Du ký khám phá miền Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa lang thang rong ruổi trên hành trình từ Tây Bắc qua Đông Bắc . Từ vùng cao biên giới xuống biển , ra đảo Ngọc Vừng trong vịnh Bái Tử Long , ra quần đảo Cát Bà trong vịnh Lan Hạ .
Bài số 17 . Đêm cuối ở Hòn Gai , đường qua Tuần Châu và hải trình đến quần đảo Cát Bà .
Mặc dù gặp ngày thời tiết không thuận lợi , trời âm u nhiều mây đen , biển động nhẹ . Không có tàu nhanh sáng sớm về Hòn Gai nhưng may mắn là quá trưa đã theo được tàu gỗ chạy chậm , về bến Vũng Đục – Cẩm Phả . Tuy hơi rắc rối lòng vòng một tí , chậm mất vài tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng về đến Hòn Gai , vẫn kịp tham gia lời mời đến chung vui buổi khai trương nhà hàng và bar rượu Taylor trên du thuyền Sea Octopus bên Bãi Cháy .
Thành phố Hạ Long rất lớn , có 3 bến tàu thuyền .
– Bến tàu Hòn Gai . Nhỏ nhất , khiêm nhường nhất , nơi xuất phát những tàu nhanh Composit đi mấy đảo gần , trong vịnh Bái Tử Long như Ngọc Vừng – Quan Lạn .
– Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long . Như tên gọi , bến này rất to , là nơi đậu nhiều tàu thuyền lớn , thậm chí đón cả những tàu du lịch quốc tế với kích thước khổng lồ , dài đến 300m , cao như khách sạn 10 – 15 tầng , phục vụ vài ngàn du khách lênh đênh nhiều ngày trên các đại dương .
– Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu . Cảng này vừa rộng vừa lớn , nằm trên đảo Tuần Châu , có cả bến phà đi qua đảo Cát Bà và sân đậu thủy phi cơ . Nơi đây cũng là bến của rất nhiều “du thuyền khách sạn” được gắn nhiều sao , chuyên đi những hải trình trong vịnh Hạ Long , du lịch trọn gói ăn no ngủ kỷ , lênh đênh trên biển , ghé những danh lam thắng cảnh – những hang động – những bãi biển đẹp , nằm rải rác trong vịnh .
Mình và vài người bạn được hân hạnh mời dự tiệc trong đêm khai trương nhà hàng và bar rượu Taylor trên du thuyền Sea Octopus sang trọng lộng lẫy . Thuyền khởi hành từ cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ở Bãi Cháy , lúc nắng chiều chỉ còn lưa thưa và hoàng hôn chợt tới rất nhanh .
Được dự tiệc buffet với chương trình ca nhạc sống động trong lúc du thuyền chở khách đi một vòng ven theo thành phố Hạ Long và vịnh Cửa Lục , dưới bầu trời đầy đèn đóm lấp lánh lung linh của mấy khu vui chơi giải trí . Một đêm vui ở vịnh Hạ Long với mấy anh bạn từ Sài Gòn .
Tạm biệt Hòn Gai , mình không qua cầu Bãi Cháy theo quốc lộ 18 mà đi đường Lê Thánh Tôn , hướng bến phà cũ , tìm lối quanh co vòng vo lên núi Ba Đèo , đi chui dưới lòng cầu và vào cầu Bãi Cháy ngay đầu cầu phía đông trên núi Ba Đèo .
Cầu Bãi Cháy đã trở thành một trong những biểu tượng của Hạ Long . Đây là công trình hợp tác Việt – Nhật . Cầu có 4 làn cho xe ô tô , 2 làn cho xe thô sơ và xe máy , dài 2.487m , riêng đoạn qua vịnh Cửa Lục dài 903m , chiều cao thông thuyền 50m , tàu 50.000 tấn qua lại dễ dàng . Tổng mức đầu tư xây dựng 2.140 tỷ đồng , vay qua nguồn vốn ODA của Nhật Bản .
Cầu được khánh thành cuối năm 2006 . Trước đó đã có đến 40 – 50 tờ báo đưa tin về chuyện tham nhũng đình đám tại PMU 18 của Bộ Giao thông vận tải . Tổng công ty PMU 18 quản lý nhiều dự án trong đó có dự án cầu Bãi Cháy . 12 quan tham nhũng bị bắt giam và khởi tố . Toàn dân vui mừng hả hê vì tụi giòi bọ bị vạch mặt và cho vào tù .
Nhưng chuyện làm mọi người lo lắng ngao ngán lẫn phẫn nộ và hụt hẫng là giữa tháng 5 năm 2008 , có một “chiến dịch phản pháo” . Trong hàng trăm người viết bài phanh phui về chuyện PMU 18 tham nhũng với nhiều sai phạm thì có nhiều phóng viên bị mời lên công an để thẩm vấn .
Hai nhà báo viết phóng sự điều tra hăng nhất trong vụ tham nhũng PMU 18 là Nguyễn Văn Hải – báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến – báo Thanh Niên bị bắt giam , khởi tố . Sau đó tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết án Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù giam , Nguyễn Văn Hải 2 năm tù treo .
Từ đó có tình trạng “khủng hoảng truyền thông – im lặng là vàng” . Hầu như báo chí Việt Nam trong một thời gian dài đến mười mấy năm mất hứng với mạng nội chính chống tham nhũng mà chỉ chuyên đăng toàn những tin như tai nạn giao thông , thiên tai – lũ lụt – hạn hán hoặc cướp của giết người , bể hụi , hãm hiếp v. . . v. . . Thật là đáng buồn cho quyền tự do báo chí , tự do ngôn luận !
Về tên Bãi Cháy có 2 giả thuyết :
– Mùa xuân năm 1288 , đoàn thuyền lương thực hậu cần của tướng giặc Mông Cổ Trương Văn Hổ bị Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần phục kích đánh tan tành , bị cháy lớn , gặp gió mùa Đông Bắc thổi mạnh , dạt vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn cả khu rừng đang trong mùa thời tiết hanh khô . Khu rừng bị cháy ngày xưa là Bãi Cháy ngày nay .
– Thuyết thứ nhì cho rằng , trên bãi biển ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ , lấy lá cây phi lao đốt lửa hun dưới đáy và hai bên mạng sườn thuyền để cạo những con hàu bám chắc làm hư hỏng thuyền , lửa khói thường thấy trên bãi biển nên được gọi là Bãi Cháy .
Bên Bãi Cháy cũng rất rộng rất lớn , có vài khu phố xưa cũ , nhiều khu dân cư mới tinh , nhà cao cửa rộng đắt tiền nhưng còn rất hoang vắng . Đặc biệt có nhiều nhà nghỉ khách sạn , từ bình dân đến nhiều sao và những khu vui chơi giải trí , bãi tắm cát trắng để phục vụ lượng du khách đông đảo đến từ khắp nơi .
Trước đây , chuyện đi từ Hạ Long đến đảo Cát Bà rất khó khăn vì nhà nước không có tuyến này , và nếu muốn phải thuê nguyên cả thuyền để đi dù khoảng cách không xa , chỉ 12 hải lý = 22km . Khoảng 20 năm nay , đảo Tuần Châu được nối với đất liền nên hải trình từ phía nam đảo Tuần Châu đến phía bắc đảo Cát Bà ngắn chỉ 6 hải lý = 11km , trở nên vô cùng thuận tiện . Thời gian đầu đi bằng tàu thuyền nhỏ và chỉ chở được người . Từ nhiều năm nay đã có phà to , chở được nhiều xe ô tô , kể cả xe tải lớn và chỉ cần 50 phút .
Làng chài Tuần Châu trước đây là hòn đảo sơ khai – bùn lầy – ngập mặn – nghèo xơ xác , rộng 405 héc ta , nằm ở tây – nam và cách thành phố Hạ Long chừng 10km , cách đất liền chỉ 2km . Nói đến Tuần Châu không thể không nhắc đến nhân vật Đào Hồng Tuyển . Ông này chấp nhận mạo hiểm và vào năm 1997 đạt được thỏa thuận với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh là đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với đảo Tuần Châu , đổi lại ông được sử dụng 98 héc ta đất trên đảo .
Hiện nay Tuần Châu đã được xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở và phát triển mạnh , trở thành đảo đậm chất du lịch gồm : Cảng tàu , bến phà , thủy phi cơ , bến du thuyền , bãi biển nhân tạo với cát trắng và những hàng cây dừa cây cọ , khu Công viên vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu , Cung trình diễn nhạc nước với Cá Heo , sân golf Tuần Châu và nhiều khách sạn , khu dân cư cao cấp , nhưng nhiều khu đang ngừng xây dựng hoặc không có người ở .
Ngoài đường bộ và đường biển , khách có thể tới Tuần Châu bằng thủy phi cơ . Mỗi ngày đều có vài chuyến thủy phi cơ bay tuyến Hà Nội – Tuần Châu – Hà Nội , được điều hành do công ty Hải Âu Aviation , bay bằng máy bay Cessna Grand Caravan của Mỹ sản xuất , chở được 12 khách . Tại Tuần Châu khách có thể tham gia chuyến bay ngắm cảnh dài 25 phút lòng vòng trên vịnh Hạ Long , giá vé 2 triệu đồng một người .
Du khách nào muốn “sống chậm” , muốn có nhiều thời giờ để ngắm vịnh Hạ Long – Di sản văn hóa thế giới với 1.969 hòn đảo , có thể đi bằng phà to qua đảo Cát Bà , an toàn êm ái và giá vé rẻ hơn rất nhiều so với máy bay . Ở bến phà , nếu may mắn đến đúng lúc , chúng ta có thể thấy thủy phi cơ đáp xuống biển rồi lăn bánh xe lên khu vực đậu thủy phi cơ ngay bên cạnh bến phà Tuần Châu .
Phà Tuần Châu đi Cát Bà đưa chúng ta từ mặt phía nam đảo Tuần Châu , rời vịnh Hạ Long sau vài cây số để vào vùng vịnh biển Lan Hạ của quần đảo Cát Bà và cập bến phà Gia Luận ở phía bắc đảo Cát Bà sau 50 phút lênh đênh trên biển .
Di chuyển bằng phà từ Tuần Châu qua Cát Bà thực sự là một hành trình trên biển rất thú vị . Phà bằng sắt thép , vững vàng – chắc chắn – an toàn , chở được nhiều xe ô tô , gồm 3 tầng rộng rãi , khách đi lại thoải mái khắp nơi , tha hồ tìm góc này góc kia đẹp để ghi hình . Mỏi chân thì có nhiều băng ghế để ngồi nghỉ . Các du khách Tây ba lô tha hồ phơi ngoài nắng để được có làn da nâu nhạt phong trần của nắng và gió biển miền nhiệt đới .
Phà chạy với tốc độ tà tà , len lỏi qua vô số đảo đá vôi đủ các hình dạng , mọc hoang vu dựng đứng trên nước . Đảo nào cũng không có người ở , đầy cây xanh vươn cao giữa những khe đá , giống như những hòn non bộ trong vườn nhà . Ra giữa biển bao la chúng ta sẽ thấy có rất nhiều tàu thuyền tương đối to lớn , đua nhau khoe về vóc dáng cũng như màu sắc .
Đây là những du thuyền khách sạn được gắn nhiều sao , lịch sự sang trọng , cái nào cũng sở hữu vài chục căn phòng đầy đủ tiện nghi , có cả hồ bơi , ghế nằm phơi nắng , nhà hàng phục vụ chu đáo cho du khách được nghỉ ngơi an dưỡng . Phục vụ phần ẩm thực có đủ các món ăn ta – tây – tàu , đặc biệt là các hải sản vùng biển Đông Bắc nước ta .
Từ bến phà Gia Luận , có xe buýt công cộng chở khách về trung tâm thị trấn Cát Bà . Khách dùng xe máy sẽ được dịp hiếm có để đi giữa khu vực tương đối vắng vẻ , hai bên đường rất nhiều cây xanh và núi đá vôi , thiên nhiên đẹp tuyệt vời . Du khách có dịp ghé nhiều địa điểm du lịch trên đường đi đến thị trấn Cát Bà .
Trước hết là viếng Đền thờ Thiên Quốc Mẫu Hà Gia Luận bên rừng ngập mặn gần bến phà , đi tiếp qua động Hoa Cương , rồi đến Vườn Quốc gia Cát Bà , ngang động Trung Trang , gần đó là hang Quân Y , sau nữa sẽ qua bãi tắm Tùng Thu , về đến trung tâm thị trấn Cát Bà sau 23km đường tráng nhựa khá tốt .
Thị trấn Cát Bà với gần 13.000 cư dân , từ 1998 đã có điện lưới quốc gia , cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng để phát triển kinh tế xã hội cho huyện đảo . UNESCO công nhận Quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới . Những năm gần đây nhiều công trình hạ tầng giao thông , du lịch đã được hoàn thiện , tạo bộ mặt mới cho Cát Bà , thu hút rất nhiều du khách đến đảo .
Nhà nghỉ và khách sạn tại Cát Bà nhiều lắm . Nếu không đến đây vào mùa nghỉ hè , đúng dịp lễ hoặc cuối tuần mà đến vào dịp Thu – Đông thì dễ có phòng và sẽ được nghỉ ngơi – an dưỡng – đổi gió đúng nghĩa . Những lần trước mình thường trọ ở nhà nghỉ bên đường 1 tháng 4 , con đường lớn , phòng nhìn ra cảng và biển . Mấy lần gần đây mình lấy phòng trên đường Núi Ngọc , nhiều lựa chọn hơn , yên tĩnh hơn , tốt hơn và tiện nghi cũng hơn .
Nhận phòng xong , tắm rửa , nấu nước sôi pha cà phê uống cho tỉnh táo , coi như mừng cho hành trình đến Cát Bà được an toàn . Và như những lần khác , việc đầu tiên là dạo bộ một vòng thị trấn . Đi hết đường Núi Ngọc , lên dốc xuống dốc , gặp bến cảng tàu thuyền du lịch , xuyên qua công viên ven biển , lại lên con dốc nho nhỏ để đến bãi tắm Cát Cò 1 .
Bãi tắm Cát Cò 1 , trước đây đã bị khách sạn Catba Island rất to , cộng với khu vui chơi giải trí đồ sộ án ngữ ngay bên bờ biển , làm cảnh quan xấu đi . Nay lại có thêm 3 khách sạn Flamingo gần đó , cao ngất đến mấy chục tầng lầu , xây dựng sát bên bờ biển , phá tan nát cảnh vật và phong thủy khu vực này .
Táo tợn hơn nữa , chủ đầu tư mấy khách sạn Flamingo này ngang nhiên chận đường một con dốc và coi như tự dành riêng quyền sử dụng bãi tắm Cát Cò 2 và cả khu rừng rộng cả trăm héc ta cách đó vài trăm thước , bên kia một ngọn núi nhỏ . Bãi tắm Cát Cò 2 nguyên là bãi biển công cộng cho toàn dân , đã bị “hóa phép – hô biến” thành tài sản riêng của công ty này !
Từ bãi tắm Cát Cò 1 có lối dành cho người đi bộ rộng khoảng 2m , được xây dựng rất kiên cố , bám quanh co trên sườn núi , kéo dài khoảng gần 1.000m , đến bãi tắm Cát Cò 3 .
Trước đây , bên bãi tắm Cát Cò 3 có một khu du lịch tương đối đẹp với mười mấy Bungalow ẩn hiện dưới nhiều cây xanh . Những Bungalow này chắc đã hết hợp đồng thuê đất nên bị đập nát , san phẳng thành bình địa . Bên một góc khác của bãi biển này , dưới chân ngọn núi nhỏ đã thấy mọc lên một khách sạn cao mười mấy tầng lầu .
Từ bãi tắm Cát Cò 3 , qua một con dốc nhỏ , gặp con đường ô tô ven biển dẫn vào trung tâm thị trấn , chỉ cách chừng 1.000m . Nhìn thị trấn Cát Bà đã lên đèn , lung linh lấp lánh trong bầu trời đêm ở vịnh Lan Hạ , mình mới biết là đã đến lúc tìm một nhà hàng gần bến tàu , dùng bữa tối và thử nhâm nhi bia Hải Phòng .
Chuyện đi chơi ở đảo Cát Bà xin phép sẽ kể sau vì bài đã quá dài , thư bất tận ngôn .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: