Du ký khám phá miền Bắc . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa sắt , lang thang rong ruổi trên vùng núi cao Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam .
Bài số 15 . Những ngày ở thành phố Hạ Long .
Hạ Long là thành phố lớn với gần 300.000 cư dân , nằm bên một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới , phía đông và cách Hà Nội 165km . Đến Hạ Long , ngoài quốc lộ 5 – quốc lộ 18 – quốc lộ 279 , những năm gần đây còn có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Tiên Yên – Móng Cái . Tuyến xe lửa chạy tà tà 8 tiếng đồng hồ từ ga Yên Viên – Gia Lâm ngoại ô Hà Nội đi Hạ Long nhưng chỉ đi mỗi ngày một chuyến , ít người sử dụng .
Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới , sau đó còn được tổ chức New 7 Wonders chọn và bầu là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới mới . Tổng diện tích 1.553km2 với 1.969 đảo lớn nhỏ , tuyệt đại đa số là những đảo chưa có tên . Với cảnh quan đẹp tuyệt vời cộng với khí hậu ôn hòa nên coi như Hạ Long được trời ưu ái ban cho thế rất mạnh về du lịch và đã phát triển nhiều cũng như kinh doanh tốt về mặt này . Các dịch vụ du lịch chiếm hơn 50% tổng doanh thu .
Thành phố trải rất dài bên cạnh biển theo hướng đông – tây , nguyên là thị xã Hồng Gai xưa kia – bây giờ gọi là Hòn Gai , phía đông vịnh Cửa Lục , với những khu phố phường đã tồn tại từ lâu và tất cả các bộ phận hành chánh , các cơ quan ban ngành , bệnh viện , trường học v. . . v. . . Mấy chục năm nay đã hình thành và phát triển thêm nhiều khu dân cư bên Bãi Cháy , phía tây vịnh Cửa Lục , phố xá cũng phình to không thua gì bên Hòn Gai .
Để lưu trú , du khách có rất nhiều sự lựa chọn : Khách sạn trên đất liền hoặc theo những hải trình lênh đênh và nghỉ đêm trong những du thuyền , thường là rất đắt tiền , trên vịnh Hạ Long . Nhà nghỉ , khách sạn , và mấy năm gần đây còn có nhiều Homestay nằm rải rác đều khắp địa phận thành phố , tha hồ lựa chọn .
Thành phố chia thành 2 khu vực rõ rệt và ngăn cách tự nhiên bằng vịnh Cửa Lục : Phố Đông , thị xã Hồng Gai ngày xưa – phường Hòn Gai ngày nay và Phố Tây – Bãi Cháy .
Đa số các dịch vụ du lịch đều ở bên Bãi Cháy – Phố Tây : Khách sạn nhiều sao , nhà hàng to lớn , cửa hàng đồ lưu niệm , bến cảng cho tàu thuyền , bãi biển cát trắng trải dài . Đặc biệt có khu vui chơi giải trí Sun World Halong Park rộng 214 héc ta gồm nhiều trò chơi đa dạng , với hệ thống cáp treo dài 2.200m cao 188m , vượt qua vịnh Cửa Lục , đến khu vui chơi giải trí khác cũng thuộc Sun World Halong Park với cái bánh xe Sun Wheel khổng lồ , nằm trên núi Ba Đèo bên Hòn Gai .
Hòn Gai – Phố Đông , vẫn còn giữ được những nét dịu dàng của một thị xã ngày xưa , với phố phường – chợ búa – đường xá không lớn quá , với nhiều con đường không quá ồn ào nhộn nhịp , vẫn còn tồn tại nhiều hẻm – ngõ – ngách để du khách lãng tử có dịp lang thang khám phá và bất ngờ vui mừng khi được gặp ở đâu đó những góc cũ , những nét đẹp nhẹ nhàng – duyên dáng – cổ xưa còn sót lại .
Những lần ghé qua Hạ Long từ mười mấy năm nay mình thường có phòng trọ trong một nhà nghỉ nho nhỏ bên Hòn Gai , địa điểm tương đối rất thuận tiện để không cần dùng đến xe máy , được dạo bộ loanh quanh phố xá nơi đây . Phòng nhỏ xíu sạch sẽ , đủ tiện nghi tối thiểu nóng lạnh , có chỗ để xe máy , không gian yên tĩnh .
Trước tiên , xin được kể những địa điểm mình đã đi bộ đến để tham quan .
– Chùa Long Tiên . Phái Bắc Tông , trên đường cũng tên Long Tiên , gần chợ Hạ Long , xây năm 1941 theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, thờ các vị thần và các tướng thời Trần đã góp công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm . Cũng như nhiều chùa khác ở Việt Nam , chùa này bây giờ cũng thờ rất nhiều thần thánh .
– Núi Bài Thơ . Từ phố Hàng Nồi , con đường nhỏ và rất ngắn , song song với đường Lê Thánh Tông , gần ngả 3 với đường Long Tiên , có một hẻm nhỏ , đi khá quanh co lắc léo , hẹp và đi ngang qua sát nhà bà con khu phố . Sẽ gặp di tích nhà cơ vụ , tổng đài bưu điện Quảng Ninh thời Mỹ dội bom miền Bắc , 1964 – 1972 , trong một hang nhỏ . Sau đó có những bậc thang dẫn lên núi cao .
Gọi là lối mòn thì đúng hơn , và dốc lên cao rất gắt , bậc thang thì đoạn gần chân núi còn dễ đi , nhưng càng lên cao càng bị hư hỏng và lát bằng đá nên độ cao không đều nhau và thường thì quá cao cho một bậc thang nên leo rất vất vả và nguy hiểm . Mình có đếm nhưng bây giờ quên rồi , chắc khoảng 700 bậc thang và khó đi . Vừa leo chầm chậm vừa thở , thỉnh thoảng đứng lại vừa nghỉ mệt vừa ngắm “cỏ cây chen đá , lá chen hoa” . Sau hơn 30 phút thì cũng “lên đỉnh” , chinh phục được Núi Bài Thơ .
Núi tên là Truyền Đăng Sơn , dân gian gọi là Núi Rọi Đèn vì ngày xưa , từ cả ngàn năm trước , trên đỉnh núi có vọng gác trọng yếu của vùng biên ải Đông Bắc đất nước chúng ta . Đêm đêm lính canh đốt đèn báo hiệu cho tàu thuyền , làm nhiệm vụ như trạm hải đăng sau này .
Khi phát hiện có giặc xâm lược vào nước ta , sẽ báo động tin dữ về cho triều đình bằng cách đốt lửa bằng vật liệu đặc biệt cho khói bốc cao và lên thẳng . Những trạm quan sát trong đất liền thấy ngay lửa khói , cũng nổi lửa , cũng khói bốc lên cao và cứ thế truyền tin rất nhanh về triều đình ở Thăng Long .
Năm 1468 , vua Lê Thánh Tông đi tuần du vùng này , làm bài thơ thất ngôn bát cú “Ngự chế thiên nam động chủ đề” , ca ngợi vẻ đẹp trời biển nơi đây , nhắc lại các chiến công hiển hách của cha ông , và cho khắc lên vách đá . 261 năm sau , vào năm 1729 chúa Trịnh Cương – An Đô Vương họa theo vần của bài thơ vua Lê Thánh Tông và cũng cho khắc lên vách đá , bên cạnh . Vì vua và chúa cho khắc thơ lên vách núi đá nơi đây nên tên núi từ đó được thiên hạ gọi là Núi Bài Thơ .
Lên được tới đỉnh cao 168m , thấy cờ tổ quốc tung bay phần phật , một trạm thu phát sóng và một tấm bia đá giới thiệu Núi Bài Thơ . Bài thơ của vua Lê Thánh Tông và bài thơ của chúa Trịnh Cương – An Đô Vương , mình tìm khắp nơi trên đỉnh núi mà chẳng thấy đâu , khá thất vọng nhưng lại được an ủi bằng tầm nhìn bao quát , ngắm vịnh Hạ Long biển đảo mênh mông và cả thành phố từ trên cao . Hôm sau tìm thấy được mấy bài thơ này , của vua và chúa , cũng ở Núi Bài Thơ nhưng tại một địa điểm hoàn toàn bất ngờ , xin phép sẽ kể sau .
Với những du khách có dư chút ít thời giờ và chân cẳng còn tốt , một cuộc dạo bộ vài cây số , vừa ghé tham quan vài di tích lịch sử vừa được ngắm hoàng hôn xuống dần trên vịnh Hạ Long chắc chắn sẽ rất thú vị .
Lê Thánh Tông là trục đường chính của Hòn Gai trước đây vì đường này dẫn đến bến phà để vượt Cửa Lục qua Bãi Cháy . Thời thế thay đổi , Hạ Long đã có cầu Bãi Cháy . Hòn Gai vươn hình hài lớn dậy , có thêm nhiều đường lớn , đường giao thông nhộn nhịp , nên đường Lê Thánh Tông , đoạn từ tháp đồng hồ ở Ngả 5 đến bến phà trước kia , ngày nay có vị trí khiêm nhường , trở thành đường của những ngày tháng cũ , dạng “Con đường xưa em đi” , con đường của hoài niệm nhớ thương .
Chúng ta bắt đầu cuộc dạo bộ từ UBND thành phố Hạ Long , góc Lê Thánh Tông và phố Bến Đoan dẫn xuống biển . Chữ Đoan chắc là từ tiếng Pháp , Douane – hải quan . Phố Bến Đoan ngắn và gặp con đường Trần Quốc Nghiễn . Đường này to rộng , một đoạn dài gọi là cầu Bài Thơ , đi trên biển , có lối riêng cho khách bộ hành và ôm mặt phía nam của Núi Bài Thơ .
Đi chừng 200m , bên trái dưới chân Núi Bài Thơ là đền thờ Khai Quốc Công – Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn , con trai trưởng của Hưng Đạo Đại Vương . Ông trấn giữ vùng này , lập công to cùng với cha là Trần Hưng Đạo và các tướng nhà Trần , đánh đuổi giặc Nguyên – Mông xâm lược nước ta nên dân chúng lập một ngôi đền , dựng bên dưới chân Truyền Đăng Sơn – Núi Bài Thơ bây giờ , khoảng cuối thế kỷ 13 , gọi là đền Đức Ông . Tên chính thức của đền là Phúc Linh tự , nhìn ra biển , thờ Trần Quốc Nghiễn cùng với 2 vị tướng tài , Yết Kiêu và Dã Tượng .
Phía sau đền Đức Ông , vị trí cao hơn một tí , ở lưng chừng núi , có lối nhỏ có thể đi bộ len lỏi để qua đền thờ vua Lê Thánh Tông , to lớn – trang nghiêm – tao nhã . Lối lên chính là đi từ ngả 3 Lê Thánh Tông góc Nguyễn Du , đường rộng được trải nhựa cho xe cơ giới đến gần dưới chân đền . Trong đền có bức phù điêu to , tả cảnh vua Lê Thánh Tông với hội văn thơ tao đàn “Nhị thập bát tú” mà ông là vị chủ soái .
Trước đền Đức Ông , nhiều năm nay đã hình thành một khu đô thị mới , rộng hơn 10ha , trải dài ngay cạnh biển . Khu này trước đây chắc là hải cảng – bến tàu – kho bãi – xưởng sửa chữa tàu thuyền với diện tích to lớn và được “hóa phép – hô biến” thành khu dân cư với toàn là nhà cửa khang trang to đẹp , đường xá rộng rãi , sạch sẽ , nhiều công viên cây xanh nho nhỏ . Chỉ tiếc là khu phố này chắc chủ nhà mua rồi để đó , chờ lên giá hoặc để “rửa tiền” nên trông rất vắng vẻ , ít người cư ngụ , không có sự sống , nhiều nhà treo bảng bán hoặc cho thuê .
Từ đền Đức Ông và khu đô thị mới , đi tiếp theo đường Trần Quốc Nghiễn thêm vài trăm thước , chúng ta thấy đền Chúa bên đường , dưới chân Núi Bài Thơ . Ngôi đền đã được trùng tu , trong khuôn viên có vườn với nhiều cây xanh , tỉa cắt chăm sóc tốt , buổi tối đèn đóm rất lung linh . Mấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương – An Đô Vương được khắc lên vách núi đá , sau lưng ngôi đền này .
Trước đây khu vực mặt phía nam dưới chân núi Bài Thơ là khu dân cư ổ chuột , xây dựng che chắn tạm bợ , mất an ninh trật tự , xâm phạm nặng nề đến di tích lịch sử . Thành phố đã giải tỏa rất nhiều nhà nhếch nhác nơi đây để xây dựng được con đường bao biển Trần Quốc Nghiễn .
Từ đó những bài thơ trên vách đá đã xuất hiện trở lại , được quan tâm bảo tồn để ngày nay công chúng có thể dễ dàng tham quan – chiêm ngưỡng – thưởng thức thơ của vua và chúa . Không ngờ việc được đọc thơ của vua – chúa ở Núi Bài Thơ lại dễ dàng đến như vậy , không cần khổ sở leo hơn 700 bậc thang .
Các bạn đừng bỏ qua dịp hiếm có để đến với di tích Bài Thơ Vua – Chúa trên vách núi đá dưới chân Núi Bài Thơ ! Thấy vua và chúa đã để lại vết tích văn chương nơi này nên các quan cai trị cũng muốn “dựa hơi – ăn theo” , cũng làm thơ , cũng cho khắc lên vách núi đá bên cạnh mấy bài thơ của vua và chúa . Tính cách “dựa hơi – ăn theo” như vậy vẫn còn tồn tại trong đầu và thể hiện qua hành vi các quan chức ở xứ ta cho đến ngày hôm nay .
Đường Trần Quốc Nghiễn to rộng , dẫn chúng ta đi thêm gần 10km ven biển rất đẹp , qua bến tàu Hòn Gai , tòa nhà Vincom Plaza Hạ Long , đi ngang công viên Hoa Hạ Long tiếp nối với công viên Lán Bè , bảo tàng Quảng Ninh , rồi quảng trường 30 tháng 10 rộng mênh mông , bên cạnh là cung Cá heo Hạ Long .
Trên đường ven biển này , một bên là vịnh Hạ Long , với vỉa hè bờ kè rộng rãi , có trồng nhiều cây dừa , đã cao lớn xanh tươi , ngoài biển hàng trăm đảo nhỏ nối tiếp nhau , khung cảnh tuyệt mỹ . Có đoạn dài , biển được lấn , đem cát từ xa đến , phủ lên , cải tạo thành bãi tắm với cát trắng tinh dưới bóng những hàng cây dừa mới được trồng sau này , trông rất đẹp .
Bên còn lại của con đường là khu dân cư thành lập gần 20 năm nay . Biệt thự nối tiếp biệt thự , nhìn ra biển và khuôn viên biệt thự nào cũng đều trên vài trăm mét vuông . Nhiều mảnh đất đã có chủ nhưng vẫn để trống , hàng trăm ngôi nhà tại khu vực này cũng thuộc dạng “mua để dành chờ lên giá” hoặc “cha mẹ , vợ con , anh chị em” đứng tên dùm , thưa thớt người ở nên cả khu phố vắng vẻ .
Địa chỉ nên ghé tham quan là bảo tàng Quảng Ninh , nằm ngay bên bờ biển , đường Trần Quốc Nghiễn , cách Vincom Plaza Hạ Long chừng 1.500m . Viện bảo tàng được thiết kế và tổ chức điều hành khá hiện đại từ hình thức đến nội dung . Nhiều đề tài được nhắc nhở , trình bày rất thứ tự lớp lang . Từ lịch sử xa xưa với nhiều cọc gỗ đã tìm được , đóng dưới sông tạo nên chiến thắng Bạch Đằng ngày xưa , đến chiến đấu thời nay với súng phòng không bắn rơi vô số máy bay Mỹ , 1964 – 1972 . Những nội dung về văn hóa , chủng tộc , kinh tế , du lịch , địa chất , đời sống cũng được trình bày đầy đủ .
Đáng ghé và vẫn đi bộ tới được đó là nhà thờ Giáo xứ Hòn Gai . Nhất cử lưỡng tiện , đi nhà thờ và được có dịp khám phá khu dân cư sống trên núi Ba Đèo .
Từ chợ Hạ Long hoặc Vincom Plaza Hạ Long , chỉ vài bước chân là đến bùng binh tháp đồng hồ Ngả 5 rất lớn . Từ đây , theo đường Trần Hưng Đạo đi hướng bắc sẽ thấy cách tháp đồng hồ 100m là phố Nhà Thờ dẫn lên núi , nép ngay bên cạnh đường Trần Hưng Đạo .
Sau vài trăm thước sẽ thấy cổng sau của nhà thờ Giáo Xứ Hòn Gai . Được xây dựng năm 1933 trong khuôn viên to rộng , bị trúng bom máy bay Mỹ hủy hoại năm 1967 , và được xây mới năm 1998 . Dân cư sinh sống trên núi này chung quanh nhà thờ đại đa số là người theo công giáo toàn tòng từ Nam Định , cùng nhau ra lập nghiệp ở Hòn Gai từ gần một trăm năm nay .
Từ sân nhà thờ ở trên cao , chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh – Panorama xuống Hòn Gai từ nhiều góc cạnh . Hướng nam là Núi Bài Thơ , chợ Hạ Long , Vincom Plaza Hạ Long và nguyên vịnh Hạ Long trước mắt , đã bị nhiều nhà cao tầng che mất tầm nhìn . Hướng bắc là khu phố Cũ – Hòn Gai bên cạnh vịnh Cửa Lục . Chếch về hướng đông và đông – nam là Hòn Gai trải dài nhiều cây số theo quốc lộ 18 nhộn nhịp , song song cùng đường ven biển yên lặng , với hằng hà sa số biệt thự của các quan , nhìn ra bãi tắm cát trắng dưới bóng những hàng cây dừa và cây cọ .
Đã từ lâu mình có nghe đến những cụm đảo ở vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long như Ngọc Vừng , Quan Lạn , Cô Tô , Thanh Lân , Vĩnh Thực v. . . v. . . và mong muốn được ghé lên những đảo này . Chỉ còn Ngọc Vừng là chưa có dịp đến nên lần này mình lên chương trình phiêu lưu ra đảo này vài ngày vì . . . “cuộc đời đó , có bao lâu mà hững hờ” !
Thế là lững thững xuống bến tàu Hòn Gai , cuối con đường có chùa Long Tiên , coi lịch tàu đi tàu về . Gửi xe máy ở bãi giữ xe ngay dưới tầng hầm chợ Hạ Long , về nhà nghỉ chuẩn bị hành trang giã từ , sáng ngày mai sẽ trả phòng . Hải trình ra đảo Ngọc Vừng sẽ như thế nào ? Trên đảo sinh hoạt ra sao , có gì hấp dẫn không ? Những chuyện này sẽ được ghi lại trong du ký sắp tới , hồi sau sẽ kể . Trong tiểu thuyết Tàu gọi là “hạ hồi phân giải” .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: