngày, có thể đi thăm mấy bãi biển ở các huyện phía nam, đặc biệt có Khu Bảo tồn Thiên nhiên rừng ngập mặn và Vườn Quốc Gia Xuân Thủy ngay cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ nước vào Vịnh Bắc Bộ – Biển Đông. Trên đường đi chắc chắn các bạn sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều ngôi chùa cổ xưa, nhiều nhà thờ với kiến trúc độc đáo, được xây từ những thế kỷ trước.
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos:
Hallo Nhơn,
Mình vốn người gốc Nam Định, năm 1979 có về thăm quê làng Vân Chàng, huyện Nam Trực, Nam Định, thăm chợ Rồng, có bà cô bán hàng xén ở đó, cũng như thăm “cung điện” nhà Trần và mộ Trần Tế Xương. Năm 1979 có chiến tranh biên giới nên không đi nhiều được, chỉ biết sơ sơ vài khu phố và cảnh làng nghề Vân Chàng, chuyên nghề rèn từ bao nhiêu đời nay, hiện vẫn còn, nhưng sau này thêm nghề đúc nồi niêu xoong chảo (thời chiến tranh, sử dụng nhôm từ xác máy bay Mỹ). Mình rất cảm khái cách viết của Nhơn cũng như khâm phục các hiểu biết (có tìm hiểu kỹ của bạn !).
Hy vọng mai mốt sẽ lại về quê tìm hiểu lại và thưởng thức những điều bạn viết … Cám ơn Nhơn. Chúc luôn khoẻ và hăng hái tiếp tục các chuyến đi và các bài du ký rất hấp dẫn, đượm đầy nét văn chương.