Hành trình lang thang bên châu Âu , từ Berlin xa xôi ở đông bắc xứ Đức – Phổ , xuống Biển Hồ – Bodensee , vùng ba biên giới Đức – Thụy Sĩ – Áo ở miền nam nước Đức . Qua nước Áo chơi vài tiếng đồng hồ , sau đó ghé thủ đô Vaduz thăm vương quốc tí hon Liechtenstein , rồi tiếp tục đi về phương nam , băng qua dãy núi cao Alpen hùng vĩ , xuyên qua nước Thụy Sĩ từ bắc xuống nam để đến Ý .
Đêm cuối cùng trên đất nước Thụy Sĩ .
Bellinzona là thủ phủ nhưng Lugano lại là thành phố lớn nhất của tiểu bang Ticino . Từ thời Trung Cổ xa xưa , đây là nơi đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp dẫn đến chiến tranh giữa các thế lực ở miền bắc nước Ý , mạnh nhất và nổi nhất là giòng họ của Công tước Visconti .
Từ 1803 vùng Ticino được nhập vào nước Thụy Sĩ , phát triển thành một trung tâm tài chính – dệt may – công kỹ nghệ cao , vùng du lịch quốc tế giữa đường từ bắc châu Âu xuống nước Ý , với hào quang của một miền được đón nắng ấm như là ở Địa Trung Hải !
Một phần tư mặt hồ ở phía bắc và một phần tư bờ hồ phía nam thuộc nước Ý , ba phần tư mặt hồ ở giữa lại nằm trên lãnh thổ Thụy Sĩ .
Lugano rất thích hợp với những du khách có thể lực tốt , nhất là đôi chân , dùng để leo dốc và lang thang lục lọi len lỏi qua những ngõ ngách trong khu phố đi bộ . Thành phố được xây dựng trên những triền đồi nhìn xuống hồ Lugano . Nguyên khu trung tâm được hạn chế tối đa xe cộ lưu thông để dân chúng có được một khu phố đi bộ với toàn những con đường hẹp , lát bằng đá to như nắm tay . Rất nhiều quảng trường với bồn phun nước , công viên nho nhỏ nối với nhau bằng những đường phố như một mê hồn trận , san sát những cửa hàng lịch sự sang trọng .
Địa điểm vui nhộn và đáng ghé nhất là Piazza della Riforma , nơi 7 con phố nhỏ – ngắn – xinh xắn gặp nhau ở cái quảng trường hình chữ nhật , gần bờ hồ , dưới chân nhà ga xe lửa , được bao quanh bằng những quảng trường và công viên khác .
Tại quảng trường Piazza della Riforma , vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần có chợ phiên lộ thiên chuyên bán rau – củ – quả sạch của nông dân từ những trang trại có qui mô gia đình , sinh sống gần Lugano và đem hàng hóa ” cây nhà lá vườn ” bán cho dân nơi đây . Đặc biệt trong dịp hè , cũng tại quảng trường này , vào ngày thứ bảy có chợ trời bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính các nghệ nhân nơi đây chế tác và một khu vực riêng cho khách ưa thích đồ cổ .
Vì là thành phố bên cạnh núi cao và hồ nước nên để khắc phục độ cao , có nhiều phương tiện di chuyển được áp dụng : Cáp treo và xe điện leo núi .
Có tất cả 3 địa điểm trên cao , có thể lên đến bằng xe điện :
1. Từ nhà ga xe lửa , khách phương Tây thường đi xuyên qua những bậc thang bộ để xuống khu trung tâm – khu phố đi bộ bên dưới , gần bờ hồ . Du khách châu Á thường ngại sử dụng đôi chân ngà ngọc nên dùng xe điện đi từ nhà ga xe lửa xuống quảng trường Piazza Ciocaro ngay phố đi bộ . Lúc đi ngang lưng chừng đồi , khách sẽ thấy bên phía nhìn xuống hồ là nhà thờ Cattedrale di San Lorenzo với mặt tiền kiểu thời Phục Hưng – Renaissance .
2. Từ trạm xe bus Cassarate dưới chân núi ở phía đông bắc thành phố , có xe điện chở khách leo lên đỉnh núi Monte Bre – cao 925m . Trên đỉnh có vài nhà hàng cho khách thưởng thức ẩm thực , giải khát , ngắm nhìn toàn cảnh hồ và thành phố Lugano đẹp lung linh dưới chân mình .
3. Từ trạm Paradiso dưới chân núi phía nam thành phố Lugano , có xe điện chở khách lên đỉnh núi Monte San Salvatore – cao 912m . Cũng như trên những ” đỉnh núi du lịch ” , nơi đây có nhà hàng phục vụ ăn uống , sân rộng để ngắm toàn cảnh hồ và thành phố Lugano từ phía nam . Những khách có thừa sức khỏe và thời giờ , có thể theo những con đường mòn đầy hoa thơm cỏ lạ dẫn xuống mấy thôn làng đẹp như mơ dưới chân núi như Melide , Carona .
Đây không phải là cáp treo đưa khách tòn ten , trong lòng vừa hồi hộp vừa run sợ giữa trời , trong mấy nhà lồng nho nhỏ mà là mấy toa tàu giống như xe điện , chạy trên đường ray và được vận hành bằng điện , đặc biệt là loại xe này có một hệ thống răng cưa giữa hai đường ray để xe bám vào đó và từ từ leo lên cao .
Ở Việt Nam cũng có một tuyến đường sắt có răng cưa để leo núi giống như vậy , từ ga Tháp Chàm – Phan Rang độ cao 32m , đến Krong Pha bắt đầu lên núi , leo qua đèo Bellevue – Ngoạn Mục với độ dốc 12% để lên tới ga Đà Lạt độ cao 1.488m . Đường sắt này được khánh thành năm 1932 chạy tới năm 1972 , với những đầu máy hơi nước hiệu Esslingen – Đức và Furka Oberwald – Thụy Sĩ .
Năm 1986 , Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo đường ray có răng cưa và bán chung với 7 đầu máy chạy bằng hơi nước rất độc đáo này , đặc biệt có bánh xe răng cưa và một số toa hạng nhất cho công ty DFB -Thụy Sĩ với giá . . . sắt vụn ! Người ta gọi đây là chiến dịch ” Back to Switzerland ” . Sau đó những đầu máy quí hiếm này được phục chế , đại tu lại và cho rong ruổi ngày ngày , bán vé phục vụ chở du khách đi chơi vượt đèo Furka trên dãy Alpen ở Thụy Sĩ .
Xin được trở lại Lugano – Thụy Sĩ !
Ở dưới hồ có rất nhiều tuyến tàu thuyền du lịch chở khách lênh đênh khắp nơi , ghé qua những thị trấn thơ mộng nằm ven hồ bên địa phận Thụy Sĩ cũng như bên Ý . Thụy Sĩ và Ý đều ở trong khối Schengen nên việc qua lại giữa hai nước dễ dàng . Khách có thể mua vé đi từng chuyến trên hồ , kéo dài vài tiếng đồng hồ hoặc thả hồn trên sông nước cả ngày trời cũng được .
Ngay bờ hồ là công viên cây xanh Parco Civico xinh đẹp đầy bóng mát và rộng cả chục mẫu đất . Rải rác khắp nơi trong thành phố là những nhà thờ cổ và tu viện được xây dựng từ thời Trung Cổ , cái nào cũng xứng đáng là một tác phẩm của nghệ thuật kiến trúc để cho chúng ta chiêm ngưỡng .
Gần cả chục viện bảo tàng nằm trong khu vực có thể đi bộ đến tham quan dễ dàng và cái nào cũng hấp dẫn nhưng cuối cùng phải . . . để dành cho lần sau vì đang đi theo đoàn mà là đoàn của ” phe Ta ” nên thời giờ rất eo hẹp và hầu như không bao giờ có tiết mục tham quan viện bảo tàng !
Đối với những bạn ngưỡng mộ Hermann Hesse , 1877 – 1962 , xin đừng quên đến viếng ông này ở thị trấn Montagnola , chỉ cách Lugano vài cây số về phía tây nam . Văn hào gốc Đức Hermann Hesse , được bạn đọc biết đến qua nhiều tác phẩm đã được dịch qua tiếng Việt như Siddhartha – Câu chuyện giòng sông .
Sau Thế chiến thứ nhất , ông lui về ẩn dật tại Montagnola , một thị trấn bé xíu – xinh đẹp – yên lặng , bên cạnh núi – sông – hồ thơ mộng , gần Lugano . Nơi đây , những tác phẩm tạo nên tên tuổi của ông đã được thai nghén và ra đời , để rồi năm 1946 ông vinh hạnh nhận giải Nobel văn học .
Trên đường rời nước Đức phát xít năm 1933 , hai tác gia lớn của Đức là Bertolt Brecht và Thomas Mann đều dừng chân một thời gian tại nhà Hermann Hesse ở Montagnola . Các ông đều là những văn nghệ sĩ đã cực lực phê bình và gay gắt lên án chế độ phát xít của bọn Đức Quốc Xã . Từ giữa những năm 1930 không có tờ báo hoặc tạp chí nào ở Đức dám đăng bài của các ông . Thomas Mann , trước đó vào năm 1929 đã được trao giải Nobel văn học .
Viện bảo tàng – Museo Hermann Hesse tại thị trấn Montagnola trưng bày nhiều đồ dùng của ông vẫn còn được gìn giữ rất tốt , sách vở cùng với nhiều bài thơ và hàng ngàn bức tranh bằng màu nước – Aquarelle , ông đã vẽ trong thời gian sống ở Ticino .
Buổi tối , mấy anh em cùng nhau dạo phố . Ở đây không có ” Phố đêm đèn mờ giăng giăng . . . ” mà đèn đuốc sáng choang , vì là thành phố du lịch và tối hôm nay còn có đêm hội nhạc ngoài trời nên phố phường vui tươi nhộn nhịp , đi đâu cũng thấy có ban nhạc sống , người đâu mà đông quá xá !
Mấy ngày vừa qua ăn toàn đồ Tây nên ba anh em bắt đầu nhớ và thèm những món Việt nhưng tìm đâu ra nhà hàng Ta ở đây ? Cuối cùng cũng lọt vào một nhà hàng Tàu giữa phố đi bộ , trên lầu . Chủ tiệm là một cặp vợ chồng người Tàu , trông rất lúng túng trước những thực khách ngoại quốc , người phục vụ là dân Thụy Sĩ , đồ ăn thì rất xoàng , thậm chí dưới trung bình nhưng giá cả thì mắc vô cùng , khiếp đảm quá !
Đêm nay là đêm cuối trên đất Thụy Sĩ , ngày mai sẽ tiếp tục đi về phương nam , tiếp tục hạ độ cao dần dần để xuống đồng bằng bắc Italia . Tiếc quá , một nơi chốn xinh đẹp – thanh bình – văn hóa như vậy mà không ở thêm được vài ngày nữa cho thỏa lòng vì biết bao giờ mới có được dịp ghé qua đây !
Nguyễn Chí Hoài Nhơn
Photos: