Bài số 19 và cũng là bài cuối của hành trình khám phá Bắc Việt

-

Du ký miền Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – Một mình một ngựa sắt lang thang rong ruổi từ Tây Bắc qua Đông Bắc , rời vùng núi cao biên giới , xuống vịnh Hạ Long .

Bài số 19 và cũng là bài cuối của hành trình khám phá Bắc Việt .

Chuyến đi nào , rồi cũng đến hồi kết . May mắn là những ngày ở đảo Cát Bà đều gặp thời tiết rất tốt , không mưa – mát mẻ – gió nhẹ . Ngày rời đảo , tạm biệt Cát Bà cũng là một ngày đẹp trời , nắng ráo rất thích hợp để cỡi ngựa sắt lên đường . . . Tây tiến , đi về hướng tây .

Đi một vòng đường Núi Ngọc , xuống dốc gặp đường 1 tháng 4 – đường ven biển , đi hết con đường chính của thị trấn , tới chợ đi tiếp cạnh hồ Tùng Dinh , quẹo phải vào đường Tùng Thu vài trăm thước là đã thấy bãi tắm Tùng Thu hiện ra trước mắt .

Bãi tắm Tùng Thu nằm bên cạnh khu trung tâm , đi bộ từ trong phố chỉ 25 phút là tới . Bãi cát trắng mịn , nước không sâu , rộng rãi và còn trống vắng với lèo tèo vài dịch vụ trên bờ biển , chưa được đầu tư và khai thác đúng mức .

Bãi tắm Tùng Thu , tạm biệt Cát Bà .

Đi thêm vài trăm thước nữa , gặp một khu đô thị mới tinh , đang xây dựng toàn nhà cửa to lớn khang trang , thuộc loại nhà liền kề cao 4 tầng . Chủ nhân những bất động sản này đại đa số là dân Hà Nội – Hải Phòng hoặc vùng than khoáng sản Hạ Long – Quảng Ninh .

Gần đó là khu đô thị Cái Giá đang được quy hoạch hoặc . . . “âm mưu” lấp biển để kiếm chác ở thị trường bất động sản cũng đã rục rịch nổi lên tại đảo này . Cũng như tất cả những “dự án treo” khác , khu vực rộng lớn này có tường mái tôn bít bùng kín mít , che “những con mắt trần gian” xoi mói , bên trong được tượng trưng san lấp mặt bằng , làm vài con đường lớn , cắm mấy hàng cột điện , và sẵn sàng quảng bá thông tin . . . bán nền nhà !

Km 4 – Ngả 3 Hùng Sơn .

Đây là ngả 3 mấu chốt , có 2 con đường lớn xuyên đảo đều dài 24km bằng nhau . Con đường bên tay phải , đi về hướng bắc tây – bắc , qua hang Quân Y – động Trung Trang – Vườn Quốc Gia Cát Bà – đền Thiên Quốc Mẫu Hà Gia Luận – bến phà phía bắc , những nơi chúng ta đã đi qua trong bài du ký 18 vừa rồi .

Bây giờ chúng ta quẹo trái , bắt đầu vào tỉnh lộ 356 , đi ven biển đảo Cát Bà theo hướng tây bắc , đích đến là bến phà Cái Viềng – điểm cực tây đảo Cát Bà . Sau vài cây số , gặp một làng đánh cá nhỏ ven một bãi biển với vài nhà nghỉ màu mè trông đẹp mắt , vài căn nhà ven đường với những giàn bông giấy tràn đầy hoa và hoa .

Đường 356 đi theo biển , qua nhiều bãi tắm hoang vắng .

Đoạn đường này đi qua khu vực đồng bằng , bên trái cách tỉnh lộ 356 chừng 500m – 1.000m , có nhiều bãi tắm và vịnh nho nhỏ , nằm khuất sau mấy ngọn núi thấp . Thỉnh thoảng lại thấy có con đường đất , chắc là dẫn vào mấy khu du lịch “tự phát” đang chờ cấp giấy phép hoặc khu “quy hoạch treo” .

Km 12 – Ngả 3 Đền Bà Chúa Gôi – Cat Ba Eco Lodge .

Nơi đây có con đường nhỏ quẹo phải , đi ngang một hồ chứa nước rất to , kế đó là khu du lịch Cat Ba Eco Lodge . Đi tiếp xuyên rừng 1.500m ta gặp một ngả rẽ , để qua Vườn Quốc Gia Cát Bà gần đó hoặc đi ngược ra tỉnh lộ 356 . Trên khúc đường vắng này cũng có vài khu du lịch nho nhỏ thu hút khách Tây ba lô như Woodstock Jungle Camp , Catba full house .

Nhà sàn tiếp tân trong Cát Bà Eco Lodge . Nơi đây còn có nhiều nhà bằng gỗ ọp ẹp , tiện nghi không ra gì nhưng giá thì cao như khách sạn 4 sao ở phố Cổ Hà Nội !

Từ đây đường đi bên cạnh biển quanh co – uốn lượn – lên dốc – xuống dốc , len lỏi qua mấy khe núi . Thỉnh thoảng có một điểm dừng chân với nhà vọng cảnh và công viên nho nhỏ để du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi trời biển đảo , ngắm nhìn hoàng hôn trên biển .

Km 15 – Ngả 3 xã Hiền Hào – đường qua Vườn Quốc Gia Cát Bà .

Trước khi tới ngả 3 này , cuối năm 2018 đang đi bằng xe Honda 110cc xe mình bị cán đinh xẹp lốp ngay trên đỉnh dốc nhìn xuống biển . Lết xe 1.500m vào xã Hiền Hào gần đó , loay hoay – tìm tòi – lục lọi hồi lâu mới gặp một ông chú đang ngồi chơi uống trà , lôi trong xó nhà ra bộ đồ nghề sửa xe và thong thả vá lốp .

Lần đó , lúc đến thành phố Cao Bằng và sắp đi vào vùng rất hoang vắng gần đường biên giới Việt Nam – Trung Cộng , mình đã thay hai lốp xe không ruột – Tubeless , để bớt vất vả nếu đi giữa đường vắng mà xe bị thủng lốp vì bánh xe Tubeless rất cứng xì hơi rất chậm , ta có thể đi được thêm nhiều cây số nữa , an toàn đến chỗ sửa xe để xử lý tình huống .

Như cái tên Hiền Hào , xã này sống an bình lâu nay , nhà không cần khóa cửa . Một bãi tắm cát mịn nho nhỏ yên lặng hoang vắng . Bà con sống quây quần trong làng cách biển vài trăm thước , bên con đường nối tỉnh lộ 356 ven biển qua đến Vườn Quốc Gia Cát Bà , chỉ cách 5km .

Bãi tắm xã Hiền Hào , yên lặng và hoang vắng .

Từ bãi biển Hiền Hào , đường vẫn đi sát biển , ven theo những sườn núi . Phong cảnh biển – đảo – núi – trời hiện ra trước mắt rất đẹp nhưng tài xế không được chủ quan nhìn ngắm lung tung lơ là việc lái xe vì đoạn này có nhiều khúc cua khá gay gắt nguy hiểm .

Km 18 – Bãi biển Phù Long .

Bãi tắm cát trắng dài hơn một cây số , thấy có cả mấy hàng cây dừa hoang dại nhưng còn vắng vẻ lắm , chưa thấy “nhúc nhích” gì , đẹp như nàng công chúa còn đang ngủ trong khu rừng êm ái , chưa được chàng nào đến đánh thức .

Km 24 – Bến phà Cái Viềng .

Đường 356 tiếp tục đi qua một khu có rất nhiều vuông nuôi tôm và rừng ngập mặn với cây mắm phủ màu xanh , qua cầu và làng Phù Long . Cuối làng có bến tàu cao tốc đi về bến Bính – Hải Phòng . Thêm vài trăm thước nữa là ga cáp treo Phù Long . Cuối đường là bến phà Cái Viềng – điểm cực tây của đảo Cát Bà

Phà Cái Viềng bên Cát Bà – phà Bến Gót bên Cát Hải .

Sau khi có cầu Đình Vũ – Cát Hải , từ Cát Bà đi Hải Phòng chỉ còn phà Cái Viềng – Gót 2km . Sau Tết 2024 vừa khánh thành bến phà Đồng Bài , mới hơn hiện đại hơn và nằm bên cạnh ga Cáp Treo Sunworld Cát Bà thay cho phà Gót , cách đó 3km .

Từ giữa năm 2020 đã có cáp treo Cát Hải – Phù Long nối đảo Cát Hải với đảo Cát Bà , đưa khách qua biển tòn ten trên độ cao 215m ngang bằng một tòa nhà70 tầng . Tập đoàn Sun Group đầu tư , công ty Doppelmayer & Garaventa – nước Áo thiết kế và xây dựng . Trong mùa du lịch cao điểm , cáp treo này góp phần giải quyết rất tốt việc chở người qua đảo Cát Bà vì phà không đáp ứng được số lượng khách quá đông .

Ngày trước ta sẽ đi tiếp thêm 7km trên tỉnh lộ 356 từ phà Gót xuyên thị trấn Cát Hải êm đềm để đến bến phà Ninh Tiếp , ở phía tây đảo Cát Hải .Trên đảo này mấy năm nay có thêm nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ cho hàng ngàn công nhân viên làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast như : Khách sạn – nhà nghỉ , những xóm nhà trọ cho công nhân , hàng quán ăn uống , tiệm tạp hóa , nơi vui chơi giải trí v. . . v. . .

Nay thì “vật đổi sao dời” , vừa rời bến phà Đồng Bài đã có lối dẫn vào đường Tân Vũ – Lạch Huyện để qua cầu Đình Vũ – Cát Hải . Đi trên đường lớn chừng vài trăm thước đã thấy bên trái là nhà máy sản xuất xe điện VinFast to lớn hiện đại , rộng mênh mông bao la .

Đương nhiên bạn nào muốn tìm lại “một thoáng hương xưa” hoặc “Cát Hải – ngày tháng cũ” , vẫn có thể dành một chút thời giờ lượn xe lòng vòng qua những con đường nho nhỏ vắng lặng của mấy xã Cát Hải – Hoàng Châu – Ninh Tiếp , sẽ là một cuộc dạo chơi thú vị để trở về quá khứ mới đây thôi .

Năm 2017 chúng ta khánh thành đoạn đường gần 16km từ quốc lộ 5B – Hải Phòng vượt biển đến bến phà Gót . Riêng phần cầu qua biển dài 5.440m được cho là dài nhất Việt Nam hiện nay và đã làm cho giao thông vận tải từ đất liền ra đảo Cát Hải thuận tiện rất nhiều , làm sống động cả đảo Cát Hải và ảnh hưởng tốt đẹp đến sự phát triển của quần đảo Cát Bà .

Km 54 – Thành phố Hải Phòng .

Những lần trước mình đều lưu lại nơi đây vài ngày . Thành phố rất lớn , được chuyên gia Pháp quy hoạch tốt , sở hữu nhiều di tích lịch sử , nhiều địa điểm du lịch rất hấp dẫn . Đặc biệt , có dãi công viên cây xanh to rộng kéo dài nhiều cây số từ phố Hoàng Diệu đi xuyên trung tâm phố phường , ngang nhà hát thành phố , qua tượng đài nữ tướng Bà Lê Chân , dọc theo gần cả 1.000m bên hồ Tam Bạc , đến chợ Sắt – công viên Tam Bạc .

Tuyệt vời hơn nữa là có anh bạn Nguyễn Ngọc Tuấn – nghệ sĩ Saxophone . Trên đường “Vạn lý độc hành” , có dịp đến Hải Phòng là được Tuấn – Saxo mời ở tại khách sạn của anh ngay trung tâm thành phố . Ban ngày mình cỡi ngựa sắt “hộ tống” Tuấn đi xe đạp trên đoạn đường Hải Phòng – Đồ Sơn , đi và về gần 60km . Chẳng những phổi khỏe để thổi kèn mà đôi chân cũng rắn chắc , dẻo dai .

Hàng ngày Tuấn – Saxo đều đạp xe đi đoạn đường Hải Phòng – Đồ Sơn – Hải Phòng , 60km .

Anh em quen nhau từ mấy chục năm trước ở Sài Gòn , thưở còn “vật lộn với cuộc sống” nên ăn ý với nhau về nhiều đề tài và cũng có nhiều bạn chung trong giới văn nghệ . Buổi tối , hai đứa ghé qua bar nhạc sống của Hùng – Saxo em Tuấn bên đường Hoàng Văn Thụ thưởng thức âm nhạc . Về khuya còn ghé vỉa hè ăn đêm rồi mới về khách sạn . Viết những giòng này để nhớ lại những kỷ niệm đẹp với Tuấn ở Hải Phòng và cảm ơn Tuấn rất nhiều về sự tiếp đãi rất dễ thương – chu đáo – nồng nhiệt !

Lộ trình Hải Phòng – Hà Nội mấy lần gần đây mình thường đi vòng một tí , qua Kiến An – An Lão – Quý Cao – Tứ Kỳ , ghé thành phố Hải Dương xong , về Hà Nội . Lần này muốn ghé chùa Ba Vàng gần thành phố Uông Bí – Quảng Ninh nên hành trình sẽ đi theo quốc lộ 5 đã có từ xa xưa , bây giờ thêm ký hiệu AH 14 – Asean Highway số 14 – đường Xuyên Asean số 14 .

Km 66 – Ngả 4 Cầu Quán Toan và Cầu vượt An Dương .

Nút giao thông rất lớn , có nhiều ngả rẽ và mật độ giao thông cao , rất dễ đi lạc đường , tài xế nên đi chậm lại , cẩn thận nếu muốn quẹo qua lối khác . Trường hợp của mình là tìm cách quẹo vô quốc lộ 10 và đi về hướng đông bắc , hướng đi cầu Kiền – sông Cửa Cấm , cầu Trịnh Xá – Thủy Nguyên , cầu Sông Giá , cuối cùng là cầu Đá Bạc qua sông Bạch Đằng , đến thành phố Uông Bí . Từ Uông Bí đi thêm 5km hướng lên núi , đến chùa Ba Vàng .

Chùa Ba Vàng có tên chính thức là Bảo Quang Tự , nằm trên triền núi Thành Đẳng , nhìn xuống dưới là thành phố Uông Bí , xa thêm vài cây số là Bạch Đằng Giang oai hùng của lịch sử từ ngàn xưa . Đoạn chảy qua Uông Bí , sông được gọi là sông Đá Bạc .

Có quá nhiều chuyện lùm xùm – tai tiếng – bê bối về chùa này như “thỉnh vong – gọi hồn” , “xá lợi tóc Đức Phật” mà mọi người đều biết . Ở đây mình chỉ muốn ghé qua cho biết nên không nói thêm về những chuyện xấu xa – sai quấy – mạt pháp của chùa này và ông trụ trì .

Chỉ ngạc nhiên và lo lắng là cả nước đều biết rõ những chuyện khủng khiếp đã xảy ra nơi đây mà chùa và ông đại đức trụ trì vẫn bình chân như vại , vẫn tiếp tục ung dung tồn tại như không có chuyện gì đã xảy ra .

Đến ủy viên Bộ Chính trị mà vi phạm luật pháp vẫn bị cách chức , khai trừ ra khỏi đảng Cộng Sản và bắt vô nằm tù rục xương như Đinh La Thăng , hàng loạt đến 7 ủy viên Bộ Chính trị khác cũng đã lần lượt “xin từ chức” . Còn đây chẳng những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nặng nề về giáo luật mà ông đại đức trụ trì chùa này vẫn “hiên ngang tồn tại” . Tự do và tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo tới mức như vậy thì chắc Việt Nam ta đứng nhất thế giới rồi !

Km 116 – Văn Miếu Mao Điền .

Không tính 32km x 2 = 64 km cho đoạn đường “hành hương” đến chùa Ba Vàng , phải lên phía bắc và đi ngược lại Ngả 4 Cầu Quán Toan . Đi tiếp , qua khỏi thành phố Hải Dương , ta thấy có nhiều khu công nghiệp tập trung hai bên quốc lộ 5 , xe cộ chạy rất nhiều và toàn là xe tải hạng lớn , loại 22 bánh rất cồng kềnh – nặng nề – nguy hiểm . Gần tới thị trấn Cẩm Giàng , chúng ta ghé tham quan Văn Miếu Mao Điền .

Công trình tọa lạc cách quốc lộ 5 vài trăm thước . Phía trước là khu cánh đồng Tràn , nơi ngày xưa các sĩ tử từ các tỉnh thành phía Bắc tề tựu về đây để thi Hương , dựng lều chõng kín khắp nơi , bây giờ là sân rộng mênh mông , có thể đậu vài chục xe buýt lớn . Cổng chính và cổng bên hông đều khóa . May là có lác đác mấy nhóm khách tới “đi lễ” , biết cách điện thoại cho người ra mở cổng , coi như mình có duyên được vào tham quan ké .

Cổng vào ở Văn Miếu Mao Điền , từ chỗ cây gạo di sản nhìn ra sân ngoài .

Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử đứng thứ nhì miền Bắc Việt Nam , chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội . Nơi đây thờ Khổng Tử và các bậc đại nho của Việt Nam như : Chu Văn An , Mạc Đỉnh Chi , Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm , Bà Nguyễn Thị Duệ . . .

Giữa thế kỷ 15 , với chủ trương mở mang việc học hành khai dân trí , đào tạo nhân tài cho đất nước , triều Lê cho xây dựng những trường học quốc lập , trong đó có trường thi hương Mao Điền tại huyện Cẩm Giàng – Hải Dương . Chiến tranh Việt – Pháp đã tàn phá di tích , Văn Miếu trở thành hoang phế .

Đầu những năm 2000 , chính quyền tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng , tu bổ lại Văn Miếu trên khuôn viên rộng 3,6 héc ta . Cách đây vài năm đã dựng xong 14 tấm bia đá , đặt trên lưng rùa khắc tên 637 Tiến Sĩ Nho học của riêng Hải Dương , đã đỗ đạt dưới thời phong kiến .

Nếu bây giờ mà làm thêm bia , ghi tên Tiến Sĩ “thời kỳ đổi mới” thì không biết phải đặt làm bao nhiêu cho đủ vì Việt Nam ta bây giờ Tiến Sĩ hằng hà sa số . Nếu tính trung bình trên đầu người thì tỷ lệ Tiến Sĩ ở xứ ta chắc không đứng nhất cũng phải đứng nhì trên thế giới !

Km 143 – Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan , 1044 – 1117 .

Bà là vợ vua Lý Thánh Tông , 1023 – 1072 , có tài kinh bang tế thế , và đã từng 2 lần nhiếp chính trông coi việc nước rất thành công nên nhân gian còn gọi Bà là Nhiếp Chính Ỷ Lan . Một lần vua cùng Lý Thường Kiệt đi đánh giặc ở phương Nam năm 1069 đã trao quyền nhiếp chính cho Bà .

Lần thứ nhì là lúc vua qua đời năm 1072 , Hoàng Thái Tử Lý Càn Đức nối ngôi là vua Lý Nhân Tông , 1066 – 1128 , mới 7 tuổi nên Bà được tôn làm Hoàng Thái Hậu , buông rèm coi triều chính điều khiển quốc gia , cùng với triều thần lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc Tống thắng lợi đầu năm 1077 .

Chùa bên cạnh đền được người dân đặt tên chùa Bà Tấm , tên chính thức là Linh Nhân Tư Phúc Tự , do chính Bà cho xây dựng và có từ năm 1115 . Có thể nói , về kiến trúc và quy mô , đây là di tích có giá trị lịch sử và văn hóa rất cao , gắn liền với kinh thành Thăng Long ngàn năm tuổi .

Đền thờ Bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan , trong khuôn viên chùa Bà Tấm – Gia Lâm Hà Nội .

Đền thờ Bà Nguyên Phi Ỷ Lan nằm trong địa phận huyện Gia Lâm bên cạnh Hà Nội nên mật độ xe cộ càng lúc càng cao , đường xá mới được xây dựng trong những năm gần đây nhiều lắm , không để ý rất dễ bị lạc đường . Thường thì mình vô Hà Nội bằng cầu Chương Dương , lần này không biết đã mất tập trung ở đoạn nào mà đi lố và về Hà Nội qua ngõ cầu Long Biên .

Km 158 – cầu Long Biên Hà Nội .

Và đây cũng là lần đầu được cỡi ngựa sắt qua cầu Long Biên , không tính trước mà lại được , đúng là duyên . Sau một ngày đẹp trời , tạm biệt biển đảo Cát Bà , được ghé tham quan mấy nơi mà mình chưa ghé bao giờ , thật là thú vị .

Cầu Long Biên , được kỹ sư Pháp thiết kế và dựng xong vào những năm đầu thế kỷ 20 .

Kịp về khách sạn ở gần hồ Hoàn Kiếm , lúc trời sắp ngã về chiều , được may mắn về tới Hà Nội khỏe mạnh an toàn . Cảm ơn các bạn đã “nhọc nhằn” đồng hành với mình , đi một vòng từ Tây Bắc qua Đông Bắc , từ vùng cao biên giới hùng vĩ xa xôi xuống vùng biển đảo xinh đẹp , khám phá miền Bắc Việt Nam .

Nghỉ ngơi ở Hà Nội vài ngày , xe máy sẽ đem lên ga xe lửa cổng sau ở đường Trần Quí Cáp để gởi về Sài Gòn . Hẹn gặp lại các bạn ở những du ký khác . Thân mến !

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos:

Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo
Google Photo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây