Bài số 7. Mưa Thượng Lào vào mùa khô

-

Du ký Việt Nam – Kampuchia – Lào , một mình một ngựa sắt Honda wave alpha 100cc xuyên Việt Nam – Kampuchia – Lào .

Hành trình trong mưa dầm dề ở Thượng Lào trong mùa . . . khô và đường về Điện Biên Phủ.

Tạm biệt cố đô Luang Prabang hiền hòa , nhỏ nhắn , xinh xắn , êm đềm bên ngả ba sông Mekong và sông Nam Khan .

Vừa ra khỏi nhà nghỉ là gặp ngay mấy đoàn nhà sư đi khất thực vào mỗi sáng sớm . Mình có phòng ngay trong khu vực với mật độ chùa chiềng rất cao , buổi sáng có chuông chùa đánh thức , đi ra phố cũng đi xuyên qua sân vài ngôi chùa !

Đèo cao , biên giới Lào – Việt , đầy mây trắng và sương mù .

Lúc đang ràng buộc ba lô cho chắc để lên đường thì trời bắt đầu . . . mưa , ớn quá !

Đi bằng xe máy mà gặp trời mưa là sợ nhất ! Ngay sáng sớm của ngày đầu năm mới , xuất hành đi xa lại có mưa thì chỉ còn tự an ủi , chắc đây là dấu hiệu báo trước là năm nay sẽ là một năm . . . tình cảm ướt át và có thể có chiều hướng ướt . . . ” ác ” nữa !

Và càng đi thì mưa . . . càng lớn ! Mùa này chỉ có miền Trung Việt Nam ta là có mưa và mình đã cố tình đi xa về phía tây của dãy Trường Sơn để né mưa vậy mà cũng không tránh được ! Thật đúng là ” Mưu sự tại . . . Nhơn , thành sự tại thiên ” !

Thêm một điều an ủi nữa là quốc lộ 13 phía bắc lúc này đã được tu sửa , tốt hơn xưa nhiều . Chỉ có điều đáng nói là thỉnh thoảng có những hố thật sự là ” hố tử thần ” ! Xe đang chạy bon bon thì có những hố to và dài trên đường nhựa , gặp trời mưa to tầm nhìn rất bị hạn chế nên mỗi lần sụp hố thì vô cùng nguy hiểm , rất dễ bị té ngã gây tai nạn trầm trọng ! Mỗi lần bị lọt xuống hố , tuy chưa bị trợt ngã nhưng mình có cảm tưởng là xe có thể bị gãy làm hai ! Nếu xài xe máy ” Wave Tàu ” có thể xe đã bị gãy rồi !

Km 112 – Pakmong . Thị trấn này đã thay đổi nhiều so với những lần trước mình đi ngang đây năm 2009 và năm 2011 , thêm nhiều nhà nghỉ , cửa hàng , nhà cửa . Đổ xăng và ăn trưa . Một điều tệ hại là không biết từ những ngõ ngách nào mà nước mưa lại len lỏi thấm vào trong làm ướt quần áo của mình , dù đã cẩn thận dùng áo mưa và cả quần mưa nữa !

Từ Pakmong đường lại dẫn leo lên vùng cao hơn nữa , đường quanh co khúc khuỷu ngoằn ngoèo , hết đèo dốc này lại đến đèo dốc khác và mưa thì vẫn . . . triền miên mãi không lắng đọng ! May là quốc lộ 13 đoạn này tốt hơn đoạn Luang Prabang – Pakmong .

Km 192 – Oudomxay . Thành phố này là thủ phủ của tỉnh cùng tên và nằm trong vùng hoang vắng của Thượng Lào . Phố xá đã có phần nhiều hơn xưa và có rất nhiều nét ảnh hưởng của Tàu – Trung Cộng ! Nhiều nhà hàng , nhà nghỉ , khách sạn cửa hiệu treo bảng có cả tiếng Tàu .

Tìm được nhà nghỉ xong , việc đầu tiên là lo tắm nước nóng thật kỷ để tăng thân nhiệt vì cả ngày đi dưới trời mưa , quần áo bị thấm nước ! May là trong ba lô vẫn còn áo quần khô ráo , được gói trong bao ny long ! Một ngày mưa liên tục từ lúc khởi hành đến cuối đoạn đường 192km !

Nơi đây cũng là một nút giao thông lớn để đi về bốn phương :

– Đi về hướng tây bắc thêm 95km nữa sẽ đến tận cùng của quốc lộ 13 , tới biên giới Lào – Trung Cộng .
– Đi về hướng tây nam 130km , theo quốc lộ 2W để đến Pakpeng và thêm vài chục cây số nữa để đến biên giới Lào – Thái Lan .
– Đi về hướng nam , 192km theo quốc lộ 13 sẽ đến Luang Prabang .
– Đi về hướng đông bắc , theo quốc lộ 2E sẽ đến Mường Khoa bên sông Nam Ou sau 100km , đi tiếp 65kn nữa sẽ về . . . đất Việt , cửa khẩu Tây Trang , biên giới Lào – Việt . Từ đây đi 35km đường xấu , nhiều bụi bặm là về đến Điện Biên Phủ .

Thành phố Oudomxay đã được mở rộng hơn xưa , có thêm nhiều khách sạn , nhà nghỉ , cửa hàng . Trời vẫn còn mưa lâm râm nên không có đi đâu , chỉ xơi lần cuối món cá nướng bên Lào , ở mấy quầy ẩm thực đêm , gần nhà nghỉ .

Một ngày vất vả , gian nan , mệt mỏi , lạnh lẽo , ướt át nhưng cuối cùng cũng được đến đích . Cũng là ngày cuối cùng trên đất Lào .

Sáng sớm thức dậy không nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà là mừng lắm , mặc dù trời vẫn còn âm u , nhiều mây .

Hôm nay sẽ là một ngày vui vì được . . . hồi hương ! Cự li khoảng chừng 205km , đường tương đối tốt .

Rời Oudomxay , hành trình chạy ven theo những sông suối đẹp của Thượng Lào .

Km 100 – thị trấn Mường Khoa . Nằm bên sông Nam Ou . Khi xưa phải đi phà qua sông Nam Ou , giờ đây đã có cây cầu bê tông to qua sông Nam Ou . Nhờ giao thông tốt hơn xưa nên thị trấn cũng nhộn nhịp hơn , có thêm khách sạn lớn . Từ thị trấn này du khách Tây ba lô thường đi thuyền chậm lênh đênh cả ngày trời theo sông Nam Ou để về Muong Ngoi Neua hoặc Nong Khiao , rồi từ đó có thể tiếp tục bằng đường bộ để đi Phonsavan – Cánh đồng chum hoặc về Luang Prabang .

Vừa qua cầu Nam Ou , thấy ngay bên trái có bảng to bằng tiếng Tàu , chỉ đường đến công trường đang xây dựng thủy điện Pak Ou 4 gần đó , chỉ cách 4km và Pak Ou 5 cách Mường Khoa 58km về hướng thượng nguồn !

Vậy thì đã rõ ! Tàu Trung Cộng đã và đang tràn qua miền bắc nước Lào , đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn và đã không ngần ngại băm nát , hủy hoại môi trường , hủy hoại thiên nhiên của nước Lào để kiếm tiền ! Hèn chi trên đường ở vùng Thượng Lào mình thấy nhiều ảnh hưởng của Tàu Trung Cộng trong chuyện buôn bán , giao thương .

Đoạn đường 65km từ Mường Khoa lên biên giới Lào -Việt đã được Việt Nam xây , khánh thành cách đây vài năm , chưa thấy . . . bị hư và chạy vẫn còn tốt ! Trên đường thỉnh thoảng có một bản làng nho nhỏ , càng gần đến khu vực biên giới càng lên cao , nhiều đèo dốc , nhìn xuống thấy khắp nơi , dưới các thung lũng mây trắng xóa như tuyết !

Tạm biệt nước Lào.
Tạm biệt nước Lào.

Cửa khẩu quốc tế Panghok – Tây Trang tương đối vắng , thủ tục ra khỏi nước Lào đơn giản , nhân viên hải quan thu lại tờ giấy phép tạm nhập tái xuất cho xe máy và . . . tạm biệt nước Lào ! Qua khỏi trạm biên phòng của Lào xong còn phải lên một ngọn đèo chừng 5km nữa mới đến phía Việt Nam , có cái cột mốc Việt – Lào .

Thủ tục bên Việt Nam lại càng nhanh chóng , giản dị hơn bên Lào vì đây là ta về nhà ! Cũng tại trạm biên giới này , hai năm trước mình đã bị công an ” chê ” , không cho đem xe qua Lào vì xe của mình là xe ngoài tỉnh , không phải xe máy đăng ký tại Điện Biên Phủ ! Bây giờ thử hỏi mấy anh chị ở hải quan thì được trả lời là hiện nay vẫn . . . như cũ , không cho xe máy đăng ký ở tỉnh khác qua Lào ở cửa khẩu Tây Trang !

Những lần trước mình đi ngang đoạn này đều là tháng 11 hoặc 12 nên hoa Dã Quỳ nở rộ hai bên đường , lần này đã bị trễ một tí nên tuy vẫn có hoa . . . đón chào nhưng không tràn ngập như những lần trước !

Điện Biên Phủ được thiên hạ biết đến vì đó là nơi lần đầu tiên trong lịch sử của loài người một dân tộc bị trị , nghèo đói , bị thực dân đô hộ gần cả trăm năm , đã dũng cảm dám đứng lên , đã phải dùng những vũ khí thô sơ nhất nhưng với quyết chí ” Không chịu làm nô lệ ” đã đánh thắng và đuổi được giặc Pháp xâm lược ra khỏi bờ cõi !

Tại thành phố và chung quanh Điện Biên Phủ có nhiều di tích lịch sử , danh lam thắng cảnh . Lần này mình về đây coi như ” dưỡng quân ” để vài hôm nữa sẽ ” hành quân ” lên Apachai – Ngả ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Cộng .

Xe máy đi bị khua kêu to quá và từ lúc khởi hành đến bây giờ cũng đã đi được gần 4.000km nên mình đem xe đến đại lý Honda để bảo dưỡng và phát hiện hai tấm nhựa trước ổ đèn và sau đồng hồ tốc độ đã bị gãy bể tạo tiếng động bất an lúc điều khiển xe ! May là đại lý có sẵn độ phụ tùng cũng màu tím nên cho lắp hàng mới vào .

Muốn đi thăm vài di tích như mọi khi nhưng cứ bị những cơn mưa ngăn chặn nên mình chỉ đến được mấy nơi thôi !

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ , ngay bùng binh chợ trung tâm , đại lộ Võ Nguyên Giáp .

Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên . Được xây dựng mới vài năm nay nhưng trông rất cũ kỹ bụi bặm . Đáng tiếc là bên trong chỉ trưng bày một số mô hình , đồ đạc và hình ảnh – quá sơ sài và khiêm tốn đối với tầm vóc một chiến thắng to lớn , lẫy lừng , vĩ đại của dân tộc Ta ! Một chiến thắng đã làm các nước thực dân phải chấp nhận thay đổi tư duy về đề tài thuộc địa !

Đối diện với Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên là nghĩa trang Điện Biên và khu di tích lịch sử đồi A1 . Đây là cụm ba điểm đến , nằm gần nhau , rất thuận tiện để đi thăm quan một lần ba nơi !

Buổi tối cuối ở Điện Biên Phủ , đang thưởng thức món cá suối , đặc sản vùng cao , thì có một anh chàng người Pháp – từ thành phố Toulouse dưới chân dãy núi Pyrenees , đến làm quen và xin được hỏi . . . kế ! Chàng này cũng du lịch kiểu . . . Tôi với Trời bơ vơ và thực sự . . . bơ vơ !

Anh chàng được trang bị và tin tưởng iPads cũng như facebook , tưởng vậy là yên tâm lên đường , kết quả là bị vô cùng lúng túng vì du lịch Việt Nam không phải như anh ta tưởng ! Vậy là mình phải lên chương trình dùm để anh ta qua được Mường Khoa – Lào , hôm sau lênh đênh sông Nậm Ou xinh đẹp một ngày trời rồi đi xe buýt về Luang Prabang .

Thời tiết sao bất thường quá ! Từ tháng 9 tháng 10 và nhất là từ tháng 11 dương lịch trở đi thì miền Bắc Việt Nam vào mùa Thu – Đông , khí hậu khô ráo , mát mẻ rất thích hợp cho du lịch . Nhưng năm nay trời đất đảo lộn , ở Thượng Lào mình đã đau khổ bị . . . nhập vai ” Le passager de la pluie ” – Lữ khách trong mưa , nguyên một ngày trời !

Lần này đã nghỉ ” dưỡng quân ” tại Điện Biên Phủ được ba ngày , sáng sớm được đánh thức dậy bằng tiếng . . . gà gáy ! Nhưng giữa những tiếng gà gáy là tiếng . . . mưa rơi rầm rì trên mái tôn nhà bên cạnh !

Cách đây hai năm mình đã bị hụt chuyến đi A Pa Chải vì hôm đó quyết định bị lầm đường và còn bị trời mưa làm vô cùng trơn trợt mà còn phải leo nhiều đèo núi , bị té ngã ngửa nhiều lần , kể cả bị xe máy đè lên người rồi cuối cùng phải bị thấm thía cảnh . . . một đêm trong rừng vắng ở gần bản Nậm Dính – Tà Tổng – Lai Châu .

Lần này dự tính ghé A Pa Chải để . . . thanh toán ” món nợ ” cách đây hai năm ! Buổi sáng rời Điện Biên Phủ , từ lúc sớm , trời còn tối thui đã nghe một loạt tiếng gà gáy với đủ giai điệu và kèm theo đó là cả tiếng . . . mưa rơi !

Tình thế thật là gay go ! Đường từ Điện Biên Phủ đến A Pa Chải dài 260km và là đường đi qua vùng hoang vắng nhất nước Việt Nam , đi ngang khu vực nhiều rừng rậm , núi cao , vực sâu mà mình chưa đi qua bao giờ , và hôm nay tạm biệt Điện Biên Phủ cũng là một ngày bị gặp trời mưa ! Những ký ức của đêm không ngủ , một mình trong rừng vắng Lai Châu lạnh 14o C của năm nào lại hiện về .

Đi về đâu hỡi em ? Tiếp tục ở lại Điện Biên Phủ với ” nệm ấm chăn êm ” để trú mưa ? Đi về hướng bắc , đến Mường Lay hoặc xa hơn nữa , đến Phong Thổ , Lai Châu rồi Sapa ? Hay là theo quốc lộ 6 trực chỉ . . . hướng về Hà Nội ? Hay là cứ đi về hướng A Pa Chải – Ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Cộng , chấp nhận một cuộc phiêu lưu mới ?

Quyết định ” Đi về đâu hỡi em ? ” , sẽ có trong bài kế tiếp , trong truyện Tàu gọi là hồi sau sẽ rõ – Hạ hồi phân giải !

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

 

Xin mời các bạn bấm vô đây để xem thêm hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây