Bài số 2 . Tây Ninh

-

Du ký ” Lang thang một vòng Đông Nam Á “, đơn thân độc mã , một người và một ngựa sắt Honda Wave Alpha 100cc ngang dọc qua mấy nước Đông Nam Á .

Thành phố Tây Ninh và sau đó đi tiếp theo hướng nào ?

Có nhiều nơi để du khách tham quan nhưng tại Tây Ninh , hai địa điểm phải ghé qua là Tòa Thánh Cao Đài và núi Bà Đen .

Mình ưu tiên núi Bà Đen trong chương trình buổi sáng cho mát mẻ vì có tiết mục . . . leo núi ! Theo đường 30 tháng 4 , gần cầu Quan , đi hết đường này , ta quẹo chếch bên phải một tí , vào đường Bời Lời – cũng là tỉnh lộ 790 , đi 10km là đến khu du lịch núi Bà Đen , nằm phía đông bắc thành phố Tây Ninh .

Tòa Thánh Tây Ninh .

Khách có thể chọn lựa :

– Cỡi ngựa xem hoa , tức là đi cáp treo ngoạn cảnh núi và chùa , hoặc là
– Được kéo lên theo máng trượt , máng lên dài 1.190m , rồi cho tuột xuống theo máng trượt dài 1.700m , kiểu này hơi mạo hiểm và rất tiếc đã từng có tai nạn xảy ra !
– Leo hơn cả ngàn bậc thang , lên núi viếng chùa .

Mình theo phương án . . . hành xác , vì coi như đi hành hương , chịu khổ một chút ! Lối lên các chùa trên núi được làm tốt , dễ đi , chỉ cần ra sức để . . . leo thôi ! Cũng giống những điểm hành hương khác như núi Yên Tử và chùa Hương , nơi đây không thiếu hàng quán ở hai bên bậc thang lên núi , thỉnh thoảng cũng có trạm với mái che và băng ghế để bà con ngồi nghỉ , lấy hơi . . . leo tiếp !

Núi Bà Đen cao 986m nhưng các chùa nằm lưng chừng núi , ở độ cao khoảng 250m . Lớn nhất là chùa Bà Đen – Linh Sơn Tiên Thạch tự , còn gọi là chùa Thượng , và Điện Bà nằm cạnh nhau .

Rải rác khắp nơi trên núi , gần chùa Bà Đen còn có tượng Phật nhập Niết Bàn , chùa Hang – Linh Sơn An Phước tự , chùa Hòa Đồng , chùa Vân Sơn . Ngoài ra còn có rất nhiều hang động được các tăng ni , phật tử sửa chữa làm nơi thờ như : động Thanh Long , động Ông Hổ , động Ba Cô , động Thiên Thai , động Ông Tà , hang Gió . . .

Trước chùa Bà Đen .

Vừa lên đến chùa Bà Đen , chưa kịp nghỉ chân thì thấy đông người nhốn nháo trước sân chùa nên mình né , đi ngay về bên trái , phía có treo cái chuông lớn , vì Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa đã dạy :

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao .

Ngay lúc đó lại có tiếng gọi :
Anh Nhơn , anh Hoài Nhơn ! ?
Lạ quá ! Đã ” biệt kinh kỳ ” , rời xa chốn phồn hoa đô hội hơn 100km , lên tới tận trên núi cao này mà vẫn được gặp người quen , mà lại ” đích danh ” anh Hoài Nhơn ? Quay lại thì thấy anh bạn Nguyễn Quang Khánh đang cười giơ tay chào , vui quá ! Đúng là ” Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ ” .

Ở Sài Gòn thỉnh thoảng hai anh em có gặp nhau , chuyện trò đủ thứ trên đời . Khánh cũng ở trong hội . . . độc thân ! Doanh nhân thành đạt , trẻ khỏe đẹp trai , tính tình vui vẻ . Vậy mà không hiểu sao vẫn còn độc thân ? Hai anh em chỉ ngồi được với nhau một lát , đủ thời gian để giải khát bằng chai nước ướp lạnh vì Khánh phải chia tay tạm biệt để về Sài Gòn với cuộc sống ” êm và ấm ” , còn mình đi tiếp trên con đường gió bụi !

Phần thưởng cho những khách đã lên đến độ cao này là được ngắm toàn cảnh một vùng rộng lớn , bao la , bát ngát ! Những ngày đẹp trời , không bị mây che ta có thể thấy sông Vàm Cỏ Đông chảy uốn lượn và nước bạn Kampuchia xa xa về phía tây nam .

Trên đường xuống núi – cũng vẫn là bằng đôi chân gầy gò , lúc đi tới chùa Hang mình gặp một nhóm nhỏ từ ngoài Bắc vào . Được nghe chuyện thì mới biết là một ông bộ đội già dẫn vợ con vào núi này để thăm chiến trường xưa . Ông len lỏi vào mấy vách đá , nằm sâu trong núi , vừa thắp hương vừa nghẹn ngào khấn với những đồng đội của ông , thuộc lực lượng đặc công , đã hy sinh trong hang này trong thời điểm ác liệt và quyết định nhứt của các trận đánh tại đây , từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 1 năm 1975 .

Trời nắng ráo thì tốt cho việc tham quan nhưng nơi đây độ ẩm rất cao nên mồ hôi ra như tắm , lâu lâu mới có được một tí gió núi . Lúc xuống ta có thể đi theo con đường vòng , chếch về phía tây môt tí , lộ trình sẽ phong phú hơn , tuy rằng độ khó cũng như nhau .

Buổi chiều dành để đi viếng Tòa Thánh Tây Ninh . Đây là nguyên cả một khu rộng lớn , cả trăm mẫu đất gồm đầy đủ các cơ quan , ban nghành được tổ chức như một quốc gia thu nhỏ – mô hình như là quốc gia Vatican của Thiên Chúa Giáo , nằm lọt thỏm trong thành phố Roma – Italia !

Tòa Thánh Cao Đài nằm trong khuôn viên một cây số vuông , tương đương 100 ha lãnh thổ vừa nói , cách thành phố Tây Ninh chừng 5km về phía đông đông nam , được khởi công năm 1933 nhưng bị gián đoạn nhiều lần , đến đầu năm 1947 mới hoàn thành .

Bên trong Tòa Thánh Cao Đài : sạch bóng , không một hột bụi !

Đạo Cao Đài mới có từ năm 1926 , được pha trộn với các tôn giáo như Phật Giáo , Nho Giáo , Hồi Giáo , Thiên Chúa Giáo . Thậm chí có thờ những nhân vật như Tôn Dật Tiên , Victor Hugo , Nguyễn Bỉnh Khiêm . Tín đồ nguyện sống lương thiện , không sát sinh , làm lành lánh dữ , giúp đỡ chung quanh , thờ cúng tổ tiên , ăn chay . . .

Biểu tượng Thiên Nhãn – Con mắt của Trời , nhìn thấy hết hành vi thiện ác của nhân gian để khen hoặc phạt một cách công bằng ! Đạo nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các tín đồ nên chỉ xưng hô với nhau bằng huynh – đệ – tỷ – muội tùy theo giáo phẩm , tuổi tác , giới tính . Khi kính cẩn còn thêm chữ hiền phía trước như hiền huynh , hiền tỷ v . . . v . . .

Xem ra đạo Cao Đài không quá Tây như Thiên Chúa Giáo và không quá cao xa , khó khăn như Phật Giáo nên thích hợp với tâm tư người Việt , nhất là người ở đông và tây Nam Bộ . Không có gì đáng ngạc nhiên khi số tín đồ của đạo này đã lên đến gần 3 triệu người !

Bên hông Tòa Thánh Cao Đài , chiều đang dần buông .

Tình cờ trong lúc đang ở trong Tòa Thánh thì mình được chuyện trò với một ” hiền huynh ” , được nghe những điều hay và rất thú vị về đạo Cao Đài ! Đạo này chủ trương ” tự lực cánh sinh ” , phải tự thân vận động , lo làm lụng , lao động để nuôi sống bản thân , gia đình và đạo , không để bị lệ thuộc kinh tế từ nhà nước , phe đảng hoặc một thế lực nào !

Tham quan ” Thánh Địa Cao Đài ” xong thì trời cũng ngã về chiều , mình đi một vòng phố phường , coi như tạm biệt Tây Ninh . Ghé quán phở gần cầu Quan dùng bữa tối và về khách sạn , chuẩn bị gói ghém đồ đạc vào ba lô , lên chương trình cho mấy ngày sắp tới .

Ngày mai sẽ ra sao ? Từ Tây Ninh ta có thể đi theo đường mòn Hồ Chí Minh để vượt Trường Sơn ra tới ngoài miền Bắc . Tuyến này mình đã có lần đi một mình hồi năm 1999 , và đã dại dột đi vào cuối tháng . . . 11 dương lịch , cao điểm mùa mưa của miền Trung nên lảnh đủ những vất vả nhưng kèm theo nhiều kỷ niệm đẹp của hành trình gian nan này , toàn là gặp mưa và bùn lầy đất đỏ ngập gần nửa bánh xe !

Hiện nay đường này đã tốt hơn xưa rất nhiều và có chia thành nhiều nhánh bám theo đường chính , nay có tên là Đường Trường Sơn . Từ nhiều năm nay , nếu khởi hành vào dịp tháng 10 đến tháng 12 dương lịch thì mình luôn cẩn thận tránh né địa phận miền Trung để không bị vất vả , khổ sở vì mưa – gió – bão – lụt xảy ra hàng năm !

Vậy thì đi đâu ? Tây Ninh chỉ cách cửa khẩu Xa Mát 50km nên hành trình sẽ qua Kampuchia rồi tính tiếp . Năm ngoái đã đi tới cửa khẩu Cham Yeam – Hat Lek gần thị trấn Koh Kong ven biển phía tây nam Kampuchia thì bị Thái Lan ” chê ” không cho xe qua nên phải linh hoạt chuyển qua phương án 2 là đi xuyên Kampuchia và Lào rồi về Sa Pa , Hà Nội qua cửa khẩu Tây Trang gần Điện Biên Phủ .

Vì muốn đem xe máy qua Thái Lan để đi tiếp và đã gặp trở ngại rồi nên lộ trình lần này rất là chập chờn , vừa đi vừa nghe ngóng và phải có nhiều phương án dự bị . Trước mặt cứ qua được Kampuchia rồi sẽ tính tiếp mà chuyện đem xe máy qua Kampuchia thì dễ dàng và đã qua được nhiều lần rồi .

Biết chắc chuyện ngày mai ” vượt biên ” sẽ an toàn , trót lọt , ba lô hành trang cũng đã gọn gàng xong hết , trong lòng nôn nao phấn khởi , cộng thêm đôi chân leo núi đã rã rời nên giấc ngủ không mộng mị đến một cách dễ dàng .

 

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

 

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây