Du ký qua miền thượng du , Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – Một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc khắp miền Bắc Việt Nam .
Bài số 14 . Từ Lạng Sơn đi ngang qua Đình Lập – An Châu – đèo Hạ My , xuống Hòn Gai – Hạ Long .
Tạm biệt Lạng Sơn , từ giã núi rừng biên giới để đi về vùng biển Đông Bắc Việt Nam , chúng ta có 2 sự lựa chọn :
– Lộ trình 1 : Rời Lạng Sơn , hướng đông – nam , theo quốc lộ 4B đến thị trấn Tiên Yên , quẹo phải vào quốc lộ 18 đi ven biển qua Cửa Ông – Cẩm Phả , đến Hòn Gai – Hạ Long . Lộ trình này dài 180km , sẽ có dịp ghé đảo Cái Rồng viếng thiền viện Trúc Lâm Cái Bầu , viếng đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng , đi ngang thành phố mỏ than đá Cẩm Phả .
– Lộ trình 2 : Cũng theo quốc lộ 4B đi Tiên Yên nhưng chỉ tới thị trấn Đình Lập , quẹo phải vào quốc lộ 31 đi An Châu . Từ thị trấn An Châu quẹo trái , qua quốc lộ 279 , về Bãi Cháy – Hạ Long . Lộ trình này dài khoảng chừng 175km .
Đi đường Tiên Yên – Cẩm Phả – Hạ Long đường rộng hơn , mật độ xe cộ cao hơn , sẽ gặp nhiều xe cơ giới xe tải , nhưng lại có dịp ghé những danh lam thắng cảnh . Mình chọn phương án đi theo đường Đình Lập – An Châu – Hạ Long vì có lý do đặc biệt là để ôn lại , hồi tưởng lại chuyện gay cấn ngày xưa . Cuối tháng 12 năm 1998 , mình đã có lần đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt Liên Xô Tula 200cc , bị lạc trên đèo Hạ My tỉnh Hà Bắc cũ và xe bị hỏng tắt máy , nằm ì giữa rừng , không khởi động lại được !
Rời thành phố Lạng Sơn vào một buổi sáng đẹp trời , theo quốc lộ 4B về hướng đông – nam , hướng đi Tiên Yên . Đi chưa được bao lâu , thấy bên trái trên ngọn đồi thấp , tọa lạc ngôi chùa với mấy cây cổ thụ đẹp quá nên mình ghé vào .
Km 12 – chùa Bắc Nga , tên chính thức là Tiên Nga tự .
Chùa nằm trên ngọn đồi nhỏ , cạnh quốc lộ 4B và nhìn xuống sông Kỳ Cùng lững lờ chảy về Lạng Sơn . Trước chùa và bên phải , đứng sừng sững mấy cây đa cổ thụ , tuổi đời chắc mấy trăm năm , bóng cả cây già , rễ phụ um tùm và tán lá rộng vài trăm mét vuông .
Km 15 – Ngả 3 Mẫu Sơn .
Quẹo trái vào tỉnh lộ 237B , đi vòng vèo đường đèo 14km sẽ lên đến khu du lịch Mẫu Sơn trên núi cao . Chuyện đi chơi và ở lại đêm trên núi này đã được ghi chép kể lại trong bài số 13 kỳ vừa rồi .
Km 22 – thị trấn Lộc Bình .
Ở đây , phía bên trái có tỉnh lộ 236 đi hướng đông – bắc 15km đến cửa khẩu Chi Ma . Từ Chi Ma có đường Tuần Tra Biên Giới đi qua Nà Lầm – cửa khẩu Bản Chắt – Bắc Xa – thị trấn Hoành Mô – đài tưởng niệm Pò Hèn . Đường tuy hẹp nhưng được xây dựng , lát bằng bê tông , chạy sát biên giới Việt Nam – Trung Cộng , kéo dài mấy trăm cây số toàn núi non hùng vĩ rất đẹp , đến thành phố Móng Cái .
Xe máy đi tương đối thoải mái nhưng phải cảnh báo cho các bạn biết là đường Tuần Tra Biên Giới này hoàn toàn vắng vẻ , không nhà cửa – không bản làng – không dân cư – không một bóng người – không trạm xăng , thực sự là “Tôi với Trời bơ vơ” ! Hành trình này mình được trải qua cách đây vài năm , suýt bị ngủ trong căn nhà ma , bỏ hoang phế bên đường vì có nguy cơ hết xăng và còn nợ các bạn bài viết về con đường vô cùng hấp dẫn với vẻ đẹp mê hồn của vùng rừng núi biên cương Đông – Bắc nước ta .
Km 55 – thị trấn Đình Lập .
Ở đây có ngả 4 lớn với quốc lộ 31. Quẹo trái , đi hướng bắc lên vùng cao , biên giới với Trung Cộng . Chúng ta rời quốc lộ 4B , quẹo phải , cũng quốc lộ 31 nhưng theo hướng tây – nam , qua Nông Trường Thái Bình đến An Châu .
Sông Lục Nam dài chừng 200km , phát nguyên từ độ cao khoảng 700m trên núi Kham thuộc địa phận huyện Đình Lập – Lạng Sơn . Sông chảy một đoạn ngắn tại Đình Lập rồi qua tỉnh Bắc Giang . Có vài đoạn , quốc lộ 31 chạy ven sông , quanh co uốn lượn , phong cảnh đẹp như ở vùng Trung Du , nhiều sông suối , nhiều đồi núi với rừng cây xanh . Hai bên đường có nhiều nơi trồng cây chè – trong miền Nam gọi là cây trà , trên triền đồi , có chỗ lại là những vạt rừng trồng cây keo lai – Acazia để lấy bột gỗ chế biến thành giấy .
Vùng này vắng vẻ , nhà cửa thưa thớt , kinh tế còn yếu kém . Duy nhất trên đường đi , ngoài xóm làng lác đác cách xa nhau , chỉ có Nông Trường Thái Bình là nơi tập trung dân cư chợ búa . Tên Thái Bình chắc do người dân tỉnh Thái Bình lên đây xây dựng nông trường cách nay đã mấy chục năm .
Km 98 – thị trấn An Châu .
Đây là nơi mình và ngựa sắt Tula 200cc cuối tháng 12 năm 1998 , lúc lạc đường và xe bị hư hỏng trong rừng Hà Bắc cũ , đã may mắn được một xe tải chở than đá cho quá giang vượt đèo Hạ My , đến và nghỉ ngơi một đêm tại thị trấn An Châu .
Sau hơn 25 năm , quay lại chốn cũ , mình như “Từ Thức về trần” . Không còn nhận ra một tí gì của An Châu ngày xưa , lúc đó chỉ có lèo tèo vài con đường đất , vài hàng quán đìu hiu vắng vẻ , với cái tiệm sửa xe máy của anh bộ đội trẻ xuất ngũ , gốc Quảng Ngãi , lấy vợ ngoài này và lập nghiệp luôn nơi đây .
An Châu ngày nay đường xá rộng rãi , nhà cửa to lớn , cửa hàng buôn bán khắp nơi , đô thị sầm uất . Ghé một tiệm ăn bên đường chính , dùng bữa trưa , ôn cố tri tân – nhớ chuyện xưa để chiêm nghiệm chuyện ngày nay . Đất nước mình đã thay đổi nhiều .
Sông Lục Nam rời An Châu chầm chậm trôi về hướng tây , qua thị trấn Chũ , thị trấn Lục Nam , về Bắc Giang . Từ thị trấn An Châu có ngả 3 lớn với tỉnh lộ 279 , đi theo hướng nam qua khu bảo tồn Thiên Nhiên Khe Rỗ – đèo Hạ My – thị trấn Trới để về Bãi Cháy – Hạ Long – Hòn Gai .
Km 127 – đèo Hạ My .
Đèo này là ranh giới 2 tỉnh Quảng Ninh – Bắc Giang . Lúc mình với ngựa sắt Tula 200cc đi qua đây cuối tháng 12 năm 1998 đường xấu khủng khiếp , nhiều hầm hố và đá lớn ngổn ngang khắp nơi . Xe máy Tula 200cc thuộc loại dữ dằn , chuyên dùng để đi đường rừng núi mà phải đi toàn số 1 và giống như cỡi ngựa , thường xuyên bị hất tung , có nguy cơ té ngã bất cứ lúc nào . Giờ đây cỡi ngựa sắt chạy bon bon trên đèo Hạ My , đường rộng rãi , được tráng nhựa phẳng phiu , so sánh với năm 1998 đúng là khác nhau một trời một vực .
Thời trước , nơi đây hoàn toàn không có bảng chỉ đường , và thỉnh thoảng vẫn có những ngả 3 ngả 4 dẫn vào những mỏ than đang được khai thác , sâu trong rừng núi và không có một bóng người nào để hỏi thăm đường đi nước bước . Thế là bị lạc đường và “họa vô đơn chí” , xe lại bị hư hỏng bộ phận điện , không nổ máy được nữa . Vậy là bơ vơ một mình một xe giữa rừng vắng , trời đang ngã về chiều !
Loay hoay một hồi thì may quá , có xe ben chở than đi ngang , mình phải “ngoại giao” , xin đóng góp thêm chi phí dầu nhớt để bác tài chở dùm mình và xe máy đến thị trấn gần nhất là An Châu . Sàn xe cao khoảng 1,5m nên với sức người không thể cho xe máy lên sàn xe được . Phải hạ hông xe , đẩy xe máy lên mé đồi cao cũng chừng 1,5m rồi tụt xuống sàn xe qua lối bên hông xe .
Vượt đèo Hạ My đến An Châu . Tìm một đống cát to , rồi cho xe chổng sàn sau lên cao từ từ để lùa mình và xe máy xuống như đang trút một đống cát . May mắn là mọi việc đều an toàn tốt đẹp . Một kỷ niệm nhớ đời trên đèo Hạ My và thị trấn An Châu với ngựa sắt Tula 200cc .
Qua phía nam đèo Hạ My là địa phận tỉnh Quảng Ninh , với trữ lượng than đá vô cùng to lớn , có thể khai thác dễ dàng và ít tốn kém ngay trên mặt đất chứ không phải đào hầm chui sâu vào lòng đất vài trăm thước để khai thác như nhiều nơi khác trên thế giới . Khu vực này có thể coi như là kho nguyên liệu khổng lồ của đất nước ta trong lãnh vực sản xuất nhiệt điện .
Km 160 – thị trấn Trới .
Quốc lộ 279 hạ dần độ cao , dẫn chúng ta về vùng đồng bằng , mật độ dân cư làng xóm dày hơn , đông hơn . Thỉnh thoảng lại có một con đường quẹo phải đi hướng tây , xuyên qua nhiều mỏ than đá lộ thiên để hành hương về núi thiêng Yên Tử .
Thị trấn Trới nằm ngay cửa ngõ tây bắc thành phố Hạ Long . Ngoài miền Bắc Việt Nam có nhiều thị trấn , nhiều địa danh nghe rất lạ với chỉ một chữ thôi như : Làng Chèm ở Hà Nội , thị trấn Chờ , thị trấn Lim ở Bắc Ninh , thị trấn Neo , thị trấn Chũ , sân bay Kép ở Bắc Giang v. . . v. . .
Cuối năm 1998 , trên đường từ Hạ Long đi theo quốc lộ 279 về hướng bắc , qua đèo Hạ My – thị trấn An Châu – Vườn Quốc Gia Cấm Sơn để gặp lại quốc lộ 1 tại Ải Chi Lăng – Đồng Mỏ , rồi đi Lạng Sơn . Lúc đi ngang qua thị trấn này vì cột mốc Km bị phai màu tróc sơn nên mình đọc thoáng qua và tưởng là Trôi , bây giờ mới biết đây là thị trấn Trới , tên nghe lạ ghê !
Km 170 – Bãi Cháy Hạ Long .
Từ thị trấn Trới , có rất nhiều đường mới được xây dựng hoặc mở rộng trong những năm gần đây . Đường thì đi thành phố Uông Bí , Quảng Yên , Hải Phòng . Đường thì dẫn đến hòn đảo du lịch Tuần Châu . Đường lại là quốc lộ 18 đi theo phía bắc thành phố Hạ Long , vượt cầu Bãi Cháy để đến Hòn Gai . Đường chúng ta muốn đi là đường qua cầu Tình Yêu mới có vài năm nay , đi thẳng theo đường Hạ Long đến gặp biển và theo đường Kỳ Quan chạy sát bờ biển , vừa đi đến cầu Bãi Cháy vừa ngắm vịnh Hạ Long .
Km 175 – Hòn Gai Hạ Long .
Thành phố Hạ Long phát triển nhanh , trải rất dài theo chiều đông – tây . Phía bắc là vịnh Cửa Lục – cảng Cái Lân , phía nam nhìn ra vịnh Hạ Long . Phía đông là Hòn Gai , khu đô thị thực sự đã có từ xa xưa với phố chợ và các cơ quan ban ngành . Phía tây là Bãi Cháy với rất nhiều khu vui chơi giải trí , rất nhiều nhà hàng khách sạn , rất nhiều khu dân cư mới được xây dựng .
Con đường tên Kỳ Quan chạy dài sát biển Bãi Cháy , đã lấn biển , được cải tạo và xây dựng rất nhiều . Cát trắng tinh được chở tới để làm nên bãi tắm Bãi Cháy dài cả cây số với muôn vàn cây dừa cây cọ mới được trồng , kèm theo nhiều hàng quán phục vụ các nhu cầu du lịch biển . Cuối đường Kỳ Quan là khu vui chơi giải trí Sun World rộng 214 ha với hệ thống cáp treo chở khách qua vịnh Cửa Lục đến khu vui chơi giải trí khác , cũng của Sun Group tọa lạc trên núi Ba Đèo – Hòn Gai , ngay cầu Bãi Cháy .
Nối Hòn Gai với Bãi Cháy có cầu Bãi Cháy , công trình chất lượng cao và rất đẹp , được công ty Shimizu – Sumitomo Mitsui của Nhật xây dựng . Ngoài ra còn có cáp treo chở khách từ Bãi Cháy vượt biển , đến khu vui chơi Sun Group trên núi Ba Đèo bên Hòn Gai .
Đã hai mươi mấy năm qua , mỗi lần đến Hạ Long mình thích lưu lại bên Hòn Gai vì bên này có không khí của những khu phố cũ phố xưa , khác với bên Bãi Cháy chỉ toàn du khách , với khách sạn cao ngất và nhà hàng to lớn . Phòng trọ nhỏ quen thuộc , trong một nhà nghỉ cũng nhỏ , nhìn ra một bãi đậu xe nhiều cây xanh . Địa điểm lưu trú gần chợ Hạ Long , chùa Long Tiên , đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn , gần một khu đô thị mới thành lập sát biển , rất thuận tiện để dạo bộ .
Lần đầu đến đây , dịp Trung thu năm 1982 , đi với anh bạn Nguyễn Sĩ Hạnh . Hai đứa đi xe đò từ Hà Nội , xe bị xẹp lốp lần thứ nhì thì không còn bánh xe dự phòng để thay và không biết bao giờ sẽ tiếp tục đi được . Thế là hai đứa vừa đi bộ vừa hy vọng sẽ được quá giang những xe khác để đi tiếp nhưng trên đường thời đó rất ít xe và cơ hội xin đi ké hầu như không có , sau rất nhiều lần vẫy hết xe này tới xe khác .
Có cả đoạn được ngồi trên xe bò lắc lư để nghỉ chân và “bò” được tới Uông Bí . Nơi đây có một xe ca của công ty quốc doanh gì đó mình quên tên rồi , dừng lại để cho khách xuống , tụi mình có hỏi xin đi nhưng bị từ chối ! Nhưng ngay lúc đó có người trong xe nói là cứ lên , xe này đi Hạ Long . Cơ hội tốt quá nên tụi mình không được phép bỏ qua , phải lì lợm gồng mình leo đại lên xe bất chấp bị tài xế từ chối , nhưng sau đó lại được việc là đến Hạ Long kịp khi trời vừa tối .
Có thể khi đó tụi mình chỉ có cái ba lô sau lưng , tướng mạo chắc là đứa nào cũng đen đúa – bụi bặm – nhếch nhác – xấu xí – nghèo nàn nên chẳng tài xế nào muốn cho quá giang vì nghĩ là chẳng được lợi lộc gì . Nhưng không khí sau đó nhẹ nhàng – vui vẻ – phấn khởi vì tụi mình đem thuốc lá ra mời anh em trên xe và còn “bồi dưỡng” hậu hĩnh tiền xe cho bác tài . Thời bấy giờ từ “bồi dưỡng” rất thông dụng .
Lúc đó khoảng cuối tháng 9 năm 1982 , tình cờ đúng vào ngày rằm tháng 8 âm lịch – tết Trung Thu . Ấn tượng không bao giờ quên là khi đó bị cúp điện , trời đã tối , trong vắt không một gợn mây và trăng rằm sáng lung linh đã mọc lên trên cả ngàn hòn đảo trong vịnh Hạ Long . Ánh trăng huyền ảo ma mị lan tràn khắp không gian đất trời , rót đầy trên biển . Hai đứa im lặng , ngắm nhìn thưởng thức một cảnh tượng đẹp vô cùng mà tụi mình sẽ không bao giờ có dịp thấy lần thứ hai .
Ngay bến phà , chỗ bây giờ vẫn còn tháp hải đăng sơn hai màu đỏ trắng , dưới cầu Bãi Cháy , tụi mình ở tại khách sạn Nội Địa . Khách sạn này đã biến mất từ nhiều năm nay vì phà ngưng chạy và khu bến phà ngày xưa cũng được giải tỏa và quy hoạch lại . Nhớ lại hồi đó nhìn vô bếp thấy mấy con chuột chạy lăng xăng đi tìm đồ ăn rơi rớt .
Năm 1982 còn sống thời bao cấp nên nếu có đi du lịch thì toàn là đi theo đoàn nhiều người , không có đi chơi kiểu 2 người với ba lô như tụi mình . Thú vui duy nhất chỉ là lên thuyền , được cho đi lòng vòng trên vịnh Hạ Long , ghé tham quan vài hang động vài bãi biển vài hòn đảo là . . . kết thúc chuyến du lịch Hạ Long .
Lượt về mình nhớ là được đi bằng tàu thủy và là tàu chợ , lênh đênh nhiều tiếng đồng hồ trên vịnh Hạ Long đến bến Bính – Hải Phòng , từ đó đi xe đò ở bến xe Tam Bạc về Hà Nội , vẫn kịp trong một ngày . Giao thông vận tải ở nước ta thời 1982 còn khó khăn , du lịch chưa được phổ biến , khỏi nói đến chuyện tiện nghi vật chất . May mắn có dịp thì đi cho biết quê hương đất nước , thỏa mãn ước mơ “Khi đất nước tôi thanh bình , tôi sẽ đi thăm” như tên một bản nhạc của Trịnh Công Sơn .
Lần thứ nhì , trong chuyến đi Xuyên Việt với ngựa sắt Liên Xô Tula 200cc , ghé Hạ Long cuối năm 1998 thì tình hình đã tốt hơn rất nhiều . Đã có rất nhiều khách sạn , nhà nghỉ tư nhân với tiện nghi như phòng máy lạnh , tắm nước nóng . Cũng đã thông dụng chuyện du lịch gia đình hoặc nhóm nhỏ nên tàu thuyền đi tham quan hang động biển đảo trên vịnh Hạ Long đã cho chúng ta nhiều sự chọn lựa . Du lịch Hạ Long đã hấp dẫn hơn xưa rất nhiều .
Còn bây giờ thì Hạ Long có nhiều khu dân cư rất đắt tiền nhưng lại bị bỏ hoang . Những khu đô thị mới đủ kiểu : Kiểu cổ như Hội An , kiểu Tây , kiểu Mỹ , kiểu Tàu và cả những kiểu lâu đài quái đản , kiểu ven biển , kiểu trên sườn núi nhìn xuống vịnh Cửa Lục , nhìn xuống vịnh Hạ Long v. . . v. . . Có cả những khu qui hoạch dân cư đô thị mới bên Hòn Gai , rộng mênh mông vài trăm héc ta , cạnh vịnh Cửa Lục cũng bị bỏ hoang phế , đáng tiếc vô cùng .
Không khỏi chạnh lòng khi ngay tại nơi đây nhiều người không nhà không cửa hoặc phải chen chúc chui rúc trong những khu nhà chật hẹp nhơ nhuốc nhếch nhác , thiếu hẵng những điều kiện vật chất tối thiểu để mong tồn tại cho hết kiếp con người trong bể khổ này . Trong khi đó trước mắt chúng ta rất nhiều khu đô thị khang trang – to lớn – đồ sộ đã xây dựng xong và đang bị bỏ hoang phế từ nhiều năm nay . Như vậy thì biết đến chừng nào mới có được “Thái bình thịnh trị , quốc thái dân an – công bằng xã hội” ?
Đêm đầu tiên ở Hòn Gai trong hành trình lần này được ăn mừng tự thưởng với phần cơm thanh đạm nhưng rất ngon tại quán gần nhà nghỉ . Hôm nay cỡi ngựa sắt gần 180km từ Lạng Sơn đến Hòn Gai tuy mệt nhưng vẫn muốn dạo bộ 5km theo đường bao biển Trần Quốc Nghiễn để giãn gân cốt , “vật lý trị liệu” cho đôi chân không cử động , cả ngày ngồi trên lưng ngựa sắt .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: