Biết viết những hàng đầu tiên như thế nào đây? Đã lâu lắm rồi, đâu có cầm cây viết nên bàn tay thì cứng mà “nguồn thì đã cạn “ từ lúc nào rồi !
Được mấy ông bạn bên BQT cuongde.org động viên liên tục, thỉnh thoảng lại nhắc khéo và đôi lúc gần như là trách móc nên mình cố gắng viết bài này và đem một số hình ảnh của chuyến đi một vòng đất nước Việt Nam cuối năm 1998 và trình làng để anh em cùng xem !
Thời điểm khởi hành là cuối mùa mưa, vừa xong trận bão Số 4 là tranh thủ lên đường ngay. Phương tiện di chuyển là một cái xe cũ mèm, 200 cc sản xuất tại Liên Xô cũ, hiệu là Tyla, thích hợp để đi vùng rừng núi, địa hình xấu !
Mối lo đã ám ảnh suốt cuộc hành trình là bộ phận sạc điện đã bị hư, sửa rồi nhưng sẽ có nguy cơ bị hư lại ! Và xe này dở một cái là nếu không có điện thì không khởi động được !
Báo Tuổi Trẻ có một bài dài giới thiệu chuyến đi và có nhờ mình vài tuần viết bài dưới dạng “Nhật ký hành trình “ để bạn đọc xem và coi như là cùng đi với nhau !
Hành trình bắt đầu bằng một sự kịện… dàn dựng ! Mình đi ngày thứ Hai nhưng tòa báo cần hình ảnh để chuẩn bị cho số báo ra ngày thứ Ba , nên sáng Chủ Nhật, đang đi khiêu vũ ở vũ trường Thiên Hồng – Arc en Ciel trong Chợ Lớn thì có anh Lê Tự Trung, phóng viên báo Tuổi Trẻ gửi tin qua máy nhắn tin pager hẹn trưa gặp nhau trưốc trụ sở Ủy ban Nhân Dân Thành phố (trước đây là Tòa Đô Chánh) để chụp hình cho bài giới thiệu chuyến đi.
Rồi cũng đến lúc lên đường. Ngày thứ Hai, 16.11.1998, trời rất đẹp, tiễn mình trong chuyến xuyên Việt là 2 anh bạn đều có tên là Việt, Việt Cồ và Việt Xiêm !
Nếu kể lại cho đầy đủ các tình tiết trên đường đi thì nhiều lắm ! Xin hẹn các bạn dịp khác, còn lần này chỉ xin được kể tóm tắt thôi !
Qua ngày hôm sau, ở Mũi Né, thì mình bàng hoàng khi phát hiện là… bộ phận sạc điện lại bị hư ! Sau đó, cứ 1 hay 2 ngày là phải ghé tiệm điện để sạc điện. Coi như là “cỡi con ngựa què đi khắp đất nước“ thiệt là “đơn thân độc mã “ !
Vì sao lại “đơn thân độc mã” trên cuộc hành trình 4.000 km vòng quanh đất nước ? Lý do cũng dễ biết là tất cả bạn bè đều tất bật chuyện làm ăn, chuyện gia đình vợ con, chưa nói đến là phải đầy đủ sức khỏe và nhất là phải…”thất nghiệp” 50 ngày để cùng nhau rong ruỗi … Thế cho nên đành phải lên đường với… Chủ đề “Tôi với trời bơ vơ”
Đến Nha Trang thì vừa đúng lúc cơn bão Số 5 ập vào thành phố này, mưa gió tơi bời, đường phố ngập nước lai láng !
Vài ngày sau hết bão, leo qua đèo Cả đến Tuy Hòa rồi về Quy Nhơn, coi như là về quê, “châu về Hợp Phố “.
Cũng nên kể thêm là mỗi khi bị mưa to gió lớn thì lo cho bản thân mình thì ít, nhưng lo cho cái xe cũ mèm và nhứt là cái ba lô nhỏ xíu đựng mấy chục cuốn film dương bản và 2 cái máy ảnh bằng “nửa bàn tay” thì nhiều !
Rất may là không có sự cố gì làm hư hao máy ảnh và film nên chúng ta giờ đây mới có tập ảnh này để cùng coi !
Vừa hết cơn bão Số 5 ở Nha Trang bây giờ lại đến lượt cơn bão Số 6 vào Quy Nhơn ! Tranh thủ giữa những cơn mưa , trời hơi tạnh một tí là minh đi thăm những chốn cũ và người xưa … Rất vui khi gặp lại những bạn cũ: Thân Trọng Hoài, Trần Đạo, Đỗ Ngọc Hoánh, Nguyễn Bá Hảo, Lê Thái Hảo, Nguyễn Thái Hòa, Khổng Xuân Hiền …
Và cảm động hơn nữa là lúc đến thăm thầy Đào Đức Duyên, vị giáo sư rất được học sinh yêu thích và kính mến. Nhờ Thầy mà tụi em có một số vốn Anh ngữ rất tốt để dùng cho đến bây giờ !
Cuộc vui nào rồi cũng qua đi, sáng hôm lên đường đi tiếp ra Quảng Ngãi, các bạn đến tiễn, nhìn đất trời còn âm u, nhìn cái xe già nua rồi nhìn mình cũng … già nên anh em tuy ái ngại nhưng vẫn chúc cho mình “đi đến nơi, về đến chốn” ,”chân cứng đá mềm” !
Một buổi tối êm ả ở Quảng Ngãi, hôm sau đến Tam Kỳ thì Quốclộ 1A thành sông với nước cuốn rất mạnh, không có ghe nào chịu nổi nên lần này phải dùng phương tiện “sang ngang “ là …xe bò !
Hội An trời ngưng mưa , phố Cổ với Chùa Cầu và những con đường nhỏ, những con hẽm xanh rêu rất đẹp …
Rời Hội An đến Đà Nẵng chỉ 29 km, ghé tham quan Viện Bảo tàng Chăm bên bờ sông Hàn, suốt dọc theo sông Hàn có công viên dài, chiều chiều đi dạo rất thú vị …!
Đà Nẵng – Huế 105 km, vượt đèo Hải Vân 22 km, cảnh thiên nhiên rất đẹp xứng với danh hiệu “Thiên hạ Đệ Nhất hùng quan “.
Giữa đường, huyên Phú Lộc, có đường rẽ trái đi lên dốc rất gắt và quanh co liên tục 18 km để đến đỉnh núi Bạch Mã, “thành phố ma ” với 139 biệt thự xây từ năm 1932, hiện đang hoang tàn đổ nát.
Huế đang ngưng mưa vài ngày, lại có nắng thu rất đẹp. Ở Huế, sẽ đi thăm cung điện, tham gia một ngày du ngoạn “lênh đênh trên sông Hương “. Viếng chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén và các lăng Khải Định, Tự Đức , Minh Mạng …
Trên đường từ Huế đến Quảng Trị thì mình bị một tai nạn khủng khiếp, tưởng là hành trình bị “đứt gánh giữa đường ” ! May mà mình không hề hấn gì, xe bị bể bóng đèn, sửa lại được để đi tiếp…
Tối ngủ ở Đông Hà, ghé Đồng Hới sau khi đi qua cây cầu Hiền Lương lịch sử.
Sau đêm ở Đồng Hới – Quảng Bình là Khu du lịch Bãi đá nhảy. Từ đây có đường rẽ trái về hướng dãy Trường Sơn để đến động Phong Nha. Mùa này nước từ thượng nguồn chảy về hang còn nhiều nên Khu du lịch động Phong Nha không nhận khách tham quan vì quá nguy hiểm !
Đi tiếp qua cầu sông Gianh, biên giới của thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Phía bắc sông Gianh chừng 35 km là đèo Ngang trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ, nằm chắn ngang trên đường thiên lý !
Đoạn dường bãi đá Nhảy-Vinh 170 km hơi dài lại gặp nhiều trận mưa nên đường rất trơn trợt và vất vả … Ở Vinh một đêm. Vì quá ớn đoạn đường giông bão và mưa gió của miền Trung nên hôm sau đi tiếp …
Qua khỏi Vinh chừng 30 km, khí hậu đã khác đi nhiều, càng gần phía bắc càng khô, mát và đẹp …Giữa trưa là đi hết chặng Vinh-Thanh Hóa 150 km – thời tiết tuyệt vời ! Bắt đầu đã có không khí mùa thu xứ Bắc … Vừa qua cầu Hàm Rồng là thấy ngay bày bán loại mía tím đậm của vùng này.
Từ Thanh Hóa đi về hướng đông 15 km là ra biển, khu du lịch Sầm Sơn với những bè đánh cá không bằng gỗ mà bằng tre ghép, cột lại với nhau rất lạ mắt !
Thanh Hóa – Ninh Bình chỉ 60 km và đang lúc thời tiết tốt nên đi rất thoải mái. Ninh Bình với Hoa Lư, đền Đinh Tiên Hoàng, đền Lê Đại Hành, Tam Cốc, Bích Đông đều là những điểm rất đáng ghé thăm !
Chặng ngắn nhất của chuyến đi là chặng Ninh Bình – Nam Định 30 km. Rời Quốc lộ 1A, đi về hướng đông bắc đến Nam Định.
Thành phố Nam Định lớn, sống nhờ vào nhà máy dệt Nam Định nhưng lúc này nhà máy gần như là…”sập tiệm” nên cả thành phố bị ảnh hưởng xấu theo !
Ngày 08.12.1998 tiến về Hà Nội, đi khoảng 100 km chặng Nam Định – Hà Nội và lưu lại thủ đô 4 ngày. Đến ngày 08.12.1998 là đã đi được 23 ngày và 1.730 km trên Quốc lộ 1A, chưa tính những quãng “lòng vòng” ở những nơi đã dừng chân …
Nguyễn Chí Hoài Nhơn
Photos