Du ký lang thang rong ruổi miền Bắc Việt Nam . Đơn thân độc mã – một mình một ngựa khám phá vùng cao Tây Bắc và Đông Bắc xong , xuôi về miền biển , xuống vịnh Hạ Long .
Bài số 16 . Những ngày trên đảo Ngọc Vừng .
Phương tiện giao thông đến đảo Ngọc Vừng gồm tàu nhựa Composit chạy nhanh và tàu gỗ chạy chậm . Có 3 bến xuất phát từ đất liền để đi Ngọc Vừng .
– Bến Hòn Gai . Tàu nhanh chạy mỗi ngày , hải trình khoảng 19 hải lý = 35km , đi ra khơi giữa biển xa nên lịch tàu chạy lệ thuộc nhiều vào thời tiết sóng gió . Bến cảng nhỏ , mùa vắng khách chỉ có một chuyến tàu sáng sớm và một chuyến buổi trưa . Điều thuận tiện là bến tàu nằm ngay gần chợ Hạ Long và chùa Long Tiên .
– Bến Vũng Đục ở thành phố Cẩm Phả . Nằm bên quốc lộ 18 và cách Hòn Gai khoảng 33km về hướng đông , hướng đi Tiên Yên – Móng Cái . Từ bến này , mỗi ngày có vài chuyến tàu gỗ chạy tà tà đến Ngọc Vừng với khoảng cách ngắn nhất chỉ 15 hải lý = 28km , và chạy len lỏi qua nhiều đảo khác trong vùng biển vịnh Bái Tử Long tương đối ít sóng gió .
– Bến Ao Tiên ở thị trấn Cái Rồng trên đảo Vân Đồn . Không xa quốc lộ 18 và gần phi trường Vân Đồn vừa đưa vào sử dụng , nhưng cách Hòn Gai 50km về hướng đi Móng Cái , thành phố cực đông – bắc nước ta , sát biên giới với Trung Cộng . Bến cảng này mới được khánh thành trước đây vài năm , rất lớn và rất hiện đại .
Từ bến cảng Ao Tiên , khách có nhiều sự lựa chọn để đi ra các đảo trong vịnh Bái Tử Long như : Đảo Ngọc Vừng , đảo Quan Lạn , đảo Cô Tô , đảo Thanh Lân . Khách có thể chọn đi tàu nhanh Composit hoặc tàu gỗ chạy tà tà chậm hơn . Khoảng cách từ bến Ao Tiên đi Ngọc Vừng khoảng 22 hải lý = 40km .
Mình đang ở Hòn Gai nên ưu tiên chọn đi từ bến Hòn Gai , ra đảo bằng tàu nhanh và khởi hành lúc 13g30 . Dùng bữa trưa xong , xe máy gửi ở bãi xe dưới tầng hầm chợ Hạ Long , về nhà trọ trả phòng , ba lô lên vai , đi bộ lững thững xuống bến tàu .
Từ bến Hòn Gai ra đảo Ngọc Vừng chỉ có tàu nhanh . Tàu được thiết kế theo hình dạng dài và hẹp , sản xuất bằng vật liệu nhựa Composit , đủ chỗ ngồi cho 30 người và hàng hóa . Động cơ rất mạnh , lướt phăng phăng trên biển với vận tốc lên tới 50km một giờ .
Hôm nay ít khách , không bị chở nặng nên tàu chạy khá nhanh , chưa đầy một tiếng đồng hồ đã cập cầu cảng ở vị trí phía bắc đảo Ngọc Vừng , cho một số khách xuống , sau đó tàu đi tiếp đến đảo Quan Lạn . Quan lạn là địa điểm du lịch nổi tiếng trong vịnh Bái Tử Long , cách đảo Ngọc Vừng 14 hải lý = 26km về phía đông .
Đến Ngọc Vừng chuyến này toàn là cư dân ở trên đảo nên có người nhà đi xe máy đến đón . Chỉ còn mình là khách “du lịch trái mùa” , đứng bơ vơ ở cầu cảng , giữa bầu trời buổi xế chiều mây đen vần vũ . Có người nói là cứ đi bộ độ chừng một cây số theo con đường độc đạo ven biển tới bến cảng Cống Yên gần đó , sẽ có xe điện chở vào trung tâm xã .
Con đường ven biển , giữa thiên nhiên xinh đẹp – êm đềm – vắng vẻ , chỉ mỗi một lữ khách mang ba lô nhỏ gọn trên lưng , vừa đi chầm chậm vừa được ngắm trời trăng mây nước . Được vài trăm thước là bắt đầu thấy có dấu hiệu làng xóm – nhà cửa – dân cư của bến cảng Cống Yên .
Cảng Cống Yên nằm ở phía bắc đảo Ngọc Vừng và tồn tại đã cả ngàn năm , là một nút giao thông lớn để trao đổi hàng hóa nhộn nhịp trên vùng biển đông – bắc , đặc biệt dưới triều đại Lý – Trần . Tàu gỗ từ các nơi cập bến Cống Yên . Từ đây có dịch vụ xe điện chở khách đi đoạn đường vài cây số vào khu dân cư ở trung tâm xã và gần bãi biển .
Mùa hè , trong những tháng 6 – 7 – 8 dương lịch và cuối tuần , chắc có nhiều du khách ghé đến đảo chơi vì khoảng cách đảo Ngọc Vừng với đất liền không xa lắm : 19 hải lý = 35km , tàu nhanh Composit đi chưa được 1 giờ đã đến . Mùa Thu – Đông hầu như không có du khách nào “lạc đường” lên đảo nên toàn bộ khách sạn nhà nghỉ nơi đây đều có nhiều phòng trống .
Mình chọn một khách sạn ở ven làng , cách khu trung tâm vài trăm thước , gần khu rừng phi lao bên bờ biển . Gọi là trung tâm có vẻ hơi quá vì đó chỉ là nơi gồm Ủy ban nhân dân xã , trường mầm non , trường tiểu học , trạm y tế , vài nhà nghỉ , cộng thêm mấy cửa hàng tạp hóa và vài chục căn nhà của cư dân , chung quanh là những cánh đồng xanh .
Nơi đảo vắng , đến vào mùa đã hết khách du lịch và lại đi một mình nên chuyện ăn uống không được thuận tiện lắm . May mà mình tình cờ “khám phá” được một cơ sở lưu trú nhỏ trong xóm , kiêm thêm bán đồ tạp hóa , bếp có cả phở và vài món ăn khác , vậy là có thể ung dung tồn tại sống sót thêm vài ngày trên hòn đảo này . Ăn uống đơn giản chắc chắn là ưu điểm trên hành trình du lịch “Vạn lý độc hành” , lang thang rong ruổi đây đó , nhất là lúc lọt vào những nơi “cùng trời cuối đất” .
Đảo Ngọc Vừng nằm trong vịnh Bái Tử Long , cách Hòn Gai 19 hải lý = 35km về hướng đông – nam , có hình chữ nhật , một cạnh dài 4km ở phía nam , có bãi biển cát trắng mịn và rừng phi lao . Cạnh còn lại khoảng chừng 3km , làm nên diện tích gần 12 cây số vuông gồm vài bãi biển , núi cao 100m , có hồ chứa nước ngọt , cánh đồng lúa , vườn rau xanh , đất canh tác , vườn cây ăn trái .
Nối tiếp với cạnh 3km là một dải đất hẹp , dài thêm 3km nữa , như cái cán chổi , kéo dài đến phía bắc của đảo , nơi có bến cảng Cống Yên từ xa xưa và cách đó gần 1km nơi cực bắc của đảo , có cầu cảng dành cho tàu nhanh Composit .
Trên dải đất , dáng hình như cái cán chổi này , có con đường dẫn vào “trung tâm” xã . Từ cầu cảng tàu nhanh , đến bến cảng Cống Yên , qua một khu dân cư , tới một đoạn vài cây số vắng vẻ , ngang qua khu qui hoạch nhà ở . Khu dân cư này đã xây dựng được vài con đường và cắm cột điện , đã thấy được chia thành nhiều lô đất nhưng tuyệt nhiên không có một ngôi nhà nào !
Đoạn cuối đường này đi ngang chợ Ngọc Vừng , trông khang trang và còn rất mới nhưng vắng vẻ đìu hiu chắc vì nằm hơi xa khu dân cư và nơi đây có thể không có nhiều nhu cầu để buôn bán ở chợ vì dân cư sống trên đảo chỉ gần 1.000 người . Qua một loạt mấy cái ao hồ nuôi tôm cá là bắt đầu vào “trung tâm” .
Đây là con đường xương sống dài 6km của đảo , chạy từ cực bắc theo hướng bắc – nam , dẫn vào phố và xuống bãi biển . Đường này được mang tên Lê Duẫn vì tháng 3 năm 1962 , với tư cách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ông có ghé lên đảo .
Nếu khách không đem theo nhiều đồ đạc , va li hành lý nặng nề mà chỉ có ba lô gọn nhẹ cho vài ngày trên đảo thì cuộc dạo bộ từ cầu cảng ở cực bắc đảo , tà tà vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên đất trời bao la , một bên là rừng ngập mặn một bên là ruộng vườn , núi đồi xanh tươi với hoa – lá – cành thì sẽ là một trải nghiệm hiếm có và vô cùng thích thú .
Tuy nhỏ nhưng đối với người đi bộ thì trên đảo có nhiều đường lớn , đường nhỏ , đường đất , đường rừng . Muốn tìm tòi – lục lọi – khám phá những góc hấp dẫn của Ngọc Vừng bằng đôi chân , cần phải có thể lực rất tốt và ít nhất vài ngày . Biết thân biết phận “tuổi già sức yếu” , không dám phung phí lạm dụng sức lực nên mình thuê một xe máy để chạy lòng vòng trên đảo .
Đến đảo nên chắc ai cũng háo hức muốn ra biển . Phòng trọ gần biển nên mình chỉ đi vài trăm thước là đã thấy biển , ngang qua vài căn nhà bị bỏ hoang , đường rộng , hai bên có nhiều cây phi lao thường thấy được trồng ở vùng ven biển .
Bãi biển nằm ở phía nam đảo , dài gần 3km với cát mịn và độ dốc không gắt , lội ra khá xa nước mới sâu dần dần . Trên bờ là một dải dài rừng cây phi lao cao lớn , có tác dụng tốt để giữ cát biển và che chắn gió bão. Bề rộng của bãi tắm cả trăm thước , lúc thủy triều xuống có thể rộng đến 150m .
Mấy tháng mùa hè , ngay bãi tắm có mấy cơ sở du lịch cho thuê phao , chạy Jetski trên biển và vài nhà hàng dã chiến được lắp ráp tạm bợ để phục vụ khách . Có thêm mấy cái lều khá lớn , mỗi cái chứa được cả chục người , cũng được dựng lên cho mấy đoàn khách ngủ nghỉ ngay bên bờ biển .
Qua mùa du lịch hè thì nơi đây vô cùng vắng vẻ . Bãi biển vắng lặng – êm đềm – xinh đẹp nhưng những hàng quán bị bỏ hoang phế , để mặc cho mưa gió hủy hoại , rác rưởi không được dọn dẹp , tràn lan khắp nơi , khung cảnh thật là nhếch nhác .
Con đường từ trung tâm xã dẫn ra biển và bãi tắm đều mang tên ông Trường Chinh – Đặng Xuân Khu , 1907 – 1988 , vì tháng 5 năm 1962 ông có lần đến thăm đảo . Vào thời điểm này ông đã từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu vì vướng mắc sai lầm nặng nề trong công cuộc Cải cách Ruộng Đất , nhưng lại chuyển qua ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội hơn 20 năm , trước khi lên làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và cuối đời trở lại vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vài tháng cuối năm 1986 .
Thấp thoáng ẩn hiện trong rừng phi lao là khách sạn Sông Đà Sudico trong khuôn viên rộng lớn nhiều cây xanh , gồm chừng 10 căn Bungalow xây bằng vật liệu kiên cố , tất cả đều nhìn ra hướng biển và đầy đủ tiện nghi nhưng chỉ hoạt động vào những tháng hè . Hết hè là khách sạn đóng cửa chờ . . . đến hè năm sau , thật đáng tiếc !
Suy nghĩ cho sâu và rộng thêm thì còn chuyện đáng buồn hơn nữa . Vì ngoài việc những cơ sở vật chất rất tốt như vậy trên khắp đất nước Việt Nam không được tận dụng thì biết bao nhiêu người tài giỏi trên đất nước chúng ta đã và đang phải ngồi chơi xơi nước vì chủ nghĩa lý lịch – vì không hùa theo nhóm lợi ích để tham nhũng – và vì nhiều nơi sợ không dám nhận những nhân tài này vào làm việc .
Ở một góc khác , cũng trên bãi tắm này , có một nhà sàn , thấp thoáng dưới tán của những cây phi lao mấy chục năm tuổi và nằm gọn trong một khu vườn cây um tùm xanh tươi . Nhà sàn đủ rộng cho vài chục người lưu trú , chắc chuyên dành cho những đoàn đã được đặt trước . Có cả một nhà hàng cạnh nhà sàn , ngay bên bờ biển để phục vụ khách trong mấy tháng hè . Sau hè nơi đây cũng ngưng hoạt động , đóng cửa im lìm và chờ . . . mùa hè năm tới !
Dịp Thu – Đông , bãi tắm bị lâm vào cảnh hoàn toàn vắng vẻ – lặng lẽ – hoang phế . Thật đáng tiếc vì lúc này phong cảnh trên đảo sở hữu nét đẹp rất khác . Mặc dù không còn những ngày nắng nóng chói chang người người tung tăng bơi lội của mùa hè nhưng bù lại , bây giờ xuất hiện cái đẹp của tĩnh lặng – êm đềm – lung linh – mờ ảo đầy chất thiền với thiên nhiên trong lành , hải sản ngon – bổ – rẻ và cơ sở vật chất có sẵn mà tuyệt nhiên lại không có du khách ghé để đổi gió – nghỉ ngơi – an dưỡng thì quá uổng và quá phí !
Ngoài biển , cách bãi tắm một đoạn ngắn , có con đường bằng đá dẫn ra hòn đảo như một ngọn núi nhỏ . Từ xa xưa , trên đỉnh có chòi canh và pháo đài để phát hiện , ngăn chặn tàu thuyền của địch xâm nhập từ mặt biển . Đảo được đặt tên là Hòn Pháo Đài . Khi thủy triều xuống ta có thể đi bộ qua Hòn Pháo Đài , lúc thủy triều lên thì con đường đá sẽ tràn ngập bằng nước biển bao phủ , giống như địa danh Le Mont Saint Michel – Di sản văn hóa thế giới , bên bờ Đại Tây Dương ở vùng biển Normandie , tây – bắc nước Pháp .
Rời bãi biển , đi theo đường Trường Chinh ngược vào đảo chừng vài trăm thước , ta sẽ thấy một công trình tương đối lớn bên trái , cạnh cánh đồng xanh mướt : Khu di tích lưu niệm Bác Hồ .
Ngày 12 tháng 11 năm 1962 , Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bằng tàu bay trực thăng đến thăm quân và dân trên đảo Ngọc Vừng . Tại địa điểm xưa kia Bác trò chuyện thân mật với bà con , đã được xây dựng thành Di tích lưu niệm Bác Hồ . Diện tích khu di tích hiện nay là 2,5 héc ta , sẽ được mở rộng đến hơn 6 héc ta , đã có bộ mặt khang trang với ao cá – vườn cây xanh – nhà bia đá – phòng trưng bày – cơ sở quản lý .
Phía sau Di tích lưu niệm Bác Hồ chừng vài trăm thước , từ con đường chính dài 6km đến bến cảng Cống Yên , có một lối nhỏ tách ra , dẫn lên cột cờ trên núi Tùng Lý cao 95m . Đứng bên cột cờ quốc gia ở độ cao này , chúng ta được có cái nhìn toàn cảnh – Panorama xuống mọi góc cạnh của đảo Ngọc Vừng , và thấy cả những hòn đảo lân cận rất rõ , từ trên cao .
Hai đảo hàng xóm , chỉ cách vài cây số và có diện tích ngang ngửa với Ngọc Vừng gồm đảo Vạn Cảnh ở phía bắc và đảo Phượng Hoàng phía đông – nam . Xa xa về hướng đông , cách khoảng 14 hải lý = 26km có đảo Quan Lạn , nổi tiếng với con Sá Sùng và đang phát triển mạnh về du lịch .
Nhờ có xe máy , mình len lỏi theo những con đường nhỏ , và không ngờ là khám phá được nhiều điều thú vị về đảo Ngọc Vừng . Gần ngôi đền là hồ Ngọc Thủy có từ xưa , chỉ rộng vài ngàn mét vuông . Nằm sâu trong đất liền , có thêm hồ chứa nước ngọt Cẩu Lẩu , rộng gần 10 héc ta , luôn luôn có đủ nước để cung cấp cho gần 1.000 cư dân trên đảo , đủ cả cho mấy chục héc ta ruộng lúa và những vườn rau – củ – quả .
Dòng họ Phạm có công lớn trong việc ra đảo định cư trước đây cả ngàn năm , khai phá rừng hoang thành ruộng vườn tươi tốt , bảo vệ quê hương tổ quốc . Họ Phạm có 3 vị tướng tài giỏi , đã giúp Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương thực của tướng giặc Mông Cổ Trương Văn Hổ , làm nên chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục vang dội vào mùa xuân năm 1288 .
Đó là 3 tướng Phạm Thuần Dụng , Phạm Công Chính và Phạm Quý Công . Sau khi 3 vị tướng họ Phạm hy sinh , nhân dân Ngọc Vừng đã dựng đền , tôn xưng các Ông làm Thành hoàng để thờ phụng . Trong đền vẫn còn giữ được những sắc phong của vua Tự Đức ban năm 1850 , vua Thành Thái ban năm 1889 và vua Khải Định ban năm 1917 . Cả 3 vị tướng họ Phạm này cũng được nhân dân trân trọng kính thờ bên đảo xã Quan Lạn .
Ôn chiến công của cha ông ta ngày xưa chống giặc ngoại xâm , cũng nên nhắc đến chuyện thời mới đây thôi . Thời kỳ Mỹ dội bom miền Bắc Việt Nam , 1964 – 1972 , rất nhiều máy bay phải băng qua vùng biển Hạ Long – Bái Tử Long để vào đất liền . Trong chiến dịch Linebacker 2 dịp cuối năm 1972 , quân và dân đảo Ngọc Vừng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ trên vùng trời tỉnh Quảng Ninh vào ngày 24 tháng 12 năm 1972 từ cụm phòng không bằng pháo cao xạ 12,7mm trên đảo .
Trên đường loanh quanh lòng vòng trên đảo mình thấy có cả một xóm với mấy chục căn nhà bị bỏ hoang , lạ quá ! Hỏi ra mới biết đó là hậu quả của một chương trình di dân bị phá sản , thất bại hoàn toàn , giống như trong miền Nam đi khu kinh tế mới những năm sau 1975 .
Xóm nằm ở khu vắng vẻ yên tĩnh có rất nhiều cây cối xanh tươi , cách biệt mấy xóm khác và lại gần ao hồ , gần bãi biển . Nếu được sửa chữa – chỉnh trang – tu bổ lại để làm du lịch trẻ mô hình Hướng Đạo cắm trại hoặc du lịch tu tập theo trường phái thiền chắc sẽ rất thích hợp . Vậy mà cả xóm với mấy chục căn nhà bị bỏ hoang phế từ lâu lắm rồi , uổng quá !
Giữa thập niên 1990 , cả trăm hộ dân từ Nam Định – Thanh Hóa được khuyến khích ra đảo Ngọc Vừng lập nghiệp . Nhà nước tặng mỗi hộ một căn nhà gạch 30 mét vuông , cấp một số tiền làm vốn cho nghề đánh bắt hải sản gần bờ và miếng đất để trồng trọt . Nhưng trên đảo khi đó không có điện , không đủ nước sinh hoạt , di chuyển từ đất liền ra đảo bất tiện , gặp nhiều khó khăn , nền kinh tế yếu kém nên đa số lại hồi hương , quay về quê cũ . Còn trụ lại trên đảo chỉ chừng mười gia đình vì đã bán hết nhà cửa ao vườn ở quê , đi thì không biết về đâu nên ở lại đảo đến bây giờ .
Những ngày êm đềm trên đảo trôi qua rất nhanh , đến lúc tạm biệt Ngọc Vừng . Tàu nhanh khởi hành sớm từ Quan Lạn , ghé đón khách ở cầu cảng Ngọc Vừng lúc 7g30 nên mình dậy sớm trả phòng , khoác ba lô đi bộ đoạn đường hơn 6km ra đón tàu về Hòn Gai . Thời tiết xấu , trời không mưa nhưng âm u , có gió và nhiều mây đen , biển động nhẹ . Không biết hôm nay có tàu để về đất liền hay không , hay được lưu lại đảo vắng này vài ngày nữa ?
Một mình đứng chờ hơn 30 phút ở cầu cảng nhưng chẳng thấy tàu thuyền nào , vào xóm hỏi thì được biết như vậy là hôm nay biển động , tàu nhanh Composit không được chạy tuyến Hòn Gai – Ngọc Vừng – Quan Lạn . Phải chờ đến quá trưa , may ra có tàu gỗ đi tuyến Bến Vũng Đục ở Cẩm Phả ra Ngọc Vừng , vào bến cảng Cống Yên và quay về . Tuyến này đi len lỏi qua các đảo Cống Đông , đảo Cống Tây , đảo Thắng Lợi nên ít bị sóng gió .
Tàu gỗ chạy chậm hơn nhưng trải nghiệm cũng rất thú vị và cũng không chậm hơn bao nhiêu , 15 hải lý = 28km nên sau khoảng 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long , đã tới Bến Vũng Đục – Cẩm Phả . Từ đây đi bộ 1,5km sẽ gặp quốc lộ 18 tại một bùng binh rất lớn , đón xe buýt chạy theo quốc lộ 18 , ngang qua suối nước nóng Quang Hanh là thấy về đến Hòn Gai .
Nguyễn Chi Hoài Nhơn
Photos: